Kỹ năng và sản phẩm là hai thứ sinh thành lẫn nhau

Kỹ năng và sản phẩm

Chia sẻ kiến thức 12/07/2021

Sản phẩm và kỹ năng là hai thứ sinh thành lẫn nhau, không thứ nào đẻ trước thứ nào, mà là chúng đẻ ra nhau. Sản phẩm mà tinh xảo thì kỹ năng người làm ra sản phẩm ấy cũng tinh xảo, và ngược lại.

Nhân việc bàn luận về quy trình và công nghệ phát triển sản phẩm, tôi viết bài này gửi các bạn, để suy nghĩ, trước khi ta có quyết định về cách phát triển sản phẩm. 

Kỹ năng

Bất cứ bạn nào nhớ lại việc học đi xe đạp của mình từ ngày còn nhỏ thì đều biết rằng trước khi đạp xe một cách thành thạo thì ai cũng bị ngã xe vài lần, bị loạng choạng, bị đâm lung tung nhiều lần, thậm chí nhiều người ngã gẫy cả răng, tều cả môi … nhưng ai cũng như ai, cứ tập mãi thì rồi cũng biết đi xe đạp thành thạo.

Có một nghịch lý của đi xe đạp không biết có bạn nào phát hiện ra không?

Đó là khi tập thì mắt bạn nào cũng chăm chú nhìn đường, đầu óc căng thẳng để sao cho giữ được thăng bằng ngọc thể… ấy thế mà vẫn cứ ngã gẫy răng, sưng mỏ. Nhưng khi đạp xe thành thạo rồi thì bạn nào cũng như bạn nào, lượn ngang, lượn dọc, nghiêng trái, nghiêng phải, thậm chí đi xe có một tay, tay kia còn bận cầm que kem… nhưng lúc đó đầu óc các bạn không hề nghĩ gì về việc đạp xe cả, chỉ nghĩ sao cho cây kem đừng làm ướt tay, đạp xe lúc đó đã trở thành một việc hoàn toàn tự động. Thế nên mới có bài hát “Xe đạp ơi” lãng mạn cho các bạn hát “nhớ khi xưa anh chở em”, chứ đạp xe mà căng thẳng đầu óc thì đâu còn “thương hoài những vòng xe” được. À, mà lúc đó có căng thẳng đầu óc thật nhưng mà vì lý do khác chứ không phải vì đạp xe.

Khi các bạn vừa đạp xe chở “mối tình nghèo đơn sơ quá” vừa hát “quay đều, quay đều, quay đều, thương hoài những vòng xe” thì là lúc các bạn đã có kỹ năng đi xe đạp.

Vậy một câu hỏi đặt ra, “Kỹ năng là gì?”

Hỏi thế không hay bằng đặt câu hỏi, “Làm thế nào để có kỹ năng?”

Như đi xe đạp, kỹ năng đi xe chỉ có sau hàng loạt va đập với mặt đường, kỹ năng làm mọi thứ khác cũng chỉ có bằng cách làm việc thật sự, làm bằng tay, đổ mồ hôi thật, va đập với những người khác cùng làm thì mới có cái gọi là kỹ năng.

Như đi xe đạp, bạn có kỹ năng tuyệt hảo về tiếng Anh nếu bạn có thể nói tiếng Anh mà không căng thẳng đầu óc để tìm từ, rồi dịch thầm từ tiếng Việt sang tiếng Anh, trước khi mồm bạn cất lên câu tiếng Anh tương ứng.

Túm lại, các bạn có thể làm bất cứ việc gì từ đơn giản đến phức tạp, một cách thành thạo, thanh thản, vui vẻ thì bạn có kỹ năng tương ứng. Ngược lại, nếu bạn còn căng thẳng đầu óc khi làm, còn loay hoay thì bạn có kỹ năng hay kỹ năng chưa ở mức thành thạo.

Túm lại một câu quan trọng này, kỹ năng luôn là kết quả của việc đổ mồ hôi lao động thật sự. Không thể chỉ ngồi nghe giảng mà có được kỹ năng, không thể chỉ nằm đọc sách mà có được kỹ năng, phải làm bằng tay thật.

Kỹ năng và sản phẩm

Ai cũng biết, các bạn làm việc tức là sản xuất ra sản phẩm.

  • Làm nông thì sản xuất ra lúa gạo, tôm cá.
  • Làm cao su thì sản xuất ra mủ cao su.
  • Làm báo thì sản xuất ra bài báo.
  • Làm phần mềm thì sản xuất ra sản phẩm phần mềm.

Sản phẩm là thứ bên ngoài các bạn, người khác hưởng lợi ích của sản phẩm do các bạn làm ra.

Nhưng ít ai biết, con người làm việc thì cũng đồng thời sản xuất ra kỹ năng cho chính mình.

  • Làm nông thì dần hình thành, tức sản xuất ra kỹ năng “nước, phân, cần, giống”.
  • Làm cao su thì sản xuất kỹ năng chăm sóc cây cao su, chọn đất phù hợp với tính chất của cây.
  • Làm báo thì sản xuất kỹ năng viết lách.
  • Làm phần mềm thì sản xuất kỹ năng coding, như các bạn hay hét khi đá bóng “khỏe để coding”.

Kỹ năng là thứ nằm ở bên trong các bạn, chính các bạn hưởng lợi ích của chúng, không ai cướp được chúng cả, các bạn đi đâu thì bê luôn kho báu ấy đi theo, đến tận cuối hành trình cuộc đời.

Nghĩa là, nói một cách triết học thì sản phẩm và kỹ năng là hai thứ sinh thành lẫn nhau, không thứ nào đẻ trước thứ nào, mà là chúng đẻ ra nhau. Sản phẩm mà tinh xảo thì kỹ năng người làm ra sản phẩm ấy cũng tinh xảo, và ngược lại.

Còn nói theo kiểu diễn nôm thì cách nghĩ phải có kỹ năng trước đã rồi mới làm ra sản phẩm tốt là không đúng lắm, chỉ hơi đúng thôi, nhưng hơi đúng thế nào nói sau.

Lý thuyết và kinh nghiệm

Có hai kiểu làm việc, làm kiểu kinh nghiệm, như chú bé đi xe đạp thì rồi cũng biết đi xe. Vậy nên mới có câu, “Just do it” – “Cứ làm tới đi”.

Nghe ra cũng đúng.

Nhưng các bạn hãy thay cái xe đạp bằng cái máy bay xem. Liệu các bạn có thể tự sản xuất ra kỹ năng lái máy bay cho mình bằng cách cứ chốc lát lại cho máy bay đâm đầu xuống đất một phát như ngã xe đạp hay không? Chắc là không, vì chỉ sau cú đâm đầu thứ nhất, là bạn đã lái tầu bay giấy rồi, đâu còn cơ hội để lái tầu bay thật lần nữa.

Nghĩa là có thứ làm việc được định hướng bằng kinh nghiệm, nhưng có thứ phải dùng lý thuyết để định hướng.

Nuôi 20 con gà như bà già nhà quê thì chỉ cần kinh nghiệm, nhưng nuôi 2 triệu con gà trong trang trại thì phải cần lý thuyết về nuôi gà. Mà trong nhiều trường hợp, nếu áp kinh nghiệm nuôi 20 con gà kia vào 2 triệu con gà này thì sẽ giết chết cái trang trại ấy ngay tắp lự.

Nếu các bạn cứ tính toán, vẽ vời trên giấy thì bạn chỉ cần kinh nghiệm tương đương với kinh nghiệm nuôi 20 con gà. Nhưng nếu các bạn cần tự động hóa việc tính toán và vẽ vời bằng cái thứ gọi là phần mềm thì các bạn cần lý thuyết về sản xuất phần mềm, y như người chủ trang trại nuôi 2 triệu con gà. Nếu chỉ tư duy theo kiểu “con gà cục tác lá chanh” thì các bạn chỉ nuôi được 20 con gà thôi.

À mà cũng nói thêm, cũng là lý thuyết, nhưng lý thuyết nuôi 2 triệu con gà rất khác với lý thuyết nuôi 200.000 con gà, hay lý thuyết để nuôi 20 triệu con gà trong một trang trại.

Nhưng liệu có thứ kinh nghiệm hình thành dựa trên lý thuyết không? Có chứ, và đó là một đề tài hay mà chúng ta sẽ bàn vào dịp khác.

Mentor Hoàng Xuân Thịnh

Kỹ sư về Giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!