Những triết lý khởi nghiệp của Chủ tịch Clever Group | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Những triết lý khởi nghiệp của Chủ tịch Clever Group

Tin tức 04/04/2021

Gặp gỡ các xTer FUNiX trong buổi talk chủ đề “Thể thao và khởi nghiệp”, anh Nguyễn Khánh Trình - Chủ tịch Clever Group đã chia sẻ những triết lý kinh doanh quý báu - giúp anh đưa công ty của mình  lên sàn chứng khoán thành công. 

Khởi nghiệp với 30 triệu đồng, sau 12 năm, Clever Group do anh Nguyễn Khánh Trình đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tiếp thị, quảng cáo số. Công ty đã vốn hóa đến 1000 tỉ đồng trên sàn chứng khoán.

Điều gì đã giúp anh Trình tạo lập được thành công đáng tự hào này? Dưới đây là những triết lý khởi nghiệp nổi bật mà anh chia sẻ với xTer FUNiX trong buổi trò chuyện trực tuyến vừa qua.

Không cần xuất sắc, nhưng cần chuyên nghiệp

Anh Trình tự nhận mình là một người hết sức bình thường, không tài giỏi, thông minh, từ gia đình đến bằng cấp. Ngay cả trong lĩnh vực công nghệ, anh không phải một người quá xuất sắc về lập trình. Tuy nhiên, chính sự chuyên nghiệp, toàn tâm toàn ý trong công việc đã từng bước nâng cao thành quả kinh doanh của anh.

“Tôi cho rằng để đất nước hùng cường, Việt Nam không cần những con người quá tài giỏi mà cần có sự chuyên nghiệp. Chỉ cần mỗi người làm việc tốt công việc của mình, không tạo gánh nặng cho người khác, là đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

Năng lực quản trị quan trọng hơn năng lực CNTT

Anh Trình cũng cho rằng, hầu hết những công ty khởi nghiệp công nghệ thành công hiện nay đều có Founder không xuất sắc về lập trình. Một startup trước hết cần sản phẩm do người sáng lập tạo nên, khi doanh nghiệp còn nhỏ thì năng lực CNTT có vai trò quan trọng, nhưng chỉ trong khoảng hai năm đầu mà thôi. Sau đó thì năng lực quản trị đóng vai trò cốt yếu.

“Điểm yếu lớn nhất của đa phần các đơn vị khởi nghiệp Việt Nam là không có năng lực quản trị doanh nghiệp: set up đội nhóm, triển khai tài liệu, quản trị tài chính… Một điều cực kỳ quan trọng với các doanh nghiệp là cần trích lập dự phòng: khi làm kinh doanh tốt thì phải dành ra một số tiền để phòng ngừa những rủi ro bất ngờ như dịch bệnh Covid-19 vừa qua. 

Chủ tịch Clever Group cho rằng điểm yếu lớn nhất của đa phần các đơn vị khởi nghiệp Việt Nam là không có năng lực quản trị doanh nghiệp

Theo anh Trình, vòng đời của một start-up công nghệ bao gồm 7 bước: (1) Có sản phẩm; (2) Sản phẩm có người dùng; (3). Sản phẩm có nhiều người dùng; (4) Sản phẩm bán được; (5) Sản phẩm bán được cho nhiều người; (6) Sản phẩm bán được cho nhiều người và có lời, (7) Sản phẩm cho lời nhiều. Trong đó, từ bước có sản phẩm đến có lời nhiều là một chặng đường rất xa. Nếu Founder chỉ giỏi về chuyên môn thì chỉ có vai trò đáng kể ở hai bước đầu tiên. Còn khi sản phẩm bắt đầu có người dùng, thì vai trò này sẽ giảm xuống, thay vì phát triển sản phẩm, tầm quan trọng của các khâu khác như chăm sóc khách hàng, sale, HR, tài chính kế toán… sẽ tăng lên. 

Cân bằng mọi nhu cầu của bản thân

Theo anh Nguyễn Khánh Trình, trên con đường khởi nghiệp nói riêng và trong cuộc sống nói chung, việc cân bằng nhu cầu của bản thân rất quan trọng. Việc cân bằng được ước mơ, đam mê, sở thích với cơm áo gạo tiền…  sẽ giúp cho bạn có một nguồn động lực ổn định trong cuộc sống. Nhưng làm thế nào để “cân bằng mọi nhu cầu của bản thân”?

Anh Trình cho rằng trước 30 tuổi bạn cần làm việc 12 tiếng mỗi ngày: 4 tiếng mỗi buổi trưa, chiều, tối. Vậy làm thế nào để đảm bảo năng lượng? Câu trả lời là duy trì luyện tập một cách đều đặn, sinh hoạt đều đặn.

“Hơn 20 năm nay, tôi đã duy trì thói quen đi ngủ lúc 11h, dậy lúc 5h – 5h30, không ngủ trưa. Nhờ vậy tôi đã duy trì được thể lực tốt, làm việc hiệu quả” – anh tiết lộ.

Nếu bỏ lỡ sự kiện, bạn có thể xem lại video buổi talk tại đây:

Quỳnh Anh – Vân Nguyễn

 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại