“Ở Việt Nam không thiếu những đứa trẻ tuổi 40” | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

“Ở Việt Nam không thiếu những đứa trẻ tuổi 40”

Tin tức 11/05/2017

Anh Nguyễn Vũ Hưng – mentor tại tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX mới đây vừa đảm nhận thêm vai trò mới: chủ nhiệm CLB Code dạo trực thuộc vườn ươm tài năng Talinpa do GS. Ngô Bảo Châu sáng lập. Cùng trò chuyện với anh Hưng để hiểu hơn về dự án cũng như những kỳ vọng của anh vào mô hình này.  

Thông tin nhân vật:

Mentor Nguyễn Vũ Hưng – CTO Fuji Technology

Hơn 12 năm kinh nghiệm trong ngành IT, từng đảm nhiệm nhiều vị trí như giám đốc đào tạo, quản lý dự án phần mềm… nhiều năm tu nghiệp và làm việc tại Nhật Bản.

Mentor FUNiX các môn thuộc Chứng chỉ 1 – Công dân số.

Tại sao anh lại nhận phụ trách CLB Code dạo của Talinpa trong khi hiện tại anh đang phụ trách khá nhiều đầu việc (CTO tại FUJI Technology, mentor tại FUNiX…)

Mình nhận CLB Code dạo khá tình cờ, khi anh Nguyễn Thành Nam (Nhà sáng lập FUNiX) thống nhất với CLB Talinpa do GS. Ngô Bảo Châu sáng lập thành lập CLB Code dạo trực thuộc chuyên về lập trình. Khi anh Nam huy động sự tham gia của các mentor trong cộng đồng FUNiX, anh Trần Xuân Lâm đã đề cử mình với anh Nam, và mình nhận lời, đơn giản vậy.

Đúng là hiện tại mình khá khá bận với nhiều dự án nhưng khi có thêm một việc mới (CLB Code dạo), chỉ cần sắp xếp lại công việc, phạm vi, độ ưu tiên là làm thêm được. Thời gian, hay “bận” không phải là lý do quyết định việc mình tham gia hay không, mà đơn giản là “mình thích thì mình làm thôi”.

Mentor FUNiX Nguyễn Vũ Hưng.

Anh có thể bật mí vài thông tin về hình thức hoạt động cũng như tiêu chí chọn lựa thành viên của CLB?

Về đối tượng, CLB Code dạo sẽ chọn chủ yếu là học sinh cấp III, sắp bước vào trường đại học (cấp II, đại học hay quá tuổi vẫn được xem xét) và cơ bản là thích lập trình và coi nó như một nghề. Tất nhiên những bạn đã có kiến thức về lập trình web sẽ được ưu tiên hơn.

Quan trọng nhất là các em cần có tư duy logic, tinh thần phản biện, ham học và không ngừng khám phá, chinh phục giới hạn bản thân mình.

Khoá đầu của CLB Code dạo chỉ hạn chế số lượng từ 20 ~ 25 học viên.

Về cách thức hoạt động, CLB Code dạo sẽ là một lớp học, vận hành theo các hình thức tự học và cùng học giữa học viên – học viên, học viên – mentors (mô hình mentor tương tự như tại FUNiX, trong đó mentor đóng vai trò gợi mở, định hướng, hướng dẫn chứ ít dạy trực tiếp (một chiều).

Lớp hoạt động offline một tuần một buổi 2h vào các chiều chủ nhật, còn lại trao đổi online.

 

CLB Code dạo thuộc Vườn ươm tài năng Talinpa do GS. Ngô Bảo Châu sáng lập.

CLB code dạo khi vận hành sẽ tạo ra những giá trị gì cho các em học sinh tham gia sinh hoạt?

Tên của CLB là “hướng nghiệp” và “CLB Code dạo” cũng lấy đó làm tư tưởng chính: Người thật, việc thật, tự học, cùng học, làm ra sản phẩm thật (bán được?) chứ không chỉ học lý thuyết (một chiều)

Học viên tham gia khoá học này sẽ có được những thói quen tốt của người đi làm, có thể sẵn sàng công việc (lập trình) IT trên đôi chân của mình.

Là một người có thâm niên trong ngành IT, theo anh việc các em học sinh được tiếp xúc với lập trình từ sớm sẽ mang lại lợi ích gì cho quá trình phát triển hiện tại cũng như tương lai sau này?

Mình rất muốn làm rõ thế nào là sớm? Trẻ ở tuổi nào có chỉ số IQ của tuổi đó, và tư duy logic thì ai cũng có.

Lập trình là việc làm (chủ yếu) trên máy tính và các thiết bị di động khác, là thứ mà học sinh nói riêng hay tất cả chúng ta đều rất quen thuộc, đã tiếp xúc sớm và thường xuyên. Từ việc sử dụng phần mềm (web) hàng ngày cho tới việc làm ra phần mềm là một bước ngoặt cho những người yêu nghề (IT) và thích làm ra sản phẩm.

Hai yếu tố trên không liên quan nhiều tới tuổi. Thực tế thì chúng ta có rất nhiều học sinh cấp 1 ở Việt Nam và trên thế giới đã có thể lập trình (logic, bằng phần mềm scratch chẳng hạn). Vì thế với học sinh cấp III, việc tiếp xúc với lập trình web không phải là sớm, thậm chí các em hoàn toàn có thể học sớm hơn. 

Điểm khác biệt của sự “sớm” ở đây là sản phẩm các bạn làm ra là một thứ đồ chơi (toy project) hay dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế, sản phẩm có thể ứng dụng/bán được

Theo anh Hưng, các bạn học sinh tiếp cận với lập trình càng sớm càng có lợi.

Anh kỳ vọng gì ở một mô hình hướng nghiệp thực tiễn như Talinpa?

Ở Việt Nam không thiếu những anh/chị/cô/chú đã 40 tuổi rồi mà vẫn chưa lớn (vẫn được bố mẹ nuôi nấng, che chở, giúp đỡ trong sự nghiệp…). Mình tin rằng nếu bố mẹ họ tạo cho họ một môi trường làm nghề yêu thích thật sự thì cơ hội cao là họ sẽ tự lập hơn. 

Theo mình thấy, với mô hình dạy dự án thật (bán sản phẩm được, hay bán được kỹ năng/sức lao động cho một công ty nào đó), người thật… thì các bạn học viên có thể tự làm ra tiền, tự thực hiện ý tưởng của mình ngay khi ngồi trên ghế nhà trường/đại học (một việc không hiếm, nhưng không nhiều). Nó sẽ tạo ra động lực rất lớn cho các em.

Điều hành câu lạc bộ Code dạo, với kỳ vọng đào tạo ra đối tượng “elite” (tinh nhuệ, tinh hoa), mình hy vọng từ Talinpa cũng sẽ xuất hiện nhiều cá nhân có trí tuệ và chí hướng bằng một nửa Gs. Ngô Bảo Châu, dù còn trẻ.

Và dù các em không đạt được mức đó, mình tin qua hoạt động này cũng sẽ tạo ra nền móng để họ phát triển trở thành những kỹ sư/lập trình viên làm được việc (sớm hơn so với thông thường là phải tốt nghiệp đại học mới làm được) và đóng góp công sức của mình sớm hơn cho xã hội. 

Nếu mô hình thành công, mình nghĩ nên nhân rộng theo số lượng, tỉnh thành, hay hoạt động online/offline để nhiều em học sinh được định hướng phát triển sớm hơn. 

Vườn ươm Talinpa là một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, ra đời theo sáng kiến của GS. Ngô Bảo Châu. Talinpa đặt cho mình nhiệm vụ phát hiện và bồi dướng tài năng của trẻ nhỏ ở trong các lĩnh vực khoa học, văn hoá và nghệ thuật bằng việc tổ chức các khoá bồi dưỡng học sinh năng khiếu, khám phá khoa học và nghệ thuật, trau dồi kỹ năng học tập và nghiên cứu.

Talinpa nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và vô tư của các thầy cô giáo có kinh nghiệm trong việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, các nhà khoa học ở nhiều chuyên môn khác nhau và cá tổ chức dân sự hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Talinpa đang tiến hành hoạt động hướng nghiệp cho học sinh trong nhiều lĩnh vực như Công nghệ phần mềm, y tế, giáo dục, kiến trúc…

CLB Code dạo là một nhánh nhỏ của Vườn ươm Talinpa, khởi đầu từ sáng kiến của Founder FUNiX – cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam, do mentor Nguyễn Vũ Hưng cùng các mentor FUNiX khác chịu trách nhiệm phát triển.

Website Vườn ươm Talinpa: https://talinpa.net/

Fanpage CLB Code dạo: https://www.facebook.com/talinpacodedao/

Mai Phương

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại