Nữ sinh Hải Phòng và bảng vàng thành tích công nghệ | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Nữ sinh Hải Phòng và bảng vàng thành tích công nghệ

Chân dung xTer 11/03/2021

(Theo VnExpress) Nguyễn Đỗ Phương Uyên - sinh năm 2000 tại Hải Phòng - là nữ sinh Việt Nam duy nhất giành cú đúp giải thưởng tại Hackathon Mỹ năm 2020 và nằm trong Top 140 cuộc thi Datathon cho nữ giới đầu 2021.

Mùa hè năm 2018, Uyên bắt đầu những ngày đầu theo học ngành Quản trị Kinh doanh tại trường Earlham, bang Indiana, Mỹ. Vì là con một, từ bé cô đã gần gũi với gia đình nên lần xa nhà này với Uyên dài đằng đẵng. Tại đây, những cuộc gặp gỡ định mệnh đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời nữ sinh sinh năm 2000. Từ một học sinh chuyên Anh, yêu Văn học, giờ đây Phương Uyên là cái tên nổi bật trong cộng đồng công nghệ trường Earlham, với những thành tích ấn tượng và nhiều hoạt động tích cực góp phần thay đổi định kiến về nữ giới với công nghệ.

Ngã rẽ định mệnh

Theo kế hoạch, Uyên sẽ theo học ngành Quản trị Kinh Doanh trong 4 năm tại Earlham. Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi cô tham gia cuộc thi khởi nghiệp “Earlham Prize for Creative Capitalism” vào cuối năm nhất và giành giải Á quân. “Ý tưởng của nhóm là xây dựng một ứng dụng gợi ý thực đơn nấu ăn dựa trên những nguyên liệu còn trong tủ lạnh. Điều này giúp mọi người sử dụng hết thực phẩm còn dư, tiết kiệm thời gian và tiền bạc đi siêu thị”, nữ du học sinh nói.

Nguyễn Đỗ Phương Uyên (mặc áo dài) thắng giải Á quân cuộc thi khởi nghiệp Earlham Prize for Creative Capitalism năm 2019.

Khi tiếp xúc với môi trường giáo dục mới, Uyên hiểu rằng công nghệ sẽ là một phần không thể thiếu trong tương lai. Hơn nữa, nếu muốn biến ý tưởng ứng dụng nấu ăn thành hiện thực, cô phải hiểu về công nghệ và có kết nối với cộng đồng làm công nghệ. Động lực đó khiến Uyên quyết tâm chinh phục học bổng của – Grace Hopper Celebration (GHC) – Hội nghị công nghệ lớn nhất thế giới dành cho phụ nữ.

Tháng 5/2020, Uyên nhận được học bổng toàn phần của GHC. Đến tháng 10, trong hội thảo do AnitaB.org tổ chức, cô gặp gỡ và được truyền cảm hứng từ nhiều nhân vật nữ nổi tiếng làm việc trong các tập đoàn công nghệ lớn, như Google, Facebook… Sau đó, Uyên tiếp tục được trường cử làm đại diện tham gia Hội thảo nghiên cứu về công nghệ 2019 tại School of Computer Science, Carnegie Mellon University – Top 3 Đại học về công nghệ tại Mỹ.

Những lần gặp gỡ, tiếp xúc với cộng đồng công nghệ đã đưa Uyên đến với một trong những quyết định quan trọng nhất cuộc đời – chuyển hướng sang ngành Khoa học Máy tính. Uyên quyết định chuyển ngành mà không chần chừ, cô cũng được bố mẹ hoàn toàn ủng hộ. Nhưng sau quyết định rẽ ngang là muôn vàn khó khăn mà Uyên chưa ngờ đến.

“Thách thức đầu tiên là thời gian. Mình chỉ còn khoảng ba năm để hoàn thành việc học, trong khi các bạn khác đã học trước hơn một năm. Tiếp đến là đặc thù ngành công nghệ phải có nền tảng nhất định về tin học, trong khi môi trường giáo dục ở Việt Nam rất khác Mỹ, mình gần như không biết gì về công nghệ, lập trình. Đó là khó khăn lớn nhất”, Uyên kể.

Tháng 10/2020, Phương Uyên nhận học bổng toàn phần của Grace Hopper Celebration (GHC).

May mắn là từ bé, nữ sinh trường chuyên Trần Phú đã học đều các môn, nên nền tảng toán học khá vững. Nhưng để theo học ngành công nghệ, Uyên phải cố gắng gấp 10 lần để theo kịp bạn bè. “Nhiều hôm mình phải thức đến 4h sáng để làm bài tập. Có lần bật khóc giữa đêm vì viết hơn trăm dòng code mà không ra kết quả, không biết lỗi ở đâu, phải làm lại từ đầu”, Uyên kể. Giai đoạn này kéo dài suốt năm hai, đến năm thứ ba, Uyên mới quen dần với các bài tập.

Mặc dù gặp nhiều trở ngại, nữ sinh Hải Phòng chưa bao giờ hối hận vì quyết định chuyển ngang của mình. Uyên tin rằng sự bền bỉ, kiên trì có thể tạo nên thành công. “Nếu mình chưa giỏi, thì phải chăm chỉ. Nếu các bạn bỏ 100% sức lực, mình bỏ 200% và kiên định với mục tiêu của mình”, Uyên nói.

Uyên cho rằng công nghệ là thực tế. Code càng nhiều, càng hiểu được các dạng bài. Ngoài việc thực hành nhiều, cô còn tham gia các câu lạc bộ, hỏi bài các anh chị đi trước và tham gia trợ giảng cho các giáo sư để rút ngắn khoảng cách với các bạn cùng khoá.

Song song với việc học trên giảng đường, Uyên còn tham gia các hoạt động ngoại khoá của trường. Tháng 11/2019, cô sáng lập và giữ chức Chủ tịch câu lạc bộ “Girls Who Code Earlham College Loop” – tổ chức về công nghệ cho nữ giới đầu tiên của trường.

Kết thúc năm hai, Nguyễn Đỗ Phương Uyên nằm trong 1% sinh viên được nhận học bổng dành cho sinh viên xuất sắc và có nhiều đóng góp cho Khoa Công nghệ.

36 giờ chạy đua trên đất Mỹ

Một trong những sự kiện ghi dấu tên tuổi Nguyễn Đỗ Phương Uyên trong cộng đồng công nghệ là cú đúp tại cuộc thi Tech Together Boston – Hackathon lớn nhất tại Mỹ dành cho nữ giới, do sinh viên tổ chức.

Mùa xuân năm 2020, cô bay ba tiếng từ Indiana sang Boston để tham gia Hackathon đầu đời. “Nữ hacker đầu tiên đã đến Tech Together Boston”, ban tổ chức cuộc thi chụp hình Uyên và đăng lên Fanpage.

Đa số những người tham gia Hackathon đã có đội của mình, nhưng nữ sinh trường Earlham chỉ có một mình. Trong buổi tìm kiếm đồng đội, Uyên chủ động trả lời các câu hỏi, chia sẻ về vấn đề mình quan tâm và tìm được 4 người khác có chung ý tưởng về xử lý dữ liệu để thành lập một đội.

Nguyễn Đỗ Phương Uyên bay ba tiếng từ bang Indiana sang Boston để tham gia Hackathon đầu đời.

Hackathon Tech Together Boston là cuộc chạy đua trong vòng 36 tiếng để các lập trình viên trình bày ý tưởng, đưa ra những giải pháp công nghệ xuất sắc.

30 phút đầu sau khi lập nhóm, cả đội tìm hiểu và thảo luận. Cô đã thuyết phục đồng đội hiện thực hoá ý tưởng tạo ứng dụng dạy nấu ăn mà cô giành chiến thắng trong cuộc thi khởi nghiệp Earlham. Cả đội chạy đua với thời gian để hoàn thành dự án.

12 giờ đầu tiên trôi qua. Cả nhóm họp lại và đi đến kết luận, 36 giờ không đủ để hiện thực hoá ứng dụng này vì bị thiếu nguồn dữ liệu. Chỉ còn 24 giờ, cả nhóm phải tìm một ý tưởng mới và làm lại từ đầu. Ba thành viên sống và làm việc ngay tại Boston quyết định bỏ cuộc. Nhóm chỉ còn lại Uyên và một sinh viên năm hai. “Đây là lần đầu mình tham gia Hackathon tại Mỹ, mình không muốn bỏ cuộc dở dang như vậy”, Uyên nhớ lại.

Mục đích của Uyên và bạn đồng hành bây giờ là nộp được bản thử nghiệm ý tưởng mới đúng thời hạn, không đặt nặng thắng thua. Cuối cùng, cả hai quyết định sẽ làm về hệ thống cảm ứng nhiệt độ trong phòng.

Ý tưởng bắt nguồn từ trải nghiệm thực tiễn trong các phòng học, cho dù có điều hoà, vẫn sẽ có những nơi nhiệt độ không đều. Việc quá nóng hoặc quá lạnh đều khiến mọi người không thấy thoải mái, nhưng tất cả thường chịu đựng, không nói ra, vì cho rằng đó chỉ là những vấn đề nhỏ. Nhóm của Uyên muốn giải quyết vấn đề này.

Chỉ còn lại 24 giờ, hai thành viên còn lại phải làm việc gấp đôi bình thường trong thời gian ngắn hơn nhiều so với các đối thủ. Khi nhóm còn đủ 5 người, nữ sinh Hải Phòng chịu trách nhiệm lên sườn ý tưởng, tìm dữ liệu. Nhưng khi chỉ còn lại hai người, cả hai cùng nhau làm tất cả. Ngày đêm tìm dữ liệu, code, tạo hệ thống, chuẩn bị để thuyết trình.

Khi đồng hồ đếm ngược những giây cuối cùng trong cuộc chạy đua 36 tiếng, Uyên và đồng đội cũng vừa gõ xong những dòng code cuối cùng. Với khả năng hoạt ngôn và sự tự tin được rèn luyện trong thời gian học cấp 3 tại Việt Nam, Uyên đã thuyết phục được ban giám khảo về dự án của nhóm. Thời khắc công bố trao giải, cả hai đã vỡ oà trong hạnh phúc khi ý tưởng về hệ thống cảm ứng nhiệt trong phòng bất ngờ giành được hai giải thưởng từ cuộc thi năm đó. Giải “Best IoT Hack” và “Best Hack to build an efficient building with healthier indoor climates and user convenience” (Ý tưởng tạo ra môi trường thân thiện cho toà nhà “khoẻ mạnh” và tiện lợi hơn cho người dùng).

Với Uyên, cú đúp giải thưởng trong lần tham gia Hackathon đầu tiên tại Mỹ chứng tỏ sự kiên định và nỗ lực vượt qua giới hạn của bản thân sẽ mang tới thành công. Việc đánh thức tiềm năng trong các lĩnh vực mới có thể mang đến nhiều kiến thức, kỹ năng. Khi không sợ hãi, cuộc sống sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn cả những gì mình có thể hình dung.

Ước mơ về cộng đồng nữ giới làm công nghệ

Trở về trường sau cuộc thi, Uyên tiếp tục việc học song ngành Khoa học Máy tính và Kinh Tế Định Lượng. Trong hai năm liên tiếp, điểm trung bình (GPA) của cả hai ngành học cô đều đạt 4.0/4.0.

Nhận xét về nữ du học sinh Việt Nam, cô Xunfei Jiang – Giáo sư tại khoa Khoa Học Máy Tính, Đại học Earlham nói: “Uyên rất chú tâm vào việc học và chủ động trong việc khuyến khích nhiều sinh viên nữ cùng khoa. Em ấy và câu lạc bộ đã tổ chức những workshop giới thiệu cơ hội tìm học bổng tại các hội thảo khoa học công nghệ trên toàn nước Mỹ. Đây là một trong những workshop có quy mô lớn nhất khoa trong 2 năm trở lại đây”.

Tháng 6/2020, Uyên giành được học bổng toàn phần Kalapa cho khoá học Data Science tại FUNiX. Đến năm 3, Uyên chính thức trở thành trợ giảng các lớp công nghệ của Giáo sư trong trường.

Học kỳ xuân năm 2021, Uyên cùng ba sinh viên đại diện trường tham dự vòng thi vùng miền cuộc thi “Association for Supply Chain Management” (ASCM) – Quản lý dữ liệu chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp – do Deloitte, một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới tổ chức. Tại ASCM, nữ sinh Hải Phòng và đồng đội được xếp top 64 thế giới và top 8 khu vực Trung Tây Mỹ.

Tháng 2/2021, Uyên cùng hai Thạc sĩ tại Mỹ tham gia cuộc thi “Datathon Women in Data Science 2021” trên Kaggle và vào Top 140 đội thế giới. Cô cũng đang cùng các học viên FUNiX Việt Nam tham gia cuộc thi FPT Education Hackathon 2021 với ý tưởng dùng AI để trích xuất thông tin trên hoá đơn và lưu trữ dữ liệu cho các công ty. Nhóm đang nằm trong top 4 (Bảng A) sau vòng một.

“Ba năm trôi qua nhanh như chớp mắt, đây đã là lần thứ ba em đón Tết trên đất Mỹ và cũng là năm đầu tiên, em tự nấu được mâm cơm cúng giao thừa với năm món, gói được bánh chưng mà không cần lá chuối, lá dong”, du học sinh quê Hải Phòng trải lòng.

Bên cạnh những giải thưởng và thành tích xuất sắc trong học tập, một trong những điều Uyên tự hào nhất sau ba năm du học là giờ đây là cô có thể hoà nhập và đem văn hoá Việt Nam giới thiệu đến người bản địa. “Năm nay mình đón năm mới với một chị đang làm trong trung tâm giáo dục của trường. Ngày Mùng một, chị ấy “lì xì” mình một cái cây, viết dòng chữ ‘Chúc mừng năm mới’ bằng tiếng Việt. Xa nhà, xa quê nhưng mình luôn cảm thấy vui khi được bạn bè quốc tế và người bản địa yêu quý, giúp đỡ”, Uyên nói.

Nguyễn Đỗ Phương Uyên mặc áo dài (thứ 5 từ trái sang), đón Tết cùng các du học sinh châu Á trên đất Mỹ.

Mục tiêu lớn nhất của Uyên là có thể kết nối được cộng đồng nữ giới đam mê công nghệ ở Việt Nam và Mỹ, sau đó mở rộng quy mô ra toàn cầu. Một trong những kế hoạch gần nhất của Uyên là tổ chức Workshop về sức khoẻ tâm lý cho các bạn nữ đang học công nghệ. Uyên tin rằng, khi bước chân vào lĩnh vực công nghệ – vốn do nam giới “thống trị”, sinh viên nữ không chỉ gặp áp lực về bài vở, thiếu môi trường để sinh hoạt, trao đổi mà còn phải đối mặt niều vấn đề tâm lý.

“Trước đây mình nghĩ rằng nữ giới học công nghệ, lập trình sẽ chủ yếu ngồi trước màn hình máy tính, code từ ngày này sang ngày khác. Nhưng sau khi tham gia các hội thảo, workshop, mình biết ngành công nghệ còn rất nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn khác cho nữ giới. Mình muốn chia sẻ những cơ hội nghề nghiệp ấy đến tất cả nữ sinh đang theo đuổi ngành công nghệ ở Việt Nam cũng như thế giới, để truyền cảm hứng, động lực đến tất cả mọi người”, Uyên tâm sự.

Khương Nha (VnExpress)

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại