Mentor Nguyễn Cát Tiểu Giang bàn về đọc sách
Trước thềm xTalk 31/7 với chủ đề “Bí kíp tự học và đọc”, FUNiX đã có buổi trò chuyện với Mentor Nguyễn Cát Tiểu Giang về “chuyện đọc sách”. Hãy cùng lắng nghe cô nàng mọt sách chia sẻ về từ cách đọc, chọn sách... cho đến những quyển sách đã thay đổi cuộc sống của cô.
- xTalk 64: Ngày Nhà giáo Việt Nam cùng mentor FUNiX
- xRadio #4: Làm quen với mentor Nguyễn Cát Tiểu Giang
- Trò chuyện cùng mentor Tiểu Giang: Chuyện nghề, chuyện học và dấu ấn xTer
- Host Tiểu Giang bật mí chuyện chưa kể về series Cùng nhau đọc sách
- xRadio #4: Làm quen với mentor Nguyễn Cát Tiểu Giang
Nghe “giang hồ đồn đại” Giang là một mọt sách chính hiệu. Bạn có thể chia sẻ vì sao mình thích đọc sách không?
Mình cũng không hẳn là mọt, cũng lười biếng lắm. Nhưng không đọc thì mình không đáp ứng nổi công việc và đời sống nó có phần nhạt nhẽo. Mình ưa đọc hơn nghe, nhìn vì thú thực là tư duy bị chậm nên đọc thì còn có thời gian để nghĩ, chứ nghe và xem video mình thường phải dừng mấy lần mới kịp.
Giang có “bí kíp” đọc sách nào đặc biệt không?
Mình luôn giữ “nguyên tắc 30%” dù chẳng có nghiên cứu nào cả nhưng nó hiệu quá với cá nhân mình. Đọc rất kỹ 30% đầu của mỗi cuốn sách, mỗi chương. Ví dụ sách có 12 chương, nhất thiết 4 chương đầu không bỏ sót chữ nào. Một chương 30 trang phải nhất định hiểu từng câu từng chữ, thậm chí thuộc 10 trang đầu.
Có 2 lý do cho việc này: Một là khi bắt đầu thì não sẽ hào hứng, sẽ có khả năng tập trung cao, tạo điều kiện tốt để khi nhớ. Hai là phần đầu luôn là phần giải thích những quy ước, khái niệm, tổng quan, nguyên lý logic của những phần chi tiết phía sau. Khi hiểu phần đầu thì phần sau sẽ trôi vào dễ hơn, vì đọc đâu hiểu đấy và hiểu đúng. Các cụ gọi là “đầu xuôi đuôi lọt”. Phần đầu mà đã lơ mơ thì phần sau có cố gắng thế nào cũng khó hiểu hết, không hiểu hết thì sẽ dễ nản, hoặc làm lơ mơ cho có mà không hiểu gì.
Đương nhiên mình không nói là bỏ qua các phần sau, các phần sau cũng vẫn phải đọc kỹ chứ không phải “đầu voi đuôi chuột”. Chỉ là 30% đầu rất quan trọng, chắc chắn phải nắm trước khi đi tiếp, nếu thấy phần đó chưa ổn thì đọc đi đọc lại cho đến khi rõ ràng chứ tuyệt đối không bỏ qua mà nhắm mắt đi tiếp.
Sau khi quen với 30%, bạn có thể đẩy con số này lên, đọc kỹ, hiểu kỹ 100% cuốn sách được là thành siêu nhân rồi. Quan trọng là tâm thế đọc sách cần thoải mái, không vội vã, tập trung vào nội dung đang đọc.
Giang có cho rằng những yếu tố ngoại cảnh như thời điểm, không gian, sách giấy hay điện tử… ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm đọc sách không?
Chắc chắn có ảnh hưởng – đây cũng là một trong những điều mình sẽ chia sẻ trong buổi talk. Tuy nhiên, khi rèn “định lực” đến mức nhất định thì tác động sẽ trở nên ít ảnh hưởng hơn, hoặc “nội công thâm hậu” thì hầu như không bị ảnh hưởng.
Bạn chọn sách để đọc như thế nào?
Mình đọc cũng ít sách chứ không nhiều. Trước khi đọc thường mình sẽ chọn kỹ, đọc review, bình luận,… đọc cả thông tin sơ lược về tác giả xem có thực sự thích hợp với những gì mình đang tìm kiếm không. Đôi khi thấy cần mình cũng đi hỏi review thì một vài người có chuyên môn tốt về lĩnh vực đó.
List “sách để đọc” của mình thường không dài. Thường mình chỉ lên danh sách 1-3 cuốn, rất hiếm khi lên đến 3 cuốn, nhưng đã trong danh sách là phải đọc cho xong rồi mới lại tìm cuốn mới. Với mình việc đọc sách không nên vội. Cũng có ai bắt ép hay giục giã gì đâu mà vội, tự mình cả mà.
Mình theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, một năm chỉ đọc khoảng 5-7 cuốn sách mới chứ cũng không đọc được nhiều nhưng đã đọc thì sẽ nhớ. Khởi đầu đọc cuốn sách mình mất công chọn lựa, tự thấy phù hợp với bản thân, cũng giống như gặp một người có “nhân duyên”, tự khắc sẽ muốn gần nhau, nhớ về nhau.
Giang thích đọc sách những lĩnh vực gì? Sao mình lại có hứng thú với những lĩnh vực đó?
Mình thích đọc sách chuyên ngành, toán, tiểu thuyết văn học, tuyển tập truyện, thơ, sách triết học, lịch sử Việt Nam. Nói không với sách self-help.
Mình đọc sách chuyên ngành, toán vì nó cần cho công việc. Sách triết học và văn thơ thì đọc để cho vui, tăng vốn từ vựng, vì dùng từ tiếng Việt mà không hiểu hoặc hiểu sai thì rất nguy hiểm. Mình nói mà dùng từ sai dẫn tới người khác hiểu sai cũng là điều nên tránh. Việc đọc sách triết học và văn thơ có thể giúp cải thiện điều này. Ngoài ra, như trên mình có nói, nó giúp đời sống tinh thần của mình phong phú, bớt nhạt nhẽo hơn, nhất là trong mùa Covid.
Giang có thể chia sẻ về quyển sách yêu thích nhất và tác giả yêu thích nhất của mình không?
Câu này là câu hỏi rất thường gặp nhưng với mình thì khó. Mỗi cuốn sách đọc qua đều không ít thì nhiều trở thành một phần của mình, mà phần nào chẳng quý, không chọn được cái “nhất”. Tuy nhiên, cuốn mình đọc đi đọc lại nhiều nhất cho tới giờ là “Suối nguồn” của Ayn Rand.
Tác giả yêu thích nhất thì lại càng khó. Sách chuyên ngành IT thì nhiều “cây đa cây đề” rồi, cứ sách của họ là mình thích hết. Sách văn học thì có lẽ mình thích nhất là cụ Trần Trọng Kim viết cuốn “Việt Nam sử lược”. Từ cuốn sách mà thấy được cả cốt cách, tài hoa của một sử gia chân chính khiến mình nghiêng mình kính ngưỡng.
Đã bao giờ một quyển sách thay đổi cuộc sống của Giang chưa?
Có, cuốn “Thế giới của Sophie” của Jostein Gaarder, do một tiền bối trong ngành mình rất ngưỡng mộ giới thiệu. Năm đó mình 19 tuổi. Từ khi đọc xong cuốn này mình mới biết tới triết học, từ đó đọc nhiều hơn về Socrates, Plato… Rồi những người thầy bước ra từ trong sách giúp mình từng ngày nỗ lực hoàn thiện bản thân hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của Giang!
Vân Nguyễn (thực hiện)
Bình luận (0
)