Bỏ chấm điểm nhiều môn
Thông tư mới quy định hai hình thức đánh giá gồm nhận xét và kết hợp giữa nhận xét với điểm số. Các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ được nhận xét chứ không cho điểm. Với cả đánh giá thường xuyên và định kỳ, học sinh sẽ chỉ nhận được một trong hai mức là “đạt” hoặc “chưa đạt”.
Giáo viên sẽ dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét rèn luyện và học tập của học sinh, xem các em tiến bộ, có ưu điểm và hạn chế ở mặt nào. Học sinh cũng được tự nhận xét bản thân. Phụ huynh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh được cung cấp phản hồi.
Với các môn học còn lại, nhà trường đánh giá kết hợp giữa nhận xét và điểm số thay vì chỉ chấm điểm như trước đây. Trong các bài kiểm tra, dự án, sản phẩm học tập, khi cho điểm giáo viên cũng cần đưa kèm nhận xét, để học sinh biết sự tiến bộ của mình, điều chỉnh thái độ, nỗ lực trong quá trình học tập. Đánh giá cuối cùng của các môn này vẫn bằng điểm số theo thang 10.
Quy định cụ thể số đầu điểm kiểm tra
Với những môn chỉ có nhận xét, học sinh trải qua hai lần đánh giá thường xuyên ở mỗi học kỳ, một lần giữa kỳ và một lần cuối kỳ.
Với những môn kết hợp nhận xét với điểm số, số lần đánh giá thường xuyên giống như Thông tư số 26 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với môn học có từ 35 tiết trở xuống mỗi năm, học sinh có hai đầu điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên; môn học từ trên 35 đến 70 tiết có 3 và trên 70 tiết có 4 đầu điểm. Mỗi học kỳ, mỗi môn có một điểm kiểm tra giữa kỳ, một điểm cuối kỳ.
Điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên được tính hệ số 1, giữa kỳ tính hệ số 2 và cuối kỳ tính hệ số 3. Điểm trung bình môn học kỳ là trung bình cộng của điểm thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ với các hệ số.
Việc đánh giá thường xuyên sẽ được đa dạng hình thức thông qua hỏi – đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm hay sản phẩm học tập. Còn với bài kiểm tra định kỳ, học sinh sẽ được đánh giá qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, bài thực hành, dự án học tập.
Không tính điểm trung bình tất cả môn
Thông tư mới chỉ tính điểm trung bình theo từng môn chứ không yêu cầu cộng điểm trung bình tất cả môn học để cho ra một mức điểm xếp loại học lực như trước. Như vậy, bảng điểm của học sinh sẽ không có dòng điểm trung bình tất cả môn – vốn là tiêu chí quan trọng để xếp loại học lực giỏi, khá, trung bình hay yếu, kém. Mức trung bình tất cả môn cũng tạo ra sự so sánh, xếp hạng học sinh trong lớp hay trong trường, trong khi mỗi học sinh có thế mạnh riêng.
Cùng với thay đổi trên, kết quả học tập của học sinh trong một học kỳ hay cả năm học sẽ theo một trong bốn mức, gồm: Tốt, khá, đạt và chưa đạt thay vì các loại học lực như trước.
Học sinh được xếp loại “tốt” nếu các môn đánh giá bằng nhận xét ở mức “đạt”; các môn kết hợp nhận xét và cho điểm phải đạt 6,5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn đạt 8 trở lên. Thông tư mới không quy định cụ thể môn nào phải đạt 8 trở lên, khác với việc quy định học sinh giỏi phải có ít nhất một trong ba môn Toán, Ngữ văn hoặc Tiếng Anh đạt 8 như trước.
Để được xếp loại “khá”, các môn đánh giá bằng nhận xét cũng phải ở mức “đạt”, môn còn lại phải 5 trở lên, trong đó có ít nhất 6 môn mức 6,5 trở lên.
Với loại “đạt”, học sinh có thể bị một môn đánh giá bằng nhận xét ở mức “chưa đạt”, các môn còn lại từ 3,5 trở lên, trong đó ít nhất 6 môn đạt mức 5.
Các trường hợp còn lại sẽ bị đánh giá là “chưa đạt”.
Thông tư mới sẽ được áp dụng từ ngày 5/9, bắt đầu với học sinh lớp 6 năm học 2021-2022, lớp 7 và 10 năm học 2022-2023, lớp 8 và 11 năm học 2023-2024, lớp 9 và 12 năm học 2024-2025.
Ý kiến từ chuyên gia, phụ huynh
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), theo thông tư mới thì dù không tính điểm trung bình tất cả môn, việc được đánh giá kết quả học tập ở mức “tốt” vẫn khá khó với yêu cầu 6/8 môn có tính điểm phải đạt từ 8 trở lên, 2 môn còn lại từ 6,5 trở lên. Nhìn vào bảng điểm, người xem có thể biết học sinh có năng khiếu ở môn nào, nên khai thác khía cạnh nào.
Đánh giá về những thay đổi này, anh Phan Sĩ Hạnh, một phụ huynh học viên FUNiX chia sẻ: “Theo cá nhân mình nhận xét đây là một bước tiến bộ đáng hoan nghênh của bộ giáo dục bởi: (1)Giúp giảm tải học tập cho cả học sinh và giáo viên, giảm lãng phí và bệnh thành tích. -(2)Học sinh như con tôi không còn bị áp lực phải cố gắng bỏ thời gian học để lấy điểm số cao ở tất cả các môn kể cả ở những môn mà mình không có sở trường. Từ đó có thể tập trung phát triển ở các môn có thế mạnh năng khiếu. Với xu hướng phổ cập hoá giáo dục tới bậc THPT thì việc giảm bớt, loại bỏ dần các kỳ thi, xếp hạng, thành tích, thậm chí thi tốt nghiệp THPT … là điều nên làm. Theo cá nhân mình thì mình kỳ vọng trong tương lai sẽ gọn hơn nữa, chỉ xếp hạng Đạt hoặc Không đạt mà thôi.”
Nêu ý kiến trên Vnexpress, độc giả Lực Tuệ chia sẻ trên Vnexpress cho rằng, mục đích chính của việc này là đẩy các thí sinh, học sinh vào một cửa lọc duy nhất chính là thi cử. Trước đây khi còn dùng điểm trung bình đánh giá thì các thí sinh yếu, kém, thậm chí trung bình sẽ thường bị lưu ban và phải bỏ học giữa chừng khi còn học phổ thông. Việc thay đổi cách đánh giá này có nghĩa là sẽ chấp nhận các thí sinh, học sinh sẽ tránh được việc bị loại, bị lưu ban… ở những cửa dưới, đẩy họ vào một cửa duy nhất là thi cử tốt nghiệp phổ thông. Từ cửa thi tốt nghiệp này sẽ phân thành hai luồng là dạy nghề và đại học chính quy. Có nghĩa là dù học dở thế nào cũng cố gắng cho học sinh tới cửa học nghề thay vì loại bỏ họ bởi áp lực học tập hoặc áp lực điểm số… Còn với những thí sinh, học sinh có nguyện vọng học đại học thì không có nhiều thay đổi lắm, họ vẫn tuân theo lộ trình đã có.
Như vậy sự thay đổi đáp ứng được nhu cầu nhân lực có đào tạo nghề ở Việt Nam, lại tăng được số lượng học nghề, số lượng leo lên top của việc đào tạo phổ thông.
Quỳnh Anh (tổng hợp)
Bình luận (0
)