An ninh mạng
Thông tin chung
An ninh trên không gian mạng (gọi tắt là An ninh mạng – Cybersecurity) ngày càng trở nên quan trọng trong thời kỳ Internet đã trở nên phổ biến rộng khắp như hiện nay. Kết nối mạng càng dễ dàng, ứng dụng mạng càng nhiều, sẽ làm người dùng ở mọi phạm vi cá nhân, gia đình, tổ chức phải đối mặt với những rủi ro bị đánh cắp thông tin, lộ thông tin cá nhân, máy tính bị nhiễm độc,… Do vậy việc nắm được những kiến thức về an ninh mạng là rất cần thiết.
Thông qua môn học An ninh mạng này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các bạn những khái niệm cơ bản về an toàn thông tin cũng như an ninh mạng. Cách tiếp cận dựa trên việc lần lượt giới thiệu 10 miền (phạm vi) bảo mật sẽ giúp người học có cái nhìn rõ nét về các nguy cơ cũng như phương hướng phòng chống, khắc phục đối với những rủi ro về an ninh mạng, từ phạm vi cá nhân cho đến phạm vi tổ chức.
Với những kiến thức thu nhận được từ khóa học này, chúng tôi tin rằng bạn sẽ có một nền tảng kiến thức vững chắc, hiện đại về những vấn đề an ninh mạng cơ bản luôn gặp phải ở mọi tình huống trong cuộc sống và trong công việc. Nền tảng vững chắc của môn học sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận tới những vấn đề chuyên sâu hơn về an ninh mạng.
Mục tiêu môn học
Nắm được các khái niệm chung về an toàn thông tin và an ninh mạng.
Nắm được những vấn đề chính trong 10 lĩnh vực an ninh mạng.
Biết cách thiết lập an toàn cho máy tính cá nhân khi kết nối mạng.
Nắm được những vấn đề an ninh cần quan tâm đối với mạng máy tính của công ty, tổ chức khi kết nối mạng.
Nắm được các quy tắc, quy định cần có đối với cá nhân và tổ chức để đảm bảo tính riêng tư và an toàn cho thông tin của cá nhân và tổ chức.
Hiểu được khái niệm phân tầng mô hình OSI của các mạng máy tính.
Trải nghiệm học tập
Bài 1: Giới thiệu về an ninh mạng.
– Nắm được mục tiêu chung của khóa học, các yêu cầu về bài tập và đánh giá hết môn học; Hiểu được tổng thể phạm vi 10 miền (domain) bảo mật sẽ được học.
Bài 2: Giới thiệu về an toàn và bảo mật
– Hiểu được tầm quan trọng của an ninh mạng trong thế giới hiện đại; Nắm được mọi phạm vi có thể liên quan đến vấn đề an ninh mạng.
Bài 3: Kiểm soát truy cập
– Biết cách liệt kê các bước để thiết kế một hệ thống kiểm soát truy cập.
Bài 4: Bảo mật phát triển phần mềm
– Mô tả được vòng đời phát triển phần mềm.
Bài 5: Đảm bảo kinh doanh liên tục và khắc phục thảm họa
– Hiểu được sự khác biệt giữa khắc phục thảm họa và kinh doanh liên tục; Mô tả được cách tốt nhất để triển khai việc khắc phục thảm họa; Biết nguyên lý phân tích tác động kinh doanh (BIA).
Bài 6: Mật mã
– Hiểu được các nguyên lý cơ bản của mật mã; Nắm được ứng dụng của mật mã trong các hoạt động thường ngày như email, web, thương mại điện tử, mạng xã hội.
Bài 7: Quản trị an ninh thông tin và quản trị rủi ro
– Hiểu được vai trò của quy tắc ứng xử của các tổ chức trong công nghiệp; Hiểu được việc quản lý chính sách an ninh mạng; Nhận biết các loại tin tặc và cách điều tra tin tặc.
Bài 8: Quy phạm pháp luật, các quy định, điều tra, và sự tuân thủ
– Hiểu được các quy tắc và luật pháp chung đối với sở hữu trí tuệ và bảo vệ thông tin riêng tư.
Bài 9: An toàn vận hành
– Hiểu nguyên lý quyền hạn ít nhất; Hiểu được rủi ro khi mất/lộ thông tin và một số nguyên tắc phòng tránh.
Bài 10: Bảo mật vật lý và bảo mật môi trường
– Hiểu được các vấn đề tự nhiên và phi tự nhiên liên quan tới bảo mật; Hiểu được tầm quan trọng của HAVC, CCTV.
Bài 11: Thiết kế kiến trúc bảo mật
– Hiểu được các cấp độ bảo mật phần cứng, phần mềm, hệ điều hành.
Bài 12: Bảo mật viễn thông và an ninh mạng
– Hiểu được việc cân bằng được giữa việc áp dụng kỹ thuật an toàn thông tin và các hoạt động kinh doanh; Hiểu hoạt động các tầng trong mô hình OSI và các kỹ thuật an toàn thông tin liên quan.