‘Ông bầu’ của thần đồng Toán học Việt là mentor FUNiX
Anh Trần Nam Dũng, giảng viên ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM, đã đầu quân về FUNiX. Anh còn là đầu mối tuyển các mentor giỏi ở khu vực phía Nam cho FUNiX.
- Xu hướng chọn học gia sư trực tuyến của phụ huynh Việt
- Review 5 khóa học lập trình cho người mới bắt đầu tốt nhất
- Có nên chọn khóa học lập trình online miễn phí không? Gợi ý các trang web học lập trình miễn phí
- Review tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX năm 2024 cho các bạn chưa biết
- Review cách học của công ty cổ phần đào tạo trực tuyến unica
Anh Trần Nam Dũng xuất thân là học sinh chuyên Toán, trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng. Năm 1983, anh giành giải Nhì Toán quốc tế tại Paris (Pháp). Sau đó, anh sang Nga du học và làm nghiên cứu sinh tại ĐH Tổng hợp Mátxcơva mang tên Lômônôxốp. Hiện, TS. Nam Dũng là giảng viên Toán – Tin, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM.
Mentor Dũng có kinh nghiệm giảng dạy trên 30 năm và huấn luyện viên trưởng đội tuyển Toán trường Phổ thông Năng khiếu (1997-2003). Nhiều thần đồng Toán học Việt đều là học trò của anh như: Lâm Xuân Nhật (Huy chương Đồng kỳ thi Tin học quốc tế năm 2002), Nguyễn Đăng Khoa (Huy chương Bạc Toán học quốc tế lần 44, năm 2003), Lê Quang Nẫm (Huy chương Vàng Olympic Toán châu Á – Thái Bình Dương năm 2002)…
Khi FUNiX ra đời, anh đã tham gia làm mentor hướng dẫn sinh viên. Anh chia sẻ với Chúng ta về quan điểm giáo dục, phương pháp đào tạo… khi ở cương vị người hướng dẫn sinh viên tại FUNiX.
Là giảng viên Toán, điều gì ở FUNiX có sức hút để anh nhận lời làm mentor của trường?
Sức hút của FUNiX chính là cơ hội được giúp ích cho các bạn trẻ ham học hỏi ở khắp mọi miền. Cách học của FUNiX rất gần với cách mà tôi vẫn mong muốn dạy cho học sinh (cả ở những lớp tôi dạy trực tiếp). Đó là học sinh, sinh viên chủ động học hỏi, giáo viên chỉ là người trợ giúp. Và một điều nữa không thể nhắc tới là sức hút của anh Nguyễn Thành Nam. Anh Nam luôn khiến người ta tin tưởng và đi theo.
Anh từng chia sẻ mình không đặt nặng vấn đề kiếm tiền, vậy mục đích gia nhập FUNiX của anh là gì?
FUNiX là cơ hội không thể tốt hơn để đóng góp một cách mạnh mẽ nhất cho vấn đề cải cách phương pháp dạy và học. Hiện nay, học sinh, sinh viên vẫn quá thụ động. Và với những em năng động thì cơ hội để các em hỏi các thầy, chuyên gia cũng khó. Có một môi trường để mọi người có thể thoái mái hỏi như FUNiX sẽ rất tốt.
Với chuyên môn Toán – Tin, vậy anh sẽ phụ trách hướng dẫn sinh viên về mảng nào khi làm mentor ở FUNiX?
Đầu tiên tất nhiên là Toán nhưng rộng hơn có lẽ là về phương pháp học tập. Ngoài ra, vì tôi từng làm Giám đốc Nhân sự của FPT Software HCM nên cũng có thể tư vấn cho sinh viên về vấn đề định hướng nghề nghiệp. Trong Tin học, tôi có thể hướng dẫn sinh viên về vấn đề giải thuật, độ phức tạp của thuật Toán, các kỹ thuật thiết kế thuật Toán.
Theo anh, Toán học có vai trò như thế nào với sinh viên nói chung và sinh viên CNTT nói riêng?
Toán là môn khoa học cơ bản. Ai cũng cần đến những căn bản về Toán như logic, lập luận, tư duy quy nạp, tư duy thống kê, tư duy thuật Toán. Tùy từng ngành học sẽ cần những dạng Toán và mức độ khác nhau: Kỹ sư cầu đường cần Toán giải tích, phương trình vi phân; kỹ sư kinh tế cần đại số tuyến tính, thống kê, giải tích ngẫu nhiên… Riêng với sinh viên CNTT, Toán rất cần cho việc học lập trình, công nghệ phần mềm, kiểm thử phần mềm. Còn nếu để đi xa hơn vào những ứng dụng chuyên sâu (tìm kiếm, lưu trữ, xử lý ảnh, xử lý tín hiệu, mã hoán thông tin, mật mã…) thì lại không thể thiếu Toán. Các môn Toán do FUNiX chọn gồm: Toán cao cấp dành cho kỹ thuật (Giải tích và Đại số tuyến tính), Toán rời rạc, xác suất thống kê là những cái căn bản nhất sinh viên CNTT cần nắm.
Nhiều học viên đã đi làm nên thời gian học và hỏi mentor chủ yếu sau giờ hành chính. Anh sẽ sắp xếp thời gian ra sao để vừa giúp sinh viên vừa làm việc?
Tôi sẽ làm việc với sinh viên FUNiX trong khung giờ 20-23h mỗi ngày.
Anh dành lời khuyên gì cho sinh viên để thu nhận nhiều kiến thức khi trực tiếp được sự hướng dẫn của các mentor?
Hãy chủ động đặt câu hỏi. Người thành công là người biết học hỏi. Nhưng đặt câu hỏi không hề dễ. Bạn phải trăn trở với vấn đề mà bạn quan tâm thì câu hỏi của bạn mới hay và câu trả lời mới đem lại lợi ích.
Một điểm mới của FUNiX là có sự hỗ trợ trực tiếp của người hướng dẫn là chuyên gia trong lĩnh vực CNTT. Theo anh, điều này mang lại lợi ích ra sao cho cả người dạy và học?
Đối với người học thì lợi ích là rất rõ rồi. Không phải ở đâu cũng có điều kiện để hỏi như vậy. Tuy nhiên, cũng không nên ỷ lại vì trong việc học, vai trò của sinh viên vẫn là chủ đạo. Hỏi chỉ là để vượt qua vướng mắc chứ không phải là để “nhờ làm bài tập hộ”. Đối với người dạy, đây cũng là cơ hội tốt để ôn luyện và trau dồi kiến thức. Dạy là cách học tốt nhất.
Anh còn là đầu mối tuyển các mentor ở phía Nam cho FUNiX, vậy tiêu chí tuyển các mentor của anh thế nào?
Tiêu chí của tôi là nhiệt tình, phù hợp về chuyên môn, có động cơ rõ ràng khi tham gia đội ngũ mentor.
Các học trò giỏi ngành Toán của anh có hứng thú ra sao với FUNiX và anh có định “chiêu mộ” họ gia nhập FUNiX?
Tôi đã chia sẻ ý tưởng về FUNiX với một số em cựu học sinh. Các bạn rất hứng thú và sẵn sàng hỗ trợ. Tôi đang “dấm” sẵn để đấy, khi nào FUNiX có nhiều sinh viên sẽ dùng đến.
Từng có thời gian gắn bó với FPT, anh nhận xét gì về hệ thống giáo dục của FPT, đặc biệt là FUNiX mới thành lập?
FPT có một triết lý giáo dục rõ ràng là học để làm việc và đề cao tính chủ động của sinh viên. Tôi nghĩ FUNiX cũng vậy. Tất nhiên, FUNiX sẽ còn đặc biệt hơn với hình thức học trực tuyến và đội ngũ mentor.
Công tác trong lĩnh vực giáo dục lâu năm, anh dự đoán tương lai của FUNiX và cơ hội của sinh viên tốt nghiệp FUNiX sẽ ra sao?
Khởi đầu nào cũng khó khăn nhưng tôi nghĩ FUNiX sẽ có một tương lai tốt. Sinh viên tốt nghiệp FUNiX chắc chắn sẽ dễ xin việc làm hơn và sẽ phát triển tốt.
Hình thức mentor hướng dẫn người học ở FUNiX khá giống Uber. FUNiX tuyển dụng mentor liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu học bằng hỏi của các sinh viên. Hình thức học online ở Việt Nam không còn mới nhưng giá trị gia tăng của FUNiX chính là việc kết nối giữa học viên và chuyên gia công nghệ thông tin trong quá trình học. Tiêu chí trang bị kiến thức cho sinh viên của FUNiX là học bằng hỏi. Hiện FUNiX đang có 20 mentor đến từ 5 quốc gia Việt Nam, Singapore, Australia, Nhật, Mỹ. Các mentor này đều đang làm việc tại các doanh nghiệp về công nghệ thông tin, trong đó, có 4 người đến từ FPT Software. Chương trình học online của FUNiX kéo dài 8 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng, với học phí khóa học là 90 triệu đồng. Theo đó, trong 8 kỳ học, sinh viên sẽ lần lượt trải qua các kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp gồm: Công dân số, Lập trình viên ứng dụng Mobile, Lập trình viên Ứng dụng doanh nghiệp, Thông thạo môi trường làm việc CNTT, Kỹ sư phần mềm cơ bản, Thông thạo môi trường kinh doanh, Chuyên viên hệ thống thông tin, Bằng kỹ sư phần mềm. Sau mỗi kỳ, sinh viên sẽ nhận được một chứng chỉ, chứng nhận có thể làm được việc tương ứng. Hoàn thành chương trình học, sinh viên sẽ trở thành kỹ sư CNTT, nhận bằng đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. |
Theo Chúng ta
Bình luận (0
)