Dịch giả loạt sách best-seller về công nghệ làm mentor FUNiX
Không chỉ háo hức với vai trò mentor tại FUNiX, anh Vũ Duy Mẫn - dịch giả của loạt sách best-seller "Bài giảng cuối cùng", "Chuyển đổi lớn", "Dữ liệu lớn",... còn khen FUNiX “có những con người thật đặc biệt”.
- Xu hướng chọn học gia sư trực tuyến của phụ huynh Việt
- Review 5 khóa học lập trình cho người mới bắt đầu tốt nhất
- Có nên chọn khóa học lập trình online miễn phí không? Gợi ý các trang web học lập trình miễn phí
- Review tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX năm 2024 cho các bạn chưa biết
- Review cách học của công ty cổ phần đào tạo trực tuyến unica
Chia sẻ về lý do gia nhập FUNiX, anh Mẫn cho hay: “Với kho tri thức rộng lớn và ngày càng tăng, Internet đã trở thành trường đại học vô cùng quý giá cho tất cả mọi người, không phụ thuộc họ sống và làm việc ở đâu. Mô hình đào tạo của FUNiX kết hợp phương pháp học tập trực tuyến dưới sự trợ giúp của các mentor mở ra cơ hội cho nhiều đối tượng để học và dạy, là phần bù rất ý nghĩa cho mô hình đào tạo truyền thống.
Cá nhân tôi kỳ vọng ở mô hình này, kỳ vọng ở mentorship lành mạnh và mong muốn góp phần đào tạo nên những bạn trẻ có tri thức và kỹ năng sống tốt, những con người thật sự thành công và hữu ích cho xã hội. Mentorship cũng là quan hệ hai chiều, làm phong phú trải nghiệm cho cả mentee lẫn mentor. Thêm nữa, FUNiX (cũng như FPT) có những con người thật đặc biệt, phương thức hợp tác phù hợp với điều kiện cá nhân, đó là những lý do tôi tìm đến FUNiX”.
Cho tới nay, anh Mẫn đã có gần 40 năm gắn bó với lĩnh vực công nghệ. Anh từng là một trong những thành viên thuộc nhóm nhà tin học đầu tiên của Việt Nam tìm ra cách lắp ráp chiếc máy tính cá nhân ở Việt Nam và đưa vào ứng dụng trong sản xuất, dưới sự giúp đỡ của kiều bào Việt ở nước ngoài. Sau đó, anh Mẫn được giao cho làm chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước về ứng dụng tin học trong quản lý. Khi gia nhập Ban thư ký của Liên Hợp Quốc, anh Mẫn đã có khoảng 20 năm làm chuyên viên phát triển và bảo hành hệ thống thông tin quản lý tích hợp. Đó có lẽ cũng là những lý do sâu xa khiến anh Mẫn quyết định trở thành mentor ở FUNiX, trường đại học trên mây giúp bao ước mơ kỹ sư CNTT trở thành hiện thực.
Mentor Vũ Duy Mẫn rất ấn tượng FUNiX vì trường học này “có những con người thật đặc biệt”. Ở FUNiX, mentor được gọi là xMen (“dị nhân”). (Ảnh NVCC).
Nói về gia tài dịch phẩm của mình, anh Mẫn cho biết đã tham gia chuyển ngữ năm tựa sách nằm trong Tủ sách “Khoa học và khám phá” của Nhà xuất bản Trẻ. Đó là các tác phẩm thuộc hàng best-seller đã rất quen thuộc với khán giả Việt như: Bài giảng cuối cùng (The Last Lecture) của Randy Pausch năm 2009; Chuyển đổi lớn – Ráp lại thế giới, từ Edison tới Google (The Big Switch – Rewiring the world, from Edison to Google) của Nicholas Carr năm 2010; Liệu IT đã hết thời? (Does IT Matter?) của Nicholas Carr năm 2013; Dữ liệu lớn – Cuộc cách mạng sẽ làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tư duy (Big Data – A revolution that will transform how we live, work and think) của Viktor Mayer-Schoenberger và Kenneth Cukier năm 2013; Lồng kính – Tự động hóa và chúng ta (Glass Cage – Automation and US) của Nicholas Carr năm 2015. Mentor Mẫn cũng nói thêm: “Hầu hết những cuốn sách này đều có liên quan đến chương trình học của FUNiX, hy vọng sẽ có ích cho cả học viên lẫn mentor của trường”.
Khi được hỏi về suy ngẫm cá nhân liên quan đến cuộc cách mạng kỹ thuật số, vị dịch giả uyên thâm này nhận định: “Những nhìn nhận về cuộc cách mạng kỹ thuật số thì phải trao đổi dài dài với rất nhiều ý kiến khác biệt. Chúng ta thường quá lạc quan, chú trọng tới hưởng lợi từ những thành tựu của cuộc cách mạng đó. Nhưng phía bên kia là những rủi ro, những thách thức, những nguy cơ tác hại lên xã hội và cuộc sống của chúng ta ở bên trong đó thì chưa được quan tâm đúng mực (nhất là ở những xã hội như ta). Tóm lại còn nhiều việc cần phải làm để có được bình an và hạnh phúc thật sự cho toàn xã hội và cho mỗi con người”.
Mentor Vũ Duy Mẫn và đồng nghiệp, bạn bè tại Mỹ.
Chia sẻ sâu hơn về cơ duyên đến với nghề dịch, anh Mẫn nói mối duyên này xuất phát từ thói quen viết và suy ngẫm hằng ngày của anh, bởi với một trí thức Tây học như anh thì viết chính là “một phương tiện để tự hoàn thiện bản thân mình”. Thật vậy, có cảm giác như anh lúc nào cũng đau đáu về hành trình hoàn thiện bản thân, đến nỗi khát vọng này ẩn sâu trong mọi thói quen, lối sống, nếp nghĩ của một người từng trải và luôn hàm ơn cuộc đời. Cách đây gần một tuần, nhân dịp lễ Tạ ơn ở Mỹ, dù bận song anh vẫn không quên gửi lời chúc tới những người mới quen ở FUNiX: “Ngày mai là Thanksgiving, một ngày lễ lớn của các gia đình ở Mỹ. Cám ơn đời, cám ơn tất cả những ai đã giúp ta trở thành người như ta ngày hôm nay. Chúc các bạn mọi sự tốt lành!”.
Liệu những chân thành, ấm áp của anh có khiến nghề IT trở nên bớt khô khan hơn không nhỉ? Phải rồi, hôm nay trong cộng đồng mentor FUNiX đã xuất hiện một văn sĩ IT đích thực!
————————————————-
Vài nét về mentor Vũ Duy Mẫn:
- Sinh năm 1951 tại Thanh Hóa, Việt Nam.
- Hiện anh Mẫn đang sinh sống và làm việc tại New York, Mỹ.
- Blog: https://duymanvu.wordpress.com/
- Quá trình công tác:
* 1966: Học lớp chuyên toán Hà Nội (Yên Hòa).
* 1966-1968: Học lớp toán dự bị, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
* 1968-1977: Du học tại CHDC Đức. Tốt nghiệp Cử nhân và Tiến sỹ ngành Điều khiển học và kỹ thuật tính toán, Đại học Tổng hợp Greifswald.
* 1977-1992: Làm việc tại Viện Công nghệ Thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Được phong học hàm phó Giáo sư ngành tin học (1991). Giữ chức vụ phó Viện trưởng (1990-1992).
* 1992-2014: Làm việc tại Ban thư ký Liên hiệp quốc, New York, Mỹ. Điều phối viên dự án liên khu vực phần mềm hỗ trợ các hoạt động dân số (1992-1999). Chuyên viên hệ thống thông tin quản lý (1999-2010). Chuyên viên cao cấp, Trưởng ban hỗ trợ hệ thống thông tin tài chính (2010-2014).
* 2014: Hưu trí.
Ngoc Vo Sac
Bình luận (0
)