Mentor Mai Mai ấn tượng với những ý tưởng khởi nghiệp của học viên FUNiX
Chị Mai Mai hiện đang là mentor phụ trách môn Khởi nghiệp tại trường Mây. Bên cạnh công việc hỗ trợ học viên, chị cũng tham gia nhóm biên soạn tài liệu môn học Khởi nghiệp của FUNiX, được thiết kế dành riêng cho việc giảng dạy sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Xu hướng chọn học gia sư trực tuyến của phụ huynh Việt
- Review 5 khóa học lập trình cho người mới bắt đầu tốt nhất
- Có nên chọn khóa học lập trình online miễn phí không? Gợi ý các trang web học lập trình miễn phí
- Review tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX năm 2024 cho các bạn chưa biết
- Review cách học của công ty cổ phần đào tạo trực tuyến unica
>> Đại học quốc gia Hà Nội áp dụng FUNiX Way vào môn Khởi nghiệp
Là một trong những nữ mentor nổi tiếng tại trường Mây với bộ môn Khởi nghiệp, chị Mai Mai đã có rất nhiều những trải nghiệm thú vị trong hơn một năm gắn bó với FUNiX. Quá trình hỗ trợ học viên và kết nối với cộng đồng mentor đã giúp chị có thêm những kỷ niệm và bài học giá trị.
Chị đã làm mentor tại FUNiX được bao lâu? Cơ duyên nào đã đưa chị trở thành mentor của FUNiX?
Chị đã làm mentor tại FUNiX được hơn 1 năm. Khi đang giảng dạy chuyên ngành Marketing tại Học viện Tài chính, chị nhận được email mời làm mentor môn Khởi nghiệp từ FUNiX. Chị tìm hiểu và nhận thấy đây là một mô hình rất tiên tiến và có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, do đó chị quyết định tham gia làm mentor tại trường Mây.
Trước khi làm mentor ở FUNiX, chị cũng thường xuyên đồng hành cùng các bạn sinh viên tại CLB Marketing dạng “vườn ươm” ở trường đại học, cũng như tham gia coaching khai vấn cá nhân, hỗ trợ phát triển năng lực cho nhiều đối tượng ở những độ tuổi khác nhau. Có lẽ đó là lý do mà FUNiX biết đến và liên lạc với chị cho vị trí mentor.
Chị đánh giá thế nào về năng lực tự học của học viên FUNiX là gì?
So với các bạn sinh viên ở những môi trường giáo dục khác, chị đánh giá rất cao khả năng tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, tự thúc đẩy sự phát triển của bản thân của các bạn học viên FUNiX. Có được ưu điểm này chính là bởi mô hình giáo dục của FUNiX, trao cho các bạn học viên quyền được lựa chọn.
Khi các bạn thực sự muốn học, các bạn sẽ đăng ký vào FUNiX, được chủ động về thời gian, không gian, được học bất cứ khi nào các bạn muốn và có thể tương tác trực tiếp với mentor bất kì lúc nào.
Quá trình làm mentor môn Khởi nghiệp mang lại những niềm vui nào cho chị? Chị ấn tượng với ý tưởng khởi nghiệp nào nhất?
Chị hiện đang phụ trách mentor môn Khởi nghiệp là môn học cung cấp cho các bạn kiến thức nền tảng về start-up, các bước khởi nghiệp ra sao, xây dựng mô hình khởi nghiệp như thế nào và hiểu được cách thức vận hành của một công ty, doanh nghiệp.
Trong quá trình mentoring, chị có cơ hội gặp nhiều bạn trẻ rất dễ thương, có những ý tưởng khởi nghiệp thú vị. Quan trọng hơn, chị cảm nhận được tinh thần nhiệt huyết, khát khao muốn cống hiến cho xã hội và sự tâm huyết đặt vào từng ý tưởng mà các bạn đưa ra.
Từ những quan sát và trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, có những học viên là dân chuyên khối A (Toán, Lý, Hoá), những người không thực sự giỏi về tiếng Anh và chính các bạn đã đưa ra ý tưởng xây dựng ứng dụng học tiếng Anh trực tuyến. Hay có những xTer rất yêu thích thời trang và trong quá trình học, bạn đã đưa ra ý tưởng khởi nghiệp về lĩnh vực này, ứng dụng CNTT để xây dựng mô hình quản lý,…
Một trong số những ý tưởng khởi nghiệp khiến chị thực sự ấn tượng, có thể tạm gọi là “Giải pháp training cho nhân viên văn phòng.” Bạn học viên đó nhận thấy hiện nay các khóa training cho các nhân viên mới, hay những khóa học phát triển bản thân ở một số công ty, doanh nghiệp còn khá nhàm chán và diễn ra theo hình thức “bắt buộc”, dẫn đến tác dụng ngược. Từ đó, học viên đã đưa ra ý tưởng phát triển trường học kết nối nhu cầu của các nhân viên văn phòng với các mentor trên toàn thế giới, cung cấp cho người học những kiến thức và kỹ năng cần có để hoàn thành tốt công việc. Chị đánh giá đây là mô hình rất ấn tượng.
Quá trình mentoring tại FUNiX đã mang lại cho chị những lợi ích thiết thực nào trong cuộc sống?
Bên cạnh tài chính cũng như những kỷ niệm với học viên, chị đã học hỏi được rất nhiều thứ trong quá trình làm mentor tại trường Mây.
Rõ ràng quá trình tương tác đều là quá trình học hỏi, bất kể là công việc mentor hay giảng dạy tại trường ĐH, chị đều học hỏi được rất nhiều. Học từ các ý tưởng của học viên, học từ những lần mentor, coaching cho các bạn – những người trẻ rất sáng tạo, không ngừng làm mới mình.
Khi tiếp xúc với các anh chị trong bộ phận đào tạo của FUNiX, chị cũng học hỏi được về tư duy, tác phong làm việc. Đặc biệt khi được làm việc và gặp gỡ với các mentor – là những anh chị rất giỏi và có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, có những người cũng đã từng khởi nghiệp và thất bại, vượt qua khó khăn như thế nào,… Lắng nghe chia sẻ từ các anh chị không chỉ là cơ hội biết thêm những kiến thức với, mà còn là những góc nhìn mới, tư duy mới.
Mỗi người có thể là chuyên gia ở một lĩnh vực, nhưng không thể tài giỏi ở tất cả lĩnh vực, nên “học hỏi mỗi ngày” có lẽ là lợi ích thiết thực nhất khi làm mentor tại FUNiX
Có khi nào học viên làm chị buồn, nản không? Tại những thời điểm như vậy, động lực nào giúp chị tìm lại cảm hứng trong công việc?
Chia sẻ thật lòng là có.
Môn Khởi nghiệp mà chị đang hướng dẫn cho các bạn là một môn học hay, nhưng không phải ai cũng có ý định khởi nghiệp. Có những bạn ngay từ nhỏ đã có tư duy làm chủ, các bạn tỏ ra rất hứng thú, nhưng cũng có những bạn chỉ muốn đi làm nhân viên và muốn cống hiến cho sự phát triển của các công ty, doanh nghiệp.
Do đó phải tùy vào từng trường hợp, thay vì chỉ đào sâu về ý tưởng khởi nghiệp, chị cung cấp cho các bạn kiến thức về doanh nghiệp, quy trình làm việc ra sao, vận hành như thế nào,… những kiến thức này rất căn bản để dù làm chủ hay làm nhân viên thì các bạn cũng cần phải biết. Quan trọng nhất là thay vì “ép buộc”, hãy xoay sang một góc nhìn khác, định hướng cách thức học và nghiên cứu cho học viên.
Bên cạnh việc tìm ra giải pháp, những lúc gặp khó khăn, động lực của chị đến từ chính các bạn học viên – những bạn trẻ rất hăng hái và chủ động, say mê trong quá trình học tập. Bên cạnh đó, xuất phát từ mô hình đào tạo tại FUNiX là mô hình tiến bộ và chị muốn tiếp tục trải nghiệm mô hình này. Đặc biệt, chị rất yêu mến và ấn tượng với các mentor của FUNiX, đây không chỉ là mạng lưới dành cho học viên mà còn là sự kết nối cho chính các mentor, được gặp gỡ những người tài giỏi đến từ nhiều lĩnh vực trong cuộc sống mà chị đã chia sẻ ở trên.
Chị có đặt cho mình nguyên tắc/phương châm nào trong công việc mentor không?
Chị thấy tư duy của chị và tư duy về mô hình dạy học tại FUNiX khá trùng nhau. Chị luôn coi kỹ năng tự học, tự nghiên cứu là năng lực cực kì cần thiết.
Trong một xã hội có quá nhiều nguồn thông tin như hiện nay thì việc tự nghiên cứu, tự tìm kiếm, chọn lọc cái gì hữu ích cho bản thân là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, dù CNTT, Kinh doanh hay bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống cũng sẽ thường xuyên biến đổi, và việc phát triển khả năng tự thích nghi cũng khá quan trọng.
Trên cơ sở đó, nguyên tắc của chị đó là mentor chỉ đóng vai trò dẫn dắt, gợi mở chứ không phải là người đưa ra đáp án, lời giải chi tiết. Các bạn cần phải tự học và chọn lọc thứ tốt nhất cho bản thân mình.
Minh Tiến
>> Mentor Nguyễn Oanh: “Được giúp đỡ các bạn học viên chính là nguồn động lực to lớn của mình”
>> Mentor được yêu thích nhất tháng 12 chia sẻ về hành trình FUNiX
Bình luận (0
)