5 lý do bạn nên sử dụng môi trường desktop XFCE
Trong khi các môi trường Desktop khác trong Linux thường tiêu tốn nhiều tài nguyên hệ thống thì XFCE mang đến trải nghiệm sử dụng máy tính khá nhẹ và liền mạch.
Table of Contents
XFCE là một môi trường desktop đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Nó được xem như một lựa chọn tương tự như GNOME do cùng được xây dựng dựa trên GTK nhưng nhẹ hơn. Có ít lập trình viên làm việc trên xfce nên môi trường desktop này không có quá nhiều ứng dụng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dùng lựa chọn XFCE. Nó thường xuyên được cập nhật và nhiều hệ điều hành dựa trên Linux lấy XFCE làm giao diện mặc định.
Tại sao lại như vậy? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số lợi ích của môi trường desktop XFCE.
1. Xfce có yêu cầu hệ thống thấp
Nhiều bản phân phối Linux lựa chọn Xfce vì nó có thể dễ dàng chạy trên nhiều phần cứng khác nhau. Xfce không chỉ có thể chạy trên một thiết bị có phần cứng không mạnh mà còn chạy rất mượt. Dù máy tính mạnh hay yếu thì Xfce đều hiệu quả như nhau.
Xfce có thể không phải là môi trường desktop hiện đại nhưng nó có đầy đủ chức năng để phục vụ nhu cầu người dùng. Điều này rất có ý nghĩa nếu máy tính của bạn yếu đến mức mở Start Menu thôi cũng chậm hay bị đơ khi mở nhiều hơn một ứng dụng cùng một lúc.
Xfce hoạt động khá tốt trên các thiết bị cũ, nhưng với các máy tính hiện đại còn vượt trội hơn nhiều. Người dùng có thể tận dụng tối đa tài nguyên trên hệ thống của mình, CPU hoặc card đồ họa không phải tốn năng lượng cho các hình ảnh động (animations). Mọi tác vụ đều được xử lý ngay lập tức kể cả đó là chơi game, thực hiện trình chiếu video hay dịch code.
2. Xfce không có nhiều thay đổi
Môi trường desktop Xfce ngày nay trông không khác nhiều so với phiên bản những năm 2000, tuy đã có một số tính năng mới và code đằng sau đó đã được hiện đại hóa ở nhiều nơi.
Sự đơn giản này trái ngược hoàn toàn với hai môi trường desktop phổ biến khác của những năm 1990 là GNOME và KDE, vì chúng đều đã trải qua những biến đổi lớn.
Xfce và MATE cũng có những sự khác biệt nhất định mặc dù giao diện bên ngoài có vẻ giống nhau. MATE tồn tại như một nỗ lực bảo tồn GNOME 2 – một phiên bản của GNOME đang dần bị lãng quên khi GNOME 3 phát hành vào năm 2011.
Mặc dù MATE đôi khi cũng có thêm những tính năng mới nhưng nỗ lực đổi mới ở đây chủ yếu là giữ cho code đủ hiện đại để bảo tồn những gì đã tồn tại. Xfce không phải là dự án mang tính bảo tồn. Nó chỉ đơn giản là một môi trường desktop mà ngay từ ban đầu đã có một cách tiếp cận khá “bảo thủ” về những gì mà nó muốn đạt được.
3. Xfce không có hình ảnh động
Xfce theo mặc định không có ảnh động (animation). Đối với những người không thích sự dịch chuyển trên màn hình thì đây có thể là một ưu điểm. Việc chứa ảnh động có thể làm giao diện máy tính chạy chậm hơn, ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng. Desktop không có hình ảnh động giúp người dùng cảm thấy các quá trình máy tính “diễn ra” tức thì.
Nếu bạn thuộc về thế hệ trẻ, quen với việc màn hình máy tính hay điện thoại có ảnh động, bạn có thể thử kiểu giao diện không có ảnh động này xem sao. Nếu bạn nhất thiết phải có nó, nó có thể được bật bằng cách hoán đổi trình quản lý cửa sổ mặc định sang một lựa chọn khác.
4. Xfce có tính mô-đun (Modular)
Có nhiều desktops miễn phí đã tiêu chuẩn hóa bộ công cụ nhất định như systemd, Wayland, PipeWire và nhiều công cụ khác nữa.Trong một số môi trường desktop, nếu bạn sử dụng những công cụ này, bạn sẽ được hỗ trợ. Nhưng nếu bạn lựa chọn đi theo một con đường khác, bạn sẽ phải tự làm mọi thứ.
Xfce là một môi trường desktop truyền thống. Nó quản lý giao diện desktop nhưng không quan tâm đến những thành phần hệ thống nền bạn đang sử dụng. Vì thế nếu bạn có đủ hiểu biết về kỹ thuật để biết rõ về Systemd hay X11, Xfce là một môi trường desktop lý tưởng nơi bạn có thể kết hợp các thành phần thêm vào theo ý mình.
Mặt khác, nếu bạn muốn tiếp cận với công nghệ mới nhất, bạn có thể phải chờ đợi vì môi trường desktop này có ít lập trình viên và định hướng khá bảo thủ.
5. Xfce có khả năng tùy chỉnh
Một số desktop miễn phí thường được các lập trình viên thiết kế giao diện dạng theo kiểu khá cố định, người dùng phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện thay đổi hoặc tùy chỉnh. GNOME và hệ điều hành sơ cấp Pantheon là hai ví dụ điển hình.
Tuy nhiên, môi trường desktop Xfce hoàn toàn ngược lại. Chúng có một bảng hiện lên các thành phần được sắp xếp thế nào và bạn có thể tùy chỉnh theo ý muốn cá nhân như: tạo bảng, hoán đổi danh sách cửa sổ cho một menu cửa sổ hoặc một thanh công cụ hay thay đổi theme (mẫu giao diện), icon (biểu tượng) và phông chữ.
Đây được xem như phiên bản trung gian của GNOME và KDE. Bạn có thể tự do chỉnh sửa hầu hết các khía cạnh của desktop nhưng cài đặt hệ thống và menu ngữ cảnh (context menu)* lại không quá lộn xộn. Nếu bạn thấy việc sử dụng KDE có phần quá tải, Xfce sẽ là môi trường cung cấp một mức độ tự do tương tự trong khi vẫn có giao diện đơn giản.
*Context Menu: menu hiện ra khi bạn click phải chuột vào các đối tượng trong 1 cửa sổ windows hay trong desktop
Kết luận
Trong khi thế giới công nghệ đang thay đổi hàng ngày, Xfce vẫn tiếp tục tìm thấy những người dùng mới và phục vụ một thị trường ngách.
Xfce tồn tại để đáp ứng nhu cầu muốn sử dụng một môi trường desktop truyền thống mà không chiếm dụng nhiều tài nguyên hệ thống của máy tính. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về ưu điểm của Xfce.
Khánh Huyền (Theo Makeuseof)
https://www.makeuseof.com/reasons-why-you-should-try-xfce/
Bình luận (0
)