Mặc dù nó bắt đầu ở Mỹ, toàn bộ nền kinh tế thế giới đều cảm nhận được tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nó đã khai sinh ra phong trào Chiếm lấy phố Wall (Occupy Wall Street) và Bitcoin chỉ một năm sau đó. Cả đồng tiền điện tử và phong trào xã hội này đều là những phản ứng đối với sự thái quá của tài chính tập trung (Central Finance, viết tắt là CeFi).
Sau Bitcoin, phải mất sáu năm để một blockchain khác xuất hiện: Ethereum, mở đường cho cái mà ngày nay chúng ta gọi là tài chính phi tập trung (decentralized finance, viết tắt là DeFi).
Vậy, tài chính phi tập trung là gì, nó hoạt động như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải thích lý do tại sao các ngân hàng trung ương lại cho rằng DeFi còn nguy hiểm hơn cả Bitcoin
Tài chính phi tập trung (DeFi) là gì?
Nếu không có sự tin tưởng, làm thế nào các bên tham gia giao dịch có thể đảm bảo bên kia sẽ giữ thỏa thuận?
Bằng cách trả cho các trọng tài hoặc bên cơ quan thực thi như một chi phí kinh doanh? Điều gì sẽ xảy ra nếu bên thứ ba đó bị mua chuộc?
Như vậy, trong trường hợp tốt nhất, các bên tham gia giao dịch phải trả phí, và trong trường hợp xấu nhất, một bên phải chịu thiệt hại do phía thực thi bị mua chuộc. DeFi loại bỏ cả hai trường hợp thông qua việc sử dụng các hợp đồng thông minh. Tuy nhiên, không phải tất cả các blockchain đều có chúng. Ví dụ, blockchain của Bitcoin được phát triển với mục đích duy nhất là phân phối tiền điện tử giảm phát (loại tiền có lượng cung giảm dần theo thời gian).
Các blockchain như Ethereum, Cardano hoặc Algorand là các blockchain có thể lập trình được. Có nghĩa là, các nhà phát triển có thể mã hóa bất kỳ hợp đồng nào tồn tại trong thế giới thực dưới dạng hợp đồng thông minh và đặt nó trong các khối dữ liệu. Các hợp đồng này thông minh vì chúng tự động thực thi khi các điều khoản được lập trình sẵn được đáp ứng và chúng phi tập trung vì không có cơ quan giám sát nào.
Hợp đồng thông minh hoạt động như thế nào?
Còn được gọi là ứng dụng phi tập trung (decentralized application, viết tắt là dApps), hợp đồng thông minh mã hóa và thực thi bất kỳ logic nào con người có thể nghĩ đến. Logic này có thể mang tính ràng buộc về mặt pháp lý hoặc phục vụ cho các mục đích kinh doanh. Ví dụ: trao đổi một loại tiền tệ này cho một loại tiền tệ khác, xử lý giao dịch, thiết lập quyền sở hữu tài sản, theo dõi sản phẩm, số hóa (mã hóa) tài sản trong thế giới thực (NFT), v.v.
BÀI LIÊN QUAN: Hợp đồng thông minh Blockchain là gì? Nó hoạt động như thế nào?
Thứ thực sự mang lại cho các hợp đồng thông minh/dApps sức mạnh của chúng là blockchain. Nếu bạn đã từng chơi một game nhập vai, bạn sẽ nhận thấy rằng chúng có có một số loại kinh tếnhất định. Khi bạn giao dịch thứ gì đó trong game, giữa người chơi hoặc NPC (Non-player character, tạm dịch là Nhân vật không phải người chơi), một chương trình sẽ thực hiện giao dịch đó mà không cần người trung gian. Về mặt kỹ thuật, đây là một hợp đồng thông minh.
Tuy nhiên, một tin tặc có thể dễ dàng làm hỏng trò chơi đó để phá hoại giao dịch hoặc ăn cắp tiền trong trò chơi.
Điều này hầu như không thể xảy ra đối với các dApp, vì chúng được lưu trữ trong chuỗi khối. Mỗi khi một bản ghi được thực hiện, tức là một hợp đồng thông minh được thực thi, bản ghi này sẽ được đồng bộ hóa trên toàn bộ mạng blockchain. Do đó, để làm giả bản ghi đó, trước hết tin tặc phải kiểm soát hơn 50% mạng lưới.
Các nhà tạo lập thị trường tự động là dApp DeFi phổ biến nhất
Trong lĩnh vực tài chính tập trung, các nhà tạo lập thị trường (market maker*), chẳng hạn như Nasdaq, Citadel Securities, hoặc NYSE, rất quan trọng để thị trường chứng khoán và ngoại hối hoạt động. Nếu bạn muốn mua một tài sản với một mức giá nhất định, thì phải có người ở đầu bên kia bán nó và ngược lại. Nếu không có các nhà tạo lập thị trường, sẽ rất khó thực hiện được điều này mà không phải chịu sự chậm trễ lớn.
*Market maker: các cá nhân hoặc các công ty môi giới cung cấp dịch vụ giao dịch & tạo thanh khoản, trực tiếp tham gia vào các giao dịch với vị thế vừa là người bán và người mua.
Tương ứng, các nhà tạo lập thị trường đưa tính thanh khoản vào thị trường bằng cách bao gồm cả ‘bán’ và ‘mua’. Ví dụ: nếu bạn muốn bán 50 cổ phiếu Tesla (TSLA), một nhà tạo lập thị trường sẽ mua nó cho bạn ngay cả khi hiện tại không có người bán. Bằng cách này, các nhà tạo lập thị trường đảm bảo rằng các nhà đầu tư có thể thoát ra và tham gia thị trường khi họ muốn, lợi dụng sự biến động giá của tài sản.
Trong lĩnh vực tài chính phi tập trung, các nhà tạo lập thị trường tự động (automated market maker, hay AMM) đóng vai trò tương tự. Thay vì các sàn giao dịch tập trung như Nasdaq, sàn giao dịch phi tập trung (decentralized exchange, hay DEX) sử dụng các AMM để giới thiệu tính thanh khoản cho thị trường. Điều này có thể thực hiện được nhờ vào các nhóm thanh khoản và các nhà cung cấp thanh khoản.
Bể thanh khoản + Nhà cung cấp thanh khoản = Khai thác lợi suất (yield farming)
Để một cặp tiền điện tử có thể giao dịch được, phải có dự trữ token để không có sự chậm trễ. Dự trữ này là bể thanh khoản (Liquidity Pool). Giả sử ai đó muốn đổi DAI stablecoin lấy ETH hoặc ngược lại. Để có thể thực hiện được việc trao đổi đó, các nhà cung cấp thanh khoản khóa tài sản tiền điện tử của họ trong bể thanh khoản DAI/ETH.
Khi dịch vụ của họ với tư cách là nhà cung cấp thanh khoản (liquidity providers – LP), họ nhận được phần thưởng – lãi suất – nó phụ thuộc vào số lượng tài sản tiền điện tử được đặt cọc và nhu cầu đối với cặp token. Do đó, các nhà cung cấp thanh khoản được gọi là yield farmer (tạm dịch là nông dân lợi suất) và cung cấp thanh khoản trên một sàn giao dịch phi tập trung được gọi là Khai thác lợi suất (yield farming). Nguyên tắc vay và cho vay cũng vậy.
Các dApp DeFi khai thác lợi suất phổ biến nhất là:
- Aave — cho vay
- Compound — cho vay
- Maker — cho vay
- Uniswap —DEX
- PancakeSwap —DEX
Hầu hết tất cả các dApp DeFi được lưu trữ bởi Ethereum, trong khi PancakeSwap được lưu trữ bởi Binance Smart Chain. Các tài sản tiền điện tử bị khóa trong hệ sinh thái DeFi đã tăng lên rất nhiều kể từ mùa hè năm ngoái, lên đến 80,42 tỷ đô la.
Các loại dApp DeFi khác và cách bắt đầu
Khai thác lợi suất có thể được biến thành game giống như bất kỳ hoạt động nào khác. Điều này được minh chứng rõ nhất bởi Axie Infinity, một trò chơi blockchain cực kỳ thành công trong đó người ta có thể “nuôi trồng” Small Love Potions (SLP) và NFT. Sau đó, bạn có thể biến chúng thành một nguồn thu nhập thụ động. Kể từ đầu năm 2021, doanh thu của Axie đã tăng hơn 6000%!
Để có cái nhìn tổng quan nhất về các dApp hiện có, hãy truy cập dappradar. Bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy rằng đối với hầu hết các giao dịch, bạn cần có token ETH hoặc BNB. Tất nhiên, để có được chúng, trước tiên bạn phải mua chúng bằng tiền định danh.
Cách dễ nhất để liên kết với dApps và nạp đầy tiền của bạn là cài đặt ví MetaMask, có sẵn cho tất cả các nền tảng chính. Với ví MetaMask được cài đặt và tích hợp trong trình duyệt web, mỗi khi bạn truy cập trang web dApp, nó sẽ tự động kết nối bạn với giao thức DeFi. Sau đó, bạn quyết định chọn cặp token nào để khai thác lợi suất.
Cho dù bạn chọn cái nào, lãi suất của bạn có thể sẽ cao hơn nhiều so với mức bạn có thể nhận được từ gửi tiết kiệm ngân hàng. Tuy nhiên, cũng giống như cổ phiếu thông thường, các khoản đầu tư của bạn có thể giảm giá trị và bạn có thể không thu hồi được số tiền bạn đã bỏ vào DeFi dApp.
ĐỌC TIẾP: Sàn giao dịch tiền điện tử phi tập trung (DEX) là gì?
Vân Nguyễn
Dịch từ: https://www.makeuseof.com/defi-what-is-yield-farming-and-why-is-it-so-popular/
Bình luận (0
)