Liều mạng! | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Liều mạng!

Góc Nguyễn Thành Nam 21/06/2021

Có một môn học chỉ để nghiên cứu về văn hóa FPT?

Có lẽ đối với nhiều doanh nghiệp khác, Văn hóa FPT luôn tạo nên một sự tò mò nhất định. Nên trước nay tôi cũng thi thoảng được mời đi hát dạo về môn này. Đại khái là kể các câu chuyện có tình huyền thoại chút, như hát bậy mà cưa được khách hàng, anh em thà ăn mì gói không lấy tiền của công ty… thêm nếm vài câu lý luận có tính kinh điển kiểu như “culture eat strategy for breakfast”.
 
“Miệng kẻ sang có gang có thép” nói gì chẳng đúng. Vỗ tay rầm rầm, cầm phong bì đi về. Sau bận quá, sang lại mối làm ăn cho cô em. Nghe nói còn duyên dáng hơn bội phần. Đôi lúc vẩn vơ ở Mộc Lâm, đã nghĩ đến lập hẳn Hiệp Hội để chém gió kiếm ăn cho nó chuyên nghiệp.
 
Nhưng rồi, đi làm giáo dục, tiếp xúc với các thầy, rồi học sinh nhiều hơn. Mới hiểu không phải cứ biết hát là mở được nhạc viện. Chém gió rõ ràng không phải là dạy. Không có cấu trúc, không tài liệu tham khảo, không bài tập, không thi!
 
Thế nên, ba anh em tôi ngồi lại, chỉ tay lên trời, thề, quyết tạo ra một môn học hẳn hoi, đặt tên là FPT Way, ngụ ý là Văn hóa đã Ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển và tồn vong của FPT. Nhanh cũng phải mất cả tháng mới học xong, chậm thì đời đời chẳng hiểu.
 
Hóa ra đầu tiên phải định nghĩa thế nào là văn hóa. Nhất là văn hóa của tổ chức. Thôi thì đủ loại mô hình. Xem đi xem lại thấy của cụ Schein là lâu đời và nhất quán nhất. Chọn!
 
Các nhà quản lý hay thích phát triển: “văn hóa đúng đắn”, hay “văn hóa chất lượng”, hay “văn hóa phục vụ khách hàng”, ngầm định là văn hóa liên quan đến một số giá trị mà họ cố gắng khắc sâu vào tâm trí nhân viên. Người nói vì thế cũng giả định là có văn hóa tốt hơn hay xấu hơn, mạnh hơn hay yếu hơn, và văn hóa “đúng” sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của tổ chức.
 
Tuy nhiên cụ Schein lại cho đó là việc lạm dụng từ ngữ văn hóa, không những giả tạo, đưa ra một cách nhìn sai về văn hóa mà còn là một xu hướng nguy hiểm, tuyệt đối hóa việc đánh giá văn hóa và tham vọng đưa ra văn hóa “đúng” cho tổ chức. Văn hóa “tốt” hay “xấu”, “hiệu quả” hay “không hiệu quả” là vô nghĩa. Văn hóa đã tồn tại, chứng tỏ là nó “đúng”!
 
Cụ tóm lại như sau:
 
Văn hóa có 3 tầng: tầng thứ nhất, tạm gọi là “hiện vật”, bao gồm tất cả những hoạt động của tổ chức mà có thể xem, sờ, nghe, cảm nhận được. Kiểu như ở FPT là lễ hội, hát bậy, trang trí văn phòng, làm bảo tàng…
 
Tầng dưới hơn tạm gọi là tầng triết lý, bao gồm những giá trị và niềm tin mà tổ chức trân trọng được viết ra gắn khắp nơi hoặc được học thuộc, kiểu như “sâu sáng tuyệt thông phong”, “tôn đổi đồng, chí gương sáng”
 
Nhưng chỉ có tầng sâu nhất, gọi là tầng “tiên đề”, có tính vô thức, mới có thể giúp giải thích được một cách nhất quán những hành vi của tổ chức ở các tầng trên. Nếu không hiểu điều này, chúng ta rất dễ quy cho những điều chúng ta “muốn thấy” là “văn hóa”. Vô thức có thể là do ông Bình quê Quảng Nam nên hay cãi. Ông Tiến quê Thanh Hóa nên thích làm vua. Ông Nam học Nga về nên cái gì cũng Nga nhất…
 
Những tiên đề này được hình thành chọn lọc từ trải nghiệm học tập chung của tổ chức trong quá trình hình thành rồi phát triển. Nó được tất cả thành viên của tổ chức chấp nhận và sẽ xác định hành vi của tổ chức, các chuẩn mực và luật lệ dạy cho các thành viên mới trong một quá trình “xã hội hóa”. Có một số những tiên đề có thể coi là cốt lõi, tạo nên một dạng thức trung tâm điều hành cả hệ thống, có thể so sáng với cấu trúc DNA của người.
 
Về mặt nội dung, các tiên đề văn hóa sẽ hình thành từ những vấn đề mà tổ chức phải đối mặt. Được chia thành hai loại, bất kể kích cỡ của tổ chức thế nào:
 
(1) sống sót, phát triển và thích nghi với môi trường như:
  • Ý nghĩa của sự tồn tại của tổ chức, kiểu vision.
  • Đặt mục tiêu, kiểu OKR
  • Lập kế hoạch, như hội nghị chiến lược
  • Đo đạc kết quả, các loại chỉ tiêu
  • Hành xử khi mục tiêu không đạt được: 3 thưởng, 1 phạt
(2) thống nhất nội tại, bảo đảm hoạt động hàng ngày bình thường của các thành viên để thích nghi và học tập như:
  • Ngôn ngữ giao tiếp
  • Ranh giới và định danh của tổ chức.
  • Phân bổ quyền lực và chức danh.
  • Các chuẩn mực về sự thân thiết, tình bạn và tình yêu.
  • Thưởng và phạt.
  • Những điều không giải thích được-các huyền thoại
Tất cả các vấn đề trong hai lĩnh vực này đều phản ánh môi trường văn hóa rộng lớn mà tổ chức đang hoạt động ở đó. Cụ thể ở trường hợp FPT là Văn hóa Việt Nam và sự va chạm với các nền văn hóa khác khi tổ chức mở rộng thị trường toàn cầu. Văn hóa môi trường dẫn giải các tiên đề sâu rộng hơn như
 
Bản chất của thực tế và sự thật. Thế nào là Đúng, là Sai? Là Thực là Ảo?
 
Bản chất của thời gian, không gian. Thế nào là Nhanh là Chậm? Là Xa là Gần?
 
Con người và quan hệ con người. Thế nào là Thiện là Ác. Là Yêu là Ghét?
 
Văn hóa là những tiên đề được đúc kết từ những bài học trải nghiệm của cuộc sống của tổ chức, nên tuy bền vững, nhưng động. Đối với FPT, những vấn đề như: 
  • IPO thành công và sự giàu lên đột biến của một tầng lớp đáng kể các lãnh đạo
  • Phát triển đa ngành nghề tạo nên các “văn hóa con” nhà giáo, con buôn,….mạnh mẽ
  • Va chạm với các nền văn hóa khác trong quá trình toàn cầu hóa
  • Công nghệ thay đổi nhanh chóng và sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh hoàn toàn mới
  • Đa thế hệ 6x, 7x, 8x, 9x, 0x đòi hòi sự hình thành đa hệ giá trị
Đã tạo nên những áp lực thay đổi to lớn mà đội ngũ lãnh đạo hiện tại của FPT phải đối mặt. Liệu họ có thể thay đổi được văn hóa đã tạo nên thành công, xây dựng một nền văn hóa mới đưa công ty vượt lên những tầm cao mới.
 
Văn hóa có tính bao trùm và là quyết định cuối cùng tất cả các hoạt động của tổ chức. Tạo dựng và quản lý văn hóa là nhiệm vụ tối thượng của người lãnh đạo. Ngược lại, khi văn hóa đã hình thành, nó xác định những tiêu chuẩn để lựa chọn lãnh đạo.
 
Viết đến đây mà mấy anh em chúng tôi thấy toát mồ hôi hột! Hay là thôi?
 
 
TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi tư, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau 6 năm thành lập (13/10/2015), hiện FUNiX có trên 13.000 học viên, trên 5.000 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đang sinh sống ở Việt Nam và 34 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ.
 
 
 
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!