Mentor và xTer FUNiX thảo luận sôi nổi về phương pháp học tập dựa trên hiện tượng
Tối 23/11, AmaTalk #13 diễn ra với những thảo luận sôi nổi xoay quanh chủ đề "Học tập dựa trên hiện tượng", một phương pháp giáo dục có tính cách mạng xuất phát từ Phần Lan và hiện ngày càng trở nên phổ biến.
Table of Contents
Tối 23/11, AmaTalk #13 với chủ đề xoay quanh bài dịch “Học tập dựa trên hiện tượng – Phenomenon-based learning” thu hút hơn 70 học viên, Hannah và cán bộ trường Mây. Chương trình chào đón sự xuất hiện của dịch giả Phan Phương Đạt – Trưởng ban Cố vấn Câu lạc bộ Tài năng Lập trình FPT Software cùng mentor Bùi Thành Trung – Tech Manager tại công ty chuyên về các ứng dụng âm nhạc Amanotes.
Mang đến góc nhìn của một người non-IT là xTer Nhan Anh Đức, hiện là học viên khóa Chứng chỉ Doanh nghiệp, hướng lập trình Full-stack. Anh Đức chia sẻ chọn bài viết làm chủ đề thảo luận vì thấy việc học tập là một chủ đề rất gần gũi, quen thuộc với tất cả mọi người. Vốn chuyên về khối tự nhiên, Đức chia sẻ từ bé thấy cách dạy những môn xã hội trong trường học rất nhàm chán nên rất hứng thú tìm hiểu một phương pháp học tập mới có thể kích thích sự tò mò và hứng khởi của học sinh.
Học tập dựa trên hiện tượng là gì?
Mở đầu chương trình, xTer Nhan Anh Đức đã chia sẻ những hiểu biết của mình về chủ đề dựa trên bài dịch của dịch giả Phan Phương Đạt. Theo Đức, học tập dựa trên hiện tượng là phương pháp giáo dục có tính cách mạng xuất phát từ Phần Lan và hiện ngày càng trở nên phổ biến.
Học tập dựa trên hiện tượng bắt đầu từ việc quan sát các hiện tượng của thế giới thực một cách toàn diện và chân thực. Các hiện tượng này được nghiên cứu một cách toàn diện từ các quan điểm khác nhau, vượt qua ranh giới giữa các môn học một cách tự nhiên
Cách khởi đầu này khác với cách làm của trường học truyền thống, trong đó những thứ được tìm hiểu thường được chia thành các phần tương đối nhỏ và tách rời (các môn học) mà không có bối cảnh.
Trong giảng dạy dựa trên hiện tượng, việc cùng tìm hiểu hiện tượng bắt đầu từ việc đặt câu hỏi hoặc nêu vấn đề (ví dụ: Tại sao một chiếc máy bay lại bay được và không rơi?). Các vấn đề và câu hỏi được đặt ra bởi chính những người học và là những điều mà họ thực sự quan tâm. Khi phát huy tốt nhất, người học cùng nhau tìm câu trả lời cho các câu hỏi hoặc vấn đề liên quan đến hiện tượng mà họ quan tâm.
Để giải thích rõ hơn về phương pháp học tập mới này, dịch giả Phan Phương Đạt đã chia sẻ câu chuyện tại trường học dành cho trẻ em da màu tại Mỹ vào những năm 1950 – 1960. Vào thời điểm đó, giáo trình chỉ toàn những câu chuyện xa lạ về người da trắng, khiến trẻ mất đi hứng thú học tập.
Trong hoàn cảnh đó, một thầy giáo đã mua tặng cho những đứa trẻ mình dạy một chiếc máy ảnh. Bọn trẻ được hướng dẫn chụp lại chính cuộc sống của mình rồi viết về những tấm ảnh đó. Chính quá trình quan sát, tìm hiểu, giải thích về những hiện tượng trong thế giới của mình đã khơi gợi hứng thú và động lực học tập cho trẻ.
Mentor Bùi Thành Trung giới thiệu góc nhìn từ thực tế
Hiện là Tech Manager tại Amanotes, Mentor Bùi Thành Trung chia sẻ về một vấn đề rất thường gặp trong nhiều năm làm công tác quản lý và tuyển dụng: kiến thức được học ở trường không bám sát thực tế nên người học ít có động lực. Đến khi bắt tay vào làm thực tế, các bạn mới nhận ra kiến thức trước đây giúp ích cho công việc như thế nào thì lại không có nhiều thời gian để học nữa.
Anh đánh giá cao phương pháp học tập dựa trên hiện tượng vì kiến thức có giá trị sử dụng ngay lập tức, được ứng dụng để giải thích một hiện tượng hoặc giải quyết một vấn đề. Nhờ đó mà người học có mục tiêu rõ ràng khi đào sâu nghiên cứu, chứ không chỉ ghi nhớ kiến thức rời rạc mà không biết gì về bối cảnh hoặc hiểu về ý nghĩa thực tế của nó.
Mentor Bùi Thành Trung cho rằng học tập dựa trên hiện tượng chứng tỏ được hiệu quả khi ứng dụng trong thực tế. Lúc này, hiện tượng chính là nhu cầu phát sinh. Ví dụ, nhân viên muốn làm game sẽ cần học cách dùng công cụ Unity. Một khi biết được kiến thức học được để làm gì, các bạn có tiến độ nhanh hơn rất nhiều so với khi học ở trường.
Học tập dựa trên hiện tượng: giống cách học tự nhiên của trẻ con
Chia sẻ góc nhìn của người đã lựa chọn và dịch bài viết chủ đề, anh Phan Phương Đạt cho rằng phương pháp học tập dựa trên hiện tượng có bản chất giống như cách học tự nhiên của trẻ con: nhìn thấy gì đó gây tò mò nên đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, kiểu học này đã bị phá vỡ khi trẻ đến trường. Vốn được ra đời do yêu cầu của cách mạng công nghiệp về một lực lượng lao động lớn đào tạo trong thời gian ngắn, trường học hiện đại tách rời kiến thức và thực tế để “nhồi nhét” cho nhanh và đảm bảo tiến độ học tập.
Anh cũng cho rằng nếu học tập dựa trên hiện tượng đưa vào trường học có thể tạo động lực học tập mạnh mẽ, thỏa mãn nhu cầu tìm tòi học hỏi tự nhiên của mỗi người. Tuy nhiên, điều này sẽ gây khó khăn lớn về mặt tổ chức và đòi hỏi thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục.
Phần Q&A cũng không kém phần sôi nổi với những đóng góp của khán giả. Khán giả Nguyễn Thủy Tiên cho rằng cách học này thì yêu cầu cao hơn với giáo viên về trình độ kiến thức, việc chuẩn bị bài… nên khó mà áp dụng đại trà. Diễn giả Phan Phương Đạt giải thích trong phương pháp này, thầy cô đóng vai trò điều phối nhiều hơn, đến phần cần kiến thức chuyên môn sâu hơn thì sẽ sắp xếp người có chuyên môn trong lĩnh vực đó để giảng dạy.
Phản hồi sau chương trình, xTer Nhan Anh Đức tâm sự: “Lúc nhỏ mình đi học theo yêu cầu của gia đình, xã hội, không hề có dẫn dắt là kiến thức mình học sau này để làm gì, áp dụng ở đâu. Giờ mình muốn học thì lại không có nhiều thời gian.”
“Nếu có thể tư vấn, tham khảo ý kiến người có kinh nghiệm trong cuộc sống thì sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, tránh được việc lãng phí tuổi trẻ vào thứ mơ hồ không định hướng, đạt được thành công sớm hơn,” Anh Đức chia sẻ.
Vân Nguyễn
AmaTalk là talkshow phổ cập kiến thức về CNTT do FUNiX thực hiện. Mỗi tuần, một bài dịch liên quan đến công nghệ sẽ được đăng tải trên trang website amatech.vn và là chủ đề chính được mang ra bàn luận. Chương trình sẽ có sự tham gia của 2 khách mời: Một fresher – người sẽ chia sẻ những hiểu biết về bài dịch và đặt ra câu hỏi; Một chuyên gia – mentor, có vai trò giải thích, phân tích, làm sáng tỏ những băn khoăn của fresher cũng như khán giả. Bên cạnh đó, phần Q&A tiếp nối chương trình sẽ tạo cơ hội cho người xem được giao lưu trực tiếp, đặt câu hỏi cho diễn giả và nhận được phần quà hấp dẫn của chương trình.
Bình luận (0
)