Học nhanh khi cần và, chậm cũng vậy!
Có một chuyện nói đi cũng phải nói lại rằng vấn đề học thế nào đã được tranh luận rất nhiều, và rằng slogan của trường chúng ta là “Học nhanh kiếm tiền sớm”. Mình không đủ năng lực phán xét là ý kiến này đúng hay sai. Mình chỉ thấy rằng, chỗ nào nhanh thì cần nhanh, chỗ nào chậm thì cần chậm.
Mình xin chia sẻ về thất bại cá nhân của mình trong quá trình thực tập tại cả NCCSoft và FPT Software, tất cả chỉ qui về một chữ nhanh. Khi mình mới lên ngồi làm việc, điều đầu tiên là mình cảm thấy rất choáng vì môi trường làm việc thực tế rất nhiều thứ hay ho mà mình chưa biết, và bằng sự nhanh nhạy và có phần nóng nảy của mình, mình mong muốn được biết tất cả, các framework, các library, cái nào mình cũng muốn thử. Và kết quả là, các mocking project của mình, cái thì không thể xong, cái thì bị review rất tệ, đến nỗi anh mentor/PM gọi riêng mình ra nói chuyện, bảo mình là quá nóng vội, và cảnh báo về nguy cơ của mình là sẽ không đi đến đâu nếu còn tiếp tục giữ cách học như vậy. Và hiện tại mình đang phải ngồi đọc từng chút một các phần cơ bản của Java EE.
Mình không muốn nói học nhanh là sai, vì đơn giản công nghệ thay đổi quá nhanh, để thích ứng với yêu cầu mới của khách hàng, bắt buộc chúng ta phải học nhanh. Nhưng mình nghĩ, đó là câu chuyện của người khác, đó là các anh chị đã có kinh nghiệm trong cái nghề gõ mã này. Khi công nghệ thay đổi nhanh mà những người mới tham gia vào ngành đã nghĩ về chuyện học nhanh, điều đó là không thể, vì nó rất giống như việc luyện võ mà không tu nội công, yếu phần nền tảng, khi lên cao sẽ sập cả một hệ thống kiến thức. Anh Ngô Thạch Lam, hiện đang làm tại FPT Software Đà Nẵng từng dặn mình rất kĩ là học Java phải đi từ gốc rễ, vững phần móng để xây dựng tòa tháp cao, mình chỉ cần trái với nguyên tắc này thôi và mình đã lãnh hậu quả.
Nhưng mình không phủ nhận là tầm quan trọng của sự nhanh nhạy trong học tập. Cách đây một năm, khi mình làm trưởng ban tổ chức của một sự kiện (có thể nói nó giống như một Project Manager vậy), có rất nhiều sự thay đổi xảy ra khi team của mình làm việc, và mọi người buộc phải thay đổi rất nhiều cái, từ timeline, dự trù kinh phí cho đến cơ cấu nhân sự. Có nghĩa học nhanh là cần thiết khi bạn phải thích ứng với sự thay đổi. Còn những thứ nền tảng, tốt hơn là đi từ từ để mỗi khi có vấn đề đều có thể trace back về các kiến thức khởi nguyên.
Nhưng dù sao, mình cũng đã nói rất nhiều lần. Cái FUNiX đang dạy cho từng sinh viên là một phương pháp luận trong học tập, bạn có thể tìm kiếm cụm từ constructivism, có nghĩa là giáo dục kiến tạo. Mỗi cá nhân là một thực thể độc lập và phải tự đi tìm kiếm kiến thức cũng như phương pháp hấp thụ kiến thức, mỗi sinh viên tự đi xây dựng tòa tháp kiến thức của chính mình. Nhà trường đưa ra các dịch vụ và cái quan trọng nhất là hệ thống các anh mentor để nhờ họ hỗ trợ mình, từng chút từng chút một. Mình thấy rất nhiều bạn kêu là giáo trình FUNiX có vấn đề, nó có vấn đề thì mình tìm cái khác ít có vấn đề hơn mà học, trên mạng nhiều mà, có ai cấm các bạn tham khảo đâu, kể cả Assignment (bài tập thực hành lớn), mình không thích làm như trường bảo thì mình tự nghĩ ra đề để mình làm, mình nhớ hồi phổ thông học toán, thường hay có trò bịa đề để giải.
Mình có lẽ không phải sinh viên xuất sắc trong học tập tại FUNiX, vì mình thấy rất nhiều bạn, đặc biệt các anh đã làm trong ngành, độ thâm sâu của kiến thức làm mình rất nể, cái mình tự tin là mình rất hiểu phương pháp luận học tập của Nhà trường muốn trang bị cho sinh viên để chúng ta ra đời vững vàng, cho nên ý kiến của mình là, học chắc, nhanh chậm tùy ý, chịu khó quan sát, tận dụng mentor, đặt câu hỏi phải chuẩn bị sao cho khúc chiết.
Bài viết của cùng tác giả:
Hoàng Việt Hưng
Sinh viên lớp K1608C2 – Đại học Trực tuyến FUNiX
Bình luận (0
)