Học sinh THPT “ẵm” giải trong cuộc thi lập trình cho sinh viên công nghệ | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Học sinh THPT “ẵm” giải trong cuộc thi lập trình cho sinh viên công nghệ

Tin tức 14/01/2020

Tranh tài với sinh viên đại học trong FPT Edu Hackathon 2019, nhóm học sinh THPT học CNTT trực tuyến tại FUNiX đã xuất sắc giành giải ba chung cuộc.

Vòng chung kết FPT Edu Hackathon 2019 – cuộc thi của khối giáo dục FPT vừa diễn ra trong hai ngày 11-12/1/2020 tại FPT Edu Campus Hòa Lạc. 14 đội thi đến từ các trường thuộc khối giáo dục FPT tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM đã có 2 ngày liên tiếp để lập trình hoàn thiện và thuyết trình bảo vệ sản phẩm. Mùa thi 2019 thách thức các thí sinh phát triển một sản phẩm công nghệ trong thời gian ngắn, cạnh tranh về tốc độ, độ sáng tạo và tính hoàn thiện của ứng dụng, chủ đề ứng dụng công nghệ vào việc bảo vệ môi trường. 

Là đại diện duy nhất của FUNiX lọt vào Vòng chung kết, đội LMAN gồm 4 thành viên, hầu hết là học sinh THPT đang theo chương trình học đại học sớm lấy bằng Cử nhân phần mềm tại FUNiX. Phải cạnh tranh với các đối thủ trội hơn mình về tuổi tác, kinh nghiệm, đội thi từ FUNiX khẳng định được khả năng khi giành giải ba chung cuộc.

Đội LMAN (bên phải) nhận giải ba FPT Edu Hackathon 2019

Ba trong bốn thành viên LMAN đều đang là học sinh lớp 11 tại Hà Nội, sinh năm 2003 (Nguyễn Đình Anh – THPT Việt Đức, Phạm Vũ Thái Minh -THPT Kim Liên và Nguyễn Phương Linh – THPT Marie Curie). Thành viên lớn nhất của đội là Hoàng Trung Nguyên, sinh năm 2000. Với độ tuổi hầu hết là học sinh cấp III, đối thủ của đội sẽ là khối THPT. Tuy nhiên, vì đang học chương trình đại học tại FUNiX, LMAN vẫn tự tin thi đấu với khối đại học theo quy định cuộc thi. 

Trưởng nhóm Nguyễn Đình Anh chia sẻ, nhóm không quá lo lắng về việc phải thi đấu với sinh viên khối Đại học. Bởi theo Đình Anh, kiến thức được học tại FUNIX là tương tự so với khối đại học truyền thống. 

“Em chủ yếu lo lắng về kinh nghiệm của nhóm. Hầu hết LMAN là học sinh cấp III nên khá non nớt và cũng chưa nhuần nhuyễn khi ứng dụng các công nghệ mới như IoT, Cloud… vào sản phẩm. Nhưng mỗi thành viên đều tin tưởng vào bản thân, đồng đội và cố gắng tập trung để phát triển các khả năng của mình”, Đình Anh nói. 

LMAN mang đến cuộc thi FPT Edu Hackathon 2019 sản phẩm “Water testing instant” – Bút thử nước nhanh. Ý tưởng của đội là lập trình một chiếc bút dùng để kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt, đồng thời, kết hợp với mobile app trên điện thoại di động. Sản phẩm có chức năng phát hiện nước kém chất lượng, đo chỉ số nhiễm bẩn/nhiễm khuẩn và lập tức thông báo cho người dùng trong khu vực bằng ứng dụng mobile kết hợp. 

Trưởng nhóm Đình Anh cho hay, ý tưởng sản phẩm bắt đầu từ vụ việc khá nóng gần đây, nhà máy nước sông Đà bị ô nhiễm nhưng người dân phải mất một thời gian dài mới phát hiện ra. Mục tiêu sản phẩm “Water testing instant” giúp kiểm tra chất lượng nước kịp thời, nhanh chóng phát hiện ra nguồn nước bị ô nhiễm. 

Nhóm LMAN test sản phẩm trong cuộc đua nước rút lập trình và hoàn thiện sản phẩm liên tục trong hai ngày.

Sản phẩm của LMAN được Ban giám khảo đánh giá cao vì tính ứng dụng cao và độ hoàn thiện. Anh Cao Văn Việt, thành viên hội đồng giám khảo FPT Edu Hackathon 2019 cho biết, vào đến Chung kết, các đội đều xuất sắc và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Anh cũng đánh giá tốt phần dự thi của LMAN. 

“LMAN đạt giải là điều không nằm ngoài dự kiến. Sản phẩm dự thi “Water testing instant” được demo đầy đủ, trực quan chứ không chỉ dừng lại ở mức ý tưởng. Các bạn hoàn thiện được cả phần cứng lẫn phần mềm, thể hiện được độ phức tạp và công nghệ của sản phẩm, trong khi thành viên thì khá trẻ tuổi” anh Việt nói. 

Anh Việt cũng cho rằng “Water testing instant” là một sản phẩm dễ triển khai, phù hợp để ứng dụng thực tiễn, giải quyết các vấn đề nóng về môi trường hiện nay. Nếu trong tương lai, nhóm tích hợp được một số tính năng cao cấp và hoàn chỉnh như bluetooth hoặc có thể cấu hình qua điện thoại thì sản phẩm sẽ còn tuyệt vời hơn nữa, anh Việt gợi ý thêm. 

Trước đó, dù bận rộn với lịch học ở trường THPT, các thành viên đến từ LMAN vẫn đang theo học song song chương trình học đại học sớm tại FUNiX. Ngày học chính khóa, buổi tối tranh thủ học lập trình online, hiện Đình Anh đã học tới học kỳ 4 – đi được một nửa chương trình đại học, Thái Minh sắp hoàn thành học kỳ 3 tại trường, Phương Linh đang ở học kỳ đầu tiên. Các bạn đều có kế hoạch sẽ hoàn thành chương trình đại học ngay khi học xong THPT.

Suốt thời gian dự thi FPT Edu Hackathon 2019, nhóm gặp gỡ thường xuyên để cùng lên kế hoạch, phân công vai trò trong nhóm và cùng hoàn thiện sản phẩm. Nhóm cũng được các mentor FUNiX tích cực hướng dẫn. LMAN cho biết, mentor Đức Anh và mentor Hải Nam đã đồng hành cùng nhóm suốt cuộc thi, đặc biệt là hướng dẫn team lắp ráp, chế tạo các thiết bị liên quan, hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm. 

Các thành viên LMAN thuyết trình về sản phẩm trước ban giám khảo FPT Edu Hackathon 2019.

Mentor Nguyễn Hải Nam nhận xét, LMAN có nhiều thành viên trẻ, khá năng động. “Lúc đầu mình hơi e ngại vì sợ các em không có nhiều kinh nghiệm cũng như tích lũy đủ kiến thức để có thể xây dựng được một concept về sản phẩm hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các em tiếp thu rất nhanh và thực thi rất tốt các ý tưởng do chính các em đã đặt ra”, anh Hải Nam chia sẻ.

Mentor Hải Nam cũng cho biết, LMAN chịu khó học hỏi và liên tục điều chỉnh lại ý tưởng suốt quá trình chuẩn bị, nên việc nhóm đạt giải tại Vòng chung kết với anh không phải là điều bất ngờ. “Để tham gia những cuộc thi mang tính chất học tập và rèn luyện như thế này, chúng ta không cần phải có kỹ năng, khả năng nào thực sự tốt hay đặc biệt, cũng không cần một ý tưởng đắt giá. Cố gắng dành thời gian tham gia, học hỏi và điều chỉnh, các bạn sẽ nhận được những kết quả tốt”, mentor Nam nói.

FPT Edu Hackathon 2019 được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng thế giới. Cuộc thi được chia làm 2 bảng, bắt đầu với 34 đội thi, mỗi đội từ 3-4 thành viên và trải qua 3 vòng. Kết thúc, Giải Nhất thuộc về N1X (FPTU Cần Thơ) (bảng A) và PolyO – FPoly Hà Nội (bảng B); Giải Nhì thuộc về Four Kicker – FPTU Cần Thơ (bảng A) và Poly Biogas – FPoly TP. Hồ Chí Minh; Giải Ba thuộc về LMAN (FUNiX (bảng A) và Nhóm Vớt – FPoly Hà Nội (bảng B). 

Chia sẻ về thành tích của LMAN, Phương Linh – thành viên nữ duy nhất của đội cho biết kết quả này khiến các em tự tin về kiến thức học được tại FUNiX, cũng như khả năng học hỏi của học sinh như các em không thua kém các anh chị lớn hơn. Hoàng Trung Nguyên tiết lộ, sau FPT Edu Hackathon, LMAN dự định sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thi lập trình thách thức hơn nữa trong tương lai.

Hoàng Nhung

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại