Nhóm học sinh lớp 12 tại Hà Nội ứng dụng AI làm sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid 19
Bốn học sinh đang học lớp 12 ở Hà Nội đã cùng nhau sử dụng các kiến thức về AI để lập trình ứng dụng giúp hỗ trợ việc điều trị Covid-19. Sản phẩm của nhóm giành Giải 3 trong cuộc thi Lập trình Hackathon mùa 3 của Tổ chức giáo dục FPT.
- Nữ giới theo nghề IT có “thua thiệt” hơn nam giới?
- Sinh viên trực tuyến xây dựng phần mềm hỗ trợ chụp và sử dụng MRI
- Những khoảnh khắc tình bạn khó quên tại Chung kết FPT Edu Hackathon của sinh viên FUNiX
- Bản tin lúc nửa đêm về FPT Edu Hackathon 2021
- Các đội mang gì tới 48h “đua marathon” lập trình lớn nhất tại FPT Edu
- Team Phoenix & 4AM sẵn sàng chinh phục chung kết FPT Edu Hackathon 2021
- Sinh viên trực tuyến xây dựng phần mềm hỗ trợ chụp và sử dụng MRI
- Gặp gỡ team học sinh THPT tham dự Chung kết FPT Edu Hackathon
Cùng theo học lập trình trực tuyến tại FUNiX, bốn bạn trẻ Nguyễn Đình Anh (THPT Việt Đức), Phạm Vũ Thái Minh (THPT Kim Liên), Nguyễn Phương Linh (THPT Marie Curie) và Phạm Ngọc Hân (THPT Hà Nội Amsterdam) đã cùng nhau lập trình một sản phẩm ứng dụng AI trong lĩnh vực Y tế để dự thi FPT Edu Hackathon. Đề tài của nhóm là “Sử dụng AI để xác định và phân loại độ chính xác của các loại ống thông vào nội tạng dựa vào ảnh X- quang do các bác sĩ cung cấp”.
Có chung niềm đam mê với Trí tuệ Nhân tạo, mong muốn phát triển một sản phẩm có tính ứng dụng cao, cùng với việc khảo sát, nghiên cứu, cả nhóm đã lựa chọn ý tưởng này với mong muốn hỗ trợ việc điều trị Covid-19 cho ngành Y Việt Nam.
“Sản phẩm của nhóm được lấy ý tưởng từ một cuộc thi do Đại học Chẩn đoán Hình ảnh Hoàng gia Úc và New Zealand (RANZCR) khởi xướng trên nền tảng Kaggle: sử dụng AI để xác định và phân loại độ chính xác của các loại ống thông vào nội tạng dựa vào ảnh chụp X-quang do các bác sĩ cung cấp. Tuy nhiên, nhóm muốn hoàn thiện ý tưởng thành một sản phẩm hoàn chỉnh và có thể đưa vào thực tiễn.” – Nguyễn Đình Anh, trưởng nhóm chia sẻ.
Cụ thể, khi bác sỹ upload ảnh x-quang của bệnh nhân, hệ thống sẽ dựa trên các thông tin được cung cấp để phân tích ảnh chụp x-quang các ống thở được lắp đặt và đưa ra các phân loại từ đó giúp bác sỹ tự đánh giá lại độ chính xác của ống thở.
Theo nhóm, sản phẩm sẽ giúp các bác sĩ phát hiện được các ống đặt sai lệch trong bệnh nhân một cách chính xác hơn. Từ đó, các bác sĩ có thể điều chỉnh lại vị trí hoặc tháo bỏ chúng, ngăn ngừa được các biến chứng nghiêm trọng mà việc đặt sai vị trí ống ấy có thể mang lại về sau và tránh được những sai sót vô ý không đáng có.
Nếu thành công, sản phẩm có thể giúp các bác sĩ cứu vô số mạng sống đồng thời tiết kiệm thời gian điều trị.
“Việc phát hiện sớm các đường ống và ống thông sai vị trí ngày càng cấp thiết trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng nhanh. Rất nhiều bệnh viện phải hoạt động hết công sức và ngày càng nhiều bệnh nhân cần những thiết bị y tế này. Phát hiện nhanh chóng vị trí của các đường và ống có thể giúp các bác sĩ chữa trị tốt hơn cho các bệnh nhân này. Ngoài COVID-19 ra, đây sẽ luôn là một yêu cầu thứ yếu trong việc chữa trị các bệnh nhân phải đặt ống” – thành viên của nhóm phân tích.
Bằng việc sử dụng các công nghệ, công cụ như Deep Learning, PyTorch, Google Colab Pro, sản phẩm lập trình của nhóm các bạn hiện đã có thể xác định và phân loại được ba loại ống là ống đặt nội khí quản, ống đặt sonde dạ dày và ống đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm. Với những tính năng hiện tại, sản phẩm có thể được đem thử nghiệm tại khoa phổi, tiêu hóa và khoa tim mạch ở các bệnh viện.
“Ngoài kiến thức chuyên môn về AI, trong quá trình phát triển sản phẩm, nhóm mình đã tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ để chỉnh sửa sản phẩm sao cho phù hợp với thực tế” – Đình Anh, trưởng nhóm chia sẻ.
Yêu thích công nghệ, bốn bạn học sinh đã theo học trực tuyến CNTT tại FUNiX từ đầu những năm cấp 3. Năng lực lập trình của bốn bạn trẻ đều được đánh giá cao. Anh Nguyễn Hải Nam – mentor FUNiX – người đã hướng dẫn đội trong suốt quá trình thi đấu tại FPT Edu Hackathon nhận xét: “Các bạn có khả năng tiếp thu, học hỏi khá nhanh. Có một số kỹ năng mà phải qua làm việc nhiều mới xây dựng được thì có thành viên này bù đắp cho thành viên kia. Về năng lực AI, các bạn mới tìm hiểu về lĩnh vực này trong vài tháng gần đây nhưng khá triển vọng.” – mentor Hải Nam nói thêm.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, cả nhóm cho biết đã phải học thêm nhiều về Học sâu (Deep Learning) cùng một số kĩ thuật khác cho phần WebApp cũng như rèn luyện về khả năng thuyết trình..
Vượt qua 3 vòng thi là Loại Ý tưởng, thi Sơ kết và Chung kết, bốn bạn trẻ cho biết có những thời điểm nhóm vô cùng căng thẳng, hay nản chí vì gặp phải những bài khó ở phần thi lập trình. Nhưng rồi nhờ khích lệ lẫn nhau, cả đội đã lội ngược dòng vượt qua nhiều đàn anh hơn mình về tuổi tác lẫn kinh nghiệm để giành Giải Ba chung cuộc trong Vòng chung kết diễn ra chiều 18/4 vừa qua.
“Nhóm kỳ vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, đưa vào thực tế trong tương lai gần, góp sức để giúp các bác sĩ điều trị hiệu quả, tiết kiệm thời gian, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn căng thẳng.” – Đình Anh chia sẻ thêm.
Nhận xét về sản phẩm của nhóm, Tiến sĩ Trần Thế Trung – đại diện Ban giám khảo FPT Edu Hackathon nói: “Các em làm ra sản phẩm có độ hoàn thiện cao. Tôi khá ấn tượng về sự trau chuốt ở kỹ thuật phần mềm của sản phẩm. Nhóm gồm các em đang là học sinh THPT, tôi đánh giá rất cao về khả năng cập nhật công nghệ và thông tin thị trường ở các bạn trẻ như vậy. Các em có nền tảng tốt và hy vọng sẽ đóng góp không nhỏ cho thành công tương lai.”
Quỳnh Anh
Bình luận (0
)