xTer tranh biện về AI và sống thử tại xDay 41 | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

xTer tranh biện về AI và sống thử tại xDay 41

Tin tức 08/05/2019

Trong 60 phút của phần xTalk, các sinh viên FUNiX đã có dịp thực hành Kỹ năng Tư duy phản biện về những chủ đề nóng trong xã hội như AI và sống thử trước hôn nhân, với sự hướng dẫn của khách mời Trịnh Thị Mai – Chủ nhiệm bộ môn Soft Skills, ĐH FPT.

xDay là buổi offline định kỳ hàng tháng do FUNiX tổ chức vào chủ nhật đầu tiên của mỗi tháng. Tại đây (5/5), hơn 40 học viên của FUNiX đã được chị Trịnh Thị Mai – chủ nhiệm bộ môn Soft Skills, Trường ĐH FPT – đồng thời là Hannah FUNiX chia sẻ về Kỹ năng Tư duy phản biện (Critical Thinking) và được thực hành thực hành trước khi áp dụng vào đời sống.

Dẫn nhập phần chia sẻ của mình bằng cách đưa ra một số bài viết trên Facebook của giới trẻ hiện nay, từ đó liên hệ với thực tế, diễn giả Trịnh Thị Mai cho rằng, muốn bảo vệ ý kiến của bản thân cần phải có bằng chứng, luận điểm rõ ràng. Bởi, căn bản của Tư duy phản biện không có đúng hay sai, mà phải khẳng định và nên đứng ở nhiều góc cạnh khi luận điểm đó trái ngược với quan điểm cá nhân của mình.  

“Trong cuộc sống hàng ngày, hệ thống thông tin luôn luôn xuất hiện, trong khi khả năng tiệm cận của chúng ta là có giới hạn, nhưng tư duy phản biện sẽ giúp mỗi người tìm ra nhiều bằng chứng, minh chứng mang tính hợp lý nhất để bản thân mỗi người sẽ có sự chỉ đường đúng đắn trong việc lựa chọn thông tin” – chị Trịnh Thị Mai chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc rèn luyện Kỹ năng Tư duy phản biện là quá trình đi tìm quan điểm, luận chứng chứng minh tính hợp lý của luận điểm một cách tốt nhất. Nếu muốn phát triển Kỹ năng Tư duy phản biện ở mức độ mới, mỗi người chúng ta cần phải rèn luyện Kỹ năng Tư duy phản biện mọi lúc, mọi nơi để nâng cao và hoàn thiện Kỹ năng này.

Bằng cách dẫn dắt với nhiều ví dụ và lấy ý kiến của sinh viên tham gia khi đặt câu hỏi xoay quanh Kỹ năng Tư duy phản biện, từ đó chị Mai đưa ra khái niệm: “Kỹ năng Tư duy phản biện là một quá trình phân tích và đánh giá những gì bạn đọc, nhìn hoặc nghe để làm sáng tỏ hoặc khẳng định mức độ chính xác của vấn đề dựa trên các bằng chứng có tính logic, đa chiều”.

Sau phần hướng dẫn lý thuyết để sinh viên tham gia hiểu rõ hơn về Kỹ năng này, diễn giả Trịnh Thị Mai chia sinh viên làm bốn nhóm, phản biện trên hai chủ đề: “AI (Trí tuệ nhân tạo) phát triển sẽ làm con người bị mất việc trong tương lai” và “Tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, sống thử là một giải pháp giúp mọi người có kinh nghiệm hơn trong hôn nhân?”.

Ở mỗi chủ đề, hai nhóm sẽ đưa ra ý kiến phản biện nhằm bảo vệ quan điểm đồng ý hoặc không đồng ý về nội dung chủ đề.

Với chủ đề “AI (Trí tuệ nhân tạo) phát triển sẽ làm con người bị mất việc trong tương lai”

Đồng ý với chủ đề này, nhóm 1 cho rằng: Trong tương lai AI sẽ làm cho mọi người mất việc, hiện nay đã có và xu hướng ngày càng cao (11/4/2019, thử nghiệm xe tự lái FPT hợp tác với Yamaha motor), tạo ra hiệu quả cao hơn, năng suất, tiết kiệm thời gian và chi phí. Thay vào đó sản phẩm công nghệ giá rẻ hơn, thay thế công nghệ độc hại, tạo ra nhu cầu công việc kỹ thuật cao phát triển, ví dụ như Facebook có nhân diện khuôn mặt qua ảnh 10 năm nhìn lại hay FPT, Google, Toyota phát triển công nghệ xe tự lái, trợ lý ảo của Apple (Siri) hay Google Assistant.

Nhóm 2 phản biện chủ đề này đưa ra nhiều luận điểm dẫn chứng như: Trí tuệ nhân tạo không làm được những ngành như luật sư, giáo viên, nhà khoa học, sáng tạo… Hiện tại, AI còn nhiều khiếm khuyết, trí thông minh của AI có thể tự học nhưng không hiểu, và còn xa mới có thể so bì với  trí tuệ con người. Có thể trong tương lai AI sẽ thay thế con người nhưng phải mất một thời gian rất lâu và con người dần thích ứng, học tập nâng cao trình độ AI sẽ thay thế những công việc thô sơ nhưng lại tạo ra rất nhiều ngành nghề mới. Nhưng AI có thể bị lợi dụng để gây ra chiến tranh, không đáng tin cậy có thể phản lại con người.

Chủ đề: “Tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, sống thử là một giải pháp giúp mọi người có kinh nghiệm hơn trong hôn nhân?”.

Nhóm 3 đồng ý cho rằng sống thử là đôi bên tự nguyện, đồng thuận, có nguyên tắc, biện pháp bảo vệ an toàn tình dục, bảo vệ tài sản, quyền lợi. Bằng việc đưa ra nhiều dẫn chứng, số liệu cụ thể như: Ở Mỹ 1946-1969 số cặp sống chung trước kết hôn <3%, 2000 là 58%, hiện tại là 69,6%, sống thử với ly hôn giảm theo thời gian. Bên cạnh đó nhiều lý lẽ được đưa ra như: Khi sống thử đôi bên sẽ có thêm thời gian tìm hiểu, có trải nghiệm, tăng kinh nghiệm, tan vỡ không sợ ràng buộc về pháp lý. Với những cặp đôi chưa đủ điều kiện khi kết hôn (tài chính, công việc gia đình, không gian riêng tư) có thể đã chấp nhận sống thử vì hiện nay giới trẻ độc lập, xã hội hiện đại. Sống thử còn tránh rủi ro về rắc rối họ hàng, chia tài sản, pháp luật, cảm thấy tự do, tâm lý thoải mái.

Nhóm 4 phản biện lại quan điểm này đưa ra ý kiến như: Sống thử chỉ thoả mãn một số nhu cầu, nhưng vẫn có nhiều mối nguy hại, điển hình là một số bệnh lây lan qua đường tình dục (HIV/AIDS), dẫn đến những rủi ro như có con ngoài ý muốn (con hoang, trẻ mồ côi nhiều), phá thai, rắc rối về mặt pháp lý, không hào hứng sau khi kết hôn – tỉ lệ ly hôn cao, gây ra nhiều tranh cãi, dèm pha…

Nhận xét về việc thực hành phản biện của các nhóm, chị Trịnh Thị Mai cho rằng, vì thời gian rất ít để tư duy vấn đề, nên các luận điểm sinh viên đưa ra chưa được sâu, nhưng các bạn đã có cái nhìn ở nhiều khía cạnh, đưa ra được nhiều luận điểm cốt yếu để bảo vệ ý kiến của mình. Đặc biệt đối với các sinh viên FUNiX, sau khi kết thúc phần thực hành, hầu hết các bạn đã có cái nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau và đã ý thức được khi lập luận cần có những bằng chứng logic để thuyết phục quan điểm của mình.

Thanh Nga

xDay là sự kiện offline vào sáng chủ nhật đầu tiên hàng tháng do FUNiX 
tổ chức, là không gian cho các học viên và mentor FUNiX giao lưu, gặp gỡ. 
Trong khuôn khổ xDay, ngoài các hoạt động nội bộ như Lễ khai giảng và 
tôn vinh, FUNiX luôn mời các chuyên gia trong ngành CNTT hay các lĩnh vực
khác nhau tới tham dự nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên ngành, 
cũng như mang tới nhiều cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ. Tới xDay, ngoài 
được nghe các diễn giả chia sẻ, mọi người còn được tham gia xBeer “bữa trưa 
vui vẻ”. Đây là không gian để mọi người có thể trao đổi và trò chuyện sảng 
khoái về tất cả những chủ đề đang “hot”.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại