7 câu nói đáng nhớ của Cha đẻ Axie Infinity Nguyễn Thành Trung
Cùng nhìn lại 7 câu nói ấn tượng của nhà sáng lập tựa game tỉ đô Axie Infinity - CEO Nguyễn Thành Trung trong buổi xTalk vào 4/8 vừa qua.
Trong buổi xTalk với hơn 100 xTer, Mentor, cán bộ FUNiX diễn ra vào tối 4/8 vừa qua, Cha đẻ Axie Infinity Founder/CEO Nguyễn Thành Trung đã có những chia sẻ thú vị về trải nghiệm khởi nghiệp, kinh nghiệm tự học, cũng như nhận định sâu sắc về tài năng công nghệ Việt. Hãy cùng điểm lại 7 câu nói ấn tượng của anh.
1. Tài năng công nghệ Việt Nam đang dần đạt tới đẳng cấp quốc tế
CEO Nguyễn Thành Trung đánh giá các lập trình viên người Việt về cơ bản đã có khả năng kỹ thuật đáng nể, chỉ thiếu chút tư duy làm sản phẩm, tinh thần teamwork… Nếu có đủ những yếu tố đó thì người Việt Nam có thể thể hiện rất tốt.
“Team Axie với 80% là người Việt có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với nhiều team khác trên thế giới, trong mảng game blockchain có thể coi như đứng đầu thị trường.” – anh tự tin khẳng định.
2. Có hai yếu tố quan trọng để các bạn trẻ Việt có thể khai phá thị trường công nghệ thế giới: “nghĩ lớn” và giỏi tiếng Anh.
Anh Trung cho biết, để tiếp cận thị trường quốc tế thì cần có tư duy toàn cầu, suy nghĩ của mình phải lớn hơn, nhắm đến mục tiêu lớn hơn. Tất nhiên khi thực hiện thì sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng trước hết phải dám làm thì mới có cơ hội để hoàn thành những mục tiêu đó.
Bên cạnh đó, tiếng Anh là yêu cầu tối quan trọng, nó giới hạn mức độ phát triển của mỗi người, mỗi công ty. Càng giỏi tiếng Anh thì bạn càng có tiềm năng phát triển, vì khi đi ra thế giới, thì việc giao tiếp, trình bày ở mức chuyên sâu…với bạn bè quốc tế sẽ càng yêu cầu trình độ tiếng Anh cao hơn.
Đến một lúc nào đó, sau khi đã miệt mài phấn đấu, đã tạo được uy tín nhất định trên thị trường và có cơ hội làm việc với một nhà đầu tư, một đối tác tiếng tăm, nếu tiếng Anh của bạn không đủ tốt thì có khi sẽ mất đi cơ hội. Đấy là chưa kể đến việc dùng tiếng anh phục vụ công việc hàng ngày, ví dụ như tìm kiếm tài liệu bổ sung kiến thức, làm việc cùng đồng nghiệp…
3. Không có đường tắt để đạt đến đẳng cấp thế giới.
Trả lời câu hỏi của một sinh viên về lời khuyên giúp những người làm game/viết phần mềm nghiệp dư đến được với thị trường toàn cầu, anh Trung cho rằng không có đường tắt, mà ai cũng phải trải qua một quá trình nỗ lực. Qua từng sản phẩm bạn làm ra, dù nhỏ, dù chưa hoàn thiện, nhưng nó sẽ giúp bạn mài giũa kỹ năng để sản phẩm tiếp theo được tốt hơn, đẹp hơn.
Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc cố gắng “đúng chỗ”. Người làm sản phẩm cần suy nghĩ về người dùng; mong muốn của họ khi dùng sản phẩm, tránh tình trạng bị cuốn theo khả năng kỹ thuật của bản thân, làm để thỏa mãn đam mê và cái tôi, thay vì đáp ứng nhu cầu của user.
4. Để tự học tốt, hãy đặt mình vào những “vòng xoáy hứng khởi”
Được hỏi về kinh nghiệm tự học, anh Trung cho rằng để giữ động lực tự học, cần thực hành những gì mình học sớm nhất có thể, chứ không nên đợi để nắm vững một kiến thức, kỹ năng nào mới bắt tay vào thực tế.
Anh chia sẻ khi mới bắt đầu với lập trình, kiến thức còn ít ỏi, nhưng anh đã bắt tay ngay vào giải quyết những bài toán nhỏ như làm thế nào để viết code tính chu vi hình chữ nhật. Nhìn thấy kết quả anh thấy rất thích thú, càng hứng thú với lập trình hơn. Giải quyết xong một vấn đề, anh lại tiếp tục đặt ra câu hỏi “Mình muốn làm gì tiếp? Mình cần học những gì để làm được điều đó?” Và một vòng xoáy mới lại bắt đầu.
“Lập trình quá phức tạp, quá nhiều mảng, phải luôn đặt mình ở trong vòng xoáy như vậy thì mới giữ được sự hứng thú và động lực cho bản thân.” – anh cho biết.
5. Đi theo nhánh nào của CNTT cũng cần hiểu về thuật toán.
Trước ý kiến “làm AI không cần học về thuật toán”, anh Trung cho rằng, hiểu biết về thuận toán rất quan trong dù bạn lựa chọn theo đuổi nhánh công nghệ nào, dù là Game, Web, hay AI.
Nếu bạn chỉ làm một mảng nhỏ, ít tiếp xúc, vận dụng đến thuật toán thì có thể sẽ không thấy ngay tác dụng của nó. Nhưng để làm sâu thì sớm hay muộn cũng sẽ cần. Ví dụ như AI, trừ phi bạn chỉ sử dụng công cụ để áp dụng giải quyết các bài toán, còn nếu làm sâu thì bắt buộc phải có kiến thức nền.
Anh chia sẻ lúc ban đầu, muốn tiết kiệm thời gian thì mọi người có thể “học từ phần ngọn”, vì nó sẽ giúp mình giải quyết vấn đề ngay lập tức. Nhưng để đi được đường dài trong CNTT thì chắc chắn cần chuẩn bị kiến thức nền đầy đủ.
6. Để chọn co-founder, cần có sẵn một “ngân hàng con người” trong trí nhớ.
CEO Nguyễn Thành Trung cho biết mình có thói quen mỗi khi gặp, trò chuyện với ai cũng suy nghĩ họ có gì hay ho, có gì giống hay khác với mình.. và lưu vào trong trí nhớ. Để khi muốn làm một điều gì đó trong tương lai, anh đã có sẵn một “ngân hàng con người” để lựa chọn làm cùng.
Anh nhấn mạnh cần có sự chuẩn bị trước như vậy, bởi khả năng hai người xa lạ mới gặp đã đồng điệu đến mức có thể bắt tay khởi nghiệp cùng nhau là rất nhỏ.
Bên cạnh đó, anh Trung chia sẻ, ngoài những phẩm chất thường được nhắc đến như tinh thần đồng đội, sự nghiêm túc, chân thành..các bạn nên cân nhắc lựa chọn co-founder có cùng mục tiêu, hệ giá trị, nhưng cũng nên có sự khác biệt để bù trừ các điểm mạnh và điểm yếu của bạn.
7. “Tinh thần thì người FUNiX đã có rồi, chỉ có bước về phía trước thôi.”
Kết thúc chương trình, CEO Nguyễn Thành Trung chia sẻ, qua các câu hỏi của khán giả, anh có thể thấy rất nhiều học viên FUNiX đang muốn làm một cái gì đó: phát triển một trò chơi, thực hiện một mục tiêu học tập…
Anh chia sẻ với các xTer kinh nghiệm cá nhân của mình: Đã có ý muốn làm một điều gì đó, thì việc tiếp theo chỉ đơn giản là bắt tay vào làm.
“Đã làm thì sẽ tắc – dù là vướng mắc trong học tập hay không biết làm cách nào để gọi thêm vốn cho start-up của mình” – anh khẳng định. “Ở mỗi nút thắt, bạn sẽ bị buộc phải tìm cách giải quyết. Giải quyết được rồi, thì bước tiếp theo là.. tắc tiếp, và lại tìm cách giải quyết tiếp.”
“Nhưng với mỗi khó khăn, mỗi lần bế tắc, nếu có thể kiên trì không bỏ cuộc, bạn sẽ giỏi lên, cứng cỏi lên. Cũng giống như trong game, vượt qua mỗi thử thách, bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.”
Vân Nguyễn
Bình luận (0
)