Trò chuyện cùng cựu xTer Phan Chương, dịch giả sách “Em học Python”
Anh Thành Nam, Founder FUNiX là người kêu gọi các đơn vị xuất bản, nhà phát hành sách. Nhờ anh, công ty CP giáo dục Sputnik đã chấp nhận bản dịch, tiến hành đàm phán bản quyền cuốn "Em học Python". Chị Lê Minh Đức – Giám đốc FUNiX – đã lên tiếng hỗ trợ tài chính cuốn sách, là cú hích giúp sách được xuất bản.
- Xu hướng chọn học gia sư trực tuyến của phụ huynh Việt
- Review 5 khóa học lập trình cho người mới bắt đầu tốt nhất
- Có nên chọn khóa học lập trình online miễn phí không? Gợi ý các trang web học lập trình miễn phí
- Review tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX năm 2024 cho các bạn chưa biết
- Review cách học của công ty cổ phần đào tạo trực tuyến unica
Table of Contents
Anh Phan Lê Thanh Chương – cựu xTer FUNiX, hiện là Kỹ sư máy tính sống và làm việc tại Mỹ. Anh vừa xuất bản cuốn sách “Em học Python” dịch từ cuốn “Python for Kids” – tác giả Jason R. Briggs cuốn sách Best Seller trên Amazon, đồng thời là cuốn sách lập trình cho trẻ em được đánh giá cao, chuyển ngữ trên 12 quốc gia.
FUNiX đã có cuộc trò chuyện với anh Chương nhân dịp cuốn sách ra mắt độc giả tập 1 vào ngày 10/11/2021 vừa qua.
-
Chào anh Chương, đã hơn hai năm kể từ khi anh tốt nghiệp FUNiX. Xin anh giới thiệu đôi chút về mình ở hiện tại, và lý do anh đến với lĩnh vực sách/ xuất bản?
Anh Phan Chương: Nói theo ngôn ngữ chuyên môn, thì mình là “Kỹ sư máy tính chuyên về xử lý dữ liệu lớn”. Nói theo ngôn ngữ dân dã thì mình đơn giản chỉ là một lập trình viên, một ông bố hai con, và một ông chồng nghiện việc. Mình đang làm việc cho nhà mạng T-Mobile, là mạng viễn thông lớn thứ 3 ở Mỹ với xấp xỉ 100 triệu thuê bao (tương đương dân số Việt Nam).
Mình thích dịch thuật nói chung. Mình đã từng tham gia dịch cho các bài nói chuyện trên TED Talks, dịch vài bài báo, … với tinh thần “làm cho vui thôi”. Ngay cả bây giờ, thi thoảng mình vẫn còn ngạc nhiên là mình đã dịch trọn vẹn xong một cuốn sách.
- Xin anh giới thiệu về cuốn sách “Python for Kids”. Vì sao anh lựa chọn dịch cuốn sách này? Mục tiêu ban đầu khi ra sách là của anh gì ?
Anh Phan Chương: Là sách chọn mình chứ mình không có chọn sách (cười). Cuốn sách mình phát hiện ra rất tình cờ khi đang đi tìm nguồn tài liệu để dạy lập trình con trai 12 tuổi và cho cả lớp học nhỏ do mình tình nguyện mở dạy cách đây hơn một năm.
Sách dạy lập trình tiếng Anh thì nhiều vô số, nhưng sách tham khảo mà để các bạn nhỏ có thể tự đọc hiểu, tự học và tự mày mò vọc vạch thì khá là hiếm có khó tìm. Lúc mình đọc “Python for Kids”, từng câu từng chữ đi vào đầu cứ trôi chảy như ăn cơm uống nước. Từ bìa sách cho đến từng trang sách bên trong đều thống nhất một tinh thần dạy lập trình nhưng lại dưới góc nhìn và lối suy nghĩ gần gũi với trẻ em hơn bao giờ hết. Trong một khoảnh khắc – “à há” – mình muốn dịch cuốn sách này ra tiếng Việt để có thể cùng chia sẻ cho các độc giả và các bạn nhỏ có cùng hứng thú và đam mê. Vậy là “Em học Python” ra đời.
- Vậy anh đã gặp những khó khăn, thuận lợi gì khi xuất bản cuốn sách Em học Python?
Anh Phan Chương: Sách tham khảo dạy lập trình dành cho trẻ em ở thị trường sách Việt Nam vẫn là một dòng sách mới phát triển và cần thời gian để khẳng định một chỗ đứng riêng, .chưa kể dịch giả là mình lại hoàn toàn là người ngoài ngành, chẳng có tiếng tăm tên tuổi gì. Vậy nên để tìm được đơn vị sẵn sàng hỗ trợ về vấn đề bản quyển cũng như xuất bản và phát hành sách ở Việt Nam đối với mình là không dễ dàng.
Tuy nhiên, trong hành trình đi tìm đối tác – mà chắc dịch giả tác giả nào cũng phải trải qua ít nhất là một lần trong đời – mình gặp được rất nhiều bạn trẻ và các bạn vừa hết trẻ (cười) hết sức nhiệt tình và giỏi chuyên môn. Tình yêu dành cho sách nói chung và sách chủ đề lập trình nói riêng rất đáng ngưỡng mộ. Mình cảm thấy hết sức may mắn khi được biết và làm việc cùng với các bạn.
-
Hiện tại, phản ứng của độc giả về cuốn sách ra sao? Sách đã xuất bản được bao nhiêu bản, thưa anh?
Anh Phan Chương: Sách gốc dài tổng cộng khoảng 350 trang, khá dày so với các độc giả tầm 10-15 tuổi. Đồng thời, mình cũng hơi lo giá sách cao sẽ làm cho độc giả e ngại khi tiếp cận một cuốn sách khá khác biệt trên thị trường. Nên sau khi tính toán với đơn vị phát hành sách, bọn mình đã quyết định: Một là chia thành 2 tập để sách mỏng và dễ đọc hơn hơn và hai là không lấy tiền nhuận bút để sách được giảm giá đi chút ít. Hiện tại, gần 1,000 ấn bản tập 1 (Lập trình căn bản) đã đến tay độc giả, còn tập 2 (Ứng dụng lập trình vào viết game) đang được tiến hành in.
Mình cũng đã nhận được rất nhiều lời động viên, lời cảm ơn và phản hồi tích cực của mọi người. Các phụ huynh rất thích ngôn từ gần gũi với trẻ em được sử dụng trong sách, còn các em nhỏ thì thấy hứng thú với các hình minh hoạ và, cách dẫn dắt mà cuốn sách mang lại. Do sách mang tính thực hành cao, một vài bạn nhỏ còn làm vượt ra cả những gì sách hướng dẫn, hơn cả mong đợi của mình.
- Xin anh chia sẻ một kỉ niệm trong quá trình làm sách? Ngoài sách dịch, anh có hoạt động nào đi cùng với cuốn sách không?
Anh Phan Chương: Tính mình hơi cầu toàn trong công việc nói chung, và việc dịch sách này cũng không ngoại lệ. Chính vì thế nên mình – vốn là dân lập trình mọt sách chính hiệu – đã tự tay làm bìa sách để cho đúng với ý tưởng và mẫu mã của sách gốc. Tất nhiên là không ít lần vò đầu bứt tai vì chuyên môn thiết kế không có, lại còn bị giục lên giục xuống để chuyển in, nhưng kết quả cuối cùng thì tất cả đều hài lòng – và mình thì bị kêu là khó tính (cười).
Cách đây hơn một năm, mình có tổ chức một lớp nhỏ, dạy lập trình Python, dành cho các bạn tầm 10-15 tuổi. Dạy cho vui mà cũng vừa để lấy kinh nghiệm tiếp xúc với các bạn nhỏ. Còn giờ để hỗ trợ độc giả đọc sách “Em học Python”, mình đang tích cực làm một loạt video đọc sách và hướng dẫn để làm theo sách, bởi thông qua việc nghe và làm theo video phần nào đó cũng giúp người đọc học lập trình dễ hơn.
- Cá nhân anh đánh giá như thế nào về tác động của ngôn ngữ lập trình Python với trẻ em? Trẻ em học lập trình sớm có những lợi ích gì, theo anh? Trẻ em nên bắt đầu tiếp xúc với lập trình từ khi nào ạ?
Anh Phan Chương: Mỗi ngôn ngữ lập trình – cũng như tất cả các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp – đều có những cú pháp, cấu trúc, ngữ pháp rất riêng. Và cũng như ngoại ngữ, khó hay dễ là tuỳ cảm nhận và cách tiếp cận của mỗi người. Ngôn ngữ lập trình Python ngay từ đầu được thiết kế theo hướng “thân thiện với ngôn ngữ của con người”, nên ngữ pháp (hay nói đúng hơn là cú pháp) của Python được tối giản hết sức. Chính vì thế, nó dễ đọc, dễ đọc và dễ hiểu, kể cả đối trẻ em. So với các ngôn ngữ lập trình khác như C++ hay Java thì thật sự là khác biệt một trời một vực. Không những thế, Python hiện đang là ngôn ngữ lập trình hàng đầu do sự lớn mạnh theo từng giây phút của các hệ thống máy học và trí tuệ nhân tạo.
“Học lập trình” thực ra không khó. “Học lập trình” về bản chất là học cách tư duy logic. Mà để học tư duy logic thì không nhất thiết là phải biết đọc biết viết. Dưới góc độ này, trẻ em từ 4-5 tuổi đã có thể “học lập trình” một cách hết sức tự nhiên nhờ các bài toán logic bằng hình ảnh và lời nói. Một khi đã quen với cách tư duy “theo kiểu máy tính” này, các em khi lớn hơn, biết đọc biết viết biết sử dụng máy tính, sẽ có thể gõ ra các câu lệnh thông qua các ngôn ngữ lập trình (như Python) và lập trình từ rất sớm.
Rất nhiều người đến giờ còn mang nặng tư duy “học lập trình là để làm lập trình viên”, điều này rất sai lầm và khiến nhiều phụ huynh e ngại hướng con học lập trình, vì “Con tui đâu có làm lập trình viên gì gì đâu!”. Học lập trình là học cách tư duy. Học lập trình là học một kỹ năng sống
- Anh có nhận được sự hỗ trợ gì từ FUNIX trong quá trình đưa cuốn sách đến với độc giả?
Anh Phan Chương: Bài toán kinh doanh đã làm nhiều đơn vị e dè trong việc nhận đỡ đầu cho cuốn sách. Lượng sách lập trình ở Việt Nam tuy không ít, nhưng đa phần mang nặng tính học thuật, dành cho các đối tượng độc giả sinh viên và người lớn.
Anh Nguyễn Thành Nam – người sáng lập ra FUNiX – chính là người đã đi kêu gọi các đơn vị xuất bản, các nhà phát hành sách cho mình. Nhờ anh, công ty Cổ phần giáo dục Sputnik đã chấp nhận bản dịch và tiến hành đàm phán bản quyền cuốn sách “Em học Python”. Đồng thời, chị Lê Minh Đức – Giám đốc FUNiX – đã lên tiếng hỗ trợ tài chính cho cuốn sách, là cú hích cuối cùng khiến sách có thể được xuất bản và đến tay độc giả.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn FUNiX đã góp phần đưa cuốn sách đến tay độc giả yêu thích lập trình nói chung và Python nói riêng. Mình thật sự hy vọng cuốn sách này sẽ là bước khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của dòng sách lập trình tại Việt Nam!
Cuốn sách “Em học Python” được anh Chương dịch và hoàn thiện từ ngày 17/10/2020 – 13/6/2021
|
Quỳnh Anh (thực hiện)
Bình luận (0
)