Phi tập trung (decentralized) trong blockchain - Bản chất và các hiểu lầm phổ biến

Phi tập trung (decentralized): Bản chất và các hiểu lầm phổ biến

Chia sẻ kiến thức 02/07/2021

Trong công nghệ Blockchain, phi tập trung (Decentralized) được hiểu là "việc ra quyết định (decision making) không tập trung vào 1 cá nhân/tổ chức cụ thể.

Công nghệ Blockchain và các khái niệm liên quan đang nhận được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng công nghệ cũng như toán xã hội. 
Ban biên tập website FUNiX gửi tới độc giả chia sẻ kiến thức từ anh Nguyễn Việt Dinh – Admin nhóm Diễn đàn phổ cập Blockchain
—-
Có nhiều bạn không phải dân kỹ thuật đã từng hỏi mình: “Phi tập trung trong blockchain” nghĩa là dữ liệu được lưu trữ ở nhiều nơi, nên sẽ không lo hỏng hóc và không sợ mất dữ liệu đúng không?
Mình đã trả lời là không, các hệ thống blockchain đúng là có đặc điểm đó, nhưng nó không phải sự thể hiện của tính phi tập trung, mà là sự thể hiện của đặc tính phân tán (distributed – bao hàm decentralized, nhưng không đồng nghĩa)
Ví dụ 1: Dữ liệu hệ thống của Symper được lưu trữ trên 30 server, nhưng nó không phải là một hệ thống phi tập trung (Mình, CTO, vẫn có toàn quyền xử lý dữ liệu trên đó)
Ví dụ 2: Dữ liệu của Facebook, Google lưu trữ trên nhiều ngàn server, nhưng đó cũng không phải là 1 hệ thống phi tập trung, mà là hệ thống phân tán.Nhân sự quản trị hệ thống của họ vẫn có toàn quyền xử lý dữ liệu.
Post các bạn đang đọc được lưu trữ thành nhiều bản sao, lưu trữ ở nhiều server của Facebook, nhưng Facebook vẫn có toàn quyền xóa nó.
 
Vậy phi tập trung nên được hiểu như thế nào?
Phi tập trung – decentralized-  được hiểu là “việc ra quyết định (decision making) không tập trung vào 1 cá nhân/tổ chức cụ thể”.
>>>  Xem thêm bài viết: Blockchain là gì? Giải đáp những thuật ngữ trong blockchain

Vậy đặc tính phi tập trung (Decentralized) được thể hiện ở 2 khía cạnh trong 1 hệ thống blockchain:
1. Việc xác nhận các giao dịch (tạo block)
2. Việc thiết lập, thay đổi giao thức đồng thuận.

Việc xác nhận các giao dịch, giống như nhánh “hành pháp” hoặc “tư pháp” trong các bộ máy nhà nước.

Việc xác nhận các giao dịch, không được tập trung ở 1 người mà được thực hiện bởi nhiều người. Tùy vào mỗi network mà cơ chế phân bổ, lợi ích dẫn dắt sẽ khác nhau. Mình sẽ nói cụ thể trong từng bài viết về từng giao thức đồng thuận.
(Trong PoW là các thợ mỏ, trong PoS, BFT là các validator, trong 1 số giao thức khác thì nó là bất kỳ node nào).

Giao thức đồng thuận là gì và tại sao lại cần có nó?
Ví dụ như Bitcoin, có 10.000 máy tính cùng chạy node, giả sử nó thuộc sở hữu của 10.000 người. 10.000 người này có toàn quyền quyết định những gì đang có trên node của họ. Họ hoàn toàn có thể sửa, có thể xóa, có thể thêm bất cứ dữ liệu gì trên node của họ.

Vậy làm sao để 10.000 người đó lại có thể hợp tác với nhau để tạo ra được 1 mạng lưới lưu trữ tài sản có giá trị 600 tỷ đô, mà vẫn chạy ổn định hơn 10 năm nay?

Đó chính là nhờ có giao thức đồng thuận (Giống như luật pháp và hiến pháp). Đó là 1 tập hợp các quy tắc, phương pháp để các máy tính trong mạng lưới cần tuân theo.

phi-tap-trung-decentralized-trong-blockchain

Bạn không thích tuân theo sao?
OK, không sao, chúng tôi vẫn theo, và dữ liệu bạn gửi đến không phù hợp nên chúng tôi không nhận. Vắng mợ chợ vẫn đông. Lượn đi cho nước nó trong.

Khi có 3000 người cảm thấy luật pháp này nên thay đổi, và họ đồng loạt thay đổi, thì có 2 trường hợp xảy ra.
– 7000 người còn lại thay đổi theo ==> hệ thống nâng cấp/thay đổi thành công
– 7000 người còn lại không muốn thay đổi ==>dữ liệu trên 7000 máy còn lại không chấp nhận dữ liệu được gửi từ 3000 người kia ==> tồn tại 2 nhánh khác nhau trong 1 network==> hard fork.

==>Giống như 1 tỉnh muốn thay đổi luật pháp, các tỉnh khác không đồng ý ==> tỉnh đó muốn ly khai và thành lập 1 quốc gia riêng vậy.

>>> Xem thêm bài viết: Sự khác biệt giữa bitcoin và blockchain

Có 1 sự thật khá buồn cười, đó là khi nêu lên tính phi tập trung của các hệ thống blockchain, người ta ít nhắc đến sự phi tập trung của chính giao thức đồng thuận (nhánh lập pháp) .
Có lẽ họ không nhắc đến vì họ lo sợ, sợ rằng người ta soi sang hệ thống của họ, và thấy rằng nó chả phi tập trung tẹo nào.
Phi tập trung trong việc xác nhận giao dịch chả có ý nghĩa gì khi giao thức đồng thuận vẫn do 1 người(1 tổ chức) toàn quyền quyết định.
100 node chả có nghĩa lý gì khi toàn bộ source code, giao thức đồng thuận vẫn do 1 người nắm quyền quyết định. Giống như 1 vị vua có thể thay đổi luật pháp khi ông ta thích thế. Quan lại thực thi phải tuân theo. Nếu vị vua đó thích, ông ta có thể thay đổi cả lịch sử, đảo ngược cả thời gian.

Anh Phan Đức Trung có nói 1 điều mà lúc đầu nghe mình bật cười, nhưng càng nghĩ càng thấy đúng: 1 hệ thống chỉ thực sự phi tập trung khi leader (lãnh tụ) phải “chết” hoặc “mất tích“. Giống như ngài Satoshi Nakamoto.

Có lẽ đó chính là lý do mả Bitcoin vẫn đang là 1 vị vua trong thế giới blockchain.

Để thực sự hiểu được PoW, PoS, BFT, SCP hay bất cứ giao thức đồng thuận nào, chúng ta cần hiểu sâu sắc khái niệm phi tập trung. Đó là điều kiện tiên quyết. Sau bài nói về phi tập trung trong công nghệ blockchain, sẽ là loạt bài về các giao thức đồng thuận phổ biến.
Ngoài ra thì có 1 chủ đề khá là thú vị, đó là tính phi tập trung của các dự án Dapps, smartcontract.

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại