25 năm - 25 câu chuyện về FPT - Phần 3 | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

25 năm – 25 câu chuyện về FPT – Phần 3

Góc Nguyễn Thành Nam 28/06/2021

Founder Nguyễn Thành Nam chia sẻ 25 câu chuyện về FPT.

Câu chuyện thứ 11:

Tiếp bước các ngành Hàng không, Ngân hàng, Tài chính, Bưu chính Viễn thông, khái niệm hệ thống thông tin bắt đầu xâm nhập rộng rãi vào các doanh nghiệp trên toàn đất nước. Dấu ấn FPT in đậm từ Công ty cấp nước Hà Nội, đến VietsoPetro Vũng tàu, từ Phân đạm Hà Bắc đến Xi măng Hà Tiên, từ Apatit Lào cai and Viglacera Đà nẵng. Công nghệ thông tin đã làm thay da đổi thịt hệ thống quản trị cũ kỹ được thừa hưởng từ những năm bao cấp. Năm 1998, kỷ niệm 10 năm thành lập, FPT lần đầu tiên được tạp chí PC World bầu là công ty tin học được ưa chuộng nhất Việt nam. Góp công lớn trong việc hiện thực hóa ước mơ dẫn đầu quốc gia thuộc về các anh chị trong Trung tâm hệ thống thông tin – Quả đấm thép của FPT: Phạm Thế Hùng, Đinh Quang Thái, Lê Quốc Hữu, Nguyễn Tuấn Hùng và sau này là Dương Dũng Triều, Phạm Triệu Linh, Lê Thành Trung, Trần Thế Hiển…. Với người đứng đầu là anh Đỗ Cao Bảo.

Câu chuyện thứ 12:

Không thỏa mãn với thành công, Hội nghị Diên hồng FPT đã hoạch định chiến lược cho 10 năm tới, lấy xuất khẩu phần mềm làm mũi nhọn, quyết thắp sáng tên tuổi Việt nam trên bản đồ trí tuệ thế giới. Muốn bắt cọp phải vào hang, muốn học thầy phải lên núi. Điểm đến đầu tiên được lựa chọn là thành phố Bangalore, Ấn độ, thung lũng Silicon của châu Á. Tháng 9-1999, FPT thành lập chi nhánh tại Bangalore, viết dòng đầu tiên lên trang sử toàn cầu hóa lần thứ hai của tập đoàn. Tên tuổi (tức biển hiệu) công ty được xếp ngang với tên tuổi của các đại gia như Infosys, Wipro tại Electronic Park.
 
Nhật ký của một thành viên ghi lại về những ngày ban đầu đấy thế này:
 
“Bóng chúng tôi đổ xuống liêu xiêu trong ánh hoàng hôn đầy bụi của thành phố Bangalore hỗn độn. Lòng tôi tràn đầy cảm xúc, nếu chúng tôi đứng vững được ở đây, chúng tôi sẽ đứng vững bất cứ nơi nào trên thế giới”.
 
Xin được vinh danh các anh chị của FPT India: Trần Văn Hùng, Bùi Hồng Liên, Khúc Trung Kiên, Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Đức Quỳnh. Con đường các anh chị mở đã được lớp lớp đàn em sau như Lê Hồng Sơn, Quách Liễu Hoàn, Nguyễn Thành Lâm, Trần Xuân Khôi, Bùi Hoàng Tùng, Lê Hà Đức, Lê Mai Anh,Nguyễn Hoàng Trung… vững vàng bước tiếp.
 
Tôi đã có những trải nghiệm thật cảm động, khi đi đến đâu, dù xa như Đức, Pháp, Mỹ hay gần như Sing, Mã, Nhật, hay còn chưa hoành tráng như Lào, Phi, Thái có những người anh em đón tiếp nồng hậu, tối về quây quần, uống bia và hát vang “Đoàn FPT một lần ra đi”. Cám ơn tất cả các FPTer hải ngoại!
Những người đến thăm FPT những năm đầu tiên thường rất sợ một nhân vật kỳ dị. Không biết anh ta là ai, giữ chức vụ gì, nhưng nhìn cách anh ta quát tháo các cấp lãnh đạo kể cả anh Bình, thì anh ta hẳn phải là một nhân vật rất có danh vọng. Bản miêu tả công việc hàng năm của anh cũng rất kỳ lạ: hoàn thành ít nhất 50% mọi công việc được giao, bất kể công việc được giao là gì!
 
Anh là Lê Thế Hùng, tức Hùng Râu. Mốc thời gian anh chọn để đi vào lịch sử FPT cũng rất đặc biệt: năm 2000.
 
Nhiệm vụ được giao: xây dựng hệ thống tài liệu miêu tả toàn bộ hoạt động của FPT, đáp ứng tiêu chuẩn ISO.
 
Ngân sách: không có, (nếu có tiền mà làm được thì đã chẳng cần Hùng râu).
 
Cấp trên: không có (vì không ai hiểu việc này là gì).
 
Nhân viên: 1 người – anh Trần Quốc Bình.
 
Và lần này Hùng Râu đã xuất sắc hoàn thành hơn 50% nhiệm vụ. FPT trở thành công ty Việt Nam đầu tiên nhận chứng chỉ ISO-2000. Tiếp nối truyền thống đưa hoạt động vào chuẩn mực, các đơn vị của FPT hiện sở hữu tất cả các chứng chỉ quản trị mà ngành nghề đòi hỏi. Fsoft có CMM, FIS có BS 7799… và gần nhất là Đại học FPT với xếp hạng QS Stars. Môn FPT Way của học viện lãnh đạo FPT chủ yếu dựa trên những tài liệu mà Hùng Râu cùng với các đồng nghiệp như Phan Phương Đạt, Nguyễn Kim Phương viết từ những năm 2000 đấy.
 
Khi FPT chuyển về văn phòng 37 Láng Hạ, trong những chiều ngắm cảnh phố xá chen chúc tại ngã tư Láng Hạ- Thái Hà, Trương Đình Anh thường chia sẻ với tôi, liệu có cách nào cập nhật tức thì những thông tin xảy ra dưới kia lên mặt báo được không?
 
Câu hỏi như một thách thức. Cho đến khi có một người đã nghe thấy tiếng gọi của tương lai trong giấc mơ của Đình Anh. Anh từ bỏ vị trí đang thăng tiến tại một tòa báo có tên tuổi để về FPT, cùng nhóm cộng sự dựng một tờ báo với mục tiêu có lượng người đọc lớn hơn tất cả người đọc của các tờ báo khác khi đó cộng lại. Báo điện tử VnExpress ra đời năm 2001 và chỉ 6 năm sau, VnExpress đã lọt vào top 100 trang web có lượng người đọc lớn nhất trên toàn thế giới.
 
Nhạy bén về công nghệ,nắm vững nghiệp vụ, khéo léo trong chiến lược kinh doanh, sử dụng phần mềm quản trị do chính Trương Đình Anh viết, Thang Đức Thắng và các đồng đội Phạm Hiếu, Thanh Tú… đã đặt chuẩn mực mới cho báo chí Việt nam.

Câu chuyện thứ 15:

“Không có FPT, chắc bây giờ em vẫn làm khuân vác ở chợ Đồng Xuân”. Chắc các bạn khó đoán được ra ai là người đã phát biểu câu này. Đó là anh Nguyễn Văn Lộc, hiện phụ trách FPT Hòa lạc. Anh Lộc nổi tiếng vì những đóng góp cho quê hương. Tại làng anh có hẳn một con đường mang tên anh vì anh đã bỏ tiền ra làm lại con đường đó. Anh thuộc thế hệ những cán bộ FPT đầu tiên – những cô lọ lem, những chàng hoàng tử ếch của câu chuyện cổ tích Việt nam thời đổi mới.
 
Câu chuyện cổ tích được viết vào năm 2002, khi chính phủ cho phép FPT được cổ phần hóa. Trung thành với tiêu chí bảo đảm một cuộc sống “đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần”, những người sáng lập FPT đã quyết định phát hành rộng rãi cổ phiếu cho tất cả các nhân viên của mình. Cổ phiếu FPT từ khi ra đời, tuy thời giá có lúc lên xuống, nhưng bao giờ cũng lọt vào top những cổ phiếu có thông tin minh bạch nhất trên thị trường.
 
Đằng sau những lời ngợi khen là nỗ lực không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ tài chính tập đoàn, các anh chị Đỗ Sơn Giang, Nguyễn Khải Hoàn, Vũ Hoàng Linh, Nguyễn Thế Phương… đứng đầu là anh Nguyễn Điệp Tùng.
 
Để việc làm thay cho “chém gió”, hiểu rõ kinh doanh và cực kỳ kiên định, sau này, khi được giao nhiệm vụ dẫn dắt FPT Securities, những phẩm chất đó đã giúp Tùng chèo lái công ty qua những thời điểm khó khăn nhất, chiếm được sự tin cậy của khách hàng.
 
Đọc tiếp: Phần 4 Phần 5

Nguồn: Facebook Nguyễn Thành Nam

TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi tư, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau 6 năm thành lập (13/10/2015), hiện FUNiX có trên 13.000 học viên, trên 5.000 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đang sinh sống ở Việt Nam và 34 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ.
 
 
 
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!