Founder FUNiX: Từ thời Trung Cổ đến suy ngẫm về giáo dục đại học | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Founder FUNiX: Từ thời Trung Cổ đến suy ngẫm về giáo dục đại học

Góc Nguyễn Thành Nam 05/04/2022

“Sứ mệnh của các trường đại học không phải là dạy cho sinh viên nên nghĩ gì và sống thế nào? Nhà trường phải hỗ trợ và cung cấp các công cụ để sinh viên có thể tự tìm cách trả lời các câu hỏi đó cho mình”. Đó là triết lý mà chúng tôi đã và đang nỗ lực triển khai ở FUNiX.

Trung Cổ là giai đoạn đen tối trong lịch sử châu Âu sau khi đế quốc La Mã sụp đổ. Ngày nay văn hóa đại chúng thường mô tả Trung Cổ như là một thời kỳ lạc hậu, phóng đại phạm vi và hàm ý miệt thị của nó.
 
William Deresiewicz, nhà văn Mỹ, tác giả của các bài viết Excellent Sheep, The Death of the Artist, and A Jane Austen Education khẳng định “Giáo dục Mỹ đang bước vào thời Trung Cổ mới”, khi cho rằng Wokeism đang thay thế việc học tập tại các trường Đại học Mỹ. Wokeism, tạm dịch là “chủ nghĩa tỉnh thức”, có thể coi như một tôn giáo mới, một tôn giáo mô phỏng, một sự sùng bái phi tập trung và không có lãnh đạo duy nhất của thời đại internet.
 
Xin phỏng dịch một số ý trong bài viết mới nhất của ông trên Unheard.com. Tôi tâm đắc nhất đoạn này: “Sứ mệnh của các trường đại học không phải là dạy cho sinh viên nên nghĩ gì và sống thế nào? Nhà trường phải hỗ trợ và cung cấp các công cụ để sinh viên có thể tự tìm cách trả lời các câu hỏi đó cho mình”. Đó là triết lý mà chúng tôi đã và đang nỗ lực triển khai ở FUNiX cũng như tại khóa học về Lịch sử Việt Nam cận đại mà tôi đang dạy cho sinh viên Đại học VinUni.
 
Vài năm trước, tôi (William Deresiewicz) dạy một khóa nâng cao “Viết cho Công chúng” tại các Claremont, một tập hợp các trường đại học khai phóng ưu tú ở Nam Cali. Sinh viên của tôi tuy tuổi khác nhau, đều rất thông minh, một số xuất sắc, học các ngành khoa học xã hội tại những trường đắt tiền. Tôi đã giả thiết là bọn họ đã có những kỹ năng tranh luận về các nội dung học thuật, và tôi chỉ phải hướng dẫn họ cách áp dụng những kỹ năng đó trong một số trường hợp hùng biện.
 
Nhưng rồi tôi nhanh chóng phát hiện ra, không có ai trong họ biết cách tranh luận trong bất cứ một hoàn cảnh nào. Không ai có kỹ năng phân tích những quan điểm của người khác. Họ không biết đọc. Họ không biết viết. Và họ không biết tư duy.
 
Ý tôi là gì? Giáo án đa phần là những áng văn mẫu ngắn, kiểu như bài xã luận của David Brooks hay blog của Ta-Nehisi Coates… Nhưng mỗi khi tôi cho họ một cái gì đó phức tạp hay tinh vi hơn một chút là họ đau đầu ngay. Họ là những sinh viên được dạy dỗ: Đọc tức là bỏ qua và hớt váng.
 
Họ viết cũng chẳng khá hơn. Một số viết được ở mức cơ bản. Nhưng không ai có được sự định hướng và chỉ dẫn bài bản. Một lần, tôi có làm một cái thí nghiệm. Tôi cho họ đọc một đoạn ngắn về phương pháp viết. Sau đó phát cho mỗi người một tờ giấy có trích một câu của chính họ. Rồi đem ra mổ xẻ, chỉnh sửa, viết lại.
 
Ngay câu đầu tiên, cũng mất đến 10 phút chúng tôi mới thấy tạm ổn, không phải là tuyệt tác, nhưng ít nhất là ngắn gọn. Sau đó tôi mới nói với họ: “Các anh chị thấy chưa, phải mất 10 phút và 13 bộ não ngon nhất Claremont để viết lại câu này. Đây là điều các anh chị phải làm với từng câu một trong tác phẩm của mình.” Họ nhìn tôi ngạc nhiên và hoảng hốt. Không phải chỉ vì khối lượng công việc to lớn bỗng dưng đổ lên đầu họ. Mà còn là vì từ trước đến giờ chưa ai nói với họ như thế.
 
Đến lúc đó tôi mới hiểu điều mà sinh viên đã nói với tôi từ ngày đầu tiên khi tôi đề nghị các bạn ấy tự giới thiệu và nói vài câu về điểm mạnh và điểm yếu của mình trong nghiệp viết lách. Đa số họ nói kiểu như thế này “Tôi viết một cách tự nhiên” hay “Tôi có thể viết văn hội thoại tốt” nhưng “tôi không biết cách biên tập” hoặc “kém chỉnh sửa”. Cho đến giữa kỳ tôi mới hiểu là họ nghĩ viết tức là cái gì đó cứ thế mà làm, và chưa ai yêu cầu họ quan tâm đến những câu văn của mình như những cấu trúc có ý thức.
 
Vì thế, họ đối xử với những quan điểm của mình cũng như với bài văn của họ. Họ chỉ phát biểu nó. Họ không và không thể nhận thức về nó. Họ không tìm ra những điểm mâu thuẫn, không dự liệu trước sự phản đối, không vui vẻ với những cách diễn giải khác, không thể tạo ra những khác biệt chủ chốt và không biết khoanh vùng chính xác những luận điểm của mình. Nên nhớ, đây không phải là nhóm trẻ mới vào nghề. Đây là khóa học nâng cao tại một trong những trường nổi tiếng nhất nước Mỹ.
 
Không chỉ Claremont có vấn đề. Cùng năm đó, Stephen Greenblatt ở Harvard so sánh cách sinh viên hiện nay đọc Shakespeare với trước kia: “Những sinh viên tài năng nhất của Harvard hôm nay, có vẻ nhưng không quan tâm đến ma thuật trong cách dùng từ của Shakespeare như chúng tôi năm xưa, hoặc như các sinh viên của tôi ở Berkley những năm 80x. Không hiểu có chuyện gì. Không phải vì sinh viên ngày nay không hoạt khẩu. Thực tế là họ có thể viết rất dễ dàng, nhất là nếu dùng phong cách bình dân, như họ nhắn tin hoặc viết blog. Vấn đề là quan hệ của họ với ngôn ngữ, dù là của chính mình hay của Shakespeare, thường là nông cạn và vô vị một cách đáng kinh ngạc.”
 
Greenblatt tìm cách giải thích qua sự khác biệt thế hệ: internet rồi mạng xã hội v.v. Nhưng ông ta quên là sinh viên Harvard phải được xem là ngoại lệ của thế hệ. Sinh viên trong lớp Shakespeare chắc phải có điểm SAT cao hơn 700 (trên thang 800). Đa số được điểm tối đa trong cuộc thi ngôn ngữ đầu vào. Họ được kỳ vọng có khả năng giải mã các ngôn ngữ phức tạp, viết những đoạn văn sắc sảo và xây dựng những quan điểm phân tích thuyết phục. Nhưng có vẻ họ không làm được.
 
Vậy nguyên nhân của sự bất ổn này từ đâu? Trước tiên là phải tìm hiểu xem sinh viên làm thế nào để có thể đỗ vào các trường như Claremont hay Harvard. Không phải học cách đọc/viết/nghĩ. Họ phải đỗ đầu các khóa thi tuyển AP, trưng ra các bằng chứng đã tham gia vào hàng chục các hoạt động ngoại khóa như: thể thao, nghệ thuật, dịch vụ công ích… thể hiện năng lực “lãnh đạo”, tinh thần “phục vụ”, và lấy “kinh nghiệm” từ các chương trình được dựng lên chỉ cho những mục đích này, viết các bản tự thuật thật lâm ly để các quan chức xét tuyển thấy đằng sau các chứng nhận thực sự là một con người. Để có được từng đấy thứ, ứng viên phải làm việc như điên, ngủ ít và hy sinh tự do của tuổi thanh xuân.
 
Hệ thống này không thiết kế để khuyến khích suy tư trí tuệ. Nó buộc học sinh không chỉ học cách bỏ qua và hớt váng trong các bài đọc mà tất cả mọi thứ. Tốc độ được tôn vinh, càng tốn ít công sức càng tốt. Sự tò mò và đam mê phải được chủ động kìm nén lại. Không có thời gian để làm bất cứ việc gì khác. Các sinh viên sẽ trở thành chuyên gia, không phải trong một lĩnh vực nào đó, mà để làm việc trong hệ thống.
….
Đã nhiều năm, sinh viên nói với tôi, họ cảm thấy trống rỗng, thấy sự giáo dục mà họ đang nhận được thật vô nghĩa. Wokeism – chủ nghĩa tỉnh thức đã lấp đầy các khoảng trống đó, cả về đạo đức và trí tuệ. Các campus như sống lại với sự nhiệt thành đạo đức.
 
Wokeism còn thỏa mãn các nhu cầu về tâm lý. Nó cung cấp cho sinh viên một khuôn khổ diễn giải để sinh viên có thể hiểu thế giới. Một khuôn khổ không chỉ có tính nhận thức, lịch sử, mà còn đạo đức và hiện sinh. Nó dạy bạn đến từ đâu, bạn là ai, cách bạn đối xử với người khác và thế giới. Nó quyết định cả mục đích và hướng đi của cuộc đời bạn.
 
Không những dạy sinh viên phải nghĩ về điều gì, Wokeism còn cung cấp cho họ một số thứ để phát biểu. Đây là một giá trị lớn trong thời đại mạng xã hội, khi nhu cầu có “quan điểm riêng”, nhưng phải dễ dãi và ngay lập tức về mọi vấn đề, là biểu hiện của con người thời đại mới. Quá trình hình thành “quan điểm” trở nên dễ dàng, bởi bạn luôn biết trước là bạn sẽ chọn chỗ đứng nào trong mọi vấn đề, kể cả những vấn đề bạn chưa từng nghe thấy bao giờ.
 
Với tôi, nhiệm vụ của các trường đại học không phải là dạy cho sinh viên nghĩ gì và sống thế nào? Nhà trường phải hỗ trợ và cung cấp các công cụ để sinh viên có thể tự tìm cách trả lời các câu hỏi đó cho mình. Nhưng có vẻ điều đó đã trở nên quá xa vời. Và cũng quá khó để thực hiện. Nó đòi hỏi các giáo sư phải coi mình như những mentors, với tất cả các cam kết về thời gian và nhiệt huyết của từ đó, phải đủ tự tin và quyết tâm để thách thức sinh viên rằng mục tiêu giáo dục của họ phải cao hơn việc càng thành đạt càng tốt. Các trường đại học đáng tiếc đã không còn nhiều những thầy giáo như vậy.
 
 
 
TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi tư, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau 6 năm thành lập (13/10/2015), hiện FUNiX có trên 13.000 học viên, trên 5.000 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đang sinh sống ở Việt Nam và 34 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ.
 
 
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!