Bí quyết phỏng vấn để chinh phục nhà tuyển dụng | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Bí quyết phỏng vấn để chinh phục nhà tuyển dụng

Tin tức 03/06/2024

Đến với xTalk số 184, Mentor George Nguyễn - Co-founder công ty công nghệ JDI One, Giảng viên tại Đại học RMIT, Founder Google Developer Group HCM đã có những chia sẻ rất hữu ích với các xTer về bí quyết gây ấn tượng với nhà tuyển dụng trong một thị trường lao động cạnh tranh.

Trong chương trình Xtalk diễn ra vào tối ⅙, Mentor George Nguyễn đã có một màn hỏi đáp (Q&A) sôi nổi với các xTer xoay quanh những câu hỏi thường gặp trong hành trình tìm việc, như: Nên viết CV như thế nào để phù hợp với JD, Làm gì để chinh phục nhà tuyển dụng khi chưa có nhiều kinh nghiệm…

Mời bạn cùng theo dõi.

Q: Nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên theo những tiêu chí nào?

A: Mô tả công việc (job description – JD) vị trí bạn đang ứng tuyển sẽ cho bạn biết những thứ nhà tuyển dụng mong muốn từ bạn. Với vị trí lập trình viên, công ty của tôi nhìn vào yếu tố hàng đầu là Github, bởi đó chính là minh chứng lớn nhất cho năng lực của các bạn.

Q: Nên viết CV như thế nào để phù hợp với mô tả công việc?

A: Nếu JD yêu cầu sự tự tin, CV nên mô tả một công việc, dự án bạn đã trải qua mà trong đó bạn đóng vai trò người ra quyết định. Nếu JD yêu cầu sự sáng tạo, hãy liệt kê những dự án sáng tạo, đổi mới mà bạn từng làm. Điều quan trọng ở đây là phải điều chỉnh CV tùy từng vị trí, tuyệt đối không nên mang một CV để ứng tuyển nhiều nơi.

Q: Em chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề thì làm như thế nào để chinh phục nhà tuyển dụng?

A: Với người mới bắt đầu thì yếu tố quan trọng nhất giúp bạn nổi bật là khả năng, tinh thần sẵn sàng học hỏi. Tôi từng gặp trường hợp những bạn ứng tuyển vị trí Software Engineer tự giới thiệu là có khả năng tự học tốt nhưng khi được hỏi có thể học được một ngôn ngữ mới trong 3 tuần thì lại trả lời ấp úng. Câu hỏi này đặt ra không phải là để biết các bạn có thực sự làm được việc này không, mà là để cho nhà tuyển dụng biết bạn có tự tin, có cơ sở cho những gì bạn nói ra hay không.

Q: Khi đi phỏng vấn mà gặp phải câu hỏi chuyên môn quá khó thì xử lý như thế nào?

A: Ở đây có hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là bạn không chuẩn bị tốt do không biết nhà tuyển dụng đặt nặng yếu tố chuyên môn. Một trường hợp khác là bạn đã tìm hiểu rất kỹ về công ty và vị trí ứng tuyển nhưng không dự đoán được họ sẽ hỏi khó như vậy.

Trong tình huống này, khả năng cao là cái nhà tuyển dụng cần không phải là câu trả lời đúng mà là khả năng tư duy của bạn. Bạn có thể trả lời: “Em chưa biết câu trả lời nhưng em suy luận như thế này, anh/chị xem có đúng không ạ…”.

Điều này cũng đòi hỏi bạn có kiến thức nền tảng vững chắc. Tuyệt đối không nên “chém gió” vì những người có thể đặt ra câu hỏi hoặc ngồi nghe bạn trả lời câu hỏi như vậy sẽ không ở dưới tầm của bạn. Việc “chém gió”, nói bừa sẽ gây phản cảm với nhà tuyển dụng.

Q: Em đang làm trong ngành tự động hóa ở Nhật với mức lương 40 – 45 triệu đồng. Giờ em chuyển sang ngành IT thì có nên chấp nhận làm lương thấp (8-10 triệu đồng) để được cọ sát hay không?

Theo kinh nghiệm nhiều năm đi dạy của tôi thì lời khuyên tốt nhất luôn là bạn cần hiểu bạn muốn gì, bạn mới là người quyết định tương lai của mình. Những câu hỏi như “Tôi có muốn chuyển ngành đến mức sẵn sàng đánh đổi mức lương thấp hơn không; Mức lương như thế nào là chấp nhận được…” chỉ có bạn mới trả lời được. 

Việc bạn đặt ra câu hỏi này cho thấy bạn vẫn chưa hiểu rõ mình muốn gì và chưa sẵn sàng để đưa ra quyết định này. Một khi bạn đã sẵn sàng, hãy tìm đến tôi với câu hỏi: “Em sẵn sàng chấp nhận mức lương ABC, anh có biết công ty/vị trí nào hãy giới thiệu cho em”.

Q: Thái độ, kiến thức hay sự tự tin là yếu tố quan trọng nhất trong buổi phỏng vấn?

A: Khi tuyển dụng, bản thân tôi chú trọng nhất là thái độ và sự tự tin vì đây là những thứ công ty không thể “trang bị” cho bạn được. Một mentor có thể chỉ dẫn cho bạn học được một ngôn ngữ, công nghệ mới trong một thời gian ngắn. Nhưng thái độ của bạn được quyết định bởi môi trường gia đình, nhà trường, xã hội, cách bạn tiếp nhận sự việc. Còn sự tự tin là nội tại của từng cá thể. Đây đều là những yếu tố không công ty nào có thể “train” cho bạn được.

Q: Theo anh với người mới thì môi trường làm việc thân thiện hòa đồng, giao nhiệm vụ nhẹ nhàng tạo động lực hay môi trường phân nhiệm vụ khó, tạo áp lực để nhanh phát triển là tốt hơn ạ?

A: Nhẹ nhàng hay áp lực là một vấn đề tương đối, có những môi trường, nhiệm vụ có thể là nhẹ nhàng với bạn nhưng lại là áp lực với người khác. Với tôi, một môi trường mà mình được hỗ trợ, tạo điều kiện là một môi trường tốt. Một công ty nhiều áp lực nhưng bạn được cấp trên, mentor hết lòng giúp đỡ có thể giúp bạn tiến nhanh hơn là một nơi nhiều việc nhẹ nhàng nhưng lại để bạn tự “bay”.

Mentor George Nguyễn hiện là Co-founder công ty công nghệ JDI One, Giảng viên tại Đại học RMIT, Founder Google Developer Group HCM,

Q: Khi nhà tuyển dụng hỏi muốn mức lương bao nhiêu thì nên trả lời như thế nào?

A: Bạn cần nghiên cứu về thị trường để biết mức lương phổ biến cho vị trí bạn đang ứng tuyển. Nếu bạn đưa ra mức lương ngang mặt bằng thị trường hoặc cao hơn một chút so với sự tự tin của bạn thì nhà tuyển dụng sẽ sẵn sàng thương thảo với bạn. Còn nếu họ từ chối thẳng thừng thì khả năng là bạn đã đưa ra một mức lương “trên mây”.

Q: Nếu không có bằng đại học thì có xin việc được không ạ?

A: Hiện tại môi trường tuyển dụng đã “phẳng” hơn trước rất nhiều. Ngoại trừ một số vị trí đặc thù, đa số công ty sẽ nhìn vào Github, sản phẩm, portfolio… của bạn để đánh giá bạn có làm được việc hay không và ra quyết định có tuyển dụng bạn không.

Q: Bây giờ ngôn ngữ Java có dễ kiếm việc không ạ, em thấy rất ít công ty tuyển vị trí Java developer?

A: Java hiện giờ chỉ phù hợp với những phần mềm lớn, phần mềm doanh nghiệp, kiến trúc cũ, và thường tuyển nhiều ở Hà Nội hơn là TP. HCM. Những kiến trúc cũ đa phần migrate qua khiến trúc mới, chỉ giữ core java thôi chứ không có xu hướng phát triển thêm trên đó.

Tuy nhiên, học Java không có nghĩa là chỉ làm Java developer. Các ngôn ngữ như Nodejs, Reactjs đều là Javascript framework, bạn có thể nghiên cứu chuyển sang hướng đó vì có rất nhiều vị trí tuyển dụng.

Q: Em hiện là sinh viên năm ba, muốn ứng tuyển vị trí AI engineer intern thì điều quan trọng nhất là gì ạ?

A: AI và Machine Learning (Học máy) là ngành mang tính giải thuật cao nên yêu cầu ngành học Computer science, vì bạn cần hiểu sâu về việc máy làm việc, máy học như thế nào. Còn các ngành học về lập trình ứng dụng liên quan về phần ứng dụng nhiều hơn.

Bên cạnh đó, nếu bạn có kinh nghiệm làm việc, ví dụ như đóng góp cho một dự án open source về AI thì điều này sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Vân Nguyễn (ghi)

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại