Đề án trợ lý ảo ngân hàng vô địch cuộc thi ChatGPT Hackathon
Lần đầu tiên, một cuộc thi Hackathon bằng ChatGPT được tổ chức tại Việt Nam, và cũng có thể là cuộc thi ChatGPT Hackathon đầu tiên trên thế giới - đã tìm thấy nhà vô địch với đề án Trợ lý ảo ngân hàng tích hợp trên nền tảng Chat App.
Diễn ra trong vòng hơn một tháng, từ 4/4 đến 7/5/2023, sức nóng từ cuộc thi ChatGPT Hackathon do Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX tổ chức đã thu hút gần 200 sinh viên tham gia, với 56 dự án tiềm năng. Vòng chung kết quy tụ 8 đội xuất sắc nhất đến từ nhiều trường đại học trên cả ba miền Bắc Trung Nam. Trải qua ngày thi đấu cân não, đội BHĐL với sản phẩm “FinAInce Assistant – ChatGPT can take actions” đã giành được ngôi vô địch.
Nhóm gồm 3 sinh viên Nguyễn Đình Anh, Phạm Vũ Thái Minh (sinh viên FUNiX học chuyển tiếp trường ĐH FPT), Nguyễn Phương Linh (trường ĐH Kinh tế Quốc dân). Sản phẩm của nhóm là một hệ thống Trợ lý ảo ngân hàng được tích hợp trên nền tảng Chat App, giúp đơn giản hóa các thao tác người dùng để thực hiện một số tác vụ như chuyển tiền, kiểm tra số dư, quản lý tài chính. Mọi thao tác đều có thể thông qua các đoạn chat hoặc là bằng giọng nói thay vì phải sử dụng các nút bấm trên giao diện.
Nói về các sản phẩm dạng ChatBot thì hiện trên thị trường cũng đã có khá nhiều sản phẩm như vậy, ví dụ như Chatbot của ngân hàng hoặc các ví điện tử… Tuy nhiên, điểm khác biệt của FinAInce Assistant là sử dụng ChatGPT để xác định, trích xuất các ý định của người dùng từ đoạn chat. Điều này giúp cho sản phẩm sẽ không bị giới hạn bởi một vài chức năng cơ bản của ngân hàng, việc sử dụng ChatGPT có thể giúp sản phẩm nhận ra được nhiều dạng ý định của người dùng.
Đội đạt Giải Nhì là nhóm B.L.A.S.T với dự án “Công cụ chấm điểm và đánh giá cho giáo viên IELTS”. Dự án do 3 sinh viên đến từ trường ĐH Sư phạm TP.HCM và trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, gồm Nguyễn Minh Dương, Lê Chu Báu và Lê Việt Long thực hiện.
Sản phẩm giúp tiết kiệm 80% thời gian chấm bài và nhận xét kỹ năng Ielts Writing. Với công cụ này, việc kiểm tra bài luận của giáo viên chỉ mất 10 phút so với 120 phút thông thường. Giáo viên có thêm thời gian chữa bài, hướng dẫn thêm kỹ năng cho học viên để cải thiện chất lượng các bài viết tiếp theo.
Giải Ba cuộc thi thuộc về đội AIELTS với sản phẩm “Trang web học IELTS tích hợp ChatGPT hoàn toàn mới”. Đội gồm 5 sinh viên Trần Vũ Kim Anh, Hồ Trọng Nhân, Nguyễn Gia Khánh (trường ĐH FPT); Lê Đình Anh Huy (International University) và Trần Nguyễn Quy (trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH QG TP.HCM). Trang web giúp cải thiện kỹ năng viết và nghe trong kỳ thi IELTS, đồng thời tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng dạy học bằng cách giúp giáo viên dạy IELTS kết nối với ChatGPT để nhận xét, đánh giá bài viết của học sinh một cách hiệu quả, nhanh chóng. Sản phẩm được Ban giám khảo đánh giá cao về giá trị thực tiễn.
Giải thưởng Tiềm Năng thuộc về đội MUBK gồm 5 sinh viên Trần Thành Luân, Trịnh Xuân Minh, Trịnh Văn Chiến, Nguyễn Thanh Phong, Phạm Thành Dũng đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội. Dự án của các bạn là Dost – nền tảng chia sẻ tài liệu uy tín. Trần Thành Luân – Trưởng dự án cho biết, mặc dù hiện nay có nhiều nền tảng chia sẻ dữ liệu nhưng các tài liệu tham khảo thường không được sắp xếp bài bản, chưa được kiểm duyệt nghiêm ngặt và không có nhiều công nghệ để hỗ trợ người dùng. Khắc phục các nhược điểm trên là ý tưởng nghiên cứu của nhóm.
Với tinh thần khuyến khích các bạn trẻ nghiên cứu, tìm hiểu và sáng tạo thông qua ứng dụng ChatGPT, cuộc thi được đánh giá là thành công khi thu hút được lượng lớn đăng ký cũng như các sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, tính thực tiễn. Các bạn trẻ nhận được nhiều hỗ trợ từ Ban tổ chức để hoàn thiện, phát triển các tính năng sản phẩm cũng như nâng cao kiến thức về lập trình.
Lê Chu Báu, thành viên đội B.L.A.S.T chia sẻ: “Sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm với ChatGPT, chúng em nhận ra sức mạnh của ChatGPT thật sự tuyệt vời khi có thể làm giảm đáng kể gánh nặng công việc của người giáo viên. Bên cạnh đó, ChatGPT vẫn không thể thay thế giáo viên, người giáo viên vẫn luôn là người kiểm soát AI”.
Các thành viên trong Ban Giám khảo đều là các chuyên gia công nghệ, CEO doanh nghiệp uy tín về AI tại Việt Nam cho rằng, mặc dù có đội chưa khai thác hết giá trị của ChatGPT mang lại hoặc chưa giải quyết hết được các tình huống của bài toán thực tế nhưng đều có tính sáng tạo cao, ý tưởng tốt.
Thành viên Ban Giám khảo và cũng là nhà tài trợ của cuộc thi – anh Kim Phạm – Founder công ty Cohost AI cho biết, anh bất ngờ vì các sinh viên thực hiện bài dự thi tốt, công nghệ tiềm năng và thể hiện được tham vọng của các bạn.
Anh Nguyễn Thành Lâm – Founder và CEO Namitech đánh giá cao ý nghĩa Cuộc thi ChatGPT Hackathon cũng như tinh thần “dẫn đầu” việc khuyến khích học viên tìm hiểu về ChatGPT, ứng dụng ChatGPT trong cuộc sống của FUNiX.
“Cuộc thi do FUNiX tổ chức có lẽ là cuộc thi Hackathon bằng ChatGPT đầu tiên của Việt Nam và cũng có thể là cuộc thi Hackathon bằng ChatGPT đầu tiên trên thế giới. Các bạn trẻ đã rất sáng tạo, biết vận dụng lý thuyết để giải quyết các bài toán thực tế cho cộng đồng là điều đáng trân trọng và khuyến khích” – anh nói.
Đại diện doanh nghiệp cũng khẳng định sẵn sàng ủng hộ, đồng hành cùng các bạn sinh viên theo đuổi, hoàn thiện các ý tưởng để làm “việc lớn” cho cộng đồng, cho nền CNTT Việt Nam cũng như cho toàn xã hội.
Cơ cấu giải thưởng Cuộc thi ChatGPT Hackathon do FUNiX tổ chức bao gồm: một giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; một giải Nhì trị giá 10 triệu đồng; một giải Ba trị giá 7 triệu đồng và một giải Tiềm Năng trị giá 5 triệu đồng. Mỗi giải thưởng đều được tặng một tài khoản học trên nền tảng Udemy trong một năm, trị giá 360 USD và một khóa học bất kỳ tại FUNiX tương đương 10 triệu đồng. |
Vân Anh
Tin liên quan
Có gì đặc biệt ở 8 đề án lọt vào vòng chung kết cuộc thi FUNiX ChatGPT Hackathon?
Tìm hiểu về “Ứng dụng ChatGPT trong giáo dục” cùng ChatGPT Hackathon FUNiX
Nhóm sinh viên FPT Polytechnic vào chung kết ChatGPT Hackathon
Các nam sinh ĐH Bách Khoa Hà Nội sẵn sàng “chiến hết mình” tại chung kết ChatGPT Hackathon
Bình luận (0
)