Diễn biến bất ngờ của Covid-19 trở thành cơ hội cho ngành giáo dục đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Sơn Hải – Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo tại tọa đàm “Phát triển giáo dục trực tuyến tại Việt Nam” vừa diễn ra sáng nay (10/6), được truyền tải trên VnExpress.
Theo ông Hải, để đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh và giáo viên, tất cả trường học các cấp đã chuyển sang mô hình giảng dạy qua mạng, trên truyền hình. Trước đó, Bộ đã hướng dẫn mô hình E-Learning cho các trường, nên việc chuyển đổi trong Covid-19 diễn ra nhanh chóng. Hơn 100 trường Đại học chuyển sang đào tạo trực tuyến, công nhận kết quả học online. 28 đài truyền hình phát sóng các chương trình dạy trực tuyến. Hơn 2.000 bài giảng tập hợp trên kho học liệu, chia sẻ cho học sinh.
Tuy vậy, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mô hình này còn mới mẻ ở nhiều địa phương khi cơ sở hạ tầng Internet chưa đáp ứng, hệ thống băng thông chiếm dụng gây nghẽn mạng cục bộ. Học sinh sống tại vùng khó khăn chưa có thiết bị truy cập mạng, hoặc phải dùng điện thoại di động của cha mẹ. Một số trường e dè khi công nhận kết quả học trực tuyến…
Với vai trò nghiên cứu công nghệ giáo dục tại Đại học Oulu (Phần Lan), ông Nguyễn Xuân Khánh nhận định, những khó khăn khi chuyển đổi mô hình dạy học của Việt Nam tương tự tại các nước đang phát triển. Đòi hỏi ngành giáo dục có chiến lược dài hạn, phổ biến kỹ năng công nghệ cho cả người dạy và học.
Theo bà Nguyễn Thuỵ Phương, Phó giám đốc EduNet của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), hiện nghiên cứu tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ), giáo dục 4.0 cần đảm bảo cơ sở hạ tầng tiếp cận mọi học sinh, nhất là vùng xa xôi, chứ không dừng lại ở các thành phố lớn. Để mô hình hiệu quả hơn, cần kết hợp đồng đều 3 thành tố cơ sở hạ tầng, giáo viên và học sinh.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thành Nam, Nhà sáng lập FUNiX – tổ chức giáo dục cung cấp nền tảng học trực tuyến cho sinh viên trong nước và quốc tế cho rằng, hiệu quả của giáo dục trực tuyến ít phụ thuộc vào công nghệ, mà quyết định bởi tư duy của người dạy và học, cũng như nội dung chương trình đào tạo. “Đa phần học viên của FUNiX đến từ các vùng nông thôn, nơi chúng ta vẫn nghĩ họ thiếu thốn hạ tầng học online”, ông Nam nhấn mạnh.
Thay đổi cách tự học
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi thói quen và tư duy của học sinh, sinh viên, từ thời khóa biểu, cách học truyền thống sang học online.
Đồng tình quan điểm, đại diện FUNiX cho biết, vấn đề đặt ra cho các nhà quản lý giáo dục là làm sao người học tự giác học tập và duy trì động lực. “Kỹ năng tự học là quan trọng nhất. Người thầy cần dạy các em cách tự học”, vị này nói.
Phương pháp giảng dạy trực tuyến của FUNiX đề cao tinh thần tự học, sinh viên toàn quyền quyết định việc học. Trong thời gian giãn cách xã hội, tốc độ học của nhiều sinh viên đã tăng lên đáng kể. Ông Nam lấy ví dụ, một môn học thông thường cần 6 tuần hoàn thành, có em đã học xong trong một tuần. Hoặc một số sinh viên kết thúc học kỳ dài 6 tháng chỉ trong 1 tháng.
Để duy trì động lực cho sinh viên, phương pháp FUNiX đưa các mentor là đội ngũ chuyên gia trong ngành và Hannah thường xuyên trò chuyện, giải đáp những thắc mắc, khó khăn, nắm tiến độ học tập của từng sinh viên. “Tương tác cao giúp học sinh nhận được sự đồng hành 24/7, tiếp sức cho các em nhiều hơn”, ông Nguyễn Thành Nam nói.
Thích nghi phương pháp giảng dạy mới
Song song vai trò của người học, đại diện AVSE Global khẳng định, năng lực giáo viên là thành tố quan trọng quyết định hiệu quả giáo dục 4.0.
Theo đó, thầy cô giáo cần chủ động cải thiện khả năng sử dụng công nghệ, làm chủ công cụ. Từ đó thích ứng, sáng tạo phương pháp mới truyền tải kiến thức trên nền tảng số, nâng cao khả năng tương tác với học sinh. “Học online cần người dạy xây dựng giáo án mới, chứ không bê nguyên bài giảng truyền thống lên không gian mạng”, bà Nguyễn Thụy Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Thành Nam đồng tình, vai trò của nhà trường, thầy cô sẽ thay đổi trong 10-15 năm tới. Giáo viên đối mặt với thách thức tìm kiếm phương pháp giảng dạy phù hợp. “Hiện đa phần thầy cô tự mày mò tạo giáo trình trực tuyến. Tôi cho rằng cần mở lớp sư phạm online, giúp giáo viên định hướng phương pháp dạy học 4.0 một cách chuyên nghiệp trong tương lai”, ông Nam nói.
Vị này chia sẻ câu chuyện tại FUNiX, phương pháp học tập khuyến khích sinh viên đưa ra những câu hỏi và phản biện. Song song, các thầy cô quan tâm đến việc “dỗ”, tạo điều kiện, động lực cho học viên. “Bản chất của giáo dục nằm trong 2 chữ học hỏi và dạy dỗ. Các em biết hỏi, tức đã biết học và hiểu bài”. Giáo viên dỗ tốt thì sinh viên sẽ tự học”, vị này nói thêm.
Bên cạnh đó, theo ông Nam, các thầy cô cũng cần quan sát lăng kính của học sinh, sinh viên, để tìm ra phương pháp truyền thụ phù hợp, nhất là với các kỹ năng xã hội. “Thời chúng tôi, phải biết bắt cua, trồng rau. Bây giờ, các em cần trang bị kỹ năng đối phó với lừa đảo trên mạng, bị hacker tấn công… Thách thức đặt ra là đào tạo những năng lực các em cần, hơn là áp đặt từ phía người dạy”, ông Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Tối ưu hóa chương trình đào tạo
Khi người dạy và học đã sẵn sàng tâm thế chuyển đổi số, theo ông Nguyễn Xuân Khánh, các nhà trường cần nghiên cứu, chọn lọc giáo án, nội dung chương trình E-Learning, nhằm bắt kịp các nước phát triển mô hình này như Phần Lan, New Zealand. “Giáo án truyền thống và trên nền tảng trực tuyến đều có ưu, nhược điểm. Nếu có thể kết hợp ưu thế của cả hai sẽ nâng cao chất lượng rõ rệt hơn”, ông Khánh nhận định.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã thực hiện đề án kho học liệu số, cập hơn 7.000 học liệu. Với hệ giáo dục phổ thông, đã tổ chức các cuộc thi quốc gia cho các giáo viên về thiết kế bài giảng E-Learning; tuyển chọn 5.000 bài giảng chất lượng, chia sẻ cho giáo viên, học sinh toàn ngành. Thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng kho bài giảng online, nâng cao kỹ năng thiết kế giáo trình trực tuyến của giáo viên.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tạo hành lang pháp lý, ban hành các thông tư ứng dụng công nghệ thông tin trong đại học; quy chế cho phép E-Learning kết hợp đào tạo chính quy. Đồng thời đang dự thảo thông tư về quản lý tổ chức các hoạt động trực tuyến trong trường phổ thông. Với sự phối hợp của các chuyên gia, sẽ đẩy mạnh E-Learning tại các cấp học, nhất là đại học, hướng tới các trường công nhận tín chỉ học trực tuyến.
Đại diện FUNiX đề xuất, phía cơ quan quản lý giáo dục xem xét công nhận mô hình đào tạo trực tuyến của các đơn vị tư nhân có thể tương đương với các trường Đại học. “Quy định mở một trường đại học cần không gian 5 ha đã lỗi thời. Trong khi chúng tôi với 40 m2 vẫn đào tạo được 5.000 sinh viên”, vị này nói.
Minh Chi (VNExpress)
Bình luận (0
)