Giải pháp AI với vấn đề biến đổi khí hậu dưới góc nhìn chuyên gia công nghệ

Giải pháp AI với vấn đề biến đổi khí hậu dưới góc nhìn chuyên gia công nghệ

Chia sẻ kiến thức 29/12/2021

AI, với vai trò là một công nghệ có tính phổ quát, tự nó không phải là giải pháp giảm nhẹ hay ứng phó biến đổi khí hậu, mà chủ yếu thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn các biện pháp trực tiếp.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Truyền, Đại học Deakin – Australia có cuộc trò chuyện cùng FUNiX, trong đó anh chia sẻ góc nhìn của chuyên gia công nghệ về vấn đề giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu bằng công nghệ thông tin nói chung, AI nói riêng.

Xin chào anh. Về vấn đề biến đổi khí hậu, theo anh, CNTT nói chung và AI nói riêng có vai trò gì trong giải quyết các vấn đề về BĐKH trên toàn cầu?

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Truyền: Biến đổi khí hậu là một vấn đề có tính toàn cầu, và cần sự nỗ lực của mọi quốc gia và mọi công dân trong việc cắt giảm thải khí nhà kính, ví dụ thông qua phát triển năng lượng tái tạo (ví dụ điện mặt trời và điện gió), hay thay đổi công nghệ sử dụng chất đốt hóa thạch sang công nghệ sạch hơn (ví dụ xe điện), và khắc phục hậu quả gây ra bởi biến đổi khí hậu (ví dụ nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán hay cháy rừng). 

CNTT với vai trò là huyết mạch thông tin và tính toán, sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu này. Khó có thể kể hết các ví dụ vì đời sống hiện đại không thể không có CNTT. Giải quyết các vấn đề biết đổi khí hậu không là ngoại lệ. Lấy ví dụ, việc thu thập xử lý dữ liệu giao thông, khí thải xe cộ sẽ là rất quan trọng để tối ưu hóa ngành hậu cần, tránh kẹt xe tắc đường, qua đó giảm thiểu khí thải. Với sự phát triển của Internet và di động, chúng ta có thể cắt giảm khí thải do phương tiện giao thông gây ra qua việc sử dụng tele-conferencing. Ở chiều ngược  lại, bản thân ngành CNTT lại đóng góp một lượng khí thải lớn, do việc sử dụng ngày càng nhiều thiết bị tính toán, đặc biệt các siêu máy tính, data center hay AI servers. 

AI nói riêng, với hai năng lực chính là dự báo (trong đó có phân loại tự động) và tối ưu hóa, sẽ tham gia tích cực vào chuỗi giá trị này. Theo báo cáo mới nhất của cộng đồng AI chung tay khắc phục biến đổi khí hậu (http://climatechange.ai/), các lĩnh vực mà AI sẽ có vai trò tích cực nhất là: hệ thống điện, hậu cần, xây dựng và đô thị, sản xuất, nông lâm nghiệp, loại bỏ khí CO2, dự báo khí hậu, đánh giá hệ quả của biến đổi khí hậu, công nghệ “chống nóng” cho Trái Đất, phát triển công cụ, và giáo dục về biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, chẳng hạn Google công bố đã cắt giảm khoảng 30% điện năng cho hệ thống data centre của họ thông qua học máy. Trong tương lai, với năng lực suy diễn và hợp tác người-máy, máy-máy, kỳ vọng rằng AI sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong chống biến đổi khí hậu.

Từ kinh nghiệm của anh, trên thế giới và tại Việt Nam đã có những giải pháp nào nhờ ứng dụng AI để giải quyết vấn đề BĐKH?

PGS. TS Trần Thế Truyền, ĐH Deakhin, Australia

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Truyền: AI, với vai trò là một công nghệ có tính phổ quát, tự nó không phải là giải pháp giảm nhẹ hay ứng phó biến đổi khí hậu, mà chủ yếu thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn các biện pháp trực tiếp. Lấy ví dụ, AI sẽ giúp dự báo chính xác hơn điểm kẹt xe và thời gian kẹt xe, qua đó giúp người tham gia giao thông tối ưu cung đường, qua đó giảm thiểu khí thải. Hoặc việc tìm kiếm một giải pháp vật liệu nhằm bắt nhốt CO2 có thể được đẩy nhanh hơn nhiều lần với học máy. Tương tự, trong việc ứng phó, AI đã được sử dung hiệu quả để phát hiện đám cháy rừng, ước lượng diện tích rừng, giám sát rặng san hô, dự báo nhu cầu điện năng, dự báo vị trí thắp sáng trong tòa nhà thông minh, cũng như phát hiện sớm các điểm bất thường gây ra bởi biến đổi khí hậu. Ở VN thì theo tôi biết có một số đơn vị chuyên về khí tượng, thủy văn, hay viễn thám đã sử dụng AI trong công việc thường ngày của họ từ lâu.

Theo anh, nhu cầu nhân lực và tiềm năng ứng dụng của ngành AI tới  BĐKH, môi trường…  nói riêng hiện nay như thế nào?

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Truyền: Nhu cầu trước mắt thì AI có lẽ sẽ đóng vai trò trong các ngành digital và ngành có khả năng chuyển đổi số nhanh chóng và đem lại giá trị kinh tế, chính trị, xã hội cao như thương mại điện tử, tài chính hay an ninh công cộng. Riêng ngành BĐKH, như tôi nói ở trên, là vấn đề có tính toàn cầu, đòi hỏi mọi quốc gia và mọi cộng đồng phải đồng lòng tham gia cùng một lúc.

Thật khó để đưa ra một ước lượng về nhân lực AI cho ngành này, bởi vì bản thân AI không sinh ra để giải quyết một vấn đề cụ thể, và nhu cầu phụ thuộc rất lớn bởi ý chí của các chính phủ, đặc biệt là các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật và Mỹ. Tuy nhiên nhận thức về nguy cơ và hậu quả gây ra bởi BĐKH ngày càng tăng, các quốc gia đều có chương trình hành động của riêng mình.

Các bạn trẻ, với tư cách là công dân toàn cầu, ngày càng có ý thức rõ rệt vai trò của mình trong phòng chống và ứng phó với BĐKH, và nhiều bạn có chương trình hành động rất thiết thực. Hiện một số công ty công nghệ có ảnh hưởng lớn như Google, Microsoft hay Intel đã có chương trình nghiên cứu, và tài trợ cho các start-up trong lĩnh vực BĐKH nói riêng và phát triển bền vững nói chung. 

Ở một khía cạnh khác, rất nhiều lĩnh vực xanh, tiết kiệm điện, mặc dù không gán mác BĐKH như cũng trực tiếp giảm thiểu nguy cơ BĐKH, ví dụ như nhà thông minh, thành phố thông minh, xe điện tự lái. Các lĩnh vực này đều có thể ứng dụng AI để tăng tính hiệu quả.

Như thế, theo tôi đánh giá, tiềm năng ứng dụng là rất lớn, bởi bất kỳ vấn đề gì ảnh hưởng đến toàn nhân loại như BĐKH đều xứng đáng để đầu tư.

Người học/ làm việc trong lĩnh vực CNTT có cơ hội và thách thức gì nếu đi theo hướng nghiên cứu AI và môi trường/ BĐKH, thưa anh? Anh có lời khuyên nào giúp các bạn muốn theo đuổi lĩnh vực CNTT nhất là các ngành hẹp như AI có thể thành công?

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Truyền: AI không phải là một ngành hẹp như chúng ta hình dung, và tôi nghĩ các bạn học CNTT đều nên có kỹ năng sử dụng AI cho công việc của mình, bởi thật khó mà có thể hình dung một ngành ứng dụng CNTT nào mà không bị ảnh hưởng bởi AI.

biến đổi khí hậu
AI, với vai trò là một công nghệ có tính phổ quát, tự nó không phải là giải pháp giảm nhẹ hay ứng phó biến đổi khí hậu, mà chủ yếu thúc đẩy nhanh hơn, hiệu quả hơn các biện pháp trực tiếp.

Các vấn đề của BĐKH mà AI có thể đóng góp về mặt phương pháp tính, mô hình toán học, cũng không khác so với các ngành khác. Nếu có sự khác biệt so với các miền ứng dụng AI thông thường thì là khác về mục đích cuối cùng (chống BĐKH và giảm nhẹ hậu quả), và khác về đối tác sử dụng công nghệ AI như cộng đồng các nhà khoa học môi trường – khí hậu, các nhà hoạt động vì môi trường, chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận. Còn tất nhiên, giải quyết vấn đề của ngành nào thì ta đều phải học những điểm mấu chốt của ngành ấy, và nói được cùng một ngôn ngữ chuyên ngành với họ. Vì thế bộ kỹ năng quan trọng ngoài AI có thể bao gồm giao tiếp (trong đó có tiếng Anh), truyền thông, và làm việc nhóm.

Tôi nghĩ bạn trẻ nào muốn ứng dụng AI vào BĐKH thì chắc hẳn đã có nhận thức vai trò công dân toàn cầu của mình. BĐKH và AI đều là các lĩnh vực có tính toàn cầu. Tôi chúc các bạn vững tin vào bản thân mình và một tương lai phát triển bền vững.

Xin trân trọng cảm ơn anh!

Quỳnh Anh

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!