Mentor nói về môn Khởi nghiệp tại FUNiX, bật mí startup nông nghiệp sạch
Công nghệ thông tin và Nông nghiệp – hai lĩnh vực “tuy xa mà gần”, tưởng không liên quan nhưng khi kết hợp đúng cách, có thể tạo nên những thành quả tuyệt vời. Mentor môn học Khởi nghiệp của FUNiX - anh Khâm Trần đã đi theo hướng này và khởi nghiệp thành công với Công ty CP Nông nghiệp Hữu cơ Eco Việt Nam.
- Hiểu rõ khó khăn của học viên là điều quan trọng nhất khi làm mentor FUNiX
- Mentor Trương Đức Lượng: Tận tình, hết mình vì học viên
- Mentor Nguyễn Tuấn Minh không ngừng hoàn thiện để hỗ trợ học viên hiệu quả nhất
- Tốt nghiệp xuất sắc ngành công nghệ thông tin, nam học viên bén duyên công việc mentor FUNiX
- Học viên chuyển nghề IT nói về hannah, mentor FUNiX
Công nghệ thông tin và Nông nghiệp – hai lĩnh vực “tuy xa mà gần”, tưởng không liên quan nhưng khi kết hợp đúng cách, có thể tạo nên những thành quả tuyệt vời. Mentor môn học Khởi nghiệp của FUNiX – anh Khâm Trần (Trần Đình Khâm) đã đi theo hướng này và khởi nghiệp thành công với Công ty CP Nông nghiệp Hữu cơ Eco Việt Nam.
Trước hết xin cảm ơn anh đã nhận lời chia sẻ cùng FUNiX. Xin anh cho biết, cơ duyên nào đã đưa anh đến với FUNiX và trở thành mentor môn học Khởi nghiệp?
Mentor Khâm Trần: Trước tôi cũng từng làm ở FPT Software hai năm, rất thích thú với văn hóa doanh nghiệp mà FPT đã rày công xây dựng, không đơn giản. Tôi có nhiều bạn bè ở FPT nên cũng có theo dõi FUNiX một thời gian dài, tình cờ được bạn Trang gửi thư mời làm mentor môn học khởi nghiệp. Dù khá bận rộn nhưng rất thích thú, mong muốn của tôi là đưa được một góc nhìn thực tế hơn cho các bạn sinh viên về cách tư duy trong môn học này nên tôi nhận lời tham gia mà không cần đắn đo nhiều.
Anh đánh giá như thế nào về FUNiX Way cũng như mô hình đại học trực tuyến của FUNiX?
Mentor Khâm Trần: FUNiX là cách đào tạo không mới ở nhiều nước phát triển nhưng ở Việt Nam rõ ràng là còn rất mới. Các bạn có thói quen đến trường đến lớp để học, các giảng viên có thói quen dạy lại những kiến thức lý thuyết cơ bản bậc đại học, điều này vô hình chung khiến cho sinh viên có tính thụ động khá cao và thiếu tính thực tế, nên khi mới ra trường, đa số các bạn học theo cách cũ rất vất vả để khẳng định mình, đôi khi còn cảm thấy sốc vì vừa bước vào một môi trường thực khác hoàn toàn.
Đối với con đường sự nghiệp của mỗi người, việc chủ động cho bản thân, thiết lập các mối quan hệ với các chuyên gia (ở đây là mentor) thật sự có ý nghĩa và giúp các bạn nâng bước trên con đường mình đã chọn. Dù rất khó khăn nhưng thế hệ chúng tôi, thật sự chưa bao giờ có cơ hội và điều kiện tốt đến vậy, những hiểu biết cơ bản của nền tảng thành công có khi phải 5-7 năm mới tự nhận ra.
FUNiX đang đi rất đúng hướng của đào tạo, nhất là câu ‘“Lý thuyết chỉ là một màu xám xịt, chỉ có cây đời mới mãi mãi xanh tươi”, việc học trên sách vở, đừng nói sách vở của nhiều năm về trước mà ngay thời đại công nghệ hiện nay, chỉ sau vài tháng đã là lạc hậu rồi, cho nên, đào tạo tư duy thực tiễn và khả năng chủ động tự học hỏi mới là nền tảng của phát triển thời đại.
Theo anh, học khởi nghiệp có khó hay không, và tầm quan trọng của việc đưa môn học Khởi nghiệp vào chương trình đại học CNTT mà FUNiX đang triển khai là như thế nào?
Mentor Khâm Trần: Học thì cái gì cũng không khó, chỉ có làm mới khó. Thành công của một con người là khả năng thực thi của họ chứ không phải khả năng học sách vở tốt đến đâu. Gạo chỉ có thể thành cơm nếu bạn bắt tay vào nấu. Như tôi đã nói, rèn luyện sự chủ động trong mỗi con người là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển bản thân và tổ chức, một tổ chức gồm nhiều con người thụ động là một tổ chức không thể phát triển.
Rõ ràng, các kiến thức về khởi nghiệp không phải là quan trọng, mà cách tư duy về khởi nghiệp mới là cái quan trọng nhất, không phải bỗng dưng anh Vượng Vin phát động phong trào trong tập đoàn về giữ Tinh thần khởi nghiệp. Cho nên, tôi thật sự mong muốn các bạn sinh viên khi học môn học Khởi nghiệp này, đó là xây dựng tinh thần làm chủ, cách suy nghĩ của một người làm chủ ngay cả khi bạn đang đi làm thuê. Điều đó tốt cho tương lai của bạn và công ty bạn đang làm.
Môn học khởi nghiệp nên được hiểu là môn rèn luyện tinh thần khởi nghiệp. Nếu ai xây dựng được tinh thần này, người đó chắc chắn thành công.
Xin anh chia sẻ về chặng đường khởi nghiệp của mình cũng như về thành quả khởi nghiệp hiện tại?
Mentor Khâm Trần: Giá trị của nghề CNTT chính là giúp bạn có được cơ hội học hỏi chuyên môn của các ngành khác, tôi có thể được may mắn hơn nhiều người khi được tham gia xây dựng nhiều phần mềm từ Ngân hàng tài chính, kế toán, quản trị nhân sự, bán hàng, tuyển dụng, ERP, xử lý tài liệu số…cho nên tôi có chuyên môn khá tốt ở hầu hết tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh tôi là những người đàn anh đã đi trước trong khởi nghiệp, họ luôn truyền năng lượng tích cực và dám nghĩ dám làm cho bản thân tôi. Thật sự cuộc đời có những người bạn như vậy rất tuyệt vời, dĩ nhiên bạn cũng phải tự hun đúc ý chí và mong muốn làm chủ bằng cách rèn luyện bản thân tự chủ. Tôi vẫn hay đùa nhân viên tôi: Muốn làm chủ đầu tiên phải học thói quen sai việc lãnh đạo, bạn nào không dám sai việc lãnh đạo thì chưa đủ bản lĩnh làm chủ.
Vì sao anh chọn khởi nghiệp thay vì làm chuyên gia cho một tổ chức tên tuổi nào đó – như lựa chọn của khá nhiều lập trình viên?
Mentor Khâm Trần: Con đường tôi đi không trải đầy hoa hồng như nhiều bạn bè tôi, chỉ là những thất bại liên tiếp, bắt đầu là làm outsource trên GAF, rồi chung cổ phần với một người anh thân. Có những lúc tưởng cuộc đời đã nở hoa, nhưng chúng tôi như những đứa trẻ ôm tiền chạy trong chợ, không có khả năng quản lý khi sự phát triển của doanh nghiệp nhanh hơn sự phát triển của trí tuệ các lãnh đạo và dĩ nhiên, kết quả là tự diệt.
Chán nản, stress, mất định hướng…là khi tôi phải buộc rời bỏ công ty của mình với biết bao tâm huyết để lại.
Tôi thậm chí liều lĩnh không đi làm cả năm trời, tiêu hết số tiền tích cóp chỉ để giải đáp cho bài toán tương lai “Ngày mai tôi sẽ bắt đầu từ đâu?”. Và cây xanh, đất đai đã làm tôi bình tâm lại, bắt đầu mở ra con đường nông nghiệp đô thị. Tôi bắt đầu công việc đi trộn đất trồng rau (hay nói vui với anh em là nghề buôn BĐS), rồi tìm ra giải pháp tháp rau hữu cơ từ Mỹ, nhưng số vốn đầu tư quá lớn. Lại đi tìm và thuyết phục người phù hợp đầu tư, tất cả là một hành trình không nản cho đến khi sản phẩm ra đời. Tôi thành lập công, xây dựng triết lý kinh doanh và tầm nhìn chiến lược. Sau một năm hoạt động, tiếp tục mở thêm một công ty khác phát triển về trang trại rau hữu cơ trên tháp rau. Cả 2 công ty đều phát triển khá tốt và nhìn thấy còn rất nhiều việc phải làm để nâng tầm công ty lên một level mới. Đó là một điều thú vị và đáng chờ đợi nếu bạn biết rất rõ những công việc bạn cần làm để ngày mai bạn là ai.
Những khó khăn chính trong chặng đường khởi nghiệp của anh là gì và anh vượt qua bằng cách nào? Xin anh chia sẻ một kỉ niệm khó quên nhất trong quá trình khởi nghiệp của mình?
Mentor Khâm Trần: Khó khăn trong khởi nghiệp là vô số, ngay cả khó khăn từ áp lực gia đình. Họ đã từng nhìn thấy hình ảnh ngồi mát, lên xe xuống xe chứ họ không quen nhìn thấy hình ảnh một ông đi trộn đất, bốc phân và ship hàng toát mồ hôi hột chỉ để kiếm 100K. Cái ngày tôi vác 3 tạ đất lên tầng 6 cho khách, cầm 100 nghìn đồng tiền công, tôi giơ lên trời để soi ánh mặt trời và tự nhủ: Đây là bước chân đầu tiên, số tiền đầu tiên mình kiếm được khi bước chân vào lĩnh vực mới.
Khi có một doanh nghiệp lớn alo cho bạn với một mức lương rất cao, tôi cũng bị lung lay dữ dội. Chỉ có một khoảng thời gian ngắn để quyết định và tôi quyết định ở lại để tiếp tục con đường mình đã chọn. Đối với tôi, vượt qua được sự cám dỗ của bản thân là khó khăn nhất, còn mọi việc dù khó đến mấy nếu quyết tâm vẫn làm được.
Những thách thức và thuận lợi đối với dân CNTT khi khởi nghiệp theo anh là gì? Các bạn trẻ có ước mơ khởi nghiệp nên chuẩn bị gì để có thể thực hiện được mong muốn của mình?
Khâm Trần: Cơ hội cho CNTT còn rất lớn, ở Việt Nam bắt đầu có xu hướng phát triển từ outsource sang xây dựng sản phẩm để bán. Lợi thế của ngành CNTT chính là lợi thế sản xuất một lần bán nhiều lần. Nhưng đa số các bạn khởi nghiệp CNTT bằng xây dựng sản phẩm đều thiếu tính thực tế, tự huyễn hoặc bản thân và tự đặt ra quy định, luật chơi cho phần mềm nên thường thất bại thê thảm.
Bản chất các bạn cần phải nghĩ: Tính phù hợp của một phần mềm với sự phát triển của văn hóa doanh nghiệp, phát triển của con người sử dụng mới là cái quan trọng nhất. Đừng tự cho mình là người đi trước thời đại. Hãy làm những gì xã hội đang cần, đừng làm những gì mình cho là tốt đẹp và quan trọng hơn, những người khởi nghiệp CNTT nên đọc cuốn “Khởi nghiệp tinh gọn” để biết bắt đầu từ đâu.
Dĩ nhiên, ngành gia đông phần mềm hiện nay vẫn đang rất thành công, nhưng ráo mồ hôi là ráo tiền, do chi phí nhân lực trong ngành đang ở mức cao so với doanh số thu được. Những cty uy tín trong gia công phần mềm như FPT rõ ràng là một lợi thế về quy mô và quy trình.
Những bạn muốn khởi nghiệp trong ngành CNTT thật sự phải chuẩn bị rất nhiều thứ, nhưng quan trọng nhất vẫn là tính thực tế. Các bạn nên hiểu rằng, sản phẩm phần mềm chỉ là một phần nhỏ xíu trong thành công của một doanh nghiệp. Tính thực tế sẽ giúp bạn có một phần mềm phù hợp với nhu cầu xã hội.
Là một mentor, anh thường sử dụng phương pháp giảng dạy nào để sinh viên/ đồng nghiệp hoặc cấp dưới dễ dàng tiếp thu kiến thức? Ở FUNiX, quan điểm về giảng dạy của anh là gì?
Mentor Khâm Trần: Tôi yêu thích cách thức xây dựng tư duy hơn là giảng dạy kiến thức, đúng/sai với tôi chỉ là góc nhìn. Mỗi một ngành nghề có những triết lý riêng. Tôi thích bắt đầu từ chủ thể của vấn đề, xây dựng góc nhìn chứ không phải xây dựng kiến thức. Tôi thích sự chủ động và chấp nhận sai lầm, đó là nguồn gốc của sự phát triển. Cho nên trước khi là một thinker, bạn hãy là một doer và hãy bắt tay vào làm thay vì ngồi suy nghĩ về cái được học.
Với môn khởi nghiệp, như tôi đã nói, tôi thích huấn luyện tinh thần khởi nghiệp và chỉ có tinh thần khởi nghiệp mới là cái thật sự cần thiết cho mỗi con người. Mọi kiến thức chỉ là giáo điều và chung chung, cố nhớ chỉ để quên, nhưng tinh thần, bản lĩnh mới là thức cần vui đắp.
Nếu bạn sinh viên nào đó phải vì quy chế ép buộc phải có câu hỏi cho mentor mới qua thì theo tôi bạn đố đã thất bại ngay trong suy nghĩ. Rèn luyện thói quen chủ động, liên tục đổi mới mình mới là thứ cần thiết trong môn học này. Bởi vậy, những học trò của tôi trong tương lai, phải hiểu rõ: Hỏi ngu cũng được, nhưng nó phải xuất phát từ mong muốn làm chủ bản thân, chứ không phải xuất phát từ học hành phải thế. Tôi sẵn sàng tranh luận và trả lời những câu hỏi của các bạn với một TINH THẦN KHỞI NGHIỆP.
Quay ngược lại quá khứ, vì sao anh lại lựa chọn ngành CNTT để phát triển sự nghiệp?
Mentor Khâm Trần: Thời tôi, CNTT là một thứ gì đó ghê gớm lắm, và tôi thích sự ghê gớm đó (cười to). Tôi cũng không nghĩ được nhiều khi chọn, chỉ thấy thích thú thì đăng ký học thôi. Còn nói vì CNTT thế này, vì CNTT thế kia là tôi nói dối đấy (cười).
Xin anh chia sẻ một số kinh nghiệm làm việc của mình để các xter được biết và học hỏi nhiều hơn ạ?
Mentor Khâm Trần: Trong làm việc, các bạn không có gì ngoài sức khỏe và tuổi trẻ, tạo sao không cống hiến? Sự cống hiến giúp các bạn phát triển nhanh hơn. Nhưng dĩ nhiên, làm việc cũng cần một cái đầu thông thái. Với cái nghề Lập trình, ngôn ngữ chỉ là cách bạn thể hiện tư duy mô hình, cho nên phải rõ ràng mô hình, phân tách mô hình trước khi mô tả mô hình bằng ngôn ngữ lập trình.
Để trở thành một chuyên gia CNTT, bạn phải học rất nhiều từ thực tế, cách thức bạn hiểu về thực tế chứ không phải bạn giỏi ngôn ngữ đến đâu. Đây là con đường bạn trở thành chuyên gia, còn nghiên cứu ngôn ngữ và công nghệ, chỉ biến bạn trở thành công nhân cổ cồn (cười).
Ngoài công việc thì sở thích và quan điểm sống của anh là gì?
Mentor Khâm Trần: Tôi thích rất nhiều thứ, miễn là nó mang lại giá trị cho tôi hoặc cho ai đó. Bởi vậy, quan điểm của tôi sống là phải cho đi, chia sẻ nhiều hơn, đó chính là con đường để phát triển bản thân thật tốt. Cuộc sống có quá nhiều cám dỗ, đặc biệt là những người lăn lộn bên ngoài như tôi. Để không sa ngã, phải có triết lý sống tử tế, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, khi sống tốt đẹp thì xấu xa sẽ tự rời đi.
Tôi sinh ra lớn lên ở miền núi, trưởng thành ở nông thôn và phát triển sự nghiệp ở thành phố, đó là một may mắn vì tôi được tiếp xúc và cảm nhận nhiều văn hóa khác nhau. Tốt nghiệp đại học với thành tích tốt, tôi chọn công ty nhỏ để được làm việc gần sếp, học hỏi từ anh ấy. Rồi học cao học mảng tài chính ngân hàng để hiểu về kiến thức nền tảng tài chính. Đi làm từ CNTT, nhảy sang đá vào tuyển dụng, headhunting, thiết kế đồ họa, bán hàng, pre-sale, truyền thông, marketing, kiểm soát tài chính nội bộ, kế toán,đào tạo, kiện tụng – pháp chế, copywriter … và giờ là Nông nghiệp hữu cơ. Với tôi tất cả chỉ là công việc và nhờ không ngại việc nên tôi thành thạo nhiều kĩ năng, các bạn nếu không ngại việc cũng sẽ như thế. Nhưng nếu không có mong muốn khởi nghiệp thì các bạn nên chọn một nghề làm thật sâu và trở thành chuyên gia, đừng giống tôi kẻo một nghề thì sống, đồng nghề chết đói nhăn răng.
Tôi là người thẳng tính, hơi nóng nảy so với những người nóng nảy, (cái này các bạn đừng học, thiệt thân lắm). Ngoài ra chẳng có ưu điểm gì nổi trội cả.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của anh!
Quỳnh Anh (thực hiện)
Đại học quốc gia Hà Nội áp dụng FUNiX Way vào môn Khởi nghiệp
Bình luận (0
)