Một nửa chất xám là của đàn bà! | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Một nửa chất xám là của đàn bà!

Góc Nguyễn Thành Nam 18/06/2021

Những người đàn bà mặc sarees, cài hoa trên tóc, và phóng tên lửa vào vũ trụ.

Các nhà khoa học Ấn Độ đã phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa với chi phí thấp hơn chi phí làm bộ phim: “Người Sao Hỏa”. Và đáng kể hơn, đó là các nhà khoa học nữ.
 
Ngày 5/11/2013, Ấn Độ chơi một canh bạc mạo hiểm, phóng tên lửa về phía sao Hỏa, trong một nhiệm vụ có tên là Mangalyaan. Mạo hiểm vì ngay cả với các cường quốc vũ trụ như NASA, Nga, Nhật, Trung Quốc, chỉ có 40% xác suất thành công và chưa nước nào thành công trong lần phóng đầu tiên. Thêm nữa, ISRO có rất ít tiền. Toàn bộ ngân sách cho nhiệm vụ này là $74m. Trong khi ngân sách sản xuất bộ phim “Người Sao Hỏa” là $108m. Ngoài ra, ISRO đã phóng tên lửa chỉ 18 tháng sau khi dự án khởi động. Vài tháng và vài trăm triệu km sau, trạm quỹ đạo chuẩn bị tiến vào vùng sức hút của Sao Hỏa. Đây là thời điểm quyết định. Bất cứ một sai sót nào cũng sẽ dẫn đến hoặc nó sẽ đâm vào bề mặt, hoặc mãi mãi lạc lối trong không gian bao la.
 
Trên Trái Đất, các kỹ sư và nhà khoa học hồi hộp chờ đợi tín hiệu. Hứng khởi, nhà thiết kế Ritu Karidhal đã làm việc 48 tiếng liên tục.
Từ khi còn nhỏ, Minal Rohit chỉ xem qua TV các chuyến bay vũ trụ. Giờ, Minal cùng đồng nghiệp Moumita Dutta cùng chờ đợi tín hiệu từ con tàu họ đã chung tay chế tạo. Giây phút vỡ òa cuối cùng cũng đã đến. Phó giám đốc điều hành Nandini Harinath nói: “Khi bạn làm việc ở đây, bạn không cần phải xem các phim cảm giác mạnh nữa. Bạn cảm thấy nó hàng ngày.”
 
Hình ảnh các nhà khoa học ăn mừng nhanh chóng lan truyền và gây 1 cơn sốt trong cộng đồng. Các cô gái Ấn Độ giờ đã có cho mình những thần tượng mới: những người mặc sarees, cài hoa trên tóc, và phóng tên lửa vào vũ trụ.
 
Tên lửa đã lên bệ phóng. Nó không có ý định đợi ai nữa.
 
Khi Moumita Dutta lên lớp 9, cô bắt đầu học quang học và tỏ ra rất hứng thú. Lớn lên cô quyết định trở thành kỹ sư. Năm 2006, khi đang ở thành phố Kolkata phía Đông Ấn độ, cô đọc báo và biết Ấn độ đang chuẩn bị cho một nhiệm vụ lên Mặt Trăng. Nhiệm vụ Mặt Trăng 2008 là cơ hội để Ấn Độ thực hiện giấc mơ dang dở từ cuối những năm 60 thế kỷ trước, khi ISRO được được thành lập để tham gia vào cuộc đua Mặt Trăng mà cuối cùng chưa làm được. “Tôi thấy những người được tham gia dự án quá may mắn”, Moumita chia sẻ và bỏ dở chương trình PhD, xin gia nhập ISRO.
 
Khi công bố nhiệm vụ Sao Hỏa năm 2012, ISRO đặt mục tiêu xây dựng năng lực để đi vào quỹ đạo Sao Hỏa, và nếu thành công thì sẽ tiến hành các thí nghiệm khoa học. Vì nguồn lực hạn hẹp, nên dự án chịu áp lực rất lớn về thời gian. Giữa năm 2013 là khoảng cách giữa Trái Đất và Sao Hỏa là ngắn nhất. Họ chỉ có 18 tháng để vừa lập kế hoạch, xây dựng và kiểm tra tất cả các thiết bị. Trạm quỹ đạo sẽ thâm nhập trường hấp dẫn Sao Hỏa từ phía sau, do đó nó sẽ không thể liên lạc được với Trái Đất vào thời điểm quan trọng nhất, buộc phải có năng lực hoàn toàn tự vận hành. Nó phải mang 5 đầu đo để tiến hành thí nghiệm và chỉ được nặng không quá 15kg.
 
Moumita hiểu rõ các cảm biến. Giờ thì cô phải chế tạo và thử nghiệm một thiết bị khoa học đầu tiên có khả năng phát hiện mêtan trên Sao Hỏa. Và lại rất đúng lúc. Năm 2014, xe tự hành Curiosity (Tò mò) đánh hơi thấy có mêtan xung quanh nó. Đây là một phát kiến thú vị vì sự hiện diện của metan có thể chỉ ra nước hoặc thậm chí sự sống đã có thể có mặt ở đó. Nhưng để có kết luận có ý nghĩa cần phải phát hiện được metan dù là nhỏ nhất trên khắp bề mặt Sao Hỏa vào tất cả các mùa, qua nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Cuộc tìm kiếm đó được Moumita ví như “hành trình đi tìm Thượng Đế.”
 
Thiết kế ISRO Cảm biến Metan cho Sao Hỏa phải đặc biệt để có độ nhạy cao. Nên tuy trước đó đã từng làm việc với 12-14 thiết bị vũ trụ khác, lần này cô vẫn hồi hộp. “Chúng tôi phải chế tạo một thiết bị mà chưa ai đã từng chế tạo, bởi thế mỗi ngày là một thách thức.”
Moumita và các đồng nghiệp đã đặt cược độ chính xác lên một thiết bị quang học chưa bao giờ được đưa lên các chuyến bay liên hành tinh: etalon hay giao thoa kế Fabry-Pérot. Mặc dù chưa được thử nghiệm nhưng nó đủ nhạy để phát hiện metan và nhẹ dưới 3kg. Moumita được đích thân chủ tịch ISRO giao nhiệm vụ thiết kế và thực hiện các bài thử nghiệm etalon.
 
Moumita kể lại, cô khá run khi thử nghiệm dưới sự chứng kiến trực tiếp của các sếp. Chỉ đến khi luồng ánh sáng bị tế bào metan ngăn không đi qua được etalon, cô mới vỡ òa. “Chúng tôi đã phát hiện được metan. Ngay từ đầu tôi đã biết là chúng tôi sẽ làm được!” Và sau đó là hàng tháng trời làm việc 18h mỗi ngày cho kịp một thời hạn phi lý. Nhưng Moumita không cảm thấy sức ép. “Mỗi khi nghĩ tới thiết bị mà tôi tham gia chế tạo có thể mang lại cho đồng bào của mình, tôi lại thấy mình đang làm việc rất đáng làm.”
 
“Bạn sẽ chẳng biết khi nào viễn tưởng trở thành hiện thực”
 
Ấn Độ là một đất nước đầy mâu thuẫn. Một nền kinh tế phát triển nhanh nhưng cũng bất công tận cùng. Một cô gái Ấn Độ có thể trở thành nhà khoa học tên lửa, trong khi bạn mình không được đi học, thậm chí không được an toàn. Ấn Độ có thể tính được đường bay lên sao Hoả, nhưng không có đường đi cho rất đông dân chúng của mình.
 
Minal Rohit là một cô gái sinh ra trong những năm 80 ở 1 thành phố nhỏ có tên là Rajkot. Cô rất kích động khi được xem cảnh phóng vệ tinh trên TV. “kaam karna hai toh aisa karna hai”. Nếu phải đi làm, tôi muốn làm những việc như thế này.
 
Văn hóa Ấn Độ có thể là nỗi ám ảnh với các cô gái tâm huyết, và sự nghiệp có thể coi là cuộc nổi dậy. Nhưng phụ huynh của Minal ko phải là những người như vậy. Khi mọi người nghi ngờ việc cô phải học tiếp: “nó sẽ lấy chồng thế nào?”, bố cô đã rất cương quyết. “Nó phải đi học, nó sẽ tự kiếm được người mà nó cần.” Mặc dù được bố ủng hộ, Minal vẫn chưa dám quyết đi làm kỹ sư vì quá lạ lẫm ở Rajkot, đặc biệt với các cô gái. Cô thi vào Y. Và khi cô không qua được kỳ thi tuyển trường Y, chính bố mẹ cô khích lệ cô chuyển sang kỹ sư. Chính là ước mơ thửa bé của cô.
 
Minal bắt đầu sự nghiệp của mình tại ISRO bằng cách hỗ trợ cung cấp các dịch vụ y tế và giáo dục qua vệ tinh đến vùng sâu vùng xa của Ấn Độ. Bố mẹ và chồng cô đều rất ủng hộ. Nhưng cô chưa thỏa mãn. “Tôi phải tìm cách thoát ra vùng an toàn. Không thì bạn sẽ chẳng biết khi nào viễn tưởng sẽ trở thành hiện thực.”
 
Nhiệm vụ Sao Hỏa đúng là rất xa vùng an toàn. Thời hạn không tưởng buộc đội dự án phải sáng tạo. Họ không thể chạy theo kiểu tiếp sức mà phải khởi động tất cả các hệ thống quang học, điện tử, cơ khí đồng thời và có thể hợp tác với nhau, bảo đảm hiệu suất. Rồi phải lắp đặt lên mẫu kiểm chứng để trải qua thử nghiệm nghiêm ngặt. Con tàu bay lên vũ trụ chỉ là bản sao của mẫu này.
 
Kiểu như 2 anh em. Người em thì được cả nhà quan tâm còn người anh phải chịu hết mọi thử thách. Nếu anh vượt qua được, thì em cũng sẽ dễ dàng vượt qua. Bình thường thì khi mẫu kiểm chứng được thử nghiệm xong xuôi, mới nghĩ đến việc chế tạo mẫu bay. Nhưng trong nhiệm vụ Sao Hỏa của Minal, cả hai mẫu được chế tạo đồng thời, song song.
 
Nhiệm vụ của Minal lắp cảm biến metan vào các thiết bị khoa học tinh xảo trên tàu. Thông thường thì là sẽ lắp trên mẫu kiểm chứng để nếu sai sót thì có thể sửa trên mẫu bay. Nhưng lần này, cô không được phép sai.
 
Thậm chí, mặc dù cô đã chuẩn bị kỹ phần việc của mình, nhưng cô cũng không thể chắc chắn là các thiết bị chuyển đến bàn cô đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Chẳng có giấy tờ chứng nhận gì cả. Chỉ là một câu nói của đồng nghiệp: “tôi thấy ok rồi đấy, đến lượt cô”. Minal cười vang “tôi phải cầu chúa mỗi khi ấn nút không có tiếng nổ nào xảy ra”.
 
Không có tiếng nổ nào trên bàn làm việc của Minal cả. Chỉ có tiếng nổ của tên lửa đưa vệ tinh vào vũ trụ.
 
“Tôi muốn nhìn vào bóng tối và tưởng tượng xem có gì đằng sau đó.”
 
Khoảng cách trung bình giữa Trái Đất và Sao Hỏa là 225 triệu km. Điều đó có nghĩa là tín hiệu liên lạc phải mất 12 phút mới đến được trung tâm kiểm soát. 12 phút để bạn biết điều gì có thể đã xảy ra và 12 phút nữa để lệnh khắc phục đến nơi. Có thể là đã quá muộn.
 
Bởi thế vệ tinh Sao Hỏa phải có năng lực hoạt động độc lập hoàn toàn. Trong suốt chặng đường thoát khỏi trọng trường của Trái Đất, lang thang trong không gian và đi vào quỹ đạo của Sao Hỏa.
 
Ritu Karidhal dẫn dắt nhóm thiết kế hệ thống điều khiển, tai mắt của con tàu. Khi còn 3 tuổi cô bé Ritu không biết vũ trụ lại đòi hỏi kỹ thuật. Cô chỉ hỏi mẹ: “Tại sao Mặ Trăng lại lúc to lúc bé? Có cái gì đằng sau bóng tối?”
 
“Tôi đã nghị khoa học vũ trụ chỉ là ngắm các vì sao. Trên thực tế, đó là một công việc rất kỹ thuật.”
 
Mười chín năm trước, được bố mẹ khích lệ, Ritu rời thành phố quê hương Lucknow để trở thành nhà khoa học.
 
Tháng 11. 2013, khi con tàu được phóng lên, Ritu dán mắt vào màn hình ở trung tâm kiểm soát để cố đoán thử xem, có cái gì đằng sau bóng tối. Hệ thống điều khiển do cô thiết kế đang vượt qua những thử thách cuối cùng.
 
Trong phòng điều khiển còn có Nandini Harinath, phó giám đốc điều hành dự án. Nandini không có một thời điểm cụ thể nào để kích hoạt sự ham mê khoa học của mình. “Mẹ tôi là giáo viên toán. Bố tôi là người đam mê vật lý.” Toán là chủ đề trao đổi hàng ngày trong nhà. Nandini làm quen với những khái niệm đó trước cả khi học nói. Cô cùng bố phân biệt các ngôi sao trên bầu trời đêm Banglore mà không hề nghĩ đến 21 năm sau mình sẽ tham gia ISRO.
 
Trong dự án Mangalyaan, Nandini sử dụng toán học để tính ra đường bay của con tàu. Khi con tàu cất cánh, Nandini như kiến bò trong bụng. Đội của cô phải tính toán để điều khiển con tàu thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất. Đấy là loại công việc hoặc là đúng, hoặc là sai không thể sửa được. Con tàu sẽ bay quanh trái đất 6-7 vòng, khởi động động cơ mỗi lần để tích lũy đủ vận tốc vượt khỏi sức hút của Trái Đất theo một góc chính xác để hướng tới hành tinh ĐỎ. Sau đó 9 tháng, con tàu phải sẵn sàng để đi vào quỹ đạo của một thế giới mới: Sao Hỏa.
 
Trong suốt thời gian đó, Nandini phải theo dõi để bảo đảm con tàu đi đúng đường bay đã được tính toán sẵn và ngay lập tức điều chỉnh nếu có sự lệch hướng. Con gái cô lúc đó đang ôn thi tốt nghiệp phổ thông. Cô trở về từ Trung tâm điều khiển lúc nửa đêm và dậy từ 4h sáng để học cùng con.
 
Nhưng đến ngày 24/9/2014, không còn cơ hội để điều chỉnh nữa. Đến lúc Mangalyaan phải tự bay theo hệ thống mà Ritu đã thiết kế. Lúc 7h sáng, tàu gửi tín hiệu báo hệ thống tự lại đã được kích hoạt. Nó chuẩn bị tiến vào vùng hấp dẫn của Sao Hỏa với góc tiếp xúc có độ sai sót cho phép là 1 độ. 21 phút sau, nó khởi động động cơ. Sau đó 4 phút, nó sẽ dừng phát tín hiệu vì đi vào phía sau của Sao Hỏa. Nếu nó vào quỹ đạo sai góc, chúng ta sẽ không bao giờ nghe thấy Mangalyaan nữa.
 
Trong suốt 26 phút sau đó, đội của Ritu và Nandini im lặng chờ đợi trong phòng kiểm soát chuyến bay.
 
Đúng 8h sáng, Trái Đất nhận được tín hiệu từ Mangalyaan và cả thế giới nhìn thấy những người phụ nữ Ấn Độ mặc saree và cài hoa trên tóc ở trung tâm của bức ảnh ăn mừng.
 
“Nửa chất xám trên thế giới là của đàn bà”
 
Nhà vật lý thiên văn Vera Rubin, người đã tìm ra vật chất tối, đã viết rằng bà có ba tiên đề về vai trò của phụ nữ trong khoa học: “Không có vấn đề nào trong khoa học đàn ông làm được mà phụ nữ không giải quyết được. Một nửa chất xám trên thế giới nằm trong phụ nữ. Và tất cả những gì phụ nữ cần là được làm khoa học. Nhưng vì những lý do tích tụ từ lịch sử, người ta thường dành khoa học cho nam giới”
Nandini buồn bã đồng tình với nhận xét này khi nghĩ đến phụ nữ ở đất nước mình. “Có thể đó là văn hóa của chúng tôi. Quá nhiều sức ép lên người phụ nữ. Ngay cả khi họ đầy tham vọng và tài năng, họ vẫn phải được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình.”
 
Nhưng có thể những người phụ nữ ở ISRO đã có tác động mạnh mẽ đến xã hội. Những đóng góp to lớn của họ đã làm các bậc cha mẹ phải nghĩ lại. Moumita nói “số lượng phụ nữ tham gia vào khoa học vũ trụ tăng vọt trong những năm gần đây.” Gần 1/4 nhân viên kỹ thuật của ISRO là nữ.
 
Những dự án vũ trụ đòi hỏi tất cả chất xám đều phải được sử dụng. Nếu bạn muốn với đến các vì sao, không thể xây một trần kính ngăn Trái Đất và vũ trụ.
 
“Nếu ta thực sự mong muốn điều gì đó, ta sẽ có được nó cách này hay cách khác. Ta phải thực hiện nhiều giấc mơ nhỏ hàng ngày. Nhưng từ đáy lòng, phải giữ cho mình một giấc mơ lớn. Giấc mơ lớn của tôi là giúp đỡ nhân loại. Tiếp theo nhiệm vụ Sao Hỏa sẽ là gì?” Minal Rohit tự hỏi, trong khi các cảm biến của cô vẫn đang cần mẫn dò tim metan trên Sao Hỏa.
 
Sky is not the limit – Bầu trời không phải là giới hạn!
 
Ảnh: Các thành viên của Tổ chức Nghiên Cứu Vũ Trụ Ấn Độ (ISRO) ăn mừng khi tàu vũ trụ đi vào quỹ đạo sao Hỏa
 
 
TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau gần 5 năm thành lập (13/102015), hiện FUNiX có trên 11.000 học viên, trên 4.500 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đến đang sinh sống ở Việt Nam và 23 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại