Trải nghiệm!
Học tập chính là trải nghiệm. Nhưng thế nào là trải nghiệm học tập?
Năm tôi học lớp 4, đi thi học sinh giỏi trường, hai đứa (bạn nữa tên là Hà) được các thầy cô thưởng cho 2 cái bánh xốp kem. Ngon mê ly. Hai đứa bảo nhau, mình cố thi lên cấp nữa, khéo được thưởng cả hộp.
Lên lớp 7, hè các thầy cô cho đi học tập trung ở quê nửa tháng, chuyên Toán học với chuyên Văn, vui nổ trời. Sau cố gắng học Văn để lấy le với các bạn gái bên đó.
Lên đại học, hình như là năm thứ 3, có môn Tư duy lập trình, với 1 ông bạn nữa (lại cũng tên là Hà), không hiểu sao chẳng hiểu gì. Hai đứa cứ kiên trì đến ngồi chờ mà không dám lên trả bài. Cuối cùng bà giáo thương tình cho đỗ. Ông bạn chỉ năm sau đã trở thành chuyên gia lập trình.
Đến khi có con. Một hôm thấy thầy chủ nhiệm mời đến. Lo sốt vó. Thầy bảo, tôi chỉ muốn biết phụ huynh con là ai thôi. Chứ làm bài kiểm tra Toán, con lại để trống giấy và viết một chữ Hán to tướng. Để tôi xử. Mấy tháng sau đã thấy con học hành bình thường, hóa ra thầy đã bố trí cho con học lớp nâng cao, nhưng lại ra đề dễ, con lấy lại tự tin.
Cu cháu học đại học, gặp chỗ vướng, nhờ chú đi tìm người hướng dẫn. Nhờ được ông em đến gặp. Khi gặp, ông em xem một hồi, rồi vỗ đùi kêu ầm lên. Ối giời, tưởng gì, chỗ này lúc học anh cũng đếch làm được. Không hiểu sao cu cháu lại hớn hở trở lại, thi đỗ ngay môn.
Tất cả những cái đó gọi là trải nghiệm học tập. Nó diễn ra không trong lớp học, không theo một giáo trình nào cả. Nó là cảm xúc, giữa con người với con người. Nó làm cho học sinh muốn học!
Vậy nó có thể diễn ra online được không?
Thế hệ tôi cho là không thể. Mà không những ở Việt Nam. Trước khi mở FUNiX, tôi có một cuộc tranh luận nảy lửa với các giáo sư Mỹ ở nhà một người bạn, liệu online có thể thay thế được những trải nghiệm offline kiểu như thế. Họ cũng khẳng định là không bao giờ.
Cho đến khi tôi hỏi, chúng ta đúng là không thể, nhưng liệu con cái chúng ta thì sao? Một vị mới giật mình nhớ: tao thấy con tao nói chuyện online mà mặt mày rạng rỡ, cảm xúc dạt dào.
Bởi thế khi chuyển sang FUNiX, ngoài việc chọn khóa học, bài kiểm tra… chúng tôi đặc biệt chú ý đến các trải nghiệm giao tiếp.
Việc đầu tiên là Hỏi.
Ai đã từng đi dạy, chắc luôn gặp phải những phút chán ngán, khi hỏi: “các em có ai có ý kiến gì không” thì chỉ nhận được những cái cúi đầu im lặng. Có thể các em ko biết hỏi gì? Cũng có thể các em sợ hỏi bị chê. Bởi thế FUNiX đưa ra 2 nguyên tắc:
– Hỏi là bắt buộc. Không hỏi gì coi như trượt môn
– Hỏi – Trả lời là 1-1, không có gì phải ngại.
Không có internet, không thể nào cá thể hóa việc hỏi, biến mỗi câu hỏi thành một bài giảng như vậy.
Việc thứ hai là Thi.
Thi không phải là cắm cúi điền bản trắc nghiệm. Ở FUNiX thi chính là luyện bản lĩnh và kỹ năng phỏng vấn. Vì 100% thi là vấn đáp và người hỏi thi chính là những người sau này sẽ tuyển dụng và làm việc cùng việc các bạn. Các bạn sẽ cảm nhận được sự nghiêm khắc cũng như bao dung của người hỏi. Có những bạn lần đầu tiên run không nói được câu nào. Thi lại thoải mái, muốn thi lúc nửa đêm cũng chiều, sau 2-3 lần là tự tin hơn rất nhiều.
Không có internet không thể cho học sinh có thể thi mọi lúc mọi nơi như vậy.
Việc thứ ba là Dỗ.
Hannah là đội ngũ cán bộ hỗ trợ học viên của FUNiX. Việc của họ là Dỗ các em học. Tên gọi của họ được lấy cảm hứng từ nhân vật có thật trong chiến tranh chống Mỹ, phát thanh viên của Đài Tiếng Nói Việt Nam – Trịnh Thị Ngọ, người đã dùng giọng nói truyền cảm của mình đọc những bản tin tiếng Anh hàng ngày, “dỗ” lính Mỹ đi về nhà. Bà được lính Mỹ gọi là Hanoi Hannah.
Muốn dỗ được thì phải thường xuyên nói chuyện, làm bạn với học viên, phải tận tình, tỉ mỉ. Rất nhiều em đã quay lại học tiếp để đền đáp lại sự tận tình của các Hannah.
Không có internet, không thể nào triển khai dỗ đến từng học sinh như vậy được.
Chúng ta bảo với học sinh lễ khai giảng là rất quan trọng. Chúng ta lao công khổ công khổ tứ, tốn cả đống tiền. Để rồi mỗi năm làm có 1 lần và nhân vật chính trong buổi đó lại hóa ra là thầy cô hiệu trưởng. Chúng tôi tổ chức khai giảng thứ hai hàng tuần, tất cả các học sinh đều được phát biểu, chia sẻ cảm xúc, làm quen với nhà trường và với nhau. Chỉ có thể nhờ Internet.
Hay việc hướng nghiệp. Điều duy nhất chúng ta biết rõ là công việc chúng ta đang làm. Nhưng chúng ta vẽ ra các bức tranh tương lai tươi sáng, công việc đầy trí tuệ, lương cao, phát triển dài lâu. Trong khi chúng ta còn chẳng biết cái “công ty” có những công việc đấy ở đâu, nói gì đến ai làm trong đó. Ở FUNiX, hàng tuần học sinh sẽ được gặp các chủ doanh nghiệp, những chuyên gia, người thật việc thật. Muốn biết họ là ai, cứ chụp màn hình. Muốn biết tương lai, thu nhập, thì cứ hỏi thẳng. Chỉ có thể nhờ Internet.
Còn bao nhiêu hoạt động nữa. Thầy trò, mentors, hannahs tối nào cứ cơm nước xong, là lại “sáng” laptop chờ: cãi nhau hay thi thố, seminar hay gặp mặt thần tượng, khai giảng hay đơn giản chỉ là tâm sự đêm khuya…
Tóm lại dù là online hay offline, suy cho cùng trường học phải là nơi tạo ra được nhiều nhất các trải nghiệm học tập. Trải nghiệm tiêu cực làm học sinh chán nản. Trải nghiệm tích cực làm học sinh muốn đến trường và tiếp tục học tập.
Khi học sinh đã muốn học. Các em ấy sẽ tự học!
Cám ơn thầy Nguyễn Xuân Phong đã mời đến chém gió tại Fschool (Cũng lại nhờ Internet)
Nguồn: Facebook Nguyễn Thành Nam
TS. Nguyễn Thành Nam – Founder FUNiX được biết đến là một trong 13 thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Thành Nam có những đóng góp to lớn cho tập đoàn này trước khi tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Năm 2015, ở tuổi năm mươi tư, ông là người sáng lập FUNiX – đơn vị tiên phong trong đào tạo trực tuyến của Việt Nam. Sau 6 năm thành lập (13/10/2015), hiện FUNiX có trên 13.000 học viên, trên 5.000 mentor môn là các chuyên gia/cố vấn đang sinh sống ở Việt Nam và 34 quốc gia trên toàn thế giới. Đây là một mô hình giáo dục chưa từng có ở Việt Nam, mang đến cơ hội học tập lập nghiệp trong lĩnh vực CNTT cho tất cả mọi người quan tâm đến công nghệ. |
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX
Bài liên quan
Founder FUNiX: Bố mẹ thờ ơ, đừng mơ giúp con hướng nghiệp
Founder FUNiX TS. Nguyễn Thành Nam nhận định phụ huynh cần coi việc đồng hành cùng con trong hành trình hướng nghiệp là một ưu tiên.
Thế mạnh để Việt Nam độc lập trong cách mạng công nghệ
Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về câu chuyện làm công nghệ xuyên qua lịch sử, FUNiX và lựa chọn của người Việt trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ngôi sao trên chiếc MiG 17
VnExpress - Hơn 10 năm trước, chúng tôi - những lập trình viên Việt Nam - tìm mọi cách thuyết phục hãng Boeing để tham gia vào dự án Digital Aviation của họ. Một dự án đầy thách thức.
'Make thing'
VnExpress - Tôi có nhiều duyên nợ với Bách khoa Hà Nội. Bố mẹ tôi là sinh viên khóa một. Vợ tôi là giảng viên từ khi đi làm đến lúc về hưu. Nhiều đồng đội của tôi ở Fsoft...
Làm việc với người Mỹ
VnExpress - Năm 2000, chúng tôi bắt đầu chiến dịch xuất khẩu phần mềm; thị trường nhắm đến không nơi nào khác, là Mỹ.
Phản biện
VnExpress - Khái niệm phản biện xã hội rất hay được nhắc đến gần đây và được coi là một thước đo để đánh giá mức độ dân chủ của xã hội.
Đài ABC News (Mỹ) phỏng vấn Founder FUNiX
Nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Việt Nam, PV của ABC News Live (https://abcnews.go.com/Live) đã phỏng vấn Founder FUNiX Nguyễn Thành Nam với mong muốn cho khán giả Mỹ thấy được một Việt Nam mà phần...
Founder FUNiX: ChatGPT là "mưa rào giữa nắng trưa" với giáo dục
Founder FUNiX viết về con chát-bốp (ChatGPT Bot) đang làm các thầy cô và các nhà quản lý giáo dục sợ hãi nhưng ở FUNiX lại giúp cho sinh viên bớt sợ!
Bình luận (0
)