Học mà không hỏi sẽ mất cơ hội giao tiếp và tiến bộ | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Học mà không hỏi sẽ mất cơ hội giao tiếp và tiến bộ

Góc nhìn 09/05/2017

Thiên tài Albert Eistein từng chia sẻ, không phải là vì ông quá thông minh mà nhờ kiên trì đặt câu hỏi lâu hơn.

Lâu nay, nói về giáo dục, chúng ta vẫn hay bàn xa xôi về triết lý giáo dục, gần đây là các công nghệ giáo dục. Tuy nhiên, xưa nay dân gian ta tổng kết triết lý về giáo dục rất giản dị, đó là “học hỏi”.

Học hỏi là hoạt động, còn người hiểu biết được gọi là người có học vấn, vấn ở đây chính là hỏi. Nói cách khác, về bản chất, để học được, cách tốt nhất là tự mình phải hỏi được.

anh Quách Ngọc Xuân  mentor (người hướng dẫn) của Đại học trực tuyến FUNiX cũng bày tỏ mong muốn sinh viên FUNiX tích cực và chủ động hơn trong quá trình học qua hỏi đáp.

Mentor (là chuyên gia, nhà quản lý của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin thông qua kết nối online) Quách Ngọc Xuân của Đại học trực tuyến FUNiX bày tỏ mong muốn sinh viên tích cực và chủ động hơn trong quá trình học qua hỏi đáp.

Ngày nay, chúng ta dường như đã quên đi triết lý giáo dục giản dị nhưng thâm thúy này. Phần đông mọi người ngại hỏi, không cứ học sinh, sinh viên, mà cả người đã trưởng thành đi làm cũng vậy. Lý do chính có lẽ là do chúng ta sợ bị đánh giá là yếu kém chăng? Cứ như vậy, lâu dần, người hỏi trở thành thiểu số, cảm thấy lạc lõng và cuối cùng là không hỏi thì an toàn, dễ sống hơn.

Dễ thấy, khi còn nhỏ, trẻ con thường tự đặt rất nhiều câu hỏi. Ai từng là phụ huynh mà chẳng đau đầu chuyện này. Và đứa trẻ hiểu biết thêm rất nhiều từ đấy, bởi đó là việc học tự thân. Nhiều khi việc đặt câu hỏi có thể đã giúp chúng ta giải quyết được một nửa vấn đề rồi. Như thiên tài về trí tuệ Albert Eistein từng nói: “Không phải là vì tôi quá thông minh mà vì tôi kiên trì đặt câu hỏi lâu hơn”.

Con người là sản phẩm của xã hội và hiểu biết chịu tác động từ cả phía gia đình, xã hội. Một gia đình khích lệ con cái hỏi và sẵn sàng giải đáp thắc mắc của con chắc hẳn sẽ vun đắp lòng tự tin cho chúng, hơn những gia đình mà bố mẹ coi việc hỏi là “lắm chuyện”.

Đứng về mặt xã hội, trường học có tác động lớn nhất đến hiểu biết. Tư duy giáo dục coi trọng thuộc bài, khối lượng kiến thức và tương tác một chiều thời phổ thông phải chăng đã làm thui chột phần lớn thói quen đặt câu hỏi của người học. Hay đơn giản, nhiều khi việc hỏi không được khuyến khích chỉ vì áp lực nghề nghiệp của giáo viên, lo “cháy giáo án”, hết giờ mà không dạy đủ bài.

Việc ngại hỏi không chỉ ảnh hưởng đến hiểu biết mà sâu sắc hơn chúng ta tưởng. Cụ thể, khi đi làm, đòi hỏi chúng ta phải tiếp xúc với xã hội – những người không quen biết rất thường xuyên. Vì thế, việc ngại hỏi sẽ khiến chúng ta e dè và mất hút trong phần lớn hoạt động cộng đồng đòi hỏi phải đưa ra ý kiến, đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội để giao tiếp xã hội và tiến bộ. Có ai chưa từng chứng kiến những buổi học, hội thảo hay meeting mà người trình bày hay MC cứ phải lặp đi lặp lại câu hỏi “ai có câu hỏi gì không ạ?” trong sự im lặng.

Câu hỏi và câu trả lời là hai vế của một hoạt động vấn đáp. Trong xã hội ngày nay, khi mà Internet đã thu gom được hầu hết tri thức phổ thông của nhân loại, việc tìm ra câu trả lời trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần bạn biết đặt từ khóa tìm kiếm đúng, hay nói cách khác là câu hỏi đúng sẽ có rất nhiều câu trả lời cho bạn. Tạo thói quen đặt câu hỏi chính là cơ sở để chúng ta có thể đặt được những câu hỏi đúng.

Albert Einstein củng cố niềm tin về tầm quan trọng của việc đặt câu hỏi đúng: “Nếu tôi có một giờ để giải quyết một vấn đề mà câu trả lời ảnh hưởng sống còn đến cuộc sống của tôi, tôi sẽ dành 55 phút đầu tiên để cân nhắc tìm ra câu hỏi đúng. Khi đã tìm ra câu hỏi thích hợp, tôi có thể giải quyết vấn đề trong vòng ít hơn 5 phút”.

Nên chăng những nhà làm giáo dục cần phải nhìn nhận lại vấn đề hỏi, liệu chúng ta có học được gì khi không hỏi?

Quách Ngọc Xuân
Mentor của Đại học trực tuyến FUNiX

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại