3 loại ứng dụng cần tránh nếu bạn muốn bảo vệ quyền riêng tư

3 loại ứng dụng cần tránh nếu bạn muốn bảo vệ quyền riêng tư

Chia sẻ kiến thức 23/11/2022

Không phải lúc nào bạn cũng có thể tin tưởng trao dữ liệu của mình cho các ứng dụng điện thoại. Dưới đây là các loại ứng dụng bạn cần tránh và lý do.

Các ứng dụng điện thoại đã làm cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn nhiều. Tuy bạn không mất tiền để sử dụng hầu hết các ứng dụng này, mọi thứ đều có giá của nó. Như một câu ngạn ngữ cũ có nói, “Nếu một cái gì đó miễn phí, bạn chính là sản phẩm,” 

Với nhiều ứng dụng phổ biến, sản phẩm thực sự là bạn, hay nói đúng hơn là dữ liệu của bạn. Mặc dù không phải tất cả các ứng dụng đều kiếm tiền thông qua thu thập dữ liệu cá nhân, nhưng chắc chắn bạn nên biết ứng dụng nào là tệ nhất. 

Dưới đây là 3 ứng dụng bạn nên tránh nếu lo lắng về quyền riêng tư của mình.

 

1. Facebook (và các ứng dụng liên quan)

  

Từ khi ra mắt vào năm 2004, Facebook đã phải đối mặt với chỉ trích dữ dội về cách nó xử lý quyền riêng tư của người dùng, chịu nhiều vụ rò rỉ dữ liệu lớn và bị lôi kéo vào nhiều tranh cãi hơn bất kỳ hãng công nghệ nào khác.

Việc Facebook theo dõi người dùng theo nhiều cách hơn người ta tưởng tượng không còn là bí mật, nhưng các ứng dụng khác của Meta cũng không khá hơn.

Messenger, Instagram và Marketplace đều mang tính xâm lấn như nhau. Chính sách bảo mật của Facebook tiết lộ rằng công ty theo dõi danh bạ, cuộc gọi, tin nhắn văn bản, máy ảnh, micrô, bộ nhớ trong, vị trí, siêu dữ liệu, thông tin trình duyệt, thiết bị của người dùng, thậm chí cả chuyển động của chuột (trong số nhiều thứ khác).

Tin đồn rằng Facebook nghe trôm cuộc trò chuyện của người dùng mà không có sự đồng ý đã lan truyền từ lâu. Bạn có thể tình cờ nhắc đến một mặt hàng hoặc sản phẩm với bạn bè, để rồi ngay sau đó thấy nó được quảng cáo trên Facebook.

Trên thực tế, Facebook không cần phải do thám bạn. Công ty thu thập rất nhiều dữ liệu liên quan đến mức có thể dự đoán, với độ chính xác khá cao, về lần mua hàng tiếp theo và hành vi trực tuyến nói chung của bạn trong tương lai.

 

Nói một cách đơn giản, nếu bạn quan tâm đến quyền riêng tư thì bạn không nên sử dụng Facebook và các ứng dụng liên quan.

2. Ứng dụng thời tiết

Các ứng dụng thời tiết nổi tiếng với các hoạt động thu thập dữ liệu người dùng. Chẳng hạn, tờ Thời báo New York (The New York Times) đã phân tích 20 ứng dụng thời tiết phổ biến để xem bao nhiêu trong số đó thu thập bao nhiêu dữ liệu người dùng và cách thức.

Trong số 20 ứng dụng được xem xét, 17 ứng dụng nói thẳng trong chính sách bảo mật rằng họ thu thập dữ liệu người dùng để phục vụ mục đích quảng cáo. Ngoài ra, 14 người trong số đó sử dụng thông tin vị trí để theo dõi thiết bị, và bạn cần biết rằng thông tin vị trí cực kỳ có giá trị đối với các nhà quảng cáo.

AccuWeather, một trong những ứng dụng thời tiết phổ biến nhất, đã bị phát hiện gửi dữ liệu vị trí người dùng mà không được cho phép vào năm 2017. Trên thực tế, AccuWeather gửi dữ liệu vị trí cho bên thứ ba ngay cả khi đã tính năng chia sẻ vị trí đã được tắt.

 

Vậy AccuWeather còn biết gì khác về bạn? Theo tuyên bố về quyền riêng tư của ứng dụng, miễn là dịch vụ định vị được bật, ứng dụng có thể biết tọa độ GPS chính xác của bạn. Nó cũng lưu ý rằng ngay cả khi bạn đã tắt dịch vụ định vị, điện thoại của bạn “có thể tự động gửi hoặc nhận thông tin khác miễn là bạn đã bật các loại liên lạc khác này.”

3. Ứng dụng hẹn hò

Các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Hinge, eHarmony và Bumble đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.

Nếu bạn muốn tìm người để hẹn hò, thì các ứng dụng này là một lựa chọn tuyệt vời, nếu không muốn nói là cần thiết trong đại dịch và thời đại số hóa này. Nhưng chúng có phải là một ý tưởng hay nếu bạn quan tâm đến quyền riêng tư của mình? Câu trả lời là không.

 

Theo mặc định, các ứng dụng hẹn hò yêu cầu bạn tiết lộ nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm như tên, ngày sinh, khuynh hướng tình dục, ảnh, điện thoại và địa chỉ email của bạn thường được yêu cầu trong quá trình thiết lập một tài khoản.

Và nếu bạn muốn tìm một người có cùng sở thích, có thể bạn sẽ kết nối các ứng dụng này với tài khoản Spotify, Instagram và Facebook của mình, viết tiểu sử được cá nhân hóa, thậm chí có thể tiết lộ nghề nghiệp và trường học cũ của mình. Và tất nhiên là bạn không thể sử dụng ứng dụng hẹn hò mà không tiết lộ vị trí của mình. 

Theo quỹ Mozilla, Tinder không chỉ thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng mà còn rất yếu kém trong việc bảo vệ bạn khỏi tội phạm mạng. Ví dụ: khoảng 70000 bức ảnh đã bị đánh cắp từ ứng dụng vào năm 2020 và xuất hiện trên một diễn đàn tội phạm mạng.

Match Group, công ty sở hữu Tinder và một số ứng dụng hẹn hò phổ biến khác đã nói rõ trong chính sách quyền riêng tư của mình rằng thông tin cá nhân của bạn được chia sẻ giữa các ứng dụng này. Nói cách khác, ngay cả khi bạn chỉ đăng ký Tinder, thì Hinge, Match và OKCupid cũng sẽ có dữ liệu của bạn trong tay.

Bảo vệ quyền riêng tư trong thế giới kỹ thuật số

Internet đã khiến chúng ta trở thành thế hệ bị theo dõi nhiều nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, một người dùng bình thường vẫn có thể thực hiện các bước để bảo vệ quyền riêng tư trên mạng.

Trước khi tải xuống một ứng dụng, hãy thực hiện nghiên cứu cơ bản về một công ty và điều chỉnh việc cấp quyền và các cài đặt tương tự.

Nói chung, bạn nên hạn chế chia sẻ trực tuyến với người khác, kiểm tra kỹ bất kỳ đường link hoặc tệp nào trước khi nhấp vào, sử dụng mật khẩu mạnh và bật cài đặt quyền riêng tư trên tất cả ứng dụng hoặc thiết bị bạn sử dụng.

Vân Nguyễn

Dịch từ: https://www.makeuseof.com/what-is-the-most-secure-browser-for-windows/

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!