9 lý do ngăn cản bạn thực hiện ước mơ lập trình và cách vượt qua
Suy nghĩ về việc bắt đầu một sự nghiệp mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể là nỗi ác mộng với rất nhiều người. Bạn có thể lo lắng về việc theo đuổi ước mơ lập trình có phù hợp với mình hay không.
Table of Contents
Suy nghĩ về việc bắt đầu một sự nghiệp mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể là nỗi ác mộng với rất nhiều người. Bạn có thể lo lắng về việc theo đuổi sự nghiệp lập trình có phù hợp với mình hay không. Bạn có thể sợ rằng bạn không đủ giỏi, bạn sẽ bị coi thường vì bạn không có kiến thức nền tảng về công nghệ, hoặc hàng nghìn nỗi sợ khác.
Nỗi sợ lớn nhất của bạn là gì?
Điều quan trọng nhất cần biết bây giờ là không phải mỗi bạn có suy nghĩ đó và có rất nhiều người đã vượt qua được nỗi sợ để đạt được thành công.
Bài viết này sẽ phân tích chính xác những nỗi sợ hãi và trở ngại liên quan đến công việc lập trình đồng thời đưa ra các giải pháp kèm theo.
#1 Tôi không có tiền
Đối với con đường đại học truyền thống, chi phí trung bình hàng năm cho chương trình cử nhân khoa học máy tính hay công nghệ thông tin là khá lớn (chưa tính tiền ăn ở cuộc sống sinh viên nếu bạn là người ngoại tỉnh hoặc xa trường đại học) và các bằng cấp này thường mất bốn năm để hoàn thành. Không nhiều người có đủ tiền mặt dự phòng như vậy và việc vay vốn sinh viên để trang trải không phải là cách tốt nhất.
Giải pháp: Học lập trình miễn phí hoặc mức phí vừa phải
Nếu bạn làm việc chăm chỉ và có một chút sáng tạo, bạn có thể học lập trình mà không tốn một xu nào. Hãy tìm hiểu một số cách để tiết kiệm tiền khi bạn học lập trình:
- Sử dụng các khóa học và tài nguyên trực tuyến miễn phí (có sẵn trên mạng).
- Sử dụng máy tính tại thư viện công cộng / trường học của bạn. Những máy tính này thường được sử dụng miễn phí và thư viện công cộng thậm chí có thể cung cấp các khóa học và hội thảo công nghệ miễn phí.
- Tìm kiếm học bổng hoặc các cơ hội có sẵn.
- Tìm kiếm các chương trình có học phí trả góp. Bạn chỉ phải trả sau khi bạn có việc làm và bắt đầu kiếm tiền (không có chi phí trả trước và bạn không phải trả nếu bạn không kiếm được việc làm).
- Đảm nhận các công việc tự do (freelancer) để kiếm thêm tiền. Ngay cả khi mới bắt đầu hành trình, hãy thực hiện các dự án nhỏ có thể hoạt động như thực tập và làm thêm.
#2 Tôi không có bằng cấp
Nếu bạn không có bằng đại học (hoặc thậm chí là bằng tốt nghiệp trung học), có thể bạn cảm thấy như không có cách nào để có được một công việc lập trình. Ngay cả khi bạn học được những kỹ năng cần thiết, liệu nhà tuyển dụng có cho bạn cơ hội khi họ thấy rằng sơ yếu lý lịch của bạn thiếu bằng cấp?
Bất chấp những định kiến, hãy săn tìm việc làm mà không cần bằng cấp. Trên thực tế, ngành công nghệ thường là nơi mà kỹ năng và niềm đam mê được ưu tiên hơn so với các chứng chỉ tiêu chuẩn như bằng X, X năm kinh nghiệm,… (ngay cả khi họ vẫn đưa điều đó vào danh sách điều kiện tuyển dụng).
Giải pháp: Tập trung vào những yêu cầu cụ thể
Rất nhiều công ty công nghệ biết rằng các yếu tố nhất định quan trọng hơn rất nhiều so với bằng đại học, ngay cả khi nói đến quá trình tuyển đầu vào (như trở thành nhà phát triển phần mềm). Một ứng viên có thể có ba tấm bằng công nghệ mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Điều quan trọng hơn nhiều là phải có các kỹ năng và tính cách phù hợp với vị trí đang được tuyển dụng và đặc biệt là phù hợp với văn hóa công ty.
Thay vì bị cuốn vào dòng trăn trở về những gì bạn không có, hãy làm nổi bật những gì bạn có, bắt đầu với các bước sau:
- Học và có chứng chỉ. Không có điều kiện tiên quyết nào về các loại bằng cấp hay chứng chỉ với một số công việc lập trình nhất định. Đừng để việc không có bằng cấp ngăn cản bạn thực hiện bước đó. Thay vào đó, hãy tìm kiếm các khóa học có chứng chỉ và thêm chúng vào sơ yếu lý lịch của bạn.
- Kết nối với cộng đồng. Có rất nhiều vị trí công việc được đảm nhận bắt đầu từ sự giới thiệu. Hãy tạo kết nối và việc tạo lập các mối quan hệ phù hợp có thể mang lại lợi ích lớn sau này.
- Cân nhắc tham gia một buổi đào tạo về lập trình. Đây cũng là một lựa chọn khả thi khác.
- Xây dựng danh mục công việc. Có kinh nghiệm thực tế có thể chứng minh năng lực và thậm chí còn quan trọng hơn bằng cấp. Các công ty muốn biết năng lực thực tế về khả năng của bạn hơn là lý thuyết mà bạn có. Hãy chuẩn bị để nói về các dự án của bạn, cách bạn đã hoàn thành chúng và những gì bạn học được từ chúng trong các cuộc phỏng vấn.
#3 Tôi không có thời gian
Cân bằng giữa công việc, cuộc sống xã hội, gia đình, trách nhiệm và việc học lập trình dường như là điều rất khó. Bạn có thể cảm thấy như không có đủ thời gian trong ngày hoặc nhiều khi bạn cảm thấy mình không còn năng lượng và động lực vào cuối ngày để học lập trình nữa. Điều đó hoàn toàn đúng bởi cuộc sống bận rộn. Nhưng có những thủ thuật để tận dụng thời gian của bạn.
Giải pháp: Học cách quản lý thời gian
Hãy cùng xem một vài cách quản lý thời gian để tiết kiệm thêm thời gian cho việc lập trình:
Lên lịch trình. Hãy kiểm tra lại thời gian của bạn, viết ra mọi thứ bạn làm trong một ngày và thời gian thực hiện.
Sắp xếp lịch trình một cách có tổ chức. Hãy đặt các mục tiêu nhỏ và theo dõi tiến trình của bạn. Bạn có thể sử dụng vở, bảng tính hay công cụ quản lý dự án như Trello,…
Tìm ra động cơ thúc đẩy bạn. Nếu việc lập trình giống như một công việc vặt, bạn sẽ luôn tìm thấy lý do để bỏ nó đi. Hãy coi việc học lập trình là một việc ưu tiên và cần phải thực hiện.
Đặt mục tiêu cụ thể. Hãy đặt mục tiêu với con số và thời gian hoàn thành cụ thể.
#4 Tôi chưa bao giờ làm việc tính toán hay sử dụng máy tính
Khi bạn cảm thấy mình không giỏi toán (hoặc không thích toán) bạn sẽ có suy nghĩ mình không bao giờ học được các kỹ năng cần thiết, đặc biệt là vì lập trình liên quan đến giải quyết vấn đề, logic và đại số.
Đừng gò bó bản thân với suy nghĩ như vậy!
Trí thông minh có thể được phát triển, chúng ta có thể hướng tới nó, chúng ta có thể xây dựng nó, bất kể lĩnh vực nào đi chăng nữa, vấn đề chỉ là bạn có quyết tâm hay không.
Giải pháp: Giải quyết vấn đề (Hoặc vấn đề liên quan)
Nếu bạn chưa bao giờ yêu thích môn toán ở trường thời đi học, điều đó không sao! – và điều đó chắc chắn không loại trừ bạn khỏi việc lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Dưới đây là một số cách bạn có thể vượt qua trở ngại này.
Nhận thức rằng lập trình là nền tảng để giải quyết vấn đề, khác với toán học. Nếu bạn có tư duy định hướng giải pháp, điều đó sẽ giúp ích cho bạn ngay cả khi bạn không thể thực hiện các phương trình phức tạp trong đầu.
Trau dồi lại kiến thức môn toán. Giống như lập trình, bạn có thể học để giỏi toán hơn nếu bạn dành thời gian và nỗ lực. Cũng hữu ích khi biết rằng có những thư viện và plugin bạn có thể áp dụng cho mã của mình để giúp bạn giải quyết các vấn đề về toán học và thuật toán.
Chọn một vị trí công việc lập trình không liên quan nhiều đến toán học. Có rất nhiều cơ hội và vị trí có sẵn trong lĩnh vực công nghệ. Nếu các thuật toán và giải quyết vấn đề không dành cho bạn, bạn có thể chọn các công việc như UX, UI, quản lý sản phẩm, kiểm thử phần mềm,…
#5 Tôi quá già để tiếp cận công nghệ
Công nghệ thường được định hình như sân chơi của những người trẻ tuổi – lĩnh vực mà mọi người thường theo đuổi ở độ tuổi đôi mươi. Điều này có thể khiến những người trên 40 tuổi cảm thấy như họ đã quá già để thực hiện việc tham gia vào lĩnh vực này.
Đừng vội loại trừ bản thân! Bạn hoàn toàn có thể thực hiện được điều này.
Giải pháp: Thay đổi dần dần
Cách tiếp cận lĩnh vực công nghệ sẽ thay đổi một chút khi bạn đã trung niên, vì bạn thường có nhiều giới hạn về thời gian và nghĩa vụ tài chính hơn so với lúc 20. Dưới đây là cách giải quyết vấn đề đó.
Thoải mái với nó trong khi vẫn giữ công việc hiện tại của bạn. Bạn có thể duy trì công việc hiện tại thay vì thực hiện thay đổi ngay lập tức.
Làm tình nguyện viên tại các tổ chức phi lợi nhuận. Các tổ chức phi lợi nhuận thường tìm kiếm những người để giúp đỡ và điều này cho phép bạn xây dựng danh mục đầu tư của mình và nhận các tài liệu tham khảo liên quan đến công nghệ.
Xây dựng thương hiệu cho bản thân. Hãy nghĩ về những điều bạn đã làm trong công việc trước đây có thể liên quan đến một công việc kỹ thuật và đưa những điều đó vào sơ yếu lý lịch của bạn.
Xác định những kỹ năng có thể chuyển giao mà bạn có. Các kỹ năng mềm thành thục có thể cũng quan trọng như những kỹ năng liên quan chuyên môn lập trình khi làm việc trong một công ty. Các kỹ năng phi mềm bao gồm kỹ giao tiếp bằng văn bản, khả năng sáng tạo,… Hãy làm nổi bật những điều này trong các ứng dụng và phỏng vấn.
Hãy tham khảo bài viết 12 mẹo bắt đầu sự nghiệp ở tuổi 40 để loại bỏ suy nghĩ mình đã già và không thể học lập trình.
#6 Tôi là người hướng nội
Khi bạn nghĩ về không gian văn phòng hoặc môi trường khởi nghiệp, bạn có thể hình dung các kế hoạch văn phòng mở, đầy năng lượng và sự cộng tác. Nếu bạn là người hướng nội, điều đó có vẻ đáng sợ. Bạn có thể cảm thấy như môi trường làm việc lập trình không dành cho bạn. Tuy nhiên, vẫn có những vị trí phù hợp với người hướng nội.
Giải pháp: Tìm kiếm nơi cung cấp không gian làm việc yên tĩnh
Người hướng nội thường là thành viên quan trọng và có giá trị trong nhóm làm việc và xã hội, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng được công nhận. Bạn có thể tìm kiếm một vị trí phù hợp với tính cách của bạn:
Đặt mình vào những tình huống đầy thử thách. Nhờ vậy, bạn có thể thoát khỏi nỗi sợ hãi và khiến bạn trở thành một người giao tiếp tốt hơn.
Tự tin rằng bạn có những kỹ năng khiến bạn nổi bật. Hãy trau dồi và tận dụng những thế mạnh của bạn. Ví dụ, những người hướng nội có xu hướng trở thành những nhà lãnh đạo giỏi với sự tự tin trầm lặng.
Tìm kiếm công việc từ xa. Đây là công việc lý tưởng cho người hướng nội, vì chúng đòi hỏi ít tương tác hơn và bạn có thể kiểm soát môi trường của chính mình. Ngày càng có nhiều công việc lập trình cho phép bạn làm việc tại nhà.
#7 Tôi không chắc mình sẽ phù hợp với lập trình
Bạn không thấy nhiều người như bạn trong lĩnh vực lập trình? Nếu bạn thuộc nhóm thiểu số ít được đại diện trong nhóm lập trình, đừng nghĩ rằng mình sẽ không phù hợp với ngành công nghệ và cũng đừng lo lắng về việc không được chấp nhận!
Giải pháp: Tìm kiếm môi trường có tính hòa nhập cao
Mức độ thoải mái mà bạn cảm thấy trong một công việc kỹ thuật có thể rất khác nhau tùy thuộc vào mức độ tích cực của công ty đối với trách nhiệm xây dựng một nền văn hóa hòa nhập. Dưới đây là một số mẹo để tìm kiếm sự phù hợp.
- Tìm kiếm sự phù hợp với văn hóa khi xin việc. Hãy hỏi về sự đa dạng ở công ty và xem ảnh các nhân viên trên trang web để biết đồng nghiệp của bạn sẽ là ai.
- Tham gia các diễn đàn và nhóm trực tuyến. Bằng cách này, bạn có thể trò chuyện với những người khác trên khắp thế giới, những người có cùng hoàn cảnh với bạn. So sánh các câu chuyện, mẹo và kinh nghiệm với những người khác trong lĩnh vực của bạn.
#8 Tôi sống ở xa trung tâm
Nếu bạn sống ở một khu vực không có nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghệ thì việc học các kỹ năng lập trình có thể rất khó khăn. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể, bởi ngày nay với sự tiến bộ của công nghệ, bạn hoàn toàn có thể tự học được miễn là bạn có kết nối internet.
Giải pháp: Tự tạo ra cơ hội
Dưới đây là một số điều bạn có thể làm ngay cả khi bạn sống ở những vùng quê hay vùng dân tộc thiểu số để xây dựng sự nghiệp cho mình:
Bắt đầu kinh doanh riêng. Có thể đó là xây dựng hoặc cải thiện trang web cho cộng đồng của bạn hoặc phân tích nhu cầu của khách hàng bằng dữ liệu hoặc xây dựng một ứng dụng giúp cuộc sống dễ dàng hơn. Hãy bắt đầu bằng việc tìm một vấn đề nổi cộm trong cộng đồng và suy nghĩ về cách bạn có thể sử dụng công nghệ để giải quyết nó.
Làm việc tự do trên các trang web. Bạn có thể mở rộng phạm vi tiếp cận của mình trên toàn quốc hoặc thậm chí trên toàn cầu bằng cách làm việc trực tuyến cho khách hàng.
Nhận một công việc từ xa. Như đã đề cập trong #6, có rất việc làm từ xa ngày nay.
Tất nhiên, nếu những cách này không hiệu quả, bạn có thể cân nhắc việc chuyển nơi sinh sống (tạm thời hoặc lâu dài đều được). Hãy nộp đơn xin việc ở những nơi bạn cảm thấy yêu thích trước. Sau đó chuyển tới sinh sống và làm việc.
#9 Tôi không biết bắt đầu từ đâu
Bước vào thế giới công nghệ đặc biệt là lập trình ban đầu có vẻ choáng ngợp và khó hiểu. Có quá nhiều sự lựa chọn dẫn đến tình trạng quá tải thông tin – điều này có thể khiến bạn mất phương hướng và không biết bắt đầu từ đâu. Bạn nên bắt đầu với ngôn ngữ lập trình nào? Bạn có nên chọn con đường sự nghiệp phía trước không?…
Đừng lo lắng, chúng tôi gợi ý cho bạn giải pháp dưới đây.
Giải pháp: Làm việc ngược lại với mục tiêu đặt ra của bạn
Nếu bạn có thể bắt đầu với mục tiêu cuối cùng trong đầu, thì việc phác thảo con đường để đạt được điều đó trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Vì vậy, đó là bước đầu tiên: hãy nghiên cứu các lĩnh vực mà bạn quan tâm, xem xét các con đường sự nghiệp khác nhau trong lĩnh vực công nghệ và xem điều gì sẽ xảy ra với bạn. Sau đó, hãy thử các bước sau:
- Thiết kế ngược những gì bạn nên học. Tra cứu danh sách công việc mơ ước và xem họ đang tìm kiếm những kỹ năng hoặc kinh nghiệm nào. Sau đó, bạn có thể bắt đầu học các kỹ năng sẽ khiến bạn trở thành ứng cử viên lý tưởng cho loại vai trò đó.
- Xác định những loại tài liệu nào sẽ hữu ích nhất cho bạn. Điều này giúp bạn sắp xếp các tùy chọn khóa học có mục đích thay vì chỉ duyệt qua hàng nghìn bảng mô tả khóa học.
- Bắt đầu với HTML hoặc CSS. Rất đơn giản, đây là những cách cơ bản nhất, vì vậy bạn có thể bắt đầu suy nghĩ như một lập trình viên. Sau đó là JavaScript có thể là một bước tiếp theo tốt, vì nó khá linh hoạt và được sử dụng rộng rãi.
- Thực hiện một khóa học với một lộ trình cụ thể, thay vì tham gia nhiều khóa học nhỏ mà không liên quan. Điều này sẽ giúp bạn luôn tập trung và không để lại những lỗ hổng trong kiến thức.
Lời kết
Mặc dù việc gia nhập vào lĩnh vực lập trình có vẻ như khó khăn, nhưng ai cũng có thể làm được! Quan trọng là bạn cần chăm chỉ, quyết tâm, một chút sáng tạo và niềm tin rằng bạn có thể thành công. Có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực này bất kể trình độ học vấn, tuổi tác, tài chính, nghĩa vụ gia đình của bạn,… Đừng để nỗi sợ hãi ngăn cản bạn trải nghiệm những điều mới mẻ trong lĩnh vực công nghệ. Những thay đổi lớn trong cuộc đời có thể đáng sợ, nhưng sợ hãi không có nghĩa là bạn đang đi sai đường.
Có thử thách mới có thành công!
Lương Thuận – dịch từ Learntocodewithme
Bình luận (0
)