Người FUNiX năm châu đón Tết
Cái Tết truyền thống với những người Việt ở nước ngoài luôn nhiều cảm xúc. Chương trình xTalk diễn ra ngày 6/2 đã đưa những cảm xúc ấy của người FUNiX khắp năm châu đến gần nhau hơn, để cùng chào đón một cái Tết Tân Sửu đầy ý nghĩa.
- Xu hướng chọn học gia sư trực tuyến của phụ huynh Việt
- Review 5 khóa học lập trình cho người mới bắt đầu tốt nhất
- Có nên chọn khóa học lập trình online miễn phí không? Gợi ý các trang web học lập trình miễn phí
- Review tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX năm 2024 cho các bạn chưa biết
- Review cách học của công ty cổ phần đào tạo trực tuyến unica
Với format có phần khác biệt với các chương trình xTalk thông thường, chương trình xTalk 25 “Đón Tết Việt bốn phương” được thiết kế như một “cầu truyền hình” trực tuyến. Ở đó, xTer, mentor, Hannah, staff FUNiX từ khắp mọi miền trên thế giới có dịp được gặp gỡ online và cùng chia sẻ đầy chân thực về không khí Tết, cách đón Tết nơi mình sống.
Từ bang Florida, Mỹ, mentor Đinh Công Bằng chia sẻ, anh đã sang Mỹ từ năm đầu của thế kỷ 21, và đây là năm thứ 21 anh sống, đón Tết tại xứ cờ hoa. Bởi vậy, Tết Việt xa nhà không còn là điều gì quá khác lạ. Tuy nhiên, cái Tết xa quê đối với mentor vẫn đong đầy cảm xúc của nỗi nhớ quê hương, cũng như sự trân quý những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Anh Bằng là một chuyên gia trong lĩnh vực tin học điện tử của chính phủ Mỹ. Anh tham gia FUNiX từ những ngày đầu tiên trường Mây được thành lập với công tác tư vấn về giáo dục, đánh giá hồ sơ mentor…
“Tết đến, điều mình hay nhớ đến nhất có lẽ là về những người đã khuất, nhất là những ng đã cùng mình trải qua những năm tháng khó khăn nhất trong cuộc sống như ông bà nội ngoại, bố. Xung quanh cũng không có gia đình, họ hàng, con cái tốt nghiệp đại học đã đi làm, không ở nhà, Tết chỉ có 2 vợ chồng… Mình thường tham gia gói bánh chưng, làm bữa cơm đầu năm cho các bạn sinh viên ở đây” – anh Bằng kể.
Tại “đầu cầu” Tokyo, Nhật Bản, Hannah Hà Minh Trang đã có nhiều phút xúc động khi chia sẻ về cái Tết xa quê. Sang Nhật từ năm 2017 và làm việc trong ngành IT, chị mới gia nhập FUNiX vài tháng nhưng đã nhanh chóng gắn bó với đội ngũ học viên, mentor. Hannah Trang chia sẻ nhiều về những khác biệt trong việc đón Tết của người Nhật, người Việt. Chị cho biết, người Nhật hiện đã bỏ việc đón tết Âm lịch và đón Tết Dương lịch theo truyền thống như: dọn dẹp nhà cửa, lì xì, đi đền chùa, thắp hương thờ các vị thần, tham gia trà đạo, thư pháp… rất gần gũi với Việt Nam. Nhiều gia đình Nhật Bản có xu hướng đón Tết tối giản, giảm bớt “mâm cao cỗ đầy”, tập trung vào gia đình và sự đoàn viên ngày Tết.
Sống tại Hàn Quốc, bạn Nguyễn Ngọc Dung, một du học sinh đã có 3 cái Tết ở xứ Kim Chi cho hay, Tết chính thức của ng Hàn là vào dịp Trung thu, không phải tết Âm lịch.
“Mình rất nhớ không khí Tết ở Việt Nam, khi gia đình bên nhau, trang hoàng nhà cửa. Khắp đường, khắp chợ đông vui tấp nập” – Dung nói. Bạn thú nhận “xém khóc” khi xem video Tết ở quê nhà vì cảm thấy cô đơn trong khi mọi người được quây quần bên nhau.
Bạn Hải Hà, một xTer quê Nghệ An phải đón Tết trong khu cách ly cách nhà mình khoảng 2 Km vì trong lớp đại học của Hà có một người mắc Covid-19. Hà có một cảm xúc vô cùng khó tả khi cực chẳng đã phải xa gia đình. “Không được đón tết với bố mẹ, nhìn các bạn ở nhà lau chùi dọn dẹp, mua sắm Tết mình rất thích, rất thèm. Còn ở đây chỉ biết nhìn ra ngoài ngắm đồi núi, trời đất…không tránh được nỗi tủi thân” – Hà tâm sự.
Bố mẹ và gia đình an ủi Hà bằng việc gọi điện thoại, nấu cơm chuyển vào cho con gái… Cô bạn dự định sẽ dành thời gian rảnh rỗi trong khu cách ly suốt mấy ngày Tết để ngồi thiền” – Hà tâm sự.
Cùng lý do bị cách trở việc đón Tết quê vì Covid-19 với Hà là xTer Nguyễn Đỗ Phương Uyên, Du học sinh tại Indiana, Mỹ. Bạn là sinh viên năm 3 ngành CNTT và kinh tế lượng, đã sang Mỹ học từ năm 2018. Đáng lẽ Uyên sẽ về Việt Nam ăn Tết vì bạn được nghỉ đông tận 2 tháng, song kế hoạch phải hủy bỏ vì dịch bệnh.
“Mấy năm trước, Hội sinh viên Nhật, Hàn, Trung, Việt thường tập trung ở trường tổ chức gala chào Năm mới, có ca nhạc, show mặc đồ truyền thống. Các sinh viên Việt theo từng khóa thì tổ chức ăn uống liên hoan cùng nhau. Các bạn có gia đình ở vùng có nhiều người Việt như Cali, Texas thì được gửi bánh tét, bánh chưng cho, vì ở đây không có cửa hàng để mua được những “đặc sản” này. Còn năm nay, hầu hết các bạn cùng khóa đã về Việt Nam “tránh dịch”, nên không khí Tết khá trầm buồn” – Uyên kể.
Chị Nguyễn Thị Thảo – xTer FUNiX, hiện là kế toán ở Colorado, Mỹ thì cho biết nơi chị ở thời tiết lạnh và khô, nơi này có không nhiều người Việt nên không có nhiều hoạt động cộng đồng với người Việt, bao gồm cả trong dịp Tết. Bản thân chị khi Tết đến chị nấu các món ăn truyền thống như giò, dưa góp, bánh chưng đi mua để giữ gìn phong vị thân thuộc.
Trong không khí mùa Xuân, những tâm sự giữa những người FUNiX năm châu đã góp phần gắn kết mọi người, kéo âm hưởng Tết đến gần hơn, ấm áp hơn. Sau những nỗi buồn vui, Tết đến Xuân về lại gợi lên nhiều mơ ước, dự định tươi mới với mỗi người. Trong đó, có những kế hoạch nho nhỏ gắn với FUNiX, gắn với việc học tập CNTT online giúp mọi người thêm phấn chấn trước thềm năm mới 2021.
Vân Nguyễn – Quỳnh Anh
Bình luận (0
)