Từ người tham gia sáng lập FPT đến khởi nghiệp, nuôi bò
Gọi Nguyễn Thành Nam là nhà toán học, doanh nhân, nhà đầu tư, nhà giáo dục, nhà khởi nghiệp, cái gì cũng đúng nhưng chưa đủ. Rõ ràng, đầy đủ nhất theo cảm nhận của tôi, đó là một người nhiệt huyết có khoa học. Dí dỏm, tỏ ra "phá bỏ định kiến" nhưng anh không phải là người dễ dàng dành đất cho người hỏi chuyện. Luôn dắt người ta đi, kể khi bị hỏi, có lẽ đó là sở thích của anh. Điều này thể hiện rất rõ trong câu chuyện của anh dành cho Dân Việt.
- Xu hướng chọn học gia sư trực tuyến của phụ huynh Việt
- Founder FUNiX: Bố mẹ thờ ơ, đừng mơ giúp con hướng nghiệp
- Review 5 khóa học lập trình cho người mới bắt đầu tốt nhất
- Có nên chọn khóa học lập trình online miễn phí không? Gợi ý các trang web học lập trình miễn phí
- Review tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX năm 2024 cho các bạn chưa biết
DÂN VIỆT – Tôi có cô bạn gái cách đây gần 20 năm vì “mê” Nguyễn Thành Nam mà mượn tên anh đặt tên con mình. Phải nói Nguyễn Thành Nam là người đàn ông luôn “hot”, kể cả trong công việc và trên mọi diễn đàn, kể cả mạng xã hội. Bất cứ ở đâu, hễ khi Nguyễn Thành Nam lên tiếng thì cũng “tạo lửa”, “truyền lửa” không thua kém gì các đàn em đang độ tuổi thanh xuân.
Tham gia sáng lập FPT, từng giữ những vị trí quan trọng của tập đoàn này trong nhiều giai đoạn khác nhau, thế rồi bỗng dưng cách đây dăm năm, Nguyễn Thành Nam lại hăm hở xách ba lô ra ngoài khởi nghiệp. Hình như tạng người như anh, phải cứ liên tục nghĩ ra cái gì thật mới, thật khác người, thật thách thức mới chịu.
Mô hình đào tạo đại học kiểu trực tuyến FUNiX là startup mới của nhà toán học Nguyễn Thành Nam. Văn phòng của startup là vài chục m2, vài chục nhân viên trong một căn gác lửng ở tầng trệt toà nhà lừng lững của FPT. Nghe nói, ở FUNiX không có giảng viên lên lớp hàng ngày, thầy chỉ có mỗi việc là giúp cho người ta biết cách tự học, tự làm. Mà là qua mạng. Nghe nói, anh lại còn giữ chân chủ nhiệm Hợp tác xã đào tạo trực tuyến gì đó.
Rồi qua mạng xã hội còn thấy anh kể chuyện tham gia chăn bò. Mà cũng hào hứng, cũng hăng hái, cũng vận dụng tư duy toán học và kinh nghiệm thương trường bao năm để vắt được bò ra sữa. Anh em vẫn đùa: “Bò vẫn chưa chết, coi như bước đầu thành công”.
Phải điên mới làm được việc lớn
Thưa anh Nguyễn Thành Nam, thế là anh lại khởi nghiệp. Tôi hơi ngạc nhiên, chẳng lẽ thủ phủ của toàn bộ cái gọi là Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX chỉ có vài chục m2 như vậy? Vậy thì ai mà tin các anh để họ nộp tiền học?
– Việc khó nhất là thuyết phục “nhúm người ở đó” tin và trở thành cộng sự của tôi. Một khi các bạn ấy đã tin và quyết tâm thì họ sẽ thuyết phục được cộng đồng. FUNiX đã có mấy ngàn học viên rồi đấy, dù đang là mô hình thử nghiệm.
Thế FUNiX dạy gì và dạy như thế nào ạ?
– Chúng tôi dạy cách để người ta tự làm được một số việc mà mình muốn làm mà trước đó cứ tưởng là mình không thể làm nổi. Có chuyện thế này: Một cô chuyên văn, có chồng là chuyên gia lập trình, đăng ký chương trình học lập trình của FUNiX, mục đích chỉ là để… hiểu được công việc của chồng. Học được mấy tháng, cô ta bảo tôi: Em không học nữa đâu. Toàn em tự học, tự làm đấy chứ, các thầy có dạy em gì đâu.
– Tôi mới thủng thẳng bảo: Sao lại không dạy, mấy tháng trước tôi còn được coi là đại ca của chồng em, gặp chắc em không dám mở mồm nói chuyện kỹ thuật, giờ em đã tự tin mắng tôi xơi xơi, rằng bài tập này sai, cơ sở dữ liệu này dở. Coi như em học xong rồi đấy, vì em đã học được cách phát hiện ra khả năng của mình. Đấy, đó chính là cách chúng tôi đào tạo ở FUNiX..
Ở tuổi này, khi tưởng chừng đã tích luỹ đủ tài chính, danh tiếng và tiền bạc, bỗng dưng lại khởi nghiệp, anh có thấy mỏi không ạ?
– Không liên quan lắm, tích luỹ đủ thì càng tự tin khởi nghiệp tiếp chứ. Mà đang lo đây, không biết tháng này có đủ tiền trả lương cho nhân viên không. Khi còn có cái mà lo, thấy mình như phải trẻ lại, cũng thú vị phết!
À, vài tuần trước có nóng lên vụ cướp ngân hàng mà thủ phạm là một Tổng giám đốc công ty chuyển phát nhanh tại Hà Nội khởi nghiệp thất bại. Là người luôn khởi nghiệp và nhiều năm truyền cảm hứng khởi nghiệp, cảm giác của anh thế nào khi nghe thông tin này? Có cảm xúc gì đặc biệt không?
– Tôi nghĩ việc này ở một khía cạnh nào đó là tốt. Cho mọi người thấy được 2 mặt của vấn đề. Khởi nghiệp thành công thì được tung hô. Nhưng thất bại cũng có thể cùng quẫn.
Nhưng cả thất bại lẫn thành công đều là những bài học lớn. Thành công, có tiền thì sẽ như thế nào? Lúc đó, người ta sẽ làm gì với tiền đấy? Tiêu tiền thế nào cho đúng chưa bao giờ là dễ dàng.
Còn ngược lại, thất bại, mất tiền, nhất là tiền của người khác thì sẽ ra sao? Tâm lý của con người ta thế nào? Nhìn xã hội màu gì? Làm thế nào để vượt qua tâm lý chán nản, tuyệt vọng và bước tiếp?
Nếu trước mặt anh đang là những kẻ đang háo hức khởi nghiệp và muốn nhờ anh vài đường chỉ giáo, anh khuyên gì?
– Đọc sách với dự hội thảo khởi nghiệp vừa phải thôi. Cứ làm đi, làm liên tục không ngừng nghỉ. Tự mình đánh giá xem đã làm được gì, chưa được gì so với cái mình muốn.
Và hãy cân nhắc rất kỹ trước khi dấn thân vào con đường khởi nghiệp, với một tâm lý sẵn sàng mất tiền, và mất bao nhiêu. Mất tiền cũng là một trạng thái tốt.
Nhìn chung, tôi thấy người Việt không đủ cực đoan.Chúng ta tự cân bằng nhanh. Đang phấn khởi có khi sẽ hoảng hốt. Đang hoảng hốt cũng dễ dàng phấn khởi. Vì thế, mọi thứ dễ ổn. Nhưng cũng ít khi làm được việc lớn.
Có nghĩa là chúng ta đang khởi nghiệp lặt vặt. Vì thế nên vui buồn cũng… lặt vặt, chưa đủ thăng trầm? Vậy anh cho rằng phải đủ cực đoan, đủ “điên” mới làm được việc lớn?
– Chắc chắn là như vậy. Tôi cho rằng ngay cả một số cá nhân được cho rằng là rất thành công trong xã hội hiện nay vẫn chưa thể gọi là đủ “điên” ở tầm thế giới.
Nhưng không làm được việc lớn thì sao? Nhỏ mà có bản sắc, vẫn kiếm tiền đều đều thì có gì xấu. Vấn đề là chúng ta lại thích cứ phải điên, phải là thương hiệu toàn cầu, phải là hàng đầu thế giới.
Trong khi bản chất thì đa phần chúng ta khá cầu an. Tôi e ở đây có lỗi của truyền thông. Các nhà báo đã quá dễ dãi để gán từ “điên” cho các doanh nhân, làm cho ta rốt cục cũng không hiểu ta.
Nói thật, thấy các nhà báo ca ngợi FPT nhiều khi cũng thấy xấu hổ. Vì mình quá tỉnh táo.
Nuôi bò, may quá gặp đúng thầy, đúng thợ
Mới đây, lại nghe chuyện anh theo bạn nuôi bò sữa ở Tuyên Quang khi tất cả đều không biết gì về bò sữa và nông nghiệp? Cũng hơi… điên đúng không?
– Cuối năm 2016, Nguyễn Trung Hà, bạn tôi, quyết định giúp một ông em, đầu tư xây dựng một trang trại nuôi bò với công nghệ hiện đại nhất. Hà học cùng với tôi ở Nga, là người đã rủ tôi tham gia thành lập FPT. Vợ chồng tôi quyết định tham gia với Hà, nhớ lại những ngày thanh niên học ở Nga, đi đá bóng về là tu hết cả lít sữa, học bổng ít, nhiều hôm đói, người vẫn lẻo khoẻo nhưng sức bền tốt. Mong góp một tay cho cho sữa tươi thực sự trở thành thức uống hàng ngày cho thanh thiếu niên Việt Nam.
Ban đầu, tôi chả biết gì cả, nhưng nghe Trung Hà bảo nuôi hay lắm, vợ tôi cũng bảo nuôi bò hay lắm thế nên quyết định xuống tiền nuôi bò thôi. Lúc xuống tiền vẫn rất tỉnh táo. Khi thấy xây chuồng trại, đàn bò về ùn ùn mới thấy mình điên thật, vì chẳng biết gì về bò sữa mà dám làm, còn mơ làm một cách khoa học, năng suất cao hơn hẳn người khác.
Mấy anh em cãi nhau như mổ bò. Chủ yếu là vì “sẩm sờ voi”. Đã ai tham gia xây 1 cái trại bò “hiện đại kiểu 4.0” như thế nào đâu. Ông em tuy tham gia nuôi bò đã lâu, nhưng chưa ở vị trí bao quát, nên cũng không tự tin lắm. Cái gì bí đều bảo “thầy em bảo thế”. Mãi, rồi tôi hỏi, vậy thầy em là ai? Cho bọn anh gặp.
Hóa ra thầy hắn là Raviv.
Câu chuyện nuôi bò của các nhà toán học, đầu tư tài chính nghe như chuyện cổ tích. Thế rồi bí quyết “vắt bò ra sữa” nằm ở cái ông Raviv ấy?
– Hơi dài dòng một chút: Năm 1972, khi tôi đang ngồi hầm vừa ngóng vừa sợ xem máy bay Mỹ ném bom, thì Raviv, một cậu bé người Israel, đang học ở London, đứng xem những đoàn biểu tình chống chiến tranh và tò mò tự hỏi Việt Nam là đất nước như thế nào mà được nhiều người ủng hộ như vậy. Tất nhiên là chúng tôi chẳng biết nhau.
Sinh ra trong một làng có truyền thống chăn bò ở Israel. Sang Úc kinh doanh rồi nhập tịch. Giữa những năm thập kỷ đầu 2000, anh được phân công sang làm việc ở Việt Nam, đất nước mà anh mơ ước đến hồi nhỏ. Nhìn thấy tiềm năng của ngành nuôi bò sữa khi đó mới bắt đầu ở Việt Nam, anh quyết định cùng mấy người bạn đầu tư một trang trại. Ông em tôi là một trong những nhân viên đầu tiên của Raviv.
Raviv là một quyển từ điển, kiêm công cụ, kiêm hướng dẫn sử dụng, kiêm quản trị… về việc nuôi bò (tiếng Anh là husbandry) ở quy mô toàn cầu mà lại rất Việt Nam. Hành trình ưa thích của anh là Tuyên Quang – Hà Nội – Melbourne – Tel Aviv. Chúng tôi tha hồ hỏi, dù nhiều câu rất ngớ ngẩn (ví dụ như bò sữa có mấy núm vú), anh đều kiên nhẫn trả lời, cặn kẽ giải thích, khi cần thì demo, cho xem ảnh, video, body language.
Tôi thích quá, bảo: Thôi mày sang chỗ tao đi. Mày nói thật đấy chứ. Tao đang là trưởng nhóm cố vấn của một công ty khác. Chúng mày còn chưa biết xây trại. Khác gì mời Messi về thay Công Phượng…
Chúng tao dù còn nhỏ, đếch biết gì, nhưng chúng tao có khát khao (Khát khao gì thì chưa rõ, nhưng đếch biết gì thì quá rõ).
Không hiểu thế nào mà Raviv chấp nhận tham gia nhóm chúng tôi với mức lương giảm đáng kể. Anh bảo chúng mày nuôi ít thế này (kế hoạch 1000 con) mà dám thuê tao, đủ biết là chúng mày ngớ ngẩn thế nào (cười).
Có lẽ anh thích chủ tịch Hà, vì vô tư hỏi các câu ngớ ngẩn. Có lẽ anh quý ông em học trò cũ. Nhưng tôi đồ là anh đã đủ yêu mảnh đất này để quyết định ở lại Việt Nam lâu dài! Và một trải nghiệm cùng xây dựng với mấy ông bạn Việt Nam ngớ ngẩn sẽ giúp anh hiểu rõ hơn con người nơi đây.
Có Raviv, mọi sự dần dần đâu vào đấy. Năng suất sữa tăng dần, rồi vượt mức kỳ vọng của chúng tôi. Lạ là nhân viên trại, toàn là người của xã, chẳng ai biết tiếng Anh mà anh điều khiển răm rắp.
Tôi thì khoái nhất là ngày nào cũng nhận được các báo cáo rất chi tiết về tình trạng sức khỏe của bò, của đàn, khẩu phần ăn, sản lượng sữa, phân tích chi phí…
Anh em nào quen, tôi đều tìm cách đưa lên trại tham quan. Không phải là để khoe việc nuôi bò. Vì tham vọng của chúng tôi còn nhỏ, và vấn đề thì còn chồng chất. Mà để thấy anh em thấy được, cái chúng ta còn thiếu, chính là sự chăm chỉ và chuyên nghiệp như Raviv! Và giờ chúng tôi đang có chiến lược mở rộng quy mô của trại bò lên gấp hai hoặc 3 lần nữa, vì ngoài ông kỹ sư chăn nuôi người nước ngoài giỏi như từ điển ra, thì chúng tôi kiếm được 1 người giám đốc yêu bò thực sự, có tinh thần học hỏi.
Nuôi bò theo kiểu các anh, nông dân học theo thế nào được?
– Tại sao lại phải học theo? Các hộ nông dân chỉ cần nuôi dăm ba chục con là sống khoẻ rồi mà. Vấn đề là làm sao để lùa “bọn” đại gia về nông thôn!
Lùa “đại gia” về nông thôn
Thế theo anh, làm thế nào để thay đổi tư duy làm ăn kiểu cũ của nông dân và xây dựng nông thôn mới? Và làm thế nào để “lùa” đại gia về nông thôn?
– Nông thôn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học. Tư duy “nông dân” là tư duy thuận theo tự nhiên. Vậy sao lại coi nông thôn là nghèo đói và lạc hậu, cần phải “đổi mới”? Sao lại coi tư duy “nông dân” là bảo thủ, tủn mủn cần phải “thay thế”?
Nông thôn và nông dân có thể là “kẻ thù” của cách mạng công nghiệp với những nhà máy sản xuất đại trà (đòi hỏi một lối sống khác). Nhưng nông dân hoàn toàn có thể hòa hợp với cuộc cách mạng công nghệ thông tin.
Vẫn là làng quê nhưng với phương thức sản xuất mới và internet có thể giúp người nông dân sống tốt hơn mà vẫn thấy gần gũi với quê hương.
Nhưng ai sẽ làm cuộc cách mạng công nghệ và thông tin cho nông thôn? Chẳng lẽ là nông dân?
– Vậy có ai cấm chúng ta về nông thôn đâu, tại sao cứ ở thành phố mà rồi mong muốn nông thôn phải thế này, hay thế khác theo ý chủ quan của chúng ta. Nhưng để nông thôn cũng giàu cũng đẹp, cũng hiện đại thì tôi nghĩ sẽ đề xuất thế này: Chúng ta cần có một chính sách khuyến khích những đại gia có tài sản lớn phải đầu tư về nông thôn một số tiền nhất định.
Ở FPT chúng tôi có một anh kế toán, trước khi vào công ty đã từng làm bốc vác ở chợ Long Biên. Đến lúc được chia cổ phần ở FPT, anh kế toán đã mang tiền về quê làm đường, làm cầu, làm nhà, tạo ra rất nhiều công ăn việc làm cho bà con ở quê anh. Bây giờ những con đường, những ngôi nhà do anh kế toán đó làm vẫn còn rất tốt. Chúng tôi mỗi lần về quê được đi trên con đường anh làm thì đều rất xúc động.
Nếu chúng ta có một chính sách căn cơ, có tình có lý thu hút các đại gia quay về quê làm việc ở quê, thì tôi tin rằng nông thôn sẽ là một nơi đáng sống hơn rất nhiều so với thành phố.
Tôi có ý thế này, trong giáo dục, có trào lưu “flipped class”, có thể dịch là lớp học “lộn ngược”, ý là học sinh học bài ở nhà trước. Đến lớp chỉ… cãi nhau. Giờ chúng ta đang bắt chước các nước phát triển: Sống, làm việc, ăn chơi ở đô thị. Cuối tuần tìm cách về nông thôn nghỉ ngơi.
Tại sao không đặt vấn đề là khuyến khích “lối sống lộn ngược”. Trong tuần làm việc và nghỉ ngơi ở môi trường trong sạch. Cuối tuần mò lên đô thị bẩn thỉu ăn chơi phá đời (lại cười).
Vâng, về nông thôn để nâng cao đời sống của chính mình! Nghe có lạ không? Tôi tin rằng chuyện này sẽ xảy ra trong một ngày rất gần thôi.
Chờ hết dịch mới làm giống như chờ trời hết mưa vậy
Đó là khi thuận buồm xuôi gió. Chứ có những chuyện bất thường và đang xảy ra, phá vỡ nhiều thứ, thay đổi gần như tất cả. Ví dụ như dịch Covid-19 chẳng hạn. Nó đã bùng phát trở lại, có vẻ khó lường hơn. Với thực trạng đó, có lẽ không chỉ các nhà đầu tư, những người đang muốn khởi nghiệp mà tất cả, có vẻ như đang muốn ngồi im hết?
– Giờ quan trọng nhất là thái độ. Ai cũng sợ cả. Nhưng tốt hết là cứ coi Covid-19 là một trạng thái tồn tại trong tự nhiên. Luôn luôn có. Chỉ nên nghĩ đơn giản là chúng ta sẽ vượt qua nó vì Covid-19 cũng như là mưa bão trong tự nhiên, không ai chiến thắng được mưa bão cả, nhưng dù có mưa bão thì ta vẫn phải cày, cấy, vẫn lao động sản xuất bình thường. Chỉ là tránh làm sao cho mình đỡ bị lũ lụt nhất, tránh sét đánh mà thôi.
Tại sao không đặt vấn đề: Liệu Covid có cho ta cơ hội nào không? Chẳng hạn như tại sao chúng ta không tận dụng tối đa cơ hội này để tất cả mọi người đều phải cài các ứng dụng di động về khai báo cá nhân để hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia?
Đại loại thế, phải chiến thắng nỗi sợ hãi và vượt qua dịch bệnh, làm cho chính mình trở nên mạnh mẽ hơn.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.
Lương Bích Ngọc – Nguyễn Gia Tưởng
Bình luận (0
)