Đinh Anh Huân: Người “gieo hạt giống” tại Seedcom
Anh Đinh Anh Huân là một trong những diễn giả tại Hội thảo Giáo dục FUNiX vào ngày 19/8 tới đây - Hội thảo "Đào tạo nhân lực cho cách mạng 4.0". Trong đó, anh sẽ trình bày Keynote 1: "Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho tất cả mọi người tham gia".
- Xu hướng chọn học gia sư trực tuyến của phụ huynh Việt
- Review 5 khóa học lập trình cho người mới bắt đầu tốt nhất
- Có nên chọn khóa học lập trình online miễn phí không? Gợi ý các trang web học lập trình miễn phí
- Review tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX năm 2024 cho các bạn chưa biết
- Review cách học của công ty cổ phần đào tạo trực tuyến unica
Phần trình bày của anh Đinh Anh Huân là một trong những nội dung quan trọng nhất tại Hội thảo Giáo dục FUNiX. Chủ đề “Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội cho tất cả mọi người tham gia” dường như gói ghém đầy đủ những thông điệp mà chương trình Hội thảo muốn hướng đến, khơi dậy sự chung tay, nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp 4.0 Việt Nam phát triển mạnh mẽ, mang cơ hội đến cho tất cả mọi người.
Tốt nghiệp Viện Kinh tế & Công nghệ Melbourne (Melbourne Institute of Business & Technology), anh Đinh Anh Huân – nguyên là đồng sáng lập Thế giới Di động. Năm 2013, anh bán hết cổ phần tại TGDĐ và thành lập công ty Seedcom vào 2014, với mục tiêu ứng dụng các thế mạnh về công nghệ và AI để cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh đến nhiều quốc gia trên thế giới. Trong 7 năm qua, Seedcom đã gieo trồng, chăm sóc thành công nhiều startup như Tiki, Pizza 4P’s, The Coffee House, Juno, Haravan…
Ngày 29/12/2013, Đinh Anh Huân, 33 tuổi, viết trên giấy một loạt việc muốn làm vì nghĩ, cộng hai lần 10 năm nữa, khó có thể thực hiện được. Trong bản danh sách chi chít những gạch đầu dòng, Huân dằn bút: “Phải tìm cách đưa sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam ra thế giới”.
7 tháng sau, Thế giới Di động lên sàn. Sau tuần giao dịch đầu tiên với giá cổ phiếu tăng trần liên tục, với vai trò là cổ đông sáng lập, Huân cùng 10 nhân sự cấp cao khác, được nhìn nhận là những triệu phú đô la mới. Cảm thấy đã đến lúc, anh bán sạch cổ phiếu, thu về 700 tỷ đồng, thành lập Seedcom để đi theo tiếng gọi trái tim. Trong 6 năm, như ý nghĩa của cái tên, Seedcom đã gieo trồng, chăm sóc thành công nhiều startup như Tiki, Pizza 4P’s, The Coffee House, Juno, Haravan… Gần đây, Ficus – Quỹ đầu tư đồng hành cùng Seedcom có trụ sở ở Singapore, cũng do Huân làm Chủ tịch HĐQT đã nhận được 50 triệu USD từ quỹ của Jack Ma.
Cùng theo dõi những chia sẻ của anh Huân về hành trình “gieo hạt” của mình, với nhiều triết lý kinh doanh và khởi nghiệp thú vị:
Điều quan trọng sau khoản vốn 50 triệu USD
– Thị trường đang rất hào hứng khi nghe tin ông nhận được khoản đầu tư tương đối lớn, thế còn cảm xúc của anh?
Cá nhân Huân nhận được nhiều lời chúc mừng từ anh em bạn bè đối tác. Cảm ơn mọi người đã ủng hộ Huân, bản thân Huân lúc này đang vừa vui và vừa lo lắng. Vui vì được mọi người yêu thương và tin tưởng, vì có tài chính để thực hiện những mục tiêu nhưng thực tế công việc lớn đang thách thức với chúng tôi phía trước.
Vòng gọi vốn lần này chỉ là một phần để giúp mình thực hiện những công việc đó. Khoản tiền 50 triệu USD này cũng chỉ góp hơn 10% giá trị của công ty thôi. Trước bên Huân cũng đã gọi vốn từ đối tác như Mizuho Nhật Bản và VIG rồi.
Điều quan trọng với team lúc này là có tiền rồi thì sẽ thực hiện những cam kết ra sao, làm thế nào để kiểm soát được định hướng, mục tiêu trong thời gian tới. Mọi thứ còn ở phía trước và cần tập trung cao độ để làm được điều này.
– Nhiều người đang nói là Ficus khá kín tiếng, không giống như Seedcom dù cùng một chủ tịch. Tại sao vậy?
Ficus là quỹ đầu tư quốc tế có trụ sở ở Singapore, đã đầu tư vào Seedcom hơn 3 năm rồi. Đây là nơi giúp Seedcom huy động vốn và tuyển dụng được nhân tài. Cũng có thể hiểu Ficus là bàn đạp để giúp Seedcom đưa các doanh nghiệp ra thế giới. Để hiện thực hoá giấc mơ mang sản phẩm và dịch vụ Việt Nam sang nước ngoài, một mình Huân không làm được mà cần rất nhiều bên đồng hành, từ nhân tài, đối tác tài chính cùng thực hiện. Còn Ficus kín tiếng hay không thì Huân nghĩ, đây không phải là đơn vị cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, chỉ thực hiện mục tiêu kia thôi, nên đâu cần ai biết đâu.
– Nhắc đến giấc mơ đưa hàng hoá, dịch vụ Việt Nam ra nước ngoài, tại sao anh lại đặt cho mình mục tiêu này?
Cuối năm 2013, Huân ngồi viết ra một danh sách những việc mình muốn làm, cái gì làm cho mình sướng, mình hạnh phúc. Hơn 30 rồi, cộng hai cái 10 năm nữa thì làm gì cũng khó, nên mình viết nhiều thứ lắm!
Năm 2014, may mắn là Thế giới Di động lên sàn thành công, Huân có đủ tài chính để bản thân tự do có thể làm những gì mình thích trong danh sách phía trên. Huân cũng có cơ hội đi nhiều nơi trên thế giới, trải nghiệm nhiều sản phẩm và dịch vụ, từ đó nảy ra câu hỏi, tại sao Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm, dịch vụ để cung cấp ra thế giới. Cá nhân Huân có thể làm gì để đóng góp cho hành trình ấy, rồi khi làm có sướng không. Cái đó chính là động lực thôi thúc để bắt đầu hành trình “gieo hạt”.
Niềm vui của “người gieo hạt”
– Quyết định của anh có được những người xung quanh ủng hộ? Việc rút hoàn toàn khỏi một doanh nghiệp đang lên chắc cũng tạo cho anh nhiều tin đồn?
Trong đầu Huân lúc đó chỉ nghĩ được tự do tài chính rồi thì làm cái gì cho mình sướng. Đó là làm sao mang được sản phẩm Việt Nam ra thế giới, công ty không chỉ kinh doanh trong nước mà còn tại nhiều quốc gia nữa. Đấy không còn là khát vọng kiếm tiền nữa mà là làm cái mình thích. Một khi như vậy thì không quan tâm đến tin đồn hay người khác nghĩ gì đâu. Cái gì làm mình sướng mới là quan trọng!
Cũng may là khi bắt tay vào làm, Huân nhận được nhiều sự ủng hộ của các anh em cộng sự, có chung giấc mơ. Rất nhiều người đã gắn bó, chia sẻ, cùng xây dựng để được Seedcom như hôm nay.
– Nhưng bắt đầu lại ở khi ngoài 30, thời điểm mà nhiều người đã bước vào giai đoạn ổn định, anh không sợ nếu thất bại mình sẽ trắng tay?
Huân không nhìn về thất bại mà chỉ có một câu thôi: “Làm gì kế tiếp để tạo ra kết quả, giá trị”. Vấp ngã, với Huân đó chỉ là trải nghiệm. Với cách nghĩ đó thì mình làm gì cũng không sợ lắm, mình không thể chết đói được. Đứng dậy ra đường tìm việc là sống được rồi, mình có sức khoẻ mà. Như vậy đâu có gì để mất, đâu có gì phải lo đâu!
Hồi mới bắt đầu, cứ chiếu theo danh sách liệt kê, Huân làm mười mấy, hai mươi thứ, cứ thích gì làm đó, mơ gì làm nấy. Phải đến 2017 mới hình dung được là mình có thực lực, khả năng, cơ hội làm cái gì để tập trung vào.
– Làm người đi “gieo hạt”, điều gì khiến anh cảm thấy vui nhất?
Là trở thành một phần nhỏ trong hành trình trưởng thành của những hạt giống đó. Những hạt giống được gieo, là một mảnh trong ước mơ của Huân. Nhưng mong muốn thì nhiều, làm sao thực hiện nổi, mình cũng đâu phải là người giỏi nhất, nên phải tìm đến những người có chung suy nghĩ. Tuỳ trường hợp mà Huân tham gia nhiều hoặc ít, nhưng khi giúp được người khác thành công, mình cũng cảm thấy thành công. Đó là việc khiến Huân thấy tự hào. Ví dụ như Tiki, dù không tham gia từ đầu hay vận hành nhiều, mà chỉ là một phần vốn nhỏ cho Trần Ngọc Thái Sơn, mình vẫn thấy thoả mãn khi nhìn doanh nghiệp lớn mạnh như bây giờ.
Juno, The Coffee House, Haravan đều chuẩn bị “go global”
– Điều khó khăn nhất để đưa sản phẩm, dịch vụ Việt ra nước ngoài như mục tiêu của anh là gì?
Việc đưa doanh nghiệp ra nước ngoài có nhiều khó khăn và thách thức. Ai cũng biết điều này dựa nhiều vào thực lực của từng doanh nghiệp. Không có thực lực, không thể nào ra biển lớn được. Nhưng ngoài yếu tố này, Huân nghĩ còn 2 vấn đề quan trọng khác. Thứ nhất là niềm tin. Phải có niềm tin là doanh nghiệp Việt có khả năng thì mới tạo ra những thương hiệu toàn cầu được. Khi có niềm tin, ắt có cách làm, và sẽ có con đường. Thứ hai là khát vọng. Xây dựng thương hiệu toàn cầu rất khó, cần phải tập trung. Nếu khát vọng không đủ lớn, khi gặp những trở ngại, sẽ dễ dàng từ bỏ.
Hiện Seedcom đang tập trung đưa 3 mảng “go global” là giày dép – quần áo, cà phê và phần mềm vì có niềm tin lớn là mình hoàn toàn có cơ hội.
– Cụ thể Seedcom chuẩn bị những gì?
Như với hàng giày dép, quần áo chẳng hạn, tụi mình phải giải quyết một loạt vấn đề chứ không chỉ là thương hiệu không. Điều quan trọng là bài toán có làm ra được sản phẩm tốt không. Tiếp theo là xây dựng năng lực bán hàng và vận hành hiệu quả, xây dựng năng lực công nghệ, đội ngũ con người để vận hành trên quy mô lớn. Cuối cùng mới đến thương hiệu được khách hàng chấp nhận và muốn chi tiền.
Hiện giờ, các doanh nghiệp trong Seedcom đa phần trong giai đoạn tập trung phát triển về quy mô để tích luỹ tài chính và một số thứ khác trước khi ra nước ngoài.
-Ví dụ với Juno, anh có nói rằng Juno sẽ bán ở Úc trong năm 2021. Kế hoạch này đang như thế nào, nhất là khi dịch bệnh đang phức tạp trên toàn cầu?
Juno đang có những phát triển tốt tại Việt Nam, trong 1 báo cáo gần đây của bên iPrice Group – nền tảng so sánh giá và sản phẩm thì Juno là 1 trong Top 3 thương hiệu được khách hàng quan tâm và tìm kiếm nhiều nhất trong đợt 10.10. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở Việt Nam, Juno cũng ra những bộ sưu tập phù hợp xu hướng, được người dùng quan tâm.
Bên cạnh đó, Juno cũng nhận được nhiều sự quan tâm của đối tác nước ngoài để mở rộng thì trường. Nhưng Covid-19 xảy ra, các kế hoạch này chúng tôi đánh giá là rủi ro, nên chuyển trọng tâm vào thị trường quê nhà, nơi chính phủ Việt Nam kiểm soát dịch rất tốt và chúng tôi có thể chủ động.
– Còn Seedcom và Đinh Anh Huân, trong thời gian tới sẽ ra sao?
Trong 5 năm tới, Seedcom sẽ tập trung vào những cái đang làm và làm cho tốt lên. Tụi mình làm việc đó thông qua cởi mở, học hỏi vì thế giới biến đổi nhanh lắm, tự hào cái là chết liền!
Seedcom sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho The Coffee House thông qua chất lượng sản phẩm, dịch vụ, số lượng cửa hàng, chuẩn bị cho xuất khẩu. Mảng phần mềm cũng tương tự, xây dựng vừa để phục vụ cho các công ty trong Seedcom vận hành tốt, vừa mục tiêu mang đi bán ở nước ngoài.
Với giày dép, quần áo, Seedcom tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng năng lực ở thị trường nội địa và nước ngoài. Làm được những bước này trong 5 năm tới có nghĩa là đã thành công lớn của Seedcom và Huân rồi!
Theo dõi bài phát biểu của Chủ tịch Seedcom tại đây:
Quỳnh Anh (tổng hợp)
Xem thêm và các diễn giả tại Hội thảo Giáo dục FUNiX “Đào tạo nhân lực cho Cách mạng 4.0”:
- Nguyễn Trần Nhàn: Thành công từ lối rẽ ngang IT và bí quyết tạo động lực
- Giám đốc Nhà thông minh Lumi: đam mê khởi nghiệp đến giấc mơ toàn cầu
- Phạm Hồng Quân và giấc mơ khởi nghiệp từ ngành game
- Đinh Anh Huân: Người “gieo hạt giống” tại Seedcom
- CTO KardiaChain Huy Nguyễn chia sẻ về “Tương lai của thế giới Crypto”
- Nguyễn Trần Nhàn: Thành công từ lối rẽ ngang IT và bí quyết tạo động lực
- Vũ Hồng Chiên và tham vọng thung lũng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn
Bình luận (0
)