5 sự thật về trí tuệ nhân tạo: AI xuất hiện từ bao giờ?  | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

5 sự thật về trí tuệ nhân tạo: AI xuất hiện từ bao giờ? 

Chia sẻ kiến thức 06/12/2021

Ý tưởng về AI (artificial intelligence – trí tuệ nhân tạo) đã xuất hiện lâu hơn bạn tưởng rất nhiều!

Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày, xuất hiện trong điện thoại, mạng an ninh, thậm chí cả ô tô. Nhưng AI bắt nguồn từ đâu, và tương lai của nó sẽ ra sao? Đây là một số sự thật thú vị có thể bạn chưa biết về trí tuệ nhân tạo.

1. AI được lên ý tưởng lần đầu tiên vào những năm 1600

Trong khi người Hy Lạp cổ đại nhắc tới “robot thông minh” trong thần thoại, thì trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên được Gottfried Wilhelm Leibniz, một nhà toán học và triết học người Đức, lên ý tưởng vào cuối thế kỷ XVII.

Khi Leibniz mới 20 tuổi, ông đã đưa ra một lý thuyết có thể được sử dụng để cho phép một cỗ máy tự động sáng tạo ra ý tưởng. Về cơ bản, ông đã đưa ra lý thuyết rằng tất cả suy nghĩ của con người đều có thể định lượng và là sự kết hợp tinh tế của những khái niệm cơ bản. Do đó, Leibniz gợi ý rằng sự kết hợp này có thể được nhân rộng để cung cấp cho một cỗ máy khả năng làm điều tương tự.

Leibniz đặt tên cho cơ chế lý thuyết này là ” công cụ lý trí vĩ đại” và đưa ra lý thuyết rằng nó có thể trả lời bất kỳ và tất cả các câu hỏi đặt ra cho nó. Tuy nhiên, ý tưởng về một cỗ máy biết suy nghĩ đã được xem xét lại. Nhiều người tin rằng suy nghĩ của con người là một dạng biểu hiện tâm linh, không thể bị lặp lại, chứ không phải một thứ gì đó thuộc về khoa học.

Như bạn có thể đoán, Leibniz đã không thành công trong việc tạo ra “công cụ lý trí vĩ đại” này và chúng ta vẫn chưa thấy một cỗ máy nào có thể trả lời tất cả các câu hỏi. Tuy nhiên, vẫn còn thời gian cho việc đó, phải không?

2. Thuật ngữ “Trí tuệ nhân tạo” được đặt ra vào năm 1956

Trong khi các khái niệm xung quanh trí tuệ nhân tạo đã được thảo luận trong nhiều thế kỷ, bản thân thuật ngữ này không có tên chính thức cho đến tận năm 1956, tại một hội nghị tại Đại học Dartmouth (New Hampshire, Mỹ). Tại hội nghị này, lĩnh vực AI, cùng với đó là thuật ngữ này, đã chính thức ra đời. Tại hội nghị này, Allen Newell, Cliff Shaw và Herbert Simon đã giới thiệu với khán giả chương trình Logic Theorist (Nhà lý thuyết Logic) của họ, được thiết kế để tái tạo các quá trình tư duy và giải quyết vấn đề hiện có trong tâm trí con người.

Sau khi được giới thiệu tới chương trình Logic Theorist, Marvin Minsky, một nhà nghiên cứu về trí tuệ con người tại đại học MIT, cùng với một số nhà nghiên cứu và nhà khoa học nổi tiếng khác đã thể hiện niềm tin của họ đối với công nghệ này. Alan Turing, một nhà toán học người Anh, cũng đã viết một bài báo về trí tuệ nhân tạo vào những năm 1950 và thảo luận về việc xây dựng những cỗ máy tư duy độc lập và kiểm tra trí thông minh của chúng.

3. Ngày nay AI có thể được tìm thấy ở mọi nơi

Mặc dù chúng ta vẫn chưa thấy máy móc hoặc rô bốt toàn năng có khả năng hoạt động giống như con người, nhưng công nghệ AI đang được phát triển và cải tiến theo từng năm, và nó đã được sử dụng theo những cách khác nhau trong nhiều ngành công nghiệp.

Đầu tiên, hãy nhìn vào chiếc điện thoại thông minh của bạn! AI được sử dụng trong trợ lý giọng nói, có thể là Siri, Bixby, Cortana hoặc Alexa. Các trợ lý ảo này sử dụng AI để hiểu giọng nói của bạn và đưa ra quyết định dựa trên những gì bạn yêu cầu hoặc hướng dẫn. Tính năng nhận diện khuôn mặt trên điện thoại cũng sử dụng AI, cũng như trong các chương trình nhận dạng vật thể khác (ví dụ như chương trình được cung cấp bởi Bixby Vision của Samsung).

Cũng có thể tìm thấy sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo trong ô tô! Công ty ô tô điện nổi tiếng Tesla sử dụng AI trong chức năng lái tự động, cho phép ô tô của họ xem những đoạn đường sắp tới và đưa ra những quyết định dựa trên thông tin hệ thống thu được. Tesla gần đây cũng đã cho ra mắt Tesla Bot mới, hoạt động dựa trên AI. Chiếc máy này được thiết kế để thực hiện những công việc tẻ nhạt, không thú vị mà con người thường không quan tâm. Ai biết được, một ngày nào đó, con bot này có thể gấp quần áo cho bạn thì sao!

4. AI còn cách sự hoàn hảo rất xa

Trong khi các nhà khoa học và kỹ sư chắc chắn đang đạt được một số bước tiến lớn trong lĩnh vực AI, công nghệ này vẫn chưa đạt đến đỉnh cao. Chúng ta vẫn chưa thể phát triển một cỗ máy có thể suy nghĩ theo cách giống như con người và chắc chắn còn khá lâu nữa mới có thể tạo ra loại robot chạy bằng năng lượng AI được thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.

Một yếu tố quan trọng của AI là học máy (machine learning). Thuật ngữ này khá dễ hiểu, nó liên quan đến việc một cỗ máy học hỏi một cách độc lập, xây dựng kiến ​​thức và kinh nghiệm cũng như thích ứng được với các tình huống phát sinh. Những thiếu sót trong lĩnh vực này đặt ra những hạn chế về khả năng của trí tuệ nhân tạo.

Vậy, AI chưa làm được những gì?

Thứ nhất, AI vẫn chưa thể xử lý các tình huống giống như cách con người làm, bởi vì AI không có cái được gọi là “thường thức” (common sense). Điều này hạn chế rất nhiều nhiệm vụ mà AI có thể thực hiện và những khái niệm mà nó có thể hiểu được. AI cũng chưa có khả năng ứng biến tốt. Điều này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng hoạt động của AI.

Một thuộc tính mà (hầu hết) con người có mà AI không có là khả năng đạo đức. AI không có giá trị cốt lõi hoặc đạo đức của riêng nó, và vì vậy nó không thể đưa ra quyết định dựa trên những điều tốt đẹp. Tất cả những yếu tố trên kết hợp lại khiến AI vẫn còn khá thô sơ so với con người.

Tuy nhiên, AI thực sự có cả một tương lai phía trước khá thú vị và đầy hứa hẹn. Nhưng điều này có nghĩa là trí thông minh nhân tạo và khả năng của máy móc ngày ngày càng phát triển tích cực. Và, nếu bạn là một fan của phim khoa học viễn tưởng, bạn sẽ biết rằng điều này có khả năng sẽ gây ra sai lầm.

5. Con người đang sợ hãi AI

Hiện tại, con người đang là sinh vật thông minh nhất trên hành tinh. Nhưng nếu AI tiếp tục phát triển với tốc độ như hiện tại, loài người có thể sẽ phải đối mặt với một sinh vật thông minh hơn chúng ta rất nhiều, trong vài thập kỷ tới. Nói cách khác, chúng ta sẽ đạt được “điểm kỳ dị công nghệ” (technological singularity – điểm quy chiếu giả định xảy ra khi nền công nghệ phát triển gia tốc khiến cho AI vượt qua trí tuệ và khả năng khống chế của con người).

Vậy, tại sao điều này lại là một nguy cơ? Như bạn có thể đoán, một cỗ máy có thể hoạt động với tốc độ hoặc mức độ thông minh cao hơn chúng ta có thể sẽ là một mối đe dọa to lớn đối với nhân loại. Đã có rất nhiều người lo sợ khả năng này.

Trong một cuộc khảo sát của Statista năm 2019 , 46% người Mỹ nghĩ rằng việc đạt được “điểm kỳ dị công nghệ” sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực hoặc tận thế. Trong số tất cả những người tham gia khảo sát, chỉ 27% tin rằng điều này sẽ mang lại kết quả tích cực cho nhân loại. Kết quả khảo sát tương tự được thực hiện ở Anh, với 60% người dân sợ hãi AI.

Xem xét tới việc có rất nhiều người lo sợ về những hệ quả có thể tạo ra bởi AI, rõ ràng rằng việc đạt đến “điểm kỳ dị công nghệ” sẽ tạo ra một số chia rẽ trong xã hội, bản thân nó có thể là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, hiện tại, AI vẫn còn khó có thể hiểu được những gì bạn đang nói, vì vậy đừng quá lo lắng.

Khả năng của AI là vô tận!

Cho dù định kiến ​​về AI giữa mỗi người là khác nhau, nhưng sự phát triển không ngừng của AI chắc chắn sẽ tạo lối đi cho nhiều công nghệ tiên tiến khó tin khác. Robot thông minh, ô tô tự lái, không có giới hạn cho những gì AI mang tới cho chúng ta trong tương lai. 

Dương Hoàng (theo Makeuseof)

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!