3 thái độ sẽ “chôn chân” bạn ở những công việc lương thấp, không triển vọng
Thái độ lười biếng là một trong những thái độ tệ hại nhất của những người có công việc lương thấp, thu nhập bấp bênh mà không chịu tìm cách thay đổi.
Table of Contents
Nhiều người có một công việc lương thấp, nhàm chán, họ hiểu rất rõ hoàn cảnh của mình nhưng thay vì nỗ lực vươn lên, họ lại chọn thái độ tiêu cực khiến bản thân mãi không thể tiến bộ hơn.
Than thở, đổ lỗi cho hoàn cảnh
Một trong những phản ứng khá tệ của người có công việc lương thấp là than thở, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Họ tìm ra rất nhiều lý do để biện mình cho tình cảnh nhận lương thấp của mình như: Chọn sai ngành, sai nghề; không có “nhà mặt phố, bố làm to”, không có người quen “chống lưng”, không sinh ra ở vạch đích..
Họ thường đổ lỗi cho hoàn cảnh để chứng minh bản thân có công việc lương thấp, có công việc tệ chỉ vì… không được như ý. Họ không chịu nhìn nhận rằng mình có công việc chưa như kỳ vọng là vì sự thiếu năng động của chính bản thân, hay do năng lực của chính mình có hạn.
Người hay than thở, đổ lỗi cho hoàn cảnh còn khiến những người xung quanh mệt mỏi vì những luận điệu quen thuộc của họ. Và tất nhiên, chừng nào còn đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh, không nhìn sâu vào chính mình để cải thiện chính mình, thì họ còn luẩn quẩn với cái vòng công việc kém phát triển, công việc lương thấp, thậm chí là có thể mất việc một ngày nào đó mà chính họ cũng không ngờ đến.
So sánh với người khác
So sánh với người khác, tô vẽ bản thân mà không chịu nỗ lực, khiến những người nhận lương thấp luôn ở trong một cảm giác “an toàn giả tạo”. Đó là, họ cho rằng công việc của mình vẫn tốt hơn nhiều người rất nhiều; dù công việc lương thấp, không như kì vọng, nhưng công việc nhàn nhã, yên ổn.
Họ không nhận ra mình đã “dậm chân tại chỗ” quá lâu: Không cải thiện được kiến thức, kĩ năng; không gia tăng được kiến thức chuyên môn; không có thêm những mối quan hệ giá trị. Công việc với họ, đơn thuần là đến văn phòng/ nơi làm việc rồi trở về nhà mệt lử, cảm thấy mọi thứ bình bình, tàm tạm.
So sánh với người hơn mình, thì họ có góc nhìn ghen tị, dèm pha, cho rằng họ có đột phá sự nghiệp là nhờ quan hệ hay tiền tệ. Với người còn khó khăn hơn mình, thì họ tin rằng mình đã giỏi hơn, may mắn hơn, không cần cố gắng.
Thái độ này tạo ra sự bằng lòng nửa vời, khiến họ không đủ dũng cảm để thay đổi công việc, sự nghiệp; mặt khác sẽ kéo họ xuống bởi sự cạnh tranh và phát triển không ngừng của xã hội hiện nay.
Lười biếng dù công việc lương thấp
Thái độ lười biếng là một trong những thái độ tệ hại nhất của những người có công việc lương thấp, thu nhập bấp bênh mà không chịu tìm cách thay đổi.
Họ lười biếng làm công việc của mình tốt hơn, vì sợ hao công, tổn sức. Họ sợ mình thiệt mà không dành tâm huyết cho công việc: Làm một cách quấy quá cho xong; không nhằm tạo ra giá trị.
Người lười biếng luôn chỉ lựa chọn đường tắt, sự nhẹ nhàng, không quan tâm đến sự phát triển lâu dài của tổ chức và chính mình. Vì thế, công việc của họ không nhiều giá trị. Mọi người ở nơi làm việc dễ dàng nhận ra sự lười biếng của họ, và tất nhiên, sẽ không có nhiều cơ hội cho họ tăng lương, thăng chức.
Người lười biếng cũng ngại thay đổi, ngại phấn đấu. Vì thế họ cứ chần chừ, mệt mỏi, để rồi bị ràng buộc bởi sự nghiệp “chẳng có gì”, ngoài mức lương có thể còn không đủ sống. Về lâu dài, sự lười biếng sẽ khiến họ sa sút, thụt lùi trong sự nghiệp.
Nếu bạn nhận thấy mình đã – đang có những thái độ trên đây, thì hãy mau chóng thay đổi để có thể tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Hãy bắt đầu từ chính mình: Giữ thái độ tích cực, hành xử tích cực, tâm thế tích cực để tạo dựng một sự nghiệp xứng đáng, dù có khó khăn, thử thách.
Quỳnh Anh
Bình luận (0
)