Dòng lệnh Linux là gì? Bạn sử dụng nó như thế nào? | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Dòng lệnh Linux là gì? Bạn sử dụng nó như thế nào?

Chia sẻ kiến thức 05/03/2022

Trên hầu hết các máy tính Linux, bạn có lựa chọn mở cửa sổ và nhập các lệnh yêu cầu máy của bạn thực hiện các nhiệm vụ. Đôi khi, khi máy tính của bạn đang khởi động hoặc nếu có sự cố nào đó, giao diện dựa trên văn bản này sẽ chiếm toàn bộ màn hình của bạn. Đây là dòng lệnh (command line) Linux. Hãy cùng FUNiX tìm hiểu về nó nhé.


Dòng lệnh (command line) Linux có tuổi đời nhiều hơn hơn các giao diện desktop khác, nhưng có một lý do khiến nó vẫn tồn tại và được sử dụng rộng rãi. 

1. Sơ lược về lịch sử dòng lệnh

Giao diện bạn sử dụng để xem và tương tác với hệ điều hành, dù là dạng văn bản hay dạng đồ họa, được gọi là shell. Các shell đầu tiên dựa trên văn bản. Điều này là do máy tính điện tử đầu tiên không phải là thiết bị phổ biến như ngày nay mà là những máy tính lớn (mainframe) khổng lồ chiếm cả một căn phòng. 

Khi đó, sức mạnh máy tính khá thấp và kết nối mạng rất chậm. Bạn có thể lưu trữ rất nhiều file (tệp) và nhiều người dùng có thể đăng nhập đồng thời vào hệ thống qua kết nối chậm khi bạn chỉ làm việc với văn bản.

Năm 1969, Dennis Ritchie và Ken Thompson tại Bell Labs đã phát triển hệ điều hành Unix, một trong những hệ điều hành máy tính lớn đầu tiên được áp dụng rộng rãi.

Unix hoạt động trên các mainframe như một hệ thống dùng chung, với người dùng tương tác với máy tính từ các thiết bị đầu cuối (terminal) riêng lẻ chỉ bao gồm bàn phím và màn hình. Người dùng thực hiện mọi thứ từ tạo file đến truyền dữ liệu bằng cách sử dụng shell để nhập các lệnh, các lệnh này sau đó sẽ được mainframe diễn giải.

Nếu có vấn đề, quản trị viên hệ thống có thể kiểm tra thông qua bảng điều khiển (console), một thiết bị nhập văn bản và hiển thị chuyên dụng được sử dụng cho các thông báo liên quan đến hệ thống, chẳng hạn như thông báo liên quan đến BIOS, bộ nạp khởi động (bootloader) hoặc hạt nhân (kernel). Linux là một hệ thống giống Unix, sao chép nhiều chức năng của Unix, nhưng lại là phần mềm miễn phí ai cũng có thể sử dụng. 

Shell Thompson (do Ken Thompson viết) là shell đầu tiên của Unix, nhưng Bourne shell đến từ Stephen Bourne vào năm 1979 đã thay thế nó. Năm 1989, trong Dự án GNU, Brian Fox tạo ra Bourne Again shell (viết tắt là bash) như một phần mềm thay thế miễn phí cho Bourne shell. Đây là shell mặc định cho hầu hết các hệ điều hành Linux ngày nay.

Vì vậy, chúng ta có một số tên vẫn thường được sử dụng cho dòng lệnh ngày nay: dòng lệnh, shell, terminal, console và bash.

2. Cách sử dụng Dòng lệnh Linux

Để bắt đầu, bạn chỉ cần nhấp vào ứng dụng dòng lệnh của bản phân phối Linux của mình. Đối với nhiều người, ứng dụng này có tên đơn giản là “Terminal”. Đó là bởi vì các ứng dụng về cơ bản là phiên bản ảo hiện đại của thiết bị đầu cuối (terminal) Unix đầu tiên.

Một cửa sổ terminal trống dường như không hiển thị nhiều, nhưng nó cung cấp cho bạn ba thông tin: tên người dùng, tên máy chủ (PC cục bộ hoặc máy chủ từ xa) và thư mục hiện tại của bạn (theo mặc định, đây chính là thư mục chính của bạn, được biểu thị bằng dấu ~). $ đánh dấu sự kết thúc của lời nhắc (prompt).

Khi bạn nhập một lệnh vào terminal và nhấn Enter, kết quả thường xuất hiện ngay lập tức. Nhiều lệnh phổ biến rất ngắn, chẳng hạn như lệnh cd để thay đổi thư mục, ls để liệt kê các tệp trong thư mục hiện tại hoặc rm để xóa tệp.

Hầu hết các lệnh tuân theo một cú pháp tiêu chuẩn. Công thức như sau:

command option target

Đích thường là một tệp hoặc một thư mụcĐây là một ví dụ sử dụng lệnh ls:

ls -a Downloads

Trong đoạn mã nói trên, ls là lệnh (command), -a là tùy chọn (option) và Downloads là thư mục mà lệnh của bạn đang nhắm đến. 

Vậy lệnh này làm gì? Theo mặc định, ls liệt kê tất cả các tệp hiển thị trong thư mục hiện tại của bạn. Tùy chọn -a cho ls biết cần hiển thị các tệp hoặc thư mục ẩn. Thư mục đích Downloads yêu cầu ls liệt kê các tệp trong thư mục Downloads thay vì thư mục bạn hiện đang làm việc.

3. Tại sao bạn có thể muốn sử dụng dòng lệnh?

Một số tác vụ đơn giản là nhanh hơn khi được thực thi qua dòng lệnh. Ví dụ như quản lý phần mềm. Nếu bạn biết tên chính xác của ứng dụng bạn muốn, việc nhập lệnh cài đặt vào một thiết bị đầu cuối sẽ nhanh hơn là mở cửa hàng ứng dụng Linux. 

Nhập lệnh apt hoặc dnf nhanh hơn so với sử dụng bất kỳ cửa hàng ứng dụng nào, bao gồm cả các cửa hàng ứng dụng trên Windows, macOS, Android hoặc iOS. Dòng lệnh cũng có xu hướng cung cấp nhiều thông tin hơn trong quá trình này.

Dòng lệnh cung cấp các cách nhanh chóng để thực hiện các tác vụ cụ thể mà bạn lặp lại định kỳ, chẳng hạn như sao chép ổ cứng hoặc đổi tên một số lượng lớn ảnh. Có những ứng dụng đồ họa để thực hiện những điều này, nhưng nếu bạn luôn thực hiện những nhiệm vụ này theo cách giống hệt nhau, việc chỉ cần nhập một lệnh duy nhất có thể tiết kiệm nhiều thời gian. Bạn thậm chí có thể tự động hóa các tác vụ này bằng cách viết một tập lệnh (script).

Một số lệnh khởi chạy giống như các ứng dụng chạy bên trong terminal, chẳng hạn như lệnh top có thể thay thế công cụ giám sát hệ thống đồ họa của bạn.

Biết cách sử dụng terminal cũng mở rộng loại phần cứng bạn biết cách sử dụng. Ví dụ: bạn có thể thiết lập máy chủ của riêng mình, tại nhà hoặc từ xa. Có thể bạn quyết định biến một chiếc Raspberry Pi hoặc một chiếc máy tính xách tay cũ mà bạn đang sử dụng thành một thiết bị lưu trữ đám mây của riêng bạn.

Và nếu vì bất cứ lý do gì mà máy tính của bạn không khởi động được, thì kiến ​​thức về dòng lệnh sẽ tăng khả năng bạn có thể tự sửa chữa hệ thống của mình mà không cần phải cài đặt lại hệ điều hành.

4. Linux có yêu cầu dòng lệnh không?

Hiện tại bạn không cần biết cách dùng dòng lệnh thì mới có thể sử dụng Linux. Do các ứng dụng và môi trường desktop có sẵn, Linux cũng dễ sử dụng như bất kỳ hệ điều hành nào khác, nếu không muốn nói là dễ hơn.

Nhưng mặc dù việc học dòng lệnh là không cần thiết, nhưng như bài viết này đã cho thấy, nó cũng mang lại rất nhiều lợi ích. 

Dịch từ: https://www.makeuseof.com/what-is-linux-command-line/

>>> Nếu bạn đang có nhu cầu học lập trình trực tuyến, tìm hiểu ngay tại đây:

>>> Xem thêm các chủ đề hữu ích:

Vân Nguyễn

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại