PGS ĐH Deakin (Úc): Trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thế Truyền, Đại học Deakin – Australia chia sẻ quan điểm, đánh giá của anh về vai trò, tiềm năng của công nghệ Trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
- Giải pháp đào tạo nhân sự doanh nghiệp trong kỷ nguyên AI
- Muốn làm lập trình viên thì học ngành gì và học ở đâu?
- Thuật toán phát hiện nói dối bằng AI: Vũ khí mới trong cuộc chiến chống tội phạm
- Vai trò của AI trong chẩn đoán bệnh về mắt
- Vai trò của AI trong dự đoán sự sống ngoài Trái Đất
Table of Contents
Trả lời phỏng vấn FUNiX, PGS Trần Thế Truyền cho rằng Trí tuệ nhân tạo là một công nghệ có tính phổ quát (general-purpose technology), nghĩa là nó không phải để đạt một mục tiêu cụ thể. Tầm ảnh hưởng của AI có thể sánh với động cơ hơi nước trong cách mạng công nghiệp lần đầu, và điện năng trong đời sống hiện đại. AI sẽ thâm nhập vào hầu hết các mặt của đời sống.
“Là công nghệ không có biên giới, vì thế AI có thể được tạo ra ở bất kỳ đâu và dùng ở mọi nơi. Tôi cho rằng Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn để xây dựng một hệ sinh thái AI, và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó đóng góp xứng đáng vào GDP” – anh nhận định.
Theo PGS Truyền, có nhiều lý do để có thể tin như vậy.
Thứ nhất, Trí tuệ nhân tạo dù ở diện hẹp (narrow AI) như hiện nay đã chín mùi do sự phát triển của hướng học máy (machine learning), đặc biệt là học sâu (deep learning).
Đã có một hệ sinh thái công nghệ AI đầy đủ mà từ đó một kỹ sư lập trình trung bình, với năng lực Toán ở mức đại học kỹ thuật trung bình, có thể học và thực hành kỹ năng ứng dụng hiệu quả trong giải quyết các bài toán thực tiễn trong khoảng thời gian ngắn, từ 3 tháng đến 2 năm, tùy theo độ chuyên sâu.
Thứ hai, điểm mấu chốt nhất của phát triển AI ở mức công nghiệp là nguồn nhân lực, hệ thống đào tạo nhân lực, và chương trình sử dụng nhân lực đã qua đào tạo.
Về nguồn nhân lực, Việt Nam có một lực lượng tiềm năng rất lớn các bạn trẻ ngành công nghệ, hoặc từ các ngành khác chuyển đổi qua CNTT. Về đào tạo, hiện ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu tập trung ở nhiều trình độ. Ví dụ đào tạo ở mức nghiên cứu tinh hoa, nghĩa là việc đào tạo ra những người sẽ tham gia vào chuỗi giá trị tạo ra phương pháp luận AI mới, đã xuất hiện một số nhân tố mới, ví dụ như Viện nghiên cứu VinAI.
Ở mức độ ứng dụng, đã xuất hiện ngày càng nhiều các chương trình đào tạo dành cho kỹ sư công nghệ thông tin từ bằng cấp chính quy (như Đại học Bách Khoa) đến ngắn hạn. Về sử dụng nhân lực, rất nhiều công ty công nghệ và dịch vụ lớn đang chuyển mình qua việc thành lập các đơn vị chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo, và qua đó sử dụng một lượng nhân lực Trí tuệ nhân tạo lớn.
Thứ ba, về tổng thể, nền kinh tế và vận hành mọi mặt trong đời sống của chúng ta có thể được thúc đẩy bởi ứng dụng AI.
Điều kiện tiên quyết phải chuyển đổi số thành công và xây dựng một cơ sở hạ tầng dữ liệu và tính toán. Một nền kinh tế số là điều kiện lý tưởng để Trí tuệ nhân tạo phát triển và thể hiện vai trò tự động hóa của nó thông qua hai năng lực căn bản là dự báo và tối ưu hóa. Tôi ước đoán những lĩnh vực sẽ hưởng lợi lớn từ Trí tuệ nhân tạo bao gồm hành chính công, quốc phòng, bảo vệ pháp luật, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch và hậu cần.
PGS Trần Thế Truyền một lần nữa khẳng định bởi Trí tuệ nhân tạo không có biên giới, nghĩa là sản phẩm Trí tuệ nhân tạo người Việt tạo ra hoàn toàn có thể hướng tới khách hàng toàn cầu. Tương tự thì Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút nhân lực quốc tế làm việc cho mình mà không cần họ phải cư trú tại Việt Nam.
Quỳnh Anh (ghi)
Bình luận (0
)