Học thuộc lòng và kinh nghiệm thi môn Lab 101x Chứng chỉ 2

Học thuộc lòng và kinh nghiệm thi môn Lab 101x Chứng chỉ 2

Chia sẻ kiến thức 17/06/2021

Bài viết dưới đây chia sẻ kinh nghiệm với mẹo học thuộc lòng để ghi nhớ của anh Lê Hải Thiện - sinh viên FUNiX cũng như trải nghiệm của anh Thiện về 3 bài Review Assignment (ASM) 2, 3, và 4 môn Lab 101x của Chứng chỉ 2 - Lập trình di động.

Đây là bài viết tiếp theo bài “Kinh nghiệm thi lab và 5 lời khuyên giúp xTer thi tốt” của anh Lê Hải Thiện – một Luật sư, đồng thời là sinh viên FUNiX. Anh Thiện chia sẻ khá kỹ về kinh nghiệm thi cử của mình với các đồng môn, trong đó nhắc tới kỹ năng học thuộc lòng  để ghi nhớ.

1. Quá trình chuẩn bị, cách thi, kết quả thi

Rút kinh nghiệm lần thi “suýt rớt” trước đó, mình chuẩn bị khá  kỹ. Mình đã học thuộc lòng các bài trên HackerRank. Quá trình luyện tập thì dùng editor không có chức năng gợi ý và đoán code, lấy đồng hồ ra bấm giờ. Bằng mọi giá phải đảm bảo code xong mỗi bài tối đa là 5 phút (trừ những bài quá dài và phức tạp như Visitor Pattern thì phải là 15 phút).

Đối sách học thuộc lòng quả thực hiệu nghiệm. Kết quả là cả 3 ASM mình đều được 10 điểm.

Ba bài ASM được review bởi 3 mentors vào 3 ngày khác nhau. Cách review có thể khái quát thành hai trường phái:

Trường phái 1 là review để kiểm tra xem học viên có hiểu code hay không. Phương pháp review là mentor sẽ yêu cầu mở đoạn code trước đây làm ra, rồi căn cứ vào đó đặt các câu hỏi về khái niệm, hỏi xoáy, đáp xoay vào các điểm hóc búa xem có hiểu để trả lời hay không. Bài ASM 2 và 3 của mình là được review theo cách này.

Trường phái 2 là review để kiểm tra xem học viên có thể thực hành được hay không. Phương pháp review là mentor sẽ không hỏi gì hết! Mentor sẽ chỉ gửi link bài trên HackerRank và bấm giờ. Không cần lý thuyết hay khái niệm gì hết, chỉ cần code được là được. Bài ASM 4 của mình là được review theo cách này.

2. Học thuộc lòng như thế nào

Đối sách học thuộc lòng nghe tào lao, nhưng thực tế là hiệu nghiệm. Thực ra việc học thuộc lòng các bài trên HackerRank là không khó. Đối với mỗi bài, chỉ cần phải nhớ đề bài yêu cầu gì, input từ stdin vào theo thứ tự nào, các cấu trúc dữ liệu cần dùng, và thứ tự các bước để giải. Nói ngắn gọn, đó là học thuộc lòng yêu cầu đề bài và thuật toán.

hoc-thuoc-long
Anh Lê Hải Thiện – sinh viên FUNiX chia sẻ kinh nghiệm dùng phương pháp học thuộc lòng để ghi nhớ vào việc học và thi tại FUNiX.

Các cú pháp, method, class của một ngôn ngữ lập trình không khó để nhớ nếu anh em khá về tiếng Anh. Các từ khóa như abstract, interface, implements, extends, Exception, throwable… đều có ý nghĩa nhất định. Muốn nhớ phải hiểu ý nghĩa của những từ này trong tiếng Anh. Nếu các từ khóa này được viết bằng tiếng Ả Rập, chắc chắn mình sẽ không thể nhớ nổi nếu không biết tiếng Ả Rập.

Việc đã từng học qua một ngôn ngữ khác cũng giúp việc ghi nhớ diễn ra nhanh hơn. Ví dụ, mình không thấy OOP trong Java là khó, bởi vì trước đây khi học về Python thì mình đã thành thạo OOP trong Python rồi. Trong quá trình học Java, mình gặp một số khó khăn nhất định vì cách tiếp cận của Java khác Python. Do vậy, sau khi mình hoàn thành tất cả các bài ASM và LAB môn Java, mình tự bỏ ra hơn một tháng học về quản lý dữ liệu trong C, chứ không đăng ký review ngay. Quả thực sau khi học về quản lý dữ liệu trong C, các sách về Java trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều.

3. Phương pháp bá đạo để ghi nhớ

Thực ra học thuộc lòng không khó, nếu anh em hiểu về cách não bộ hoạt động và phương pháp để ép não phải ghi nhớ.

Trên thế giới có 2 loại người có trí nhớ thuộc hàng “siêu nhân”. Loại người thứ nhất là những người có đột biến trong não, tạo ra khả năng ghi nhớ. Bạn có thể tưởng tượng nổi một người có thể đọc một lần mà có thể nhớ từng chữ của một cuốn danh bạ điện thoại cả ngàn trang? Và anh ta vẫn nhớ như in khi được hỏi lại sau nhiều năm? Khoa học xem những người này là bị mắc “hội chứng bác học” (tiếng anh là “savant syndrome”). Thường thì khả năng siêu nhân sẽ xuất hiện kèm theo các bệnh về tâm lý làm cuộc sống họ bị đảo lộn. Nếu bạn Google thuật ngữ “savant syndrome”, bạn sẽ tìm thấy các tài liệu mô tả về họ. Hãy xem clip về những người này, để biết khả năng thực sự của não bộ là kỳ dị đến mức nào.

Loại người thứ hai là những vận động viên về trí nhớ. Họ là những người có bộ não bình thường, nhưng am hiểu về cách thức hoạt động của não bộ, Họ luyện tập các phương pháp để “mã hóa” các thông tin thô, giúp cho não bộ ghi nhớ tốt hơn. Anh em muốn tăng cường khả năng ghi nhớ để hoàn thiện kết quả học tập, nhất định phải tìm hiểu về các phương pháp ghi nhớ từ những bậc thầy này.

Có một cuốn sách mình đã đọc qua nhiều năm trước đây, có tựa là “Moonwalking with Einstein.” Cuốn này do một nhà báo viết. Anh ta viết để chia sẻ về quá trình anh ta luyện tập để giành giải vô địch về trí nhớ thế giới. Bản ebook tiếng Anh thì có miễn phí trên mạng, anh em nào quan tâm thì tìm nhé. Sách này đã được dịch ra tiếng Việt.

4. Có nên học thuộc lòng tất cả

Áp dụng các phương pháp ghi nhớ sẽ giúp nhớ chính xác hơn, nhưng anh em vẫn sẽ phải đầu tư một lượng thời gian đáng kể để thực hành “mã hóa” thông tin vào não. Nếu nạp quá nhiều thông tin vào não thì cần nhiều thời gian hơn, cái giá phải trả đó chính là thời gian và sức tập trung.

Tất nhiên, thay vì bỏ thời gian ra ghi nhớ, anh em có thể dùng thời gian đó để đọc thêm vài cuốn sách mở mang kiến thức. Thậm chí có thể dùng Google để search tìm thông tin cho nhẹ đầu, khỏi mất thời gian ghi nhớ làm gì.

5. Vài suy nghĩ rút ra sau 2 tuần dùng cách học thuộc lòng để thi

Hai tuần áp dụng học phương pháp học thuộc lòng để đối mặt với thi cử, mình có ít thời gian hơn dành cho việc đọc các sách khác (ví dụ, những cuốn sách về Design Patterns trong Java, hay đọc thêm các sách về Android để chuẩn bị cho môn tiếp theo).

Do không có thời gian tìm tòi cái mới trong các sách khác, nên cảm thấy việc lập trình cũng kém hứng thú đi. Mình quyết định sẽ không học thuộc lòng nữa. Để dành đầu óc nhẹ nhàng và thời gian trống để đọc sách thì hơn.

Lê Hải Thiện (SN 1988) hiện là Luật sư tại Tp.HCM. Anh theo học FUNiX từ tháng 6/2020, nhanh chóng hoàn thành Chứng chỉ 1 – Công dân số và giành được Học bổng Học nhanh. Anh tiếp tục chinh phục chứng chỉ 2, và hiện tại đang theo học khóa Lập trình IoT tại FUNiX. 

Anh Thiện là một học viên năng nổ với nhiều đóng góp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cộng đồng sinh viên FUNiX.

>>> Nếu bạn đang có nhu cầu học lập trình trực tuyến, tìm hiểu ngay tại đây:

>>> Xem thêm các chủ đề hữu ích:

Quỳnh Anh (ghi)
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
FUNiX V2 GenAI Chatbot ×

yêu cầu gọi lại