Học thông minh là đòi hỏi cấp thiết trong tương lai | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Học thông minh là đòi hỏi cấp thiết trong tương lai

Tin tức 02/05/2019

VnExpress – Thay vì tích lũy nhiều kiến thức, việc học trong tương lai yêu cầu khả năng tư duy nhiều chiều và kết hợp thông tin đa dạng thành một bức tranh lớn.

Sự phân rã của tri thức

Theo trang Medium, ngày nay, các câu trả lời luôn có giá trị thấp hơn các câu hỏi. Nguyên nhân là do câu trả lời đang ngày càng nhiều lên. Lượng dữ liệu chúng ta tạo ra riêng trong năm 2013 bằng tổng tất cả những năm trước gộp lại. Xu hướng đó vẫn tiếp tục, với tổng số thông tin tăng khoảng gấp đôi mỗi năm.

Tác giả nhiều đầu sách kinh tế Michael Simmons đã khái quát đằng sau nền kinh tế tri thức: Bạn cần học ít nhất năm giờ một tuần chỉ để theo kịp lĩnh vực hiện tại của bạn, và sẽ cần nhiều hơn nếu muốn tiến lên.

Bằng cử nhân ở hầu hết nước châu Âu gồm 180 tín chỉ, mỗi tín chỉ mất khoảng 30 giờ tự học. Tổng thời gian là 5.400 giờ. Đáng buồn là những tri thức đó mất giá trị ngay khi bạn bắt đầu ứng dụng nó. Các nhà khoa học gọi đây là sự phân rã của tri thức.

Khi đại dương thông tin của chúng ta càng lớn, mỗi thông tin trong nó càng trở nên ít giá trị. So với nhữngnăm 1960, bằng kỹ sư đã lỗi thời 10 năm. Ngày nay, hầu hết lĩnh vực có thời gian phân rã ngắn hơn nhiều. Một tấm bằng hiện đại có thể đảm bảo kiến thức cho bạn chỉ trong 5 năm, trước khi nó trở nên lỗi thời.

Một tấm bằng hiện đại có thể đảm bảo kiến thức chỉ trong 5 năm, trước khi nó trở nên lỗi thời.

Các gói kiến thức cho bằng đại học – vì thế phải lớn hơn và mất nhiều thời gian hơn để tiếp thu. Mặt khác, thông tin cũng phát triển nhanh hơn, có nghĩa mặc dù kiến thức được yêu cầu ngày càng lớn, bản thân các khối kiến thức đó cũng không tồn tại được lâu.

Khả năng chọn lọc

Dành hàng giờ để tiếp tục tích lũy thêm kiến thức không thể là câu trả lời cuối cùng cho vấn đề nan giải này.

Sự phát triển của AI, robot và tự động hóa sẽ cạnh tranh việc làm với con người. Đồng thời, nó cũng tạo ra nhiều việc làm hơn so với những nghề nghiệp sẽ bị chúng phá hủy. Một luật sư vào năm 2050 vẫn có thể được gọi là luật sư, nhưng họ có thể không làm bất cứ điều gì mà luật sư năm 2018 làm. Thực tế đó đặt ra một câu hỏi quan trọng: Khi kiến thức tự nó giảm dần giá trị, vậy chúng ta cần phải học gì?

Kiến thức là sự tích lũy. Thông minh là sự chọn lọc. Thế giới ngày nay vẫn đang chạy theo các chuyên gia, và hầu hết những người tích lũy nhiều kiến thức vẫn đang có được sự nghiệp tốt. Nhưng mỗi ngày trôi qua, trí thông minh đang dần thay thế kiến thức.

Trong cuốn sách “21 bài học cho thế kỷ 21”, Yuval Noah Harari – giáo sư nổi tiếng người Israel khẳng định: “Trong thế giới hiện nay, điều cuối cùng mà một giáo viên cần cung cấp cho học sinh là thêm nhiều thông tin. Học sinh đã thừa năng lực để làm điều đó. Thay vì vậy, con người cần có khả năng hiểu ý nghĩa của thông tin, phân biệt sự khác biệt giữa những gì quan trọng và không quan trọng. Trên hết, khả năng kết hợp thông tin thành một bức tranh rộng lớn về thế giới”.

Người học hiện nay dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin nhờ internet.

Khả năng mà Harari đang nói đến là kỹ năng tự học. Luật sư năm 2018 cần kiến thức. Luật sư năm 2050 cần trí tuệ. Xác định những điều cần biết tiếp theo là gì luôn quan trọng hơn việc đối diện với sự thật là bạn đã tới hạn kiến thức. Khi toàn bộ các ngành công nghiệp đang thay đổi chóng mặt trong vài thập kỷ, học tập sẽ không còn là phương tiện, mà phải trở thành mục đích. Chúng ta cần phải liên tục thích nghi.

Lợi thế của sở thích đa dạng

Những người có quá nhiều sở thích thường được cho là không có hiểu biết sâu về bất kỳ lĩnh vực gì. Tuy vậy, cách tư duy đó dường như đã không còn đúng. Thế giới hiện tại của chúng ta có rất nhiều vấn đề phức tạp, đa chiều và chúng ta cần những nhà tư tưởng sáng tạo, vượt trội để giải quyết chúng.

Nhiều ví dụ thành công đang cho thấy điều này: Jeff Bezos xây dựng đế chế bán lẻ và trở thành người giàu nhất thế giới, nhưng ông cũng vực dậy một tổ chức truyền thông lớn và tham gia lĩnh vực khám phá không gian. Elon Musk đã thay đổi cách chúng ta trả tiền, sau đó là cách chúng ta nghĩ về ô tô điện, và bây giờ cách chúng ta tiếp cận với sao Hỏa. Bill Gates thực sự hiểu biết sâu về phần mềm, nhưng giờ đây, ông đã loại trừ được bệnh sốt rét và bệnh bại liệt.

Học – bản thân nó đã là một kỹ năng, và khi bạn thực hiện kỹ năng đó trên nhiều lĩnh vực, bạn sẽ trở thành một người học chuyên sâu theo cách một chuyên gia không làm được. Bạn học bằng cách liên tục thử thách bản thân để nắm bắt các khái niệm về sự đa dạng. Ngoài việc học nhanh hơn, bạn cũng đổi mới nhiều hơn, linh hoạt hơn và tập trung vào việc trích xuất các nguyên tắc hơn là ghi nhớ sự kiện.

Những người có khả năng trên dường như là hình mẫu mà một thế giới bất định trong tương lai đòi hỏi.

Sự rèn luyện tâm trí

Để xây dựng trí thông minh thực sự, trước tiên chúng ta phải buông bỏ những gì chúng ta biết. Trong một nền kinh tế tri thức phát triển theo cấp số nhân, chúng ta cần sẵn sàng thay đổi các quan điểm cũ, nếu không, chúng ta sẽ không thu được gì mới.

Bất cứ khi nào bạn đọc một cái gì đó với suy nghĩ rằng bạn đang ở đó để trích xuất cái đúng và sai, bạn sẽ mặc định giới hạn kiến thức bạn có thể nhận được. Thay vì nhồi nhét những gì học được vào những quan điểm có sẵn của họ, những người “học chuyên nghiệp” biết rằng toàn bộ vấn đề là tìm ra những cái mới. Bạn không tìm kiếm xác nhận; bạn đang tìm kiếm bản cập nhật tư tưởng phù hợp vào đúng thời điểm.

Với thái độ như vậy, bạn có thể đọc đi đọc lại một cuốn sách mà vẫn tích lũy thêm lên mỗi lần. Đó mới là học tập thực sự: sự rèn luyện của tâm trí.

Các nhà khoa học gọi đây là sự tích hợp đa dạng: sẵn sàng chấp nhận nhiều quan điểm, giữ tất cả chúng trong đầu và sau đó tích hợp chúng vào một bức tranh lớn hơn, mạch lạc hơn. Đây là một bức tranh luôn phát triển và không bao giờ hoàn thiện, nhưng luôn sẵn sàng có thêm những điểm mới và xóa bớt những điểm cũ.

Bất cứ lúc nào, bộ não đều đang thay đổi: phát triển hoặc thui chột đi.Thực tế này luôn xảy ra, nhưng hậu quả của việc không liên tục “tập thể dục” não bộ trong thế giới ngày nay nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Và điều quan trọng không phải là học từ đâu hay làm được bao nhiêu, mà là luôn giữ một tâm hồn cởi mở. Càng cởi mở để giữ nhiều ý tưởng đối lập trong đầu, bức tranh về thế giới do bạn vẽ ra càng chi tiết và càng dễ hình thành. Đó mới là trí thông minh thực sự, và đó là tương lai tất yếu của việc học.

Cách mạng 4.0 đang thay đổi diện mạo xã hội. Theo ông Nguyễn Thành Nam – nhà sáng lập Đại học Trực tuyến FUNiX, người học ngày nay cần trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng mới để nắm được cơ hội của thời đại.

Tuấn Trần – Thanh Vân (theo Medium)

Là trường đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, FUNiX bên cạnh 
đào tạo kiến thức trong ngành CNTT còn giúp người học rèn luyện kỹ 
năng tự học, phát triển năng lực học tập suốt đời - đòi hỏi bắt buộc 
của thời đại 4.0. Xem thêm tại đây.

 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!