Mentor Quách Luyl Đa kể về những vui buồn của mentor FUNiX
Cùng nghe mentor Quách Luyl Đa, hiện là giảng viên tại ĐH FPT Cần Thơ, chia sẻ về những kỷ niệm vui buồn trong 4 năm gắn bó cùng trường Mây FUNiX.
Được biết anh là giảng viên tại ĐH FPT Cần Thơ. Lĩnh vực giảng dạy/chuyên ngành nghiên cứu của anh là gì?
Tại ĐH FPT Cần Thơ, mình đang phụ trách giảng dạy chuyên ngành Công nghệ thông tin, lĩnh vực nghiên cứu của mình chủ yếu nằm ở mảng ứng dụng các thuật toán AI vào việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nông nghiệp, thuỷ sản.
Lý do nào thúc đẩy anh lựa chọn con đường CNTT?
Từ lúc biết chuyện thì mình luôn mong muốn trở thành một bác sĩ hoặc kỹ sư nông nghiệp – thuỷ sản. Nhưng do điều kiện kinh tế không cho phép và mình cũng đam mê CNTT từ năm lớp 7 qua một lớp học tìm hiểu về CNTT nên đã lựa chọn đi theo nghề này. Tuy nhiên, cũng chưa từng nghĩ sẽ theo đuổi đam mê và theo đuổi CNTT cho đến giờ.
Anh đã làm mentor tại FUNiX được bao lâu? Cơ duyên nào đã đưa anh trở thành mentor của FUNiX?
Thông qua một chương trình hợp tác với ĐH FPT Cần Thơ thì mình biết đến FUNiX từ năm 2017, mình được giao phụ trách một vài lớp học theo dạng MOOC (Massive open online course) để phục vụ phương pháp triển khai mới, thúc đẩy việc tự học của sinh viên FPT có thể tiếp cận phương pháp học mới, rèn luyện kỹ năng tự học suốt đời. Khi ra trường và đi làm thì thời gian để học là hạn chế, và không nơi nào có thể tổ chức cho mình có điều kiện học bằng các khóa học online, tiêu biểu là tại FUNiX. Từ đó, mình đã trở thành mentor của FUNiX.
Quá trình làm mentor mang lại những niềm vui nào cho anh?
Điều đầu tiên là được chia sẻ những kiến thức mà mình biết cho các bạn xTer, thúc đẩy quá trình học hỏi thông qua những tấm gương chăm chỉ và nỗ lực cho việc học như các em nhỏ có 8-9 tuổi hay các bác các ông hơn 60 tuổi vẫn học. Trong quá trình trao đổi với xTer, mình được tiếp thu thêm những kiến thức trong quá trình trao đổi với những ý tưởng rất hay từ các bạn.
Có khi nào học viên làm anh buồn, nản không? Tại những thời điểm như vậy, anh làm gì để tìm kiếm động lực để tiếp tục?
Trong thời gian hỗ trợ mentoring, mình cũng đã từng nghỉ mấy tháng không mở tổng đài. Vì có những tình huống hỗ trợ xTer không như ý muốn của bản thân.
Khi xTer tham gia tổng đài thì có 2 dạng: một dạng các bạn học chăm chỉ nên luôn lắng nghe, một dạng thì ngược lại. Thường khi gặp dạng ngược lại thì đa phần các mentor đều nghĩ các bạn không biết nên cần hỗ trợ, nhưng thật là các bạn sẽ không chịu lắng nghe, cũng có thể mentor đang diễn đạt mà bạn không hiểu nhưng lại không có sự cộng tác, một số bạn thì không biết rõ hệ thống HF nên không biết về giới hạn… Khi đó, mình thường xuyên nhận các đánh giá xấu.
Có những khi 11-12h đêm, đã chuẩn bị tắt máy đi ngủ, nhưng vô tình nhận được yêu cầu cần hỗ trợ, nghĩ là bạn đang cần nên nên mình cố thức để giúp đỡ nhưng kết quả phản hồi không như ý muốn thì cảm giác hụt hẫng tột độ. Những buổi đó thường là mình thức tới 1-2h sáng nhưng phải nuốt cục tức. Cuối cùng, mình quay lại vì nghĩ còn những bạn vẫn đang cố gắng học, chịu khó học hỏi nên mình lấy đó làm động lực để tiếp tục hỗ trợ.
Nhiều mentor ở FUNiX từng nói về những thử thách khi mentor online, như hạn chế về giao tiếp, hạn chế về tương tác trực tiếp và cảm xúc… anh có thể chia sẻ về những khó khăn mà mình gặp phải không?
Đúng vậy, vấn đề khi mentor online rất hạn chế về giao tiếp, tương tác và cảm xúc. Do đó, có những điều muốn diễn đạt rất khó nhưng mentor luôn cố gắng diễn đạt hoặc tìm một bài dạng tương tự, có video lại càng tốt để các bạn có thể hiểu được. Đôi lúc, cũng có một số bạn cũng gây khó hoặc không hiểu được sự hạn chế này giúp cho mentor, nên các bạn yêu cầu mentor giảng lại bài học, hay bạn cung cấp thông tin không đầy đủ thì mentor nhắn gửi thêm thông tin như hình ảnh, nói rõ ra,… thì các bạn lại không chú ý tới và thường xuyên có những câu nói cũng hơi buồn.
Có kỷ niệm đáng nhớ, đó là khi hỏi thi online, mình gặp một bạn xter rất nhỏ tuổi nhưng hỏi khái niệm thì bạn không biết mà nhiều câu không biết thì mentor mới tìm các câu hỏi đơn giản hơn để bạn gỡ điểm nhưng vẫn không trả lời được, rồi mentor hỏi về cách học để tư vấn cho bạn thì bạn quát lên “Đã bảo là không biết mà hỏi gì hỏi lắm thế!”. Khi đó, cả 2 mentor hỏi thi đều “tụt mút”
Anh có nhận xét gì về mô hình dạy online tại FUNiX? FUNiX có thể làm gì để hỗ trợ tốt hơn cho mentor?
Mô hình dạy online tại FUNiX có nét đặc trưng mà chưa ở đâu có đó là việc có sự hỗ trợ của mentor trong quá trình học. Mình cũng từng được học các course trên coursera, udemy, IBM,… nhưng thực sự thì học vẫn phải chủ yếu tự học là chính, các vấn đề không hiểu không thể tìm được người giải đáp mà phải tự search google. Lên forum thì cũng có nhiều bạn cùng học hỗ trợ nhưng nhiều lúc vẫn phải tự đánh giá lại vì không biết là đúng hay sai!
Anh có thể chia sẻ về công việc hiện tại của mình tại ĐH FPT? Công việc của anh có những vất vả và những niềm vui gì?
Công việc ở ĐH FPT Cần Thơ thì mình phụ trách công việc giảng dạy là chính, bên cạnh đó hỗ trợ các bạn tham gia các cuộc thi như Hackathon, F-Biz, MOSWC,… Trong việc giảng dạy, với triết lý giáo dục của FPT là “Quản lý việc tự học của sinh viên” và “làm khác để làm tốt” thì sự vận động của sinh viên và giảng viên diễn ra liên tục, đôi lúc mình cũng có những lúc đuối sức. Nhưng nghĩ đến các bạn sinh viên cần mình đồng hành thì luôn nỗ lực và phấn đấu hơn. Trong các cuộc thi, mình luôn tìm cách để các bạn sinh viên luôn tự tin, thể hiện dù kết quả ra sao thì khi nhìn lại thì mình vẫn luôn tự hào. Trong sinh viên, lúc nào cũng có bạn này bạn kia, cũng nhiều bạn có kinh tế khó khăn nên khi đi thi, đi làm,… mình luôn tạo điều kiện cho các em, nhiều lúc cũng có bỏ tiền túi rồi lấy cái này lắp cái kia để các em thoải mái thể hiện mình. Sự cố gắng, chịu khó học hỏi của sinh viên FPT là động lực của mình để vượt qua được các khó khăn, vất vả.
Cảm ơn anh đã dành thời gian trò chuyện cùng FUNiX!
Vân Nguyễn (thực hiện)
Bình luận (0
)