Mentor FUNiX tư vấn về cơ hội việc làm CNTT tại Mỹ cho người Việt
Mentor Đinh Công Bằng hiện đang định cư tại Mỹ nhận định cơ hội việc làm CNTT tại Mỹ cho người Việt hạn chế do ít người Việt du học sau đại học tại Mỹ trong ngành CNTT.
Sang Mỹ từ năm 2002, mentor Đinh Công Bằng hiện đang làm việc về các hệ thống tin học toà án hình sự và cảnh sát cho chính quyền bang Florida. Rất tâm huyết với việc hỗ trợ giáo dục Việt Nam và các chuyên viên Việt Nam, anh gắn bó với FUNiX từ những ngày đầu tiên. Đồng thời, anh còn làm admin ở những nhóm Facebook có tầm ảnh hưởng về chủ đề xin học bổng du học, xin việc và định cư tại Mỹ (ví dụ VietPhD.org và Viet.EB1.EB2).
Mới đây, trong cuộc trò chuyện cùng FUNiX, anh đưa ra các nhận định về cơ hội việc làm CNTT tại Mỹ cho người Việt và giới thiệu các loại visa nhân tài để đến làm việc tại Mỹ.
Theo anh Đinh Công Bằng, cơ hội việc làm CNTT tại Mỹ cho người Việt có tăng lên, nhưng rất chậm. Điểm chủ yếu nhất làm cho số người Việt còn hạn chết là do ít người Việt du học sau đại học tại Mỹ trong ngành CNTT. Mỗi năm Mỹ dành riêng 20.000 visa lao động chuyên gia cho sinh viên tốt nghiệp sau đại học ở lại Mỹ làm việc – một con số rất đáng kể. Tuy nhiên số sinh viên Việt du học sau đại học tại Mỹ chỉ chiếm khoảng trên 10%, đa số là học phổ thông, cao đẳng, và đại học. Chưa hết, trong số sinh viên Việt Nam du học sau đại học, con số học toán và tin học cũng rất hạn chế.
Anh cũng cho biết dịch Covid-19 có ảnh hưởng đến ngành CNTT, nhưng không quá nghiêm trọng như các ngành khác. Một số nơi và một số chuyên môn vẫn thấy tăng trưởng đều. Hiện nay, trong các lĩnh vực CNTT, ngành Machine Learning và Data Science tuyển nhiều nhất và là “mảnh đất màu mỡ” cho người Việt trong lĩnh vực CNTT tìm kiếm cơ hội du học và việc làm tại Mỹ.
Có vài loại visa nhân tài vào Mỹ. Hai loại đáng chú ý nhất với người Việt là EB1 và EB2.NIW. Hai chương trình này cấp thẻ xanh định cư cho những cá nhân đạt yêu cầu mà không cần phải có lời mời làm việc (job offer). Điều này có nghĩa là cá nhân tự nộp hồ sơ đến Sở Di trú Mỹ chứ không cần phải qua người sử dụng lao động như chương trình H1B.
Chương trình EB1 gồm ba phân loại dành cho cá nhân có năng lực đặc biệt (A), giáo sư/nhà khoa học (B), và lãnh đạo các công ty quốc tế (C).
EB1A bao trùm khá rộng, gần như bất kỳ cá nhân nào có tài năng tầm quốc gia và quốc tế đều có thể vào Mỹ theo diện này, từ nhà văn, nhà báo, ca sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, cho đến vận động viên, doanh nhân, nghệ nhân, nhà sáng chế…
EB1B dành cho các giáo sư và nhà nghiên cứu đã thành danh ở tầm quốc gia và quốc tế.
EB1C dành cho lãnh đạo các công ty đa quốc gia có văn phòng tại Mỹ, chuyển vùng vào Mỹ làm việc.
Một vài ví dụ về các hồ sơ thành công từ Việt Nam: Một nhiếp ảnh gia đã có giải ảnh khu vực, giải quốc gia, một số ảnh đã được các báo và hãng tin nước ngoài dùng để viết bài, nhiều ảnh xuất hiện trên các kênh thông tin trong nước, vẫn đang hoạt động tích cực và có nhiều ảnh chất lượng cao đăng trên blog; Một nhà văn viết tiểu thuyết đã có vài cuốn xuất bản trong nước, trong đó một cuốn đã được một nhà xuất bản Mỹ chọn dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ; Một giáo sư có giải quốc tế và những công trình khoa học lớn; Một vận động viên cờ vua có xếp hạng cao ở Châu Á và xếp hạng tốt trên thế giới, thường xuyên tham gia thi đấu quốc tế; Một doanh nhân và chuyên gia thành đạt trong lĩnh vực tuyển dụng có những ý tưởng mới về tuyển dụng nhân viên công nghệ làm việc từ xa cho các dự án outsourcing; và một chuyên viên quản lý làm việc nhiều năm cho hãng nước ngoài tại Việt Nam, vừa chuyển vùng vào Mỹ để đảm đương một vị trí mới.
Chương trình EB2.NIW được mọi người chú ý hơn vì tiêu chuẩn thấp hơn và cụ thể hơn. NIW có nghĩa là “national interest waiver”, có nghĩa là những cá nhân có kỹ năng đặc biệt được cấp thẻ xanh ngay mà không cần phải qua quy trình tuyển dụng, vì họ có những chuyên môn làm lợi ngay cho nước Mỹ.
Điểm khác biệt đầu tiên với EB1 là EB2.NIW đòi hỏi phải có bằng cao học trở lên. Điểm thứ hai là đương đơn phải có những kỹ năng sâu và quan trọng rất cụ thể mà nước Mỹ đang cần (người xin định cư diện EB1 không cần chứng minh nước Mỹ đang cần cái gì cụ thể từ đương đơn, chỉ cần có năng lực đặc biệt tầm quốc tế là được). Vài ví dụ thành công về hồ sơ EB2.NIW: Một nghiên cứu sinh có vài bài đăng trên các tạp chí nghiên cứu trên các tạp chí quốc tế về các chủ đề trí tuệ nhân tạo với số citation khoảng 50; Một thạc sỹ có một số năm kinh nghiệm làm việc trong các phòng nghiên cứu bào chế thuốc; Một postdoc vừa có lời mời đến Mỹ làm trợ lý nghiên cứu; Một thạc sĩ có vài bằng sáng chế đăng ký tại Mỹ. Một tiến sĩ có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy tại đại học Việt Nam. Tuy không bắt buộc, nhưng ai đang ở Mỹ sẽ có hồ sơ mạnh hơn. Ví dụ một nghiên cứu sinh đang ở Mỹ sẽ mạnh hơn một nghiên cứu sinh đang ở Việt Nam, mặc dù hồ sơ khoa học như nhau.
Với những tư vấn tâm huyết về cơ hội việc làm CNTT tại Mỹ cho người Việt và các loại visa tương ứng, mentor Đinh Công Bằng hy vọng sẽ hỗ trợ được cho những sinh viên, chuyên viên người Việt đang tìm kiếm cơ hội phát triển tại đất nước cờ hoa.
>>> Nếu bạn đang có nhu cầu học lập trình trực tuyến, tìm hiểu ngay tại đây:
- Tất cả những điều bạn cần biết về khóa học lập trình tại FUNiX FPT
- 5 Điểm đáng chú ý tại khóa học lập trình trực tuyến FPT – FUNiX
- Từ A-Z chương trình học FUNiX – Mô hình đào tạo lập trình trực tuyến số 1 Việt Nam
- Lý do phổ biến khiến học viên nước ngoài chọn FUNiX
- Lưu ý để học blockchain trực tuyến hiệu quả cao tại FUNiX
- Lý do nữ giới nên chọn FUNiX để học chuyển nghề IT
- FUNiX trở thành đối tác của Liên minh Blockchain Việt Nam
- 3 lý do bạn trẻ nên học blockchain trực tuyến ở FUNiX
Vân Nguyễn
Bình luận (0
)