Chuyên gia tư vấn trực tiếp: Bứt phá sự nghiệp thời 4.0 với công nghệ AI | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

Chuyên gia tư vấn trực tiếp: Bứt phá sự nghiệp thời 4.0 với công nghệ AI

Tin tức 21/08/2019

Từ 10h – 11h30 sáng nay, 21/8, FUNiX tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Bứt phá sự nghiệp thời 4.0 với công nghệ AI”. Buổi tư vấn sẽ mang đến cái nhìn cận cảnh, những phân tích chuyên sâu và giải đáp chi tiết của các chuyên gia trong lĩnh vực AI.

Độc giả theo dõi nội dung tư vấn từ 10h và xin mời đặt câu hỏi tại đây

Khách mời của chương trình Tư vấn trực tuyến, gồm: Anh Lê Hồng Việt – CTO Tập đoàn FPT; Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe); Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D tại Asilla JP.

Theo các chuyên gia, trong 30 năm tới, AI sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ xã hội và sinh hoạt của con người, tiến tới biến đổi thế giới một cách mạnh mẽ. Trên thế giới, đầu tư vào AI liên tục tăng, từ 415 triệu USD (năm 2012), lên 5 tỷ USD (năm 2017) – tăng gấp đôi sau mỗi năm. Cuộc chạy đua của các đế chế khổng lồ như Facebook, Google, Microsoft… đang tạo ra cơn khát lực lượng chuyên môn cao về AI. Sinh viên AI được nhiều tập đoàn săn đón với dự án triệu đô kèm lời mời mức lương khủng từ năm nhất đại học.

Ở Việt Nam hiện nay, mức lương dành cho vị trí kỹ sư về AI có thể lên đến 500 triệu đồng/năm. Dự báo 5 đến 10 năm nữa, ngành khoa học này sẽ phát triển lên tới đỉnh cao.

Trong buổi tư vấn trực tuyến hôm nay, ba khách mời của FUNiX là các chuyên gia trong lĩnh vực AI và các ngành công nghệ cao sẽ giải đáp những câu hỏi về tiềm năng của ngành AI, thị trường việc làm AI, mức lương, nhu cầu tuyển dụng, các kỹ năng cần thiết… để theo đuổi lĩnh vực giàu tiềm năng này.

Khách mời của chương trình Tư vấn trực tuyến, gồm:

Anh Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ – Tập đoàn FPT

Anh Lê Hồng Việt – CTO Tập đoàn FPT.

Với những kinh nghiệm chinh chiến trong các dự án công nghệ lớn, cũng như đang trực tiếp lãnh đạo các dự án về AI, anh Lê Hồng Việt sẽ cung cấp các kiến thức cập nhật nhất về lĩnh vực này tới độc giả. Ngoài ra, anh Việt cũng sẵn sàng chia sẻ các thông tin về tuyển dụng, cơ hội việc làm của ngành này trên thế giới, tại Việt Nam và ngay ở FPT đến những ai quan tâm.

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Là một người trẻ du học ở nước ngoài, nhận được học bổng danh giá, Nguyễn Hải Nam đã sớm có cơ hội tiếp xúc với AI và nhận thấy cần phải dấn bước với lĩnh vực này. Với tinh thần tự học và quyết tâm chinh phục cơ hội, chinh phục một công nghệ khó song đầy tiềm năng, Hải Nam đã thành công. Anh sẽ tư vấn đến quý độc giả những kinh nghiệm xương máu với AI – từ bước khởi đầu, lập nghiệp đến kinh nghiệm của một người học trực tuyến cũng như tiết lộ nhiều thông tin hấp dẫn về ngành nghề thú vị mà anh đang theo đuổi.

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe)

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe).

Nổi tiếng với các dự án khởi nghiệp CNTT gây tiếng vang dự luận, anh Lê Công Thành còn là một người trẻ sớm theo đuổi AI, nắm bắt cơ hội của ngành từ gần một thập kỉ trước. Đến nay, start – up do anh thành lập vẫn tiếp tục có những bước đột phá và mục tiêu công nghệ mà anh hướng đến chính là AI. Anh sẵn sàng chia sẻ đến độc giả kiến thức, kinh nghiệm quý báu của chính mình qua chặng đường khởi nghiệp đầy gian nan đã cho quả ngọt, cũng như giải đáp những thông tin tuyển dụng, việc làm, đãi ngộ… thực tế nhất về ngành AI.

Còn chần chừ gì nữa, ngay bây giờ, xin được bắt đầu chương trình giao lưu với các bạn:

Trần Văn Hoà – 0976810xxx – hoabachkhoaxxx@gmail.com – Hà Nội: 

Làm về AI từ lâu, theo anh Thành thì anh định nghĩa thì AI là gì? Tiêu chí tuyển dụng của anh đối với các nhân viên là gì? 

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Theo mình là các nỗ lực làm cho máy móc có khả năng dự đoán thông tin. Để học được AI có thể tiếp cận từ nhiều góc độ, nhiều mức độ khác nhau. InfoRe hiện tại đang nhận cả sinh viên năm thứ nhất, thậm chí các bạn học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3, miễn sao có thái độ làm việc nghiêm túc và liên tục học hỏi để tiến bộ.

Nguyễn Tuấn Thành – 0979325xxx – tuanthanhxxx@gmail.com – Hà Nội

Chào Hải Nam. Khi bạn chọn AI để theo đuổi, đâu là lý do chính yếu nhất? Những khó khăn lớn nhất khi tự học AI của bạn là gì?

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Anh Nguyễn Hải Nam cho biết, thu nhập trung bình của một kỹ sư AI tại thời điểm hiện tại khá cao, theo báo cáo của TopDev thì các kỹ năng về AI/Machine Learning/Deep Learning/ Data Science hiện tại được trả một mức thu nhập khá cao trong ngành CNTT.

Khi mình chọn AI để theo đuổi, có 3 lý do chính yếu:

– Thế mạnh của mình khá phù hợp để có thể học tốt được AI: Kiến thức toán vững vàng và khả năng lập trình cơ bản tốt (trước đây mình có học về chuyên ngành nhúng).

– Mình nhìn thấy được tương lai phát triển rất tốt của ngành AI. Trong những năm tới, AI sẽ là một trong những chuyên ngành phát triển mạnh mẽ nhất cùng với sự bùng nổ của tài nguyên tính toán và dữ liệu số rất lớn.

– Thu nhập trung bình của một kỹ sư AI tại thời điểm hiện tại khá cao, theo báo cáo của TopDev thì các kỹ năng về AI/Machine Learning/Deep Learning/ Data Science hiện tại được trả một mức thu nhập khá cao trong ngành CNTT.

Những khó khăn lớn nhất khi tự học AI của bản thân mình là:

– Trong quá trình tự học có rất nhiều vấn đề vướng mắc mà mình không thể hỏi ai, tại thời điểm mình tự học các tài liệu về AI cũng chưa được public nhiều trong Internet mà chủ yếu nằm trong những cuốn sách nặng về học thuật. Vì vậy, việc mày mò tự học mà không có người hướng dẫn tốn khá nhiều thời gian và công sức.

– Hầu hết các kiến thức tự học AI của mình nặng về lý thuyết, các bài tập thực hành khá là khó tìm kiếm và không có tính ứng dụng cao, các project thực tế thì rất hiếm. Mình phải tự học lý thuyết trong vòng một năm, sau đó mới có may mắn xin được vào phòng lab của trường mới có cơ hội được thực hành nhiều hơn.

Hoàng Tùng Anh – Hà Nội – 0985606xxx – anh.tung9xx@gmail.com:

Chào anh Việt. Các dự án cụ thể về trí tuệ nhân tạo của FPT đang thực hiện là gì ạ? Anh có thể chia sẻ thu nhập của các kỹ sư AI tại FPT là khoảng bao nhiêu được không ạ?

Ông Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT:

Chào bạn,

Ngành trí tuệ nhân tạo cũng không phải là ngành còn trẻ, FPT đã đặc biệt quan tâm và đầu tư rõ nét vào lĩnh vực này từ việc xây dựng nhân sự cho đến thực hiện các công tác đào tạo. Ví dụ, tại trường ĐH FPT, FUNiX cũng có các chuyên ngành về trí tuệ nhân tạo. Ở Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều tổ chức ươm mầm và đầu tư vào những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Riêng về tuyển dụng chúng tôi có nhu cầu lớn để tuyển dụng các chuyên gia trong ngành, với các gói thu nhập cao hơn hẳn so với mặt bằng chung từ 30-50%.

Ngoài ra, chúng tôi còn có các hoạt động:

– Hợp tác với cộng đồng bên ngoài: Hợp tác chương trình tiến sĩ với các trường đại học (Lab), Hợp tác với startup và các đơn vị khác

– Trong nội bộ: chúng tôi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tổ chức các bộ phận để nghiên cứu riêng về lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, FPT còn thực hiện công tác xếp hạng cán bộ công nghệ. Những cán bộ công nghệ được xếp hạng sẽ có chế độ đãi ngộ riêng.

Nguyễn Lê Thư – 0912191xxx – thu0xxx@gmail.com – Bắc Ninh: 

Anh Thành ơi, điều gì ở công nghệ này thu hút nhất đối với anh? Bằng kinh nghiệm cá nhân, theo anh những thách thức lớn nhất mà các kỹ sư AI phải đối mặt là gì và làm thế nào để vượt qua trong môi trường công nghệ ở Việt Nam?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe)

“Thách thức lớn nhất dành cho các kĩ sư AI là làm thế nào để liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ mới và theo kịp các bước phát triển như vũ bão của công nghệ Trí tuệ nhân tạo hiện đại” – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe) cho biết.

Điều khiến AI thu hút mình nhất nằm ở chỗ mình tin “AI là một loại điện năng mới”, nó có thể ứng dụng vào mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, hệt như hiện tại chúng ta có điện ở mọi nơi. Mình muốn được phát minh, sáng tạo các sản phẩm với AI để đưa thật nhiều ứng dụng của nó vào cuộc sống, giống như cách các nhà phát minh trong lịch sử như Edison, Tesla… đưa điện vào cuộc sống vậy. Đó là ước mơ của mình và các cộng sự ở InfoRe.

Theo kinh nghiệm của mình, thách thức lớn nhất dành cho các kĩ sư AI là làm thế nào để liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ mới và theo kịp các bước phát triển như vũ bão của công nghệ Trí tuệ nhân tạo hiện đại. Cả thế giới đang lao vào nghiên cứu AI và các kĩ thuật mới ra đời hằng ngày.

Hoàng Linh Anh – Sơn La – 0987983xxx – anh0908xx@gmail.com

Là CTO của tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam hiện nay, anh đánh giá ngành AI ở Việt Nam có cơ hội thành công và gây tiếng vang ở mức độ toàn cầu không ạ? Thực tế về ngành AI của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới đang ở đâu và có tiềm năng gì. Em cảm ơn anh.

Ông Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT

Theo báo cáo Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey, AI tại Việt Nam mới chỉ tập trung phát triển ứng dụng ở lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ truyền thông, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ. 

Còn một số lĩnh vực nhiều tiềm năng khác như vận tải và logistics, sản xuất công nghiệp, du lịch, giáo dục… vẫn còn ít người khai phá. 

Trong bối cảnh AI còn rất nhiều tiềm năng phát triển, FPT nhận ra đây là cơ hội lớn. Chúng tôi đặt kế hoạch tiên phong trong ngành trí tuệ nhân tạo và dẫn đầu tại Việt Nam. Từ 6 năm nay, FPT đã thực hiện đầu tư nghiên cứu và phát triển AI. Đây là bước đi sớm so với hầu hết doanh nghiệp trong nước.  

Ngoài việc ứng dụng AI vào các giải pháp và sản phẩm, định hướng tầm trung của tập đoàn là xây dựng một nền tảng dịch vụ AI đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, FPT kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành thương hiệu được công nhận trong cộng đồng AI quốc tế.

Nguyễn Văn Thanh– 096865xxx – thanhchuyen1xxx@gmail.com – Hà Nội: 

Thân chào anh Thành, em  biết anh từ lâu và rất khâm phục anh. Anh có thể chia sẻ về các dự án AI mà anh đang làm không ạ? Em là sinh viên CNTT muốn tham gia các dự án của anh có được không ạ?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe): 

Xin chào Thanh, rất cảm ơn thiện cảm của bạn. Hiện tại ở InfoRe, bọn mình đang làm các dự án về xử lí hình ảnh, giọng nói, văn bản và các dạng dữ liệu được biểu diễn liên thông, kết nối với nhau. Bọn mình tin đó là các dạng dữ liệu cơ bản phục vụ cho hầu hết các bài toán AI trong xã hội. Bọn mình cũng đang tiến hành đào tạo các bạn sinh viên thực tập theo xu hướng Software 2.0 Developer nên rất vui lòng được đón các bạn sinh viên CNTT tới thực tập.

Lê Hanh – 0920147xxx – Hanhlexxx@gmail.com – Hải Dương: 

Chào anh Thành. Được biết Infore hợp tác đào tạo cùng FUNiX, cụ thể là công ty anh hợp tác trên phương diện nào ạ? Học các khóa học (như AI, Data Science) ở FUNiX xong thì có đủ tiêu chuẩn vào làm tại công ty anh hay không?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

InfoRe hợp tác với FUNiX trong việc tư vấn, giải đáp cho các sinh viên của FUNiX và nhận cả các sinh viên từ FUNiX vào thực tập ở InfoRe. Chỉ học các khóa học thôi thì có thể chưa đủ kĩ năng đi làm ngay nhưng InfoRe sẽ giúp các sinh viên FUNiX có điều kiện thực hiện các dự án thực tế để sẵn sàng làm việc. Hiện giờ đang rất nhiều doanh nghiệp “khát” người làm AI.

TS. Nguyễn Thành Nam – Chủ tịch – Founder FUNiX và Anh Lê Công Thành – Giám đốc InfoRe đã cùng kí kết văn bản ghi nhớ hợp tác vào ngày 19/8/2019. Theo đó, các thành viên cứng của InfoRe sẽ tham gia vào các hoạt động tư vấn và hướng dẫn sinh viên của FUNiX trong việc trở thành những người biết ứng dụng AI vào công việc và cuộc sống.

Nguyễn Bá – 0918856xxx – baitxxx@yahoo.com – Tp. Hồ Chí Minh: 

Xin anh Thành tiết lộ về mức lương của kỹ sư AI ở công ty của mình? Trong tương lai công ty của anh sẽ phát triển theo những hướng công nghệ nào ngoài AI?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe): 

Hiện tại bọn mình phát triển theo hướng startup nên mức lương của các kĩ sư AI trong công ty không cao, chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. Các bạn đó ra làm ở doanh nghiệp khác có thể có mức lương cao hơn tuy nhiên làm startup có cổ phần, mọi người không quá chú tâm vào lương mà chỉ cần một mức đủ tiêu dùng cá nhân hằng tháng. Trong tương lai bọn mình vẫn muốn chú tâm hoàn toàn vào việc phát triển các ứng dụng AI cho xã hội Việt Nam, thông qua xây dựng nhiều startup chứ chưa xác định phát triển theo hướng nào khác.

Lê Hoàng Nhật Long – Vĩnh Long – 0324240xxx – nhatlongle0xxx@gmail.com 

Em được biết anh Nam là Development Lead (người thiết kế môn học) của khóa học chuyên sâu về Data Science tại FUNiX. Anh đánh giá như thế nào về nội dung của khóa học, có sát với thực tế doanh nghiệp đang gặp phải không?

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Theo anh Nguyễn Hải Nam, nội dung khóa học của FUNiX đầy đủ, chi tiết, cung cấp đầy đủ các kiến thức cơ bản về Data Science cho học viên. Ngoài ra, phần thực hành và project thực tế có tính ứng dụng cao, hướng đến các bài toán thực tế của các doanh nghiệp và công ty về AI/Data Science hiện nay

Nội dung khóa học của FUNiX đầy đủ, chi tiết, cung cấp đầy đủ các kiến thức cơ bản về Data Science cho học viên. Ngoài ra, phần thực hành và project thực tế có tính ứng dụng cao, hướng đến các bài toán thực tế của các doanh nghiệp và công ty về AI/Data Science hiện nay. Nếu nắm thật vững phần lý thuyết và hoàn toàn tốt các bài thực hành và project cuối môn, các bạn hoàn toàn có thể tự tin nộp đơn vào các công ty và doanh nghiệp về AI/Data Science sau khi hoàn thành khóa học.

Bùi Đình Nguyên – Đà Nẵng – 0972846xxx – nguyenbui.dnxx@gmail.com

Ngoài việc tham gia các dự án AI tại các công ty lớn như FPT thì anh thấy cơ hội để người trẻ như bọn em start up thành công trong lĩnh vực này có khả thi không ạ? Anh có thể gợi ý vài hướng trong lĩnh vực AI mà người trẻ có thể tự nghiên cứu và phát triển start-up không?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Ở công ty InfoRe, bọn mình liên tục giao các dự án nhỏ cho các thực tập sinh và đánh giá định kì mức độ phát triển của các dự án. Nếu dự án nào phát triển đủ tốt, có tiềm năng, InfoRe sẽ đầu tư các tài nguyên cần thiết để phát triển thành startup. Hiện giờ ở InfoRe đã có đến 11 dự án startup khác nhau đều theo hướng ứng dụng AI – Big Data.

Có rất nhiều hướng ứng dụng AI khác nhau cho xã hội, ngành nghề nào cũng có thể áp dụng được. Theo kinh nghiệm của mình, các startup nên đi từ nhu cầu của một cộng đồng đủ lớn trong xã hội để phát triển công cụ giúp đỡ những người ấy giải quyết vấn đề. Dùng AI hay dùng công nghệ nào khác chỉ là hệ quả của phương pháp triển khai sao cho tối ưu mà thôi.

Nguyễn Bảo Ngọc – 0878564xxx – Baongoc21xxx@yahoo.com – Hồ Chí Minh

Xin anh Việt chia sẻ thêm về những dự án về AI mà FPT đang triển khai? 

Ông Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT

Công nghệ AI của FPT trải rộng ở khá nhiều mảng, nhưng mạnh nhất là ở 4 mảng sau: 

Đầu tiên là xử lý ngôn ngữ tự nhiên. FPT xây dựng hạ tầng để người dùng có thể dễ dàng tạo lập chatbot tự động, ứng dụng AI vào quy trình chăm sóc khách hàng.

Mảng thứ hai là thị giác máy tính giúp máy móc có năng lực quan sát. Cụ thể hơn là máy móc nhận dạng, trích xuất được thông tin từ hình ảnh; phân loại các vật thể hay so sánh ảnh chụp chân dung và người thật.  

Thứ ba là nhận dạng và tổng hợp giọng nói. Đây là lĩnh vực đầu tư đầu tiên của FPT vào trí tuệ nhân tạo và có nhiều sản phẩm đang sử dụng rộng rãi nhất. 

Cuối cùng, FPT xây dựng các hệ tri thức khổng lồ để hỗ trợ những ngành như bán lẻ, chứng khoán, ngân hàng,… 

Bên cạnh đó chúng tôi cũng phát triển những sản phẩm ứng dụng AI như hệ thống dịch tài liệu IT đa ngôn ngữ. Trong giáo dục có VioEdu, đây là một hệ thống học tập trực tuyến thông minh đầu tiên ở Việt Nam sử dụng AI để dự đoán năng lực học sinh, điểm yếu điểm mạnh qua các bài kiểm tra từ đó giúp cá nhân hóa việc học của từng học sinh.

Nguyễn Trần Thái  – 0928915xxx – thainguyenxxx@yahoo.com – Hà Nội

Xin bạn Nam chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển đi làm của mình được không? Là một người trẻ tuổi bạn có thuận lợi và khó khăn gì khi chọn lĩnh vực AI để thử sức? Bạn có thể tiết lộ/ chia sẻ về mức lương thu nhập của một LTV khi vào làm trong lĩnh vực AI không?

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Mình ứng tuyển ngay khi đang còn học ở bên Đức. Mình chủ động gửi đơn đến khá nhiều công ty từ rất sớm, sau đó lập kế hoạch cụ thể về chuẩn bị kiến thức/làm bài test/phỏng vấn/deal lương cho từng công ty.

Mình có thế mạnh về toán và lập trình cơ bản nên không quá khó khăn khi bắt đầu với AI. Có một vấn đề nho nhỏ là mình vẫn phải vừa đi làm thêm, vừa học chương trình thạc sĩ bên đấy vừa tự học AI nên quỹ thời gian cũng hơi khó sắp xếp, mình phải lên lịch làm việc một ngày rất kỹ càng và nghiêm túc thực hiện theo từng ngày. Sau khi đã chọn AI là ngành mình sẽ theo đuổi thì mình không coi đấy là một lĩnh vực để thử sức mà mình cố gắng hết sức để sống chết với nó, vì vậy quyết tâm học tập và theo đuổi cũng cao hơn.

Các Lập trình viên mới vào làm trong lĩnh vực AI thường có mức lương trung bình cao hơn 1 chút các chuyên ngành khác trong CNTT như web/mobile, rơi vào khoảng 500-700$ một tháng. Đối với các bạn có tư chất tốt và kỹ năng hoàn thiện, mức lương có thể cao hơn rất nhiều.

Nguyễn Mai Anh – 0364xxx – Hà Nội:

Anh Thành ơi. Hợp tác đào tạo với FUNiX Infore có cam kết gì về tuyển dụng với nhà trường không ạ? Trở thành đối tác của FUNiX, anh có những kỳ vọng gì cho công ty của mình cũng như kỳ vọng ra sao về kết quả hợp tác giữa hai bên? Điều gì ở FUNiX khiến anh quan tâm nhất ạ?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

“Mình thấy FUNiX rất thú vị vì đây là một mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học, là một nỗ lực đem đến cách học mới, điều kiện học tập mới cho mọi người” – Anh Thành nhận định về mô hình đào tạo tại FUNiX.

Cơ sở hợp tác giữa InfoRe và FUNiX dựa trên lòng tin và mong muốn chung tay hỗ trợ một hình thức đào tạo hoàn toàn mới, nên hai bên không cần cam kết gì nhiều mà hi vọng vào sự tự chủ động của InfoRe với FUNiXlà chính. Điều InfoRe kì vọng nhất trong việc hợp tác với FUNiX là ở việc tạo ra thêm một môi trường cho chính các kĩ sư AI ở InfoRe có điều kiện hướng dẫn các sinh viên khác qua mạng, nhờ đó chính các kĩ sư ở InfoRe cũng sẽ nắm vững các kiến thức nền tảng hơn. 

Mình thấy FUNiX rất thú vị vì đây là một mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học, là một nỗ lực đem đến cách học mới, điều kiện học tập mới cho mọi người. Mình cũng đang tiến hành chuyển đổi số trong chính công ty bằng cách ưu tiên nhân viên làm việc qua mạng nhiều hơn đến công ty ngồi, do đó mình rất thích mô hình của FUNiX.

Lê Thái Bình – Cần Thơ – 0979584xxx – thaibinhmeocon@gmail.com

Chào anh Việt, hướng phát triển của nhân sự ngành AI tại FPT thời gian tới như thế nào? 

Ông Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT:

Chào bạn, về định hướng phát triển nhân lực của ngành trí tuệ nhân tạo tại FPT, thứ nhất, chúng tôi tuyển dụng nguồn nhân lực là các chuyên gia. Tuy nhiên với số lượng chuyên gia đang có tại Việt Nam sẽ không đáp ứng được nhu cầu của thị trường,do đó chúng tôi có những ngành tập trung sâu về đạo tạo để tạo ra nguồn nhân lực trong tương lai.

Cụ thể, chúng tôi phối hợp với các trường đại học để đào tạo các tiến sĩ toàn thời gian chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra còn có các hoạt động đào tạo nghề cho các kỹ sư muốn chuyển sang hoạt động liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Các khóa công nghệ cao như xSeries – FUNiX cũng là một chương trình đào tạo có thể cung cấp nguồn lực cho FPT.

Giám đốc FUNiX Phan Phương Đạt và Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT Lê Hồng Việt cùng đại diện hai bên tại buổi ký kết ngày 14/8. Ảnh: FUNiX.

Phan Anh Đức – Hà Nội – 03694755xxx – anhdungphanvn.hn@gmail.com

Chào anh Thành. Tại sao anh lại quyết định về VN làm việc ở lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo mà không phải là lĩnh vực khác?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Đơn giản vì đấy là ngành mình học và có kinh nghiệm làm việc. Thực ra trong quá trình lăn lộn để phát triển doanh nghiệp, mình cũng đã nhận đủ các loại dự án khác (để kiếm tiền ngắn hạn) nhưng dẫu sao thì làm với thứ ta đã có kinh nghiệm và đam mê vẫn tuyệt vời hơn nhiều.

Vũ Huy Phong – Hà Nội – 0868186xxx – giothangtuxx@gmail.com

Em là sinh viên năm 2 ngành CNTT ĐH Mỏ Địa chất, em đang muốn học thêm khóa chuyên sâu về công nghệ cao và băn khoăn giữa hai khóa Data Science và Machine Learning của FUNIX. Anh Nam đánh giá giữa hai ngành này, ngành nào nhiều triển vọng hơn, cơ hội nhiều hơn, thách thức hơn? Cảm ơn anh. 

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu về Machine Learning và các thuật toán ứng dụng của ML trong Data Sicence/AI, Machine Learning là khóa học dành cho bạn.

Nếu bạn muốn trở thành một Data Scientist, khai thác, tìm hiểu và làm việc nhiều hơn với dữ liệu để tạo ra những giá trị cho công ty/doanh nghiệp thì mình nghĩ bạn nên thử sức với Data Science.

Đào Mai Dung – 09876xxx – dungmaixxx@gmail.com – Nam Định:

Ngoài công việc, sở thích của anh là gì ạ? Anh có thể bật mí quan điểm sống và một lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang theo đuổi ngành CNTT nói chung, muốn thử sức trong lĩnh vực mới mẻ như AI, Data Science… có thể thành công được như anh?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Sở thích của mình là khám phá tri thức mới. Ngoài công việc mình thường đọc sách, xem các video clip trên youtube, đọc các bài báo trên các chuyên trang mình yêu thích. Mỗi khi tiếp cận được thông tin mới trong các ngành mình quan tâm, mình thấy rất hứng thú. 

Mình chỉ có một lời khuyên duy nhất dành cho các bạn muốn theo ngành CNTT: Phải xác định tự học và tự học cả đời.

Theo anh Thành, để có được thành công, theo đuổi ngành CNTT nói chung, muốn thử sức trong lĩnh vực mới mẻ như AI, Data Science,… thì tự học là yếu tố không thể thiếu đối với bất cứ người học nào.

Trần Thanh Tuấn – Hà Nội – 0984224xxx – tuanttqtxx@gmail.com 

Em muốn hỏi về 2 khóa Data Science và Machine Learning của FUNIX. Em xem thông tin trên web thấy nội dung khá nhiều, liệu học trong 6 tháng với từng đó nội dung đã đủ sâu chưa? Cảm ơn khách mời.

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Nội dung học khá nhiều và đầy đủ, có thể bao quát hết các lĩnh vực và ứng dụng cơ bản về ML/DS. Điều tôi đánh giá cao là nội dung hướng về phần ứng dụng và các phần thực hành nhiều hơn là đi sâu vào lý thuyết và học thuật. Nếu học viên chịu khó học tập và tìm hiểu kỹ càng phần đọc thêm/tài liệu bổ sung, mình nghĩ là nội dung sẽ đủ sâu cho bạn nào muốn tìm tòi/học hỏi. Sau quá trình học 6 tháng, các bạn học viên sau khi tốt nghiệp khóa học có thể làm việc như một fresher engineer/intern tại các công ty về AI/DS. 

Cao Nhật Vy – Nghệ An – 0949585xxx – caovy.naxx@gmail.com

Anh Thành ơi. Phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo mạnh quá thì có sợ robot sẽ nổi dậy và kiểm soát con người không ạ?  Rủi ro của lĩnh vực AI là gì ạ? Cảm ơn anh nhiều!

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Hiện tại con người mới chỉ đang ở trong giai đoạn Augmented AI, nôm na là phát triển ra các dạng AI nhằm mục đích trợ giúp năng lực của chính con người mà thôi. Google giúp mọi người nắm bắt tri thức nhanh hơn, Netflix giúp chúng ta tìm được các bộ phim theo đúng sở thích. Amazon giúp mọi người mua hàng nhanh hơn, rẻ hơn, Facebook Ads giúp bán hàng qua mạng dễ hơn, đấy là những ứng dụng AI thiết thực và mang tính trợ giúp con người.

Còn việc phát triển ở mức tiếp theo ra sao thì hiện tại những người quan tâm tới triết học, tâm lí học và các khía cạnh đạo đức của xã hội đang bàn thảo sôi nổi. Đấy là một trong các chủ đề đang thu hút được những bộ óc tinh hoa của nhân loại. Mặt trái của AI chắc chắn cũng rất lớn, không nhỏ hơn các mặt tích cực của nó nhưng đấy vẫn luôn là bài toán mà con người phải giải quyết với công nghệ mới từ xưa đến nay: làm thế nào để sử dụng công nghệ mới phục vụ lợi ích của loài người và hạn chế các mặt tiêu cực. Vì thế theo mình, chúng ta cứ vừa làm vừa suy nghĩ kĩ càng, hoàn toàn có quyền để nghĩ về những điều tốt đẹp nhất.

Nguyễn Minh Trí – TPHCM – 0977995xxx – tri9889xx@gmail.com

Chào anh Việt, thách thức lớn nhất khi triển khai trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là gì?

Anh Lê Hồng Việt – Giám đốc Công nghệ – Tập đoàn FPT

Thách thức lớn nhất là rào cản trong tư duy của mọi người về AI. Nhiều người vẫn cho rằng công nghệ này có hại, có nguy cơ thay thế con người, cắt giảm nhân lực lao động. Nhưng thực tếphát triển AI không thay thếcon người. Các công ty lớn trên thế giới đều đi theo hướng dùng AI để bổ sung cho năng lực mà con người còn hạn chế, không làm được hoặc không muốn làm. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng nhận thực giá trị của AI để theo đuổi.

Thứ hai, đội ngũ chuyên gia tại Việt Nam đang khá khan hiếm. Hiện có khoảng 22.000 nhà khoa học về trí tuệ nhân tạo trên thế giới, phần lớn tập trung ở các quốc gia lớn như Mỹ, Trung Quốc. Số lượng còn lại không thể đáp ứng nổi nhu cầu của các nước như Việt Nam. Để trở thành chuyên gia AI, họ còn phải trải qua một quá trình tu nghiệp rất dài và thường mang học hàm tiến sĩ trở lên. FPT may mắn là có đội ngũ khá chất lượng, nhưng vẫn cần đào tạo thêm để đáp ứng đủ nhu cầu.

CTO FPT Lê Hồng Việt cho biết, thách thức lớn nhất khi triển khai trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là rào cản trong tư duy của mọi người về AI. Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia tại Việt Nam đang khá khan hiếm, không thể đáp ứng nổi nhu cầu của các nước như Việt Nam.

Nguyễn Thế Anh –  098614812xx – theanhxxx@gmail.com – HCM: 

Theo anh Thành, khởi nghiệp AI ở Việt Nam thì có rào cản gì ạ?  

 Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Theo mình khởi nghiệp AI ở Việt Nam đang thuận lợi hơn khởi nghiệp ở các ngành khác rất nhiều, do được sử ủng hộ mạnh mẽ của xã hội và dễ dàng có được nhiều cơ hội lớn. Các doanh nghiệp từ lớn đến bé đều rất quan tâm tới ứng dụng AI, đây là thời điểm không thể tốt hơn để làm startup với AI ở Việt Nam. Các khó khăn về dữ liệu, hạ tầng, nhân lực… chỉ là những thứ cần phải vượt qua chứ không phải trở ngại quá lớn khi làm startup với AI. Nếu muốn làm startup với AI, bạn nên làm ở thời điểm hiện tại.

Nguyễn Hà – 08489898xxx – halinhnxxx@gmail.com – Hà Nội

Chào anh Thành. Để khởi nghiệp về AI anh đã phải chuẩn bị những điều gì? Đâu là yếu tố quan trọng nhất giúp một start – up về AI thành công khi mà nó còn quá mới ở Việt Nam?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Đầu tiên có lẽ là kiến thức. Các sáng lập viên của InfoRe khi thành lập công ty đều là những người đã có kinh nghiệm, trực tiếp làm việc với các bài toán ứng dụng AI và cần tới dữ liệu lớn. Tuy nhiên điều quan trọng nhất theo mình có lẽ là sự bền bỉ, gan lì. Hiện giờ AI còn rất mới ở Việt Nam nhưng bọn mình thành lập công ty từ năm 2011, khi ấy AI còn mới với người Việt Nam hơn nhiều. Nếu không gan lì có lẽ công ty của bọn mình đã không tồn tại được đến bây giờ.

Nguyễn Lê Thư – 0912191xxx – thu0xxx@gmail.com – Bắc Ninh: 

Anh Thành ơi, điều gì ở công nghệ này thu hút nhất đối với anh? Bằng kinh nghiệm cá nhân, theo anh những thách thức lớn nhất mà các kỹ sư AI phải đối mặt là gì và làm thế nào để vượt qua trong môi trường công nghệ ở Việt Nam?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Điều khiến AI thu hút mình nhất nằm ở chỗ mình tin “AI là một loại điện năng mới”, nó có thể ứng dụng vào mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, hệt như hiện tại chúng ta có điện ở mọi nơi. Mình muốn được phát minh, sáng tạo các sản phẩm với AI để đưa thật nhiều ứng dụng của nó vào cuộc sống, giống như cách các nhà phát minh trong lịch sử như Edison, Tesla… đưa điện vào cuộc sống vậy. Đó là ước mơ của mình và các cộng sự ở InfoRe.

Theo kinh nghiệm của mình, thách thức lớn nhất dành cho các kĩ sư AI là làm thế nào để liên tục cập nhật kiến thức, công nghệ mới và theo kịp các bước phát triển như vũ bão của công nghệ Trí tuệ nhân tạo hiện đại. Cả thế giới đang lao vào nghiên cứu AI và các kĩ thuật mới ra đời hằng ngày.

Thế Bảo – 0989945xxx – bao9xxx@gmail.com – Lâm Đồng

Chào bạn Nam. Một khóa học chỉ 7 tháng như của FUNiX liệu có đủ để mình chuyển hướng nghề nghiệp không, rất mong bạn tư vấn.

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Theo mình, một khóa học 7 tháng sẽ cung cấp cho bạn một lượng kiến thức và kinh nghiệm thực hành đủ lớn để bạn có thể tự tin tiếp tục trên con đường chuyển hướng nghề nghiệp của bản thân mình. Để có thể chuyển hướng hoàn toàn sang nghề nghiệp mới, bạn cần dành nhiều thời gian hơn cho nó trước và sau khóa học để tiếp tục trau dồi kiến thức và rèn luyện các kỹ năng của bản thân.

Theo anh Nguyễn Hải Nam, trong thời gian ngắn hạn từ 5 đến 10 năm tới, những ai đạt tới trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu sẽ có mức lương rất tốt.

Nguyễn Văn Tùng –  097614812xx – tunghqxxx@gmail.com  – Thái Bình:

Chào Thành. Con trai tôi rất mê tin học và cháu cũng khá quan tâm AI. Tôi tìm hiểu thì được biết ngành này rất tiềm năng. Tuy nhiên do điều kiện ở tỉnh, khó tiếp cận các khóa học trực tiếp, tôi muốn nhờ anh tư vấn giúp lộ trình để hỗ trợ con mình đi theo hướng công nghệ này? Cháu mới học lớp 10. Xin cảm ơn anh!

 Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Chào anh. Hiện giờ môi trường học tập đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Các tài liệu tốt được chia sẻ miễn phí rất nhiều trên mạng, lên YouTube thì có thể dễ dàng nghe những người được giải Nobel nói chuyện, học các khóa học của các giáo sư dạy các trường hàng đầu thế giới. Họ dạy rất lôi cuốn và dễ hiểu, ta có thể dễ dàng tiếp cận kiến thức hàng đầu mà không phải đi đâu xa. Vì vậy chính những người ở thành phố lớn hiện nay cũng học chủ yếu qua internet mà thôi, chứ không còn ưa thích việc học trực tiếp. Anh có thể hướng dẫn cháu tiếp cận các hình thức học tập tiên tiến này để cháu tự tìm được hướng phát triển mà mình đam mê nhất.

Nếu muốn theo hướng AI thì anh nên hướng cháu vào việc tự học và thực hành nhiều kiến thức công nghệ thông tin, bất cứ kiến thức nào cũng sẽ có ích khi cháu trở thành người lao động vì khi ấy có lẽ AI đã biến đổi khác rất nhiều hiện tại. Cái bất biến nằm ở chỗ: AI cũng chỉ là một lĩnh vực trong phát triển phần mềm máy tính mà thôi.

Lê Dương Khắc Thành – TPHCM – 09310006xxx – khacthanh8xx@gmail.com 

Xin chào anh Thành, hiện tại công ty anh nói riêng và các công ty CNTT ở VN nói chung có nhu cầu như thế nào về AI? Công ty anh có sẵn sàng mở cửa để nhận các bạn fresher về AI/Intern về AI không? Nếu có thì anh có yêu cầu gì cho các bạn ấy?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Hiện tại nhu cầu ứng dụng AI đối với các công ty CNTT ở Việt Nam khá lớn, nhưng vẫn dừng lại ở mức thử nghiệm mà thôi. Do đó theo mình những người học AI nên học thêm cả các kĩ năng phát triển phần mềm theo cách truyền thống để có thể thực sự đáp ứng được công việc tại các doanh nghiệp.

Ở InfoRe, bọn mình quan niệm khá đơn giản, “thái độ quan trọng hơn trình độ”. Trình độ là thứ thay đổi liên tục, nếu người ta chịu học và tự học thì trình độ có thể tiến bộ. Nhưng nếu không có thái độ làm việc nghiêm túc, đúng mực với công việc thì sẽ không học tập và tiến bộ được. Vì thế bên mình luôn sẵn lòng nhận các bạn sinh viên trẻ, chưa có kiến thức gì nhiều về AI nhưng ham học hỏi, nghiêm túc trong công việc được giao.

Trần Văn Hòa – 0975597xxx – tranhoaxxx@gmail.com – Hải Dương:

Chào các khách mời. Xin anh chia sẻ đôi lời khuyên giúp một người khá “dừ” tuổi trong ngành IT nhưng vẫn còn khá bối rối trước chủ đề Trí tuệ nhân tạo. Liệu có “đất sống” cho những người lớn tuổi như tôi khi muốn tìm cơ hội trong lĩnh vực này?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Theo tôi, chúng ta có thể quan niệm các mô hình Trí tuệ nhân tạo chỉ là một module trong việc phát triển các giải pháp phần mềm. Để đưa Trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống, người ta vẫn phải phát triển các phần mềm theo cách thức thông thường, phần AI trong đó chỉ như một module, một hàm mà thôi. Nếu anh không phải là kĩ thuật viên AI thì cũng không sao, anh vẫn có thể tham gia vào việc phát triển phần mềm ứng dụng AI như bình thường. Hãy coi AI cũng chỉ là một công đoạn, như công đoạn thiết kế vậy. Tin chắc anh sẽ tự tin hơn để tham gia vào ngành công nghiệp Trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và trên thế giới.

 Trần Lê Văn Hiền– 0919945xxx –  tranlehien1xxx@gmail.com – Quy Nhơn

Xin Nam chia sẻ những nguồn tham khảo kiến thức uy tín/ chất lượng về AI? Xin cho biết cụ thế vị trí kỹ sư AI tại công ty bạn đang làm thì và yêu cầu ra sao với các ứng viên ạ?

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Chia sẻ những nguồn tham khảo kiến thức về AI, anh Nguyễn Hải Nam cho biết, nếu kỹ năng tự học của bạn tốt và chủ động, có thể tìm hiểu và tham gia các online MOOC nổi tiếng của Coursera, Udacity, Udemy, … hay các online course nổi tiếng của các trường đại học nổi tiếng như Standford, MIT, …

Hiện tại, có rất nhiều nguồn tham khảo chất lượng về AI. Nếu kỹ năng tự học của bạn tốt và chủ động, có thể tìm hiểu và tham gia các online MOOC nổi tiếng trên thế giới của Coursera, Udacity, Udemy, … hay các online course nổi tiếng của các trường đại học nổi tiếng như Standford, MIT, …

Nếu bạn muốn học tập với sự giúp đỡ của các mentor và có cơ hội thực hành với những project có tính thực tế và tính ứng dụng cao, có thể tham khảo khóa học DS, ML tại FUNiX. Chương trình của FUNiX vừa sử dụng nguồn học liệu là các MOOC chất lượng, vừa có các bài thực hành tương tự với các dự án thực tại doanh nghiệp, đồng thời có sự tham gia hướng dẫn của các chuyên gia đang làm việc thực tế.

Nguyễn Quốc Dũng –  09616812xx – quocdungxxx@gmail.com  – Hà Nội: 

Chào anh Thành. Anh có thể chia sẻ chút về khó khăn khi khởi nghiệp của mình để có được ngày hôm nay  không ạ?  

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Khó khăn khi bắt đầu của bọn mình khá lớn. 

Khó khăn đầu tiên bọn mình gặp phải nằm ở việc không có kinh nghiệm kinh doanh, vận hành doanh nghiệp, do đó vốn liếng dành dụm tiêu hết rất nhanh mà vẫn không cân bằng được dòng tiền cho công ty. Nhiều lúc đã đứng bên bờ vực giải thể, may mắn nhờ có các sáng lập viên khác tuy ngồi ở khắp nơi trên thế giới nhưng đã liên tục động viên, giúp đỡ, bọn mình mới có thể bước tiếp.

Các khó khăn khác chủ yếu đến từ đội ngũ nhân sự, bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp. Làm trong một lĩnh vực mới buộc bọn mình phải tự mày mò, khám phá những hướng phát triển mới, phải thử sai, sinh ra nhiều xung đột trong bộ máy lãnh đạo. Khi chưa có kinh nghiệm giải quyết xung đột, nhiều tình huống không mong muốn nảy sinh. Ngoài ra, làm việc trong lĩnh vực mới khiến bọn mình gần như không tuyển được nhân lực mà buộc phải đào tạo, ươm tạo từ các bạn sinh viên, mất một khoảng thời gian khá dài mới biến các bạn ấy thành nhân lực làm việc độc lập được.

Nguyễn Văn Thanh: 098968xxx – thanhvannguyenxx@gmail.com – Hà Nội

Chào anh Thành, học về AI mà chỉ học trên mạng liệu có đủ không ạ? Em thấy FUNiX có một số khóa học về AI, Blockchain Data Science, anh đánh giá như thế nào về các khóa học này nói riêng và mô hình đào tạo CNTT online của FUNiX nói chung ạ?  

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Theo quan niệm của mình, chỉ học là không bao giờ đủ. Phải học lại, học liên tục, trau dồi, bồi đắp, cập nhật kiến thức mới thì mới đủ kiến thức để theo đuổi ngành AI. Ngoài ra việc thực hành cũng quan trọng, nếu bạn có thể tự thực hành trên máy tính của mình thì rất tốt, nếu không thì nên tìm đến các doanh nghiệp đang có bài toán thực tế để tìm cơ hội thực tập, trau dồi kĩ năng. 

Theo mình các khóa học của FUNiX là tốt nhưng mọi khóa học dù tốt đến đâu cũng chỉ cung cấp nền tảng để người học có thể chủ động tiếp tục khám phá tri thức chứ không nên quan niệm học một khóa học là đã có thể dễ dàng làm việc kiếm tiền. 

FUNiX với chuỗi xSeries đã mở ra nhiều khóa học về các công nghệ đi đầu ngày nay, ngoài các chương trình học về phát triển ứng dụng cho ô tô (Automotive), Blockchain đã ra mắt, ngày 01/8, FUNiX vừa chính thức golive khóa học Data Science. Dự kiến, lớp học đầu tiên của khóa này sẽ khai giảng ngày 01/9/2019. Tiếp đó, ngày 1/10/2019 FUNiX sẽ khai giảng khóa học Machine Learning.

Nguyễn Văn Tuấn –  0941894xxx – tuanxxx@gmail.com – Đà Nẵng

Nam ơi ngoài kiến thức thì kỹ sư AI còn cần những kỹ năng gì?

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Ngoài kiến thức về AI, kỹ sư AI còn cần những cơ bản tương tự như tất cả các ngành nghề khác như:

– Kỹ năng ngoại ngữ: Tiếng Anh tốt sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những công nghệ/kiến thức mới nhất trong AI.

– Kỹ năng mềm: Các kỹ năng về quản lý công việc, giao tiếp, giải quyết vấn đề luôn luôn hữu ích và cần thiết trong công việc cá nhân cũng như làm việc nhóm.

– Các kỹ năng cơ bản khác về CNTT: Các kỹ năng về cloud computing, operating system, agile, oop. Các bạn có thể tìm hiểu và học tập những kỹ năng cơ bản này trong những khóa học/chương trình khác của FUNiX.

Trần Văn Hòa – 0975597xxx – tranhoaxxx@gmail.com – Hải Dương:

Chào các khách mời. Xin anh chia sẻ đôi lời khuyên giúp một người khá “dừ” tuổi trong ngành IT nhưng vẫn còn khá bối rối trước chủ đề Trí tuệ nhân tạo. Liệu có “đất sống” cho những người lớn tuổi như tôi khi muốn tìm cơ hội trong lĩnh vực này?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Theo tôi, chúng ta có thể quan niệm các mô hình Trí tuệ nhân tạo chỉ là một module trong việc phát triển các giải pháp phần mềm. Để đưa Trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống, người ta vẫn phải phát triển các phần mềm theo cách thức thông thường, phần AI trong đó chỉ như một module, một hàm mà thôi. Nếu anh không phải là kĩ thuật viên AI thì cũng không sao, anh vẫn có thể tham gia vào việc phát triển phần mềm ứng dụng AI như bình thường. Hãy coi AI cũng chỉ là một công đoạn, như công đoạn thiết kế vậy. Tin chắc anh sẽ tự tin hơn để tham gia vào ngành công nghiệp Trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và trên thế giới.

Đặng Tú Thanh – TPHCM – 0393662xxx – dangtuthanhsxxx@gmail.com: 

Nếu một bạn trẻ bắt đầu tự học về AI ở VN, theo anh 3 kỹ năng gì là cần thiết nhất để các bạn có thể theo con đường của anh?

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Theo anh Nam, 3 kỹ năng cần thiết để tự học AI ở Việt Nam là Kỹ năng ngoại ngữ, Kỹ năng về lập trình cơ bản, Kỹ năng về toán cao cấp.

Ba kỹ năng cần thiết để tự học AI ở VN là:

– Thứ nhất Kỹ năng ngoại ngữ (cụ thể là tiếng Anh): Hầu hết các kiến thức về AI tại thời điểm hiện tại đều được viết/ghi lại bằng tiếng Anh, một nền tảng tiếng Anh tốt sẽ giúp các bạn có thể học tập dễ dàng và tiết kiệm thời gian.

– Thứ hai Kỹ năng về lập trình cơ bản (cụ thể là Python): Hiện tại, Python là ngôn ngữ lập trình thông dụng nhất được các kỹ sư AI sử dụng do tính chất đơn giản và dễ dàng sử dụng. Bạn nên có kỹ năng cơ bản về Python trước khi bắt đầu tự học AI.

– Thứ ba Kỹ năng về toán cao cấp: Các bạn nên có nền tảng cơ bản về xác suất thống kê/ đại số tuyến tính/ giải tích. Kiến thức cơ bản về toán tốt sẽ giúp các bạn đi rất xa trong việc tìm hiểu các kiến thức sâu về AI.

Hoàng Minh – Hà Nội – 0989388xxx – minhhoangxx@gmail.com

Chào anh Thành. Cho em hỏi một câu ngoài lề chủ đề buổi tư vấn được không ạ: Em thấy thầy Nam chia sẻ về trang lietsy.org là do bên anh thực hiện. Trang thông tin rất có ý nghĩa và người thực hiện lại rất trẻ. Anh có thể chia sẻ vì sao anh lại thực hiện trang này không ạ? 

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Trang web của bọn mình là lietsi.com bạn ạ. Mình thực hiện dự án dựa vào nhu cầu tìm kiếm người thân là liệt sĩ của chính gia đình mình và vì nó là nhu cầu của rất nhiều gia đình khác nên nhanh chóng bọn mình có rất nhiều cộng tác viên cùng tham gia. Nếu không có các cộng tác viên, dự án lietsi.com không thể thực hiện được các mục tiêu đề ra, bản chất đây là dự án của hằng nghìn người chứ không phải của riêng bọn mình.

Lê Quang Đức – TPHCM – 0934 500 xxx – duclqfx01xxx@funix.edu.vn: 

1.Em quan tâm về lĩnh vực Data Science. Các diễn giả vui lòng cho em hỏi giữa Data Science và AI có mối liên hệ nào không và sức mạnh của AI có thể hỗ trợ/ thúc đẩy Data Science như thế nào? 

2.Lộ trình/ cách tiếp cận nào cho người mới bắt đầu với AI?

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

AI và Data Science là 2 ngành có mối quan hệ khá mật thiết với nhau. Có một chút sự khác biệt ở đây khi Data Science chủ yếu hướng các bạn đến việc sử dụng, giải quyết các bài toán và làm việc với dữ liệu, từ đó tìm ra các thông tin và giá trị hữu ích. Trong khi đó, AI nghiêng về việc sử dụng các thuật toán học máy và  giải thuật lập trình để tạo ra được những mô hình có thể làm tốt được các nhiệm vụ thay thế con người mà từ trước đến nay cần có tư duy của con người để có thể giải quyết được tốt. Ở một mức độ cao hơn, những mô hình AI thậm chí còn có thể giải quyết được những vấn đề phức tạp hơn mà tư duy của con người cần rất nhiều thời gian hoặc thậm chí rất khó khăn để có thể giải quyết được.

Để có thể giải quyết tốt các bài toán về DS, các thuật toán về học máy (Machine Learning) và AI là không thể thiếu. Trong khi đó, để tạo ra các mô hình tốt trong AI thì các kỹ sư cần có những kỹ năng làm việc, xử lý và sử dụng dữ liệu tốt.

Lộ trình dành cho mỗi người là rất khác nhau phụ thuộc vào kiến thức nền tảng của mỗi người và quỹ thời gian các bạn có thể dành cho AI. Nếu các bạn cần tư vấn thêm, có thể liên lạc với các chuyên gia bên FUNiX để nhận được những lời tư vấn phù hợp nhất với bản thân từ các kỹ sư có kinh nghiệm/chuyên gia trong ngành AI.

Nguyễn Hùng Tuân – 0989897xxx – tuan1xxx@gmail.com – Hải Phòng

Chào Nam. Theo bạn học AI có gì khó và dễ? Với dân CNTT thì người đang học chuyên ngành nào sẽ có lợi thế khi chuyển hướng sang AI?

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Học AI có gì khó và dễ?

Theo mình, để học bắt đầu học một kỹ năng mới và thay đổi nhanh như AI thì có một số vấn đề như sau:

  • AI yêu cầu  khá là nhiều kiến thức nền tảng về toán và lập trình cơ bản. Tuy nhiên, bạn có thể hoàn toàn tự học được những kiến thức này.
  • Hầu hết các tài liệu đều được viết và ghi lại bằng tiếng Anh, sẽ hơi khó khăn một chút cho bạn nào không có nền tảng tiếng Anh tốt.

Với dân CNTT thì kỹ năng lập trình cơ bản của các bạn thường ở mức khá/tốt, đây là một lợi thế rất lớn cho các bạn khi muốn chuyển hướng sang AI. Đối với các bạn học chuyên ngành về khoa học máy tính (computer science), sẽ có lợi thế hơn một chút khi các bạn học trong chuyên ngành này sẽ được đào tạo kỹ càng hơn các kiến thức về toán nói chung và thuật toán nói riêng.

Nguyễn Văn Tuấn – Nghệ Anh – 0943116xxx – tuannaxx@gmail.com

Đầu vào của các vị trí về AI có khác gì các vị trí lập trình viên bình thường không? Để có thể tham gia được vào các dự án AI thì em cần phải có những bằng cấp gì? Cảm ơn anh.

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Ở công ty InfoRe, bọn mình quan niệm tất cả các kĩ thuật viên đều là Kĩ sư phần mềm thế hệ 2.0, nghĩa là vừa biết phát triển các mô hình AI vừa nắm vững các kĩ thuật phát triển phần mềm thuần túy. Vì thế nếu nhân lực chỉ biết làm các mô hình AI thì phải học thêm về kĩ thuật phần mềm, nếu chỉ biết làm kĩ thuật phần mềm thì phải học thêm về AI còn chưa nắm được cả 2 thì phải học mọi thứ từ đầu. Hiện giờ bọn mình không quan tâm tới bằng cấp mà đánh giá các nhân sự dựa trên trách nhiệm, thái độ làm việc và khả năng tự học hỏi, tiến bộ. 

Nguyễn Đức Trường – Hà Nội – 0949331xxx – truongndse0039xx@funix.edu.vn: 

AI, Data Science thì hiện tại media truyền thông khá nhiều, em quan tâm tới các hệ thống hỗ trợ ra quyết định và tối ưu nguồn lực trong kinh doanh. Vậy cho em hỏi nhu cầu của ngành này ở VN có thực sự cao chưa ạ? Và cơ hội việc làm có đủ nhiều không, đặc biệt là những người mới tiếp cận AI và Data Science như em?

Anh Nguyễn Hải Nam – Trưởng nhóm R&D – ASILLA Việt Nam – tham gia xây dựng chương trình đào tạo Data Science – xSeries – FUNiX

Các hệ thống bạn đang quan tâm chính là phần hệ thống khuyến nghị (recommender system), một trong những mảng lớn trong Machine Learning. Hiện tại, các thuật toán RS được rất nhiều các công ty về media/truyền thông lớn trên thế giới sử dụng như Youtube, Netflix, vv…
Nhu cầu của ngành này trong VN hiện tại khá cao, vì các công ty về media/truyền thông của VN hiện giờ sử dụng rất nhiều các công cụ quảng cáo của Facebook/Google. Việc tối ưu lại thuật toán khuyến nghị và quảng cáo là một trong những công việc quan trọng. 

Cơ hội việc làm luôn dành cho những bạn có khả năng và chịu khó tìm tòi và học hỏi, mình tin rằng với việc chia sẻ kiến thức mạnh mẽ và rộng lớn như hiện nay thì bạn hoàn toàn có thể tiếp cận được với những kiến thức về AI/DS nói chung và trong mảng hệ thống khuyến nghị nói riêng. Bạn chỉ cần chăm chỉ, chịu khó và bắt đầu ngay từ hôm nay, cơ hội cho bạn là rất nhiều.

Lương Gia Huy – TPHCM – 0945611xxx – luong.huyx@gmail.com

Anh nhận định như thế nào về nghề AI (về mức lương, độ vất vả, cơ hội dài hạn…)? Đối tượng nào sẽ thích hợp cho việc học các công nghệ thuộc lĩnh vực AI?

Anh Lê Công Thành – Giám đốc Công ty CP Công nghệ Chọn lọc Thông tin (InfoRe):

Theo mình, còn quá sớm để nói tới thứ gọi là “nghề AI”. AI hiện tại vẫn là một lĩnh vực nằm trong nghề phát triển phần mềm mà thôi. Hiện giờ người có kiến thức về AI có nhiều cơ hội, điều kiện và được ưu ái hơn nhưng theo mình đó vẫn chỉ là xu hướng xã hội, sắp tới khi việc ứng dụng AI vào phần mềm dễ dàng hơn, ai cũng có thể tham gia làm AI được thì độ nóng của lĩnh vực này sẽ giảm đi. 

Hiện tại, AI là một ngành mới được xã hội quan tâm trở lại nên nền tảng của nó chưa thật sự vững chắc, những người học AI ở thời điểm này nên những người có khả năng tự học, tự bổ sung kiến thức để có thể bắt nhịp được với sự thay đổi chóng mặt của các kĩ thuật AI.

 

***

Với thời lượng hạn chế, song chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề “Bứt phá sự nghiệp thời 4.0 với công nghệ AI” do FUNiX thực hiện cũng đã kịp mang đến những thông tin cập nhật nhất về AI – công nghệ đang trong top soán ngôi đầu về tiềm năng phát triển cũng như trên thị trường tuyển dụng. Với những thông tin, kiến giải từ các diễn giả, hi vọng chương trình đã giúp tháo gỡ không ít thắc mắc của các bạn quan tâm đến chủ đề này. Và với những ai đang chưa biết bắt đầu từ đâu để nắm bắt những giá trị to lớn của AI, chúng ta đã ít nhiều có được câu trả lời cho mình.

Là đơn vị đào tạo trực tuyến đầu tiên của Việt Nam, hội tụ những chuyên gia công nghệ giỏi nhất với sứ mệnh đưa công nghệ thông và cơ hội học tập, làm việc trong ngành Công nghệ đến với mọi người, FUNiX đã sớm chuẩn bị và triển khai các hoạt động đào tạo về AI. Quý độc giả quan tâm có thể tìm hiểu thêm về các khóa đào tạo chuyên sâu của nhà trường như AI, Data Science, Blockchain… do FUNiX đã và đang triển khai.

Tổ chức giáo dục trực tuyến FUNiX

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!