Mentor FUNiX và hành trình tìm “Giấc mơ Mỹ”
Xuất thân trong gia đình lao động với học lực trung bình, anh Đinh Công Bằng (sinh tại Hà Nội) đã đạt được cơ hội làm việc và định cư tại Mỹ trong 20 năm qua. Trở thành mentor tại FUNiX, anh đem những kinh nghiệm và tâm huyết cá nhân chia sẻ với sinh viên FUNiX, giúp các bạn chuẩn bị được lộ trình đúng đắn cho con đường phát triển cá nhân.
- Hiểu rõ khó khăn của học viên là điều quan trọng nhất khi làm mentor FUNiX
- Cử nhân Cơ điện tử chuyển nghề lập trình viên sau 7 tháng học online
- Mentor Nguyễn Tuấn Minh không ngừng hoàn thiện để hỗ trợ học viên hiệu quả nhất
- Kỷ niệm cùng mentor, hannah của học viên Business Analyst
- Mentor Đào Duy Tùng: "Sự phát triển của học viên là nguồn động viên to lớn cho mentor"
Cậu sinh viên thích mày mò
Anh Đinh Công Bằng sinh ra trong một gia đình lao động, có bố làm công nhân. Anh vừa học vừa làm thợ hàn để phụ giúp gia đình, học lực cũng chỉ dừng ở mức trung bình suốt những năm phổ thông. Thi vào Khoa CNTT, Đại học Quốc Gia Hà Nội lần thứ hai mới đỗ, anh là người đầu tiên trong nhà có bằng cử nhân.
Nếu chàng trai trẻ Đinh Công Bằng có điểm nào đặc biệt, đó chính tiếng Anh rất tốt. Anh học tiếng Anh từ năm 14 tuổi, hầu hết thông qua băng đĩa, sách vở. Anh cũng tập nghe thời sự bằng tiếng Anh trên đài, dù mới đầu như “vịt nghe sấm”, nhưng cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần anh cũng hiểu nhiều hơn. Vốn tiếng Anh tốt đã giúp chàng trai trẻ có rất nhiều lợi thế tương lai.
Vào đại học, cậu sinh viên tích cực phát huy tính thích mày mò, lắp ghép vốn có từ những năm làm thợ hàn. Năm hai đại học, cậu “bắt’, rồi code lại một con virus máy tính lây nhiễm qua ổ mềm. Năm ba, cậu tự viết lại trò chơi xếp hình Tetris vốn đang làm mưa làm gió lúc bấy giờ. Năm bốn, cậu hoàn thành một ứng dụng cân và tính tuổi vàng để dùng trong các tiệm kim hoàn.
Thích mày mò, lại biết tiếng Anh, cậu tham gia các forum quốc tế về IT, đặt câu hỏi, rồi trả lời thắc mắc đến từ khắp nơi trên thế giới thế giới. Ý tưởng làm việc trong team quốc tế cũng bắt đầu từ đây.
Kiên định với con đường đã chọn
Tốt nghiệp đại học, không tìm đc việc làm đúng chuyên môn, chàng trai trẻ Đinh Công Bằng đành chấp nhận làm những công việc trái ngành: soạn thảo văn bản điện tử, hỗ trợ bán máy tính.. Dù bận rộn nhưng anh vẫn không quên tự học tiếng anh.
Một năm sau, sau khi thất bại ở nhiều công ty nước ngoài, cuối cùng anh cũng phỏng vấn thành công cho vị trí tư vấn kỹ thuật tại Oracle. Cũng trong khoảng thời gian này, đại học RMIT mở phân hiệu tại Việt Nam. Do ở trong số ít những người học đúng ngành, lại biết tiếng Anh, anh giành được học bổng Thạc sĩ toàn phần ngành Kỹ sư hệ thống.
Năm 1998, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khiến anh Bằng mất việc tại Oracle. Dù có cơ hội làm sale với thu nhập tốt, nhưng anh vẫn kiên định với con đường CNTT, lựa chọn làm việc chuyên môn cho các công ty Unisys, Getronics/Wang Global ở mức lương thấp hơn.
Học đại học ở trong nước, học thạc sĩ từ xa tại một trường của Úc, kinh nghiệm làm việc cho các hãng Mỹ ở Việt Nam – hồ sơ kinh nghiệm “chẳng giống ai” này đã giúp anh Bằng nhận được lời mời sang Mỹ vào năm 2000 để làm Tư vấn kỹ thuật Oracle cho Cummins – tập đoàn chuyên sản xuất động cơ và máy phát điện nổi tiếng của Mỹ.
Nhìn lại câu chuyện của chính mình, anh khuyên các bạn trẻ nên có một chiến lược lâu dài, đã lựa chọn thì đừng vì thất bại hay cám dỗ tạm thời mà bỏ ngang. Nếu ngày ấy anh chấp nhận lời mời làm sale, thì có lẽ đang không có một Đinh Công Bằng thành công của bây giờ.
Cuộc sống trên đất Mỹ
Hai năm đầu đến Mỹ, anh bôn ba làm tư vấn trong các dự án công nghệ liên quan đến cơ sở dữ liệu Oracle trên khắp đất nước. Đến 2002, để ổn định cuộc sống, anh quyết định làm việc cho chính phủ bang Florida trong lĩnh vực hình sự và gắn bó với công việc này đến tận bây giờ. Hiện tại anh đang tham gia vào một dự án tầm liên bang, trong đó các cơ quan trong hệ thống hình sự chia sẻ dữ liệu theo một chuẩn XML chung về phạm nhân, các vụ án, quá trình xét xử, nhân chứng, nạn nhân…
Mentor Bằng cho biết trong số các lĩnh vực CNTT tại Mỹ, ngành machine learning và data science hiện đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất. Cơ hội xin việc CNTT ở Mỹ cho người Việt có tăng lên so với trước đây, nhưng còn rất chậm, chủ yếu là do còn ít sinh viên Việt Nam du học sau đại học ngành này tại Mỹ. Mỗi năm Mỹ dành riêng đến 20 nghìn visa lao động chuyên gia cho sinh viên tốt nghiệp sau đại học ở lại làm việc. Tuy nhiên chỉ có 10% sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ đang học các chương trình sau đại học, trong đó chỉ có một con số rất nhỏ học về CNTT.
Anh Bằng cũng chia sẻ về các học bổng sau đại học, cụ thể là các học bổng cạnh tranh không chỉ bao gồm toàn bộ học phí mà cả lương (25,000 – 35,000 USD/năm) làm trợ lý giảng dạy hoặc nghiên cứu cho các giáo sư. Để đạt được những học bổng này cần phải có điểm TOEFL tốt, điểm GRE cạnh tranh, và có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, thể hiện qua các bài báo đăng đàn trên các hội thảo quốc tế hay tạp chí nghiên cứu. Vì vậy, anh khuyên các sinh viên Việt Nam muốn giành học bổng trau dồi vốn tiếng Anh và bắt tay vào làm khoa học thực sự càng sớm càng tốt. Nếu chưa có điều kiện làm ở đại học thì có thể làm ở cao học. Thực tế là nhiều sinh viên Việt Nam chọn con đường sang các nước khác học cao học trước khi đến Mỹ.
Có kinh nghiệm học từ xa và hiểu biết về một số giải pháp phần mềm dạy học trực tuyến của Mỹ, anh Bằng đến với FUNiX từ những ngày đầu tiên với vai trò tư vấn về giáo trình và hệ thống giảng dạy đại học từ xa. Anh cũng là người đánh giá kỹ năng với các mentor mới của FUNiX.
“Hỗ trợ giáo dục Việt Nam và các chuyên viên Việt Nam luôn là một động cơ thúc đẩy tôi. Tôi làm admin ở những nhóm đã và đang có những ảnh hưởng nhất định trong những lĩnh vực này. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và thông tin với những cá nhân và tổ chức ở Việt Nam.” – anh Bằng cho biết.
Vân Nguyễn
Bình luận (0
)