Giám đốc Game Studio Onesoft: Thị trường game là một “mỏ vàng”

Giám đốc Game Studio Onesoft: Thị trường game là một “mỏ vàng”

Góc nhìn 20/08/2021

Tại Hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ cho Cách mạng 4.0” diễn ra vào ngày 19/8, Giám đốc Game Studio hàng đầu ở Đông Nam Á Onesoft Phạm Quân nhận định thị trường game là một "mỏ vàng" với nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển ở quy mô toàn cầu. 

Tốt nghiệp Thạc sỹ tại Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moscow Bauman, Giám đốc Onesoft Phạm Quân (Phạm Hồng Quân) có hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý, vận hành và phát triển game và ứng dụng. Anh bắt đầu sự nghiệp với vai trò là một lập trình viên, sau 4 năm thành lập OneSoft cùng 4 người bạn, Công ty đã lớn mạnh không ngừng, năm 2018 được công nhận là công ty game có số lượt cài đặt cao nhất Đông Nam Á. Trong bài phát biểu chủ đề “Mobile Games – một mặt trận thầm lặng mà rất thành công” tại Hội thảo, anh Phạm Quân ví thị trường game như một “mỏ vàng”, có rất nhiều tiềm năng có thể khai thác ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, cũng cần có sự quan tâm của xã hội, đào tạo bài bản chính quy từ các trường đại học, đơn vị đào tạo để có đủ nguồn lực nắm bắt cơ hội này. 

1. Ngành game: Những con số ấn tượng 

Mở đầu bài phát biểu, Giám đốc Onesoft đã phác họa bức tranh toàn cảnh về thị trường ngành game với những con số rất ấn tượng: từ 2012 ngành game có tốc độ tăng trưởng gần 11% mỗi năm, riêng game mobile là 27%; tính đến 2021, game mobile chiếm đến 60% toàn ngành với doanh thu trên $100 tỷ. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đã tạo được dấu ấn không nhỏ: 5/10 game studio hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương là của Việt Nam; có studio lọt tốp 15 lượt tải toàn cầu, tương đương với sản phẩm của các Đại gia như Microsoft, Facebook.

Tại Việt Nam, lịch sử ngành game có thể chia thành 4 giai đoạn phát triển. Giai đoạn 1 trước năm 2014 chỉ mới manh nha một vài game studio có sản phẩm phục vụ thị trường quốc tế, trong khi store của Google Play và Apple đều chưa hoàn thiện. Giai đoạn 2 từ 2014-2018 chứng kiến sự bùng nổ về số lượng game sau hiện tượng Flappy Bird nhưng vấn đề chất lượng vẫn còn bỏ ngỏ. Từ 2018 đến nay là giai đoạn thứ 3 với sự cạnh tranh khốc liệt và việc thắt chặt về mặt chất lượng của các chợ ứng dụng, các game studio quy mô lớn tại Việt Nam được hình thành và bắt đầu đánh chiếm những bảng xếp hạng toàn cầu. Giai đoạn 4 – cũng là tương lai của ngành game, có thể được chiếm lĩnh bởi những dòng game mới như game Blockchain. 

2. Cạnh tranh nhân sự khốc liệt 

Mặc dù có sự phát triển bùng nổ như vậy, nhưng Giám đốc Onesoft cũng thừa nhận tại Việt Nam, ngành game vẫn chưa được xã hội khuyến khích, còn tồn tại nhiều quan niệm tiêu cực. Cũng chính bởi vậy mà các trường đại học không có đào tạo bài bản cho chuyên ngành này, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về kinh nghiệm và kỹ năng của đội ngũ nhân lực. Một số nguồn thống kê nhận định ngành game tại Việt Nam đang thiếu 20.000 – 30.000 nhân sự trong khi nguồn cung hầu như không đáng kế. Thời gian gần đây, sự hiện diện của những công ty quốc tế như Gameloft càng làm tăng sự khốc liệt trong cuộc cạnh tranh nhân sự giữa các game studio. 

Giám đốc Onesoft cũng cho biết thu nhập cho nhân sự ngành game, đặc biệt là ở các công ty phục vụ thị trường quốc tế, đang ở mặt bằng toàn cầu, cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác trong CNTT.  Vị trí tuyển dụng cũng rất đa dạng, không chỉ có công việc lập trình, mà còn có xây dựng kịch bản, hiệu ứng chuyển động, đồ họa, biên tập video… mang lại nhiều lựa chọn cho các bạn trẻ đam mê và yêu thích lĩnh vực này. 

Kết thúc bài phát biểu, anh Phạm Quân nhấn mạnh Việt Nam có cơ hội trở thành cường quốc phát triển game nếu có sự sự quan tâm thích đáng từ xã hội, sự đào tạo bài bản chính quy từ các trường đại học, đơn vị giáo dục. Đồng thời, anh cũng nhắn nhủ đến các bạn trẻ có đam mê với ngành game: “Hãy mạnh dạn lựa chọn ngành game, tham gia vào các công ty game tại Việt Nam để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Có rất nhiều điều thú vị, nhiều cơ hội về mặt tài chính, phát triển sự nghiệp đang chờ đợi các bạn.” 

Theo dõi bài phát biểu của Giám đốc Onesoft tại đây: 

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!