6 bước để trở thành một back-end developer thành công | Học trực tuyến CNTT, học lập trình từ cơ bản đến nâng cao

6 bước để trở thành một back-end developer thành công

Chia sẻ kiến thức 02/03/2022

Công việc back-end developer đang rất hot trên thị trường việc làm hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn 6 bước đơn giản để tự tin trở thành một back-end developer thành công

back-end developer

Back-end của một trang web là nơi diễn ra các hoạt động “hậu trường” để hỗ trợ các chức năng và tính năng quan trọng. Khi các tính năng và chức năng trong trang web ngày càng trở nên mạnh mẽ và phức tạp hơn theo thời gian, thì phần hỗ trợ của các trang web cũng cần phát triển theo. Đó là lý do công việc back-end developer đang rất hot trên thị trường việc làm hiện nay. Bài viết dưới đây sẽ mách bạn 6 bước đơn giản để tự tin trở thành một back-end developer thành công.

1. Tìm hiểu các khái niệm cơ bản về Back-End

Để theo đuổi con đường trở thành lập trình viên back-end, bạn cần nắm vững các kiến thức cơ bản dưới đây:

1.1 Functional Programming (Lập trình chức năng)

Lập trình chức năng hoặc lập trình thủ tục (procedural programming) là hai phương pháp tiếp cận thông thường dựa vào các hàm hay chỉ dẫn, còn được gọi là thủ tục, như những “viên gạch” để xây dựng nên các chương trình máy tính.

1.2 Object-Oriented Programming (Lập trình hướng đối tượng)

Lập trình hướng đối tượng là một cách tiếp cận sử dụng các đối tượng như là các “viên gạch” xây dựng các  chương trình thay vì các hàm. Những đối tượng này chứa các hàm và nhiều loại dữ liệu khác nhau. Phương pháp lập trình hướng đối tượng được biết đến như một sự thay thế cho kiểu lập trình chức năng.

Lập trình hướng đối tượng và lập trình chức năng đều là những khái niệm chính mà mọi back-end developer cần phải hiểu, bạn có thể học dần dần thông qua việc xây dựng dự án cá nhân riêng.

1.3 Algorithms (Các thuật toán)

Thuật toán là một tập hợp các chỉ dẫn, thường được diễn đạt bằng các thuật ngữ toán học, cho phép các chương trình máy tính hoạt động linh hoạt để phản hồi với các đầu vào, dữ liệu hoặc hành động nhất định. Phần lớn lập trình back-end xoay quanh việc sử dụng các thuật toán cả trong lập trình hướng đối tượng và lập trình chức năng.

1.4 Data Structures (Cấu trúc dữ liệu)

Cấu trúc dữ liệu là cách lưu trữ dữ liệu giúp chúng dễ dàng sử dụng với các thuật toán. Có một số kiểu cấu trúc dữ liệu khác nhau, mỗi kiểu đều có ưu và nhược điểm riêng.

Những khái niệm này thường được sử dụng trong một số ngôn ngữ lập trình mà bạn sẽ sử dụng trong quá trình phát triển back-end, vì vậy việc thành thạo chúng sẽ giúp bạn học ngôn ngữ lập trình dễ dàng hơn.

2. Học một ngôn ngữ lập trình:

back-end developer

Back-end developer có nhiệm vụ phát triển việc xây dựng mã (code) bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau. Nếu bạn đang phân vân chưa biết nên học ngôn ngữ lập trình nào, FUNiX sẽ liệt kê những loại ngôn ngữ phổ biến dành cho back-end developer dưới đây:

2.1 Java

Java được tạo ra bởi Sun Microsystems vào năm 1995. Java là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng và đa năng. Java Virtual Machine (Máy ảo Java) cho phép chạy các chương trình Java cũng như các chương trình khác được viết bằng các ngôn ngữ khác được biên dịch sang mã byte Java. Đồng thời, nó có khả năng quản lý một loạt các ứng dụng và tính năng trên các trang web động (dynamic websites)*.

*Dynamic websites: là một trang web có nội dung có thể thay đổi được. Người dùng có thể tương tác với trang web làm thay đổi nội dung hiển thị của nó mà không cần phải tải lại trang.

2.2 Ruby

Yukihiro Matsumoto đã tạo ra ngôn ngữ lập trình Ruby vào giữa những năm 1990. Đó là một ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng dễ học và dễ sử dụng. Một trong những điều tốt nhất về Ruby là nó có thể chạy trên cả Windows, Mac và Unix.

2.3 Python

Guido van Rossum đặt tên cho phát minh về ngôn ngữ lập trình là Python vào năm 1991, lấy cảm hứng sau khi tham gia chương trình truyền hình thực tế “Monty Python’s Flying Circus.” Python là một ngôn ngữ đa nền tảng, cấp độ cao với cú pháp đơn giản dễ học với cả người mới bắt đầu. Mặc dù Python nổi tiếng nhất về việc sử dụng trong phân tích dữ liệu, nhưng nó có các ứng dụng đa năng bao gồm lập trình back-end.

2.4 PHP

PHP: Hypertext Preprocessor (PHP), là một ngôn ngữ kịch bản (scripting language) mã nguồn mở phía máy chủ. Các phiên bản đầu tiên của PHP được tạo ra bởi một lập trình viên người Canada gốc Đan Mạch tên là Rasmus Lerdorf. Ngày nay, PHP được sử dụng phổ biến nhất trong phát triển web. Ví dụ: WordPress phần lớn được lập trình bằng PHP, vì thế đây là ngôn ngữ cần thiết bạn cần học để trở thành một back-end developer.

2.5 C ++

Bjarne Stroustrup đã thiết kế C ++ như một phần mở rộng của ngôn ngữ lập trình C, vì nó được gọi là “C with Classes”. C ++ bao gồm các đặc tính hướng đối tượng, lập trình tổng quát, chức năng,… Mặc dù ngôn ngữ lập trình C ++ (hay C) khá khó học nhưng nếu bạn nắm vững các kiến thức cơ bản được giới thiệu ở phần trước, bạn sẽ học nó rất nhanh

3. Học SQL 

back-end developer

Mặc dù về mặt kỹ thuật, SQL (Structured Query Language hay ngôn ngữ truy vấn dữ liệu) không phải là một ngôn ngữ lập trình, nhưng bạn cần học nó để biết cách quản lý cơ sở dữ liệu của các trang web động.

Mọi trang web động đều yêu cầu một cơ sở dữ liệu để hoạt động, nơi có thể lưu trữ tất cả thông tin từ hồ sơ người dùng đến các bài đăng trên blog. Vì thế việc biết cách làm việc với cơ sở dữ liệu trở nên quan trọng đối với mọi nhà phát triển back-end. SQL là ngôn ngữ quản trị cơ sở dữ liệu, nên bạn cần nắm vững kiến thức về nó để tự tin làm những công việc của một back-end developer.

4. Tìm hiểu các Back-End Frameworks

back-end developer

Các web development frameworks hỗ trợ tạo ra các cấu trúc và gói có thể tái sử dụng để tự động hóa và đơn giản hóa việc phát triển web. Mặc dù bạn nên học cách tạo mọi thứ từ đầu, nhưng trên thực tế bạn sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào các framework phát triển web.

Vì có khá nhiều frameworks nên bạn cần lựa chọn dựa vào ngôn ngữ back-end mà bạn đang sử dụng. Ví dụ: Laravel là một framework phổ biến cho PHP, Django cho Python, Ruby on Rails cho Ruby,…

5. Thực hành

back-end developer

Web development (xây dựng, phát triển website) là một lĩnh vực rất thực tế và cách tốt nhất để nắm chắc kiến thức là thử làm mọi thứ. Thực hành phát triển web không chỉ là cần thiết để giúp nắm vững kiến thức mà còn giúp bạn thể hiện kỹ năng của mình. Điều này đặc biệt quan trọng với một freelancer vì khách hàng tiềm năng sẽ muốn thấy bằng chứng về trình độ của bạn. 

6. Marketing bản thân

back-end developer

Thông thường các lập trình viên thường biết đến là những người có tính cách hướng nội và không hay PR bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn muốn được nhà tuyển dụng hay khách hàng tiềm năng chú ý, bạn sẽ cần tích cực mở rộng mạng lưới quan hệ (networking) và quảng cáo về bản thân. Dưới đây là một số gợi ý:

6.1 Thị trường trực tuyến và Nền tảng đăng tin tuyển dụng.

Các thị trường trực tuyến như Upwork hoặc Designhill kết nối những người lao động có kỹ năng với những người cần kỹ năng của họ. Thị trường này có tiếng là khá cạnh tranh, nhưng nếu bạn tự tin với kỹ năng cũng như sản phẩm dự án mình đã tạo trước đó, bạn sẽ dễ dàng nổi bật giữa đám đông và thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng.

Một giải pháp tương tự sẽ là lướt các nền tảng đăng tin tuyển dụng nổi tiếng như Indeed hoặc LinkedIn, nơi các cơ hội việc làm rộng mở và hấp dẫn.

6.2 Inbound Marketing

Nếu bạn không thích sự cạnh tranh mà muốn dành thời gian phát triển tự nhiên, Inbound Marketing* là cách làm tuyệt vời để thu hút khách hàng tiềm năng và chứng minh năng lực cá nhân. Bạn sẽ cần có một trang web và một chiến lược tiếp thị nội dung (content marketing strategy). Quy trình này bao gồm xuất bản các bài báo, bài đăng trên blog, video và các dạng nội dung khác có chất lượng cao để giáo dục, giải trí và cung cấp thông tin cho khách hàng tiềm năng.

Với tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) tốt, các trang web sẽ hiển thị trong các trang kết quả của công cụ tìm kiếm Google, thu hút lưu lượng truy cập và khách hàng tiềm năng.

*Inbound Marketing: chiến lược Marketing được thực hiện dựa trên việc tạo ra các giá trị hữu ích cho người dùng, nhằm mục đích giúp họ chủ động tìm đến sản phẩm của doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động tiếp cận, nuôi dưỡng, tăng tỷ lệ chuyển đổi trên các khách hàng này.

7. Bạn đã sẵn sàng trở thành một Back-end developer?

Tóm tắt lại bài viết trên, để trở thành Back-end developer, bạn sẽ cần học các khái niệm cơ bản như lập trình chức năng và hướng đối tượng, cấu trúc dữ liệu và thuật toán, một số ngôn ngữ lập trình back-end và các frameworks liên quan cũng như quản lý cơ sở dữ liệu. Bạn cũng nên tích cực thực hành và thử nhiều cách để marketing bản thân. 

Hy vọng bạn đọc sẽ áp dụng các bước trên để theo đuổi đam mê trở thành Back-end Developer Freelance thành công!

>>> Xem thêm các chủ đề hữu ích:

Khánh Huyền (theo Makeuseof)

https://www.makeuseof.com/steps-to-become-a-freelance-back-end-developer/

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN HỌC LẬP TRÌNH TẠI FUNiX

Bình luận (
0
)

Bài liên quan

  • Tầng 0, tòa nhà FPT, 17 Duy Tân, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  • info@funix.edu.vn
  • 0782313602 (Zalo, Viber)        
Chat Button
Chat với FUNiX GPT ×

yêu cầu gọi lại

error: Content is protected !!